Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Donald Trump có "giải được bài toán khó" về bán đảo Triều Tiên ?

Để đối phó được với Bắc Triều Tiên, phải hiểu được một số điều cần thiết và nếu mạnh tay trong khi lại thiếu lá bài chủ, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ khiến "bài toán" Bắc Triều Tiên ngày càng "khó giải".

korea1

Với tổng thống Mỹ Donald Trump, phương trình bán đảo Triều Tiên ngày càng khó giải. REUTERS/Carlos Barria

"Phương trình bán đảo Triều Tiên ngày càng khó giải" là tiêu đề bài viết trên chuyên mục Tranh luận và phân tích của báo Le Monde ngày 07/04/2017. Theo Philippe Pons, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thông tín viên của báo Le Monde tại Tokyo, bài toán bán đảo Triều Tiên ngày càng khó có lời giải đáp. Lý do là tổng thống Mỹ vừa thiếu hiểu biết về hồ sơ bán đảo Triều Tiên, vừa thiếu nhất quán. Ông từng tuyên bố trên tờ Financial Times là "sẵn sàng giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên nếu Trung Quốc không làm". Các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc bị Bình Nhưỡng cho là động thái chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng. Thêm vào đó, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 09/05 có thể dẫn tới sự thay đổi về chính sách đối phó của Seoul với Bình Nhưỡng. Và cuối cùng, có thể là Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới.

Mặc dù phát biểu của tổng thống Donald Trump trước cuộc gặp với đồng nhiệm Trung Quốc chỉ là mang tính khoác lác chứ không phải lời đe dọa thật sự, nhưng theo tác giả bài viết, điều đó cũng kích động bầu không khí vốn đã rất căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ đang gặp nhiều lùm xùm, còn cách thức Washington đánh giá nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lại không làm công chúng yên tâm. Ông Robert Gallucci, lãnh đạo đội ngũ chuyên gia đàm phán trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên năm 1994 cảnh báo "người dân Mỹ phải biết rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến mới về Triều Tiên".

Nếu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc gọi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một "nhân vật điên rồ" thì tác giả bài viết lại cho rằng Kim Jong-un không hề "điên rồ", đơn giản là cũng giống các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiền nhiệm, Kim Jong-un chỉ muốn bảo vệ chế độ Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên thâu tóm quyền lực bằng cách thanh trừng và hành quyết các nhân vật tinh hoa của Bình Nhưỡng. Dù đáng bị lên án, nhưng theo tác giả Philippe Pons, phương pháp trên không phải là "điên rồ" trong một chế độ độc tài như Bình Nhưỡng.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Châu Á, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập tới giải pháp quân sự nhưng Philippe Pons dẫn lời ông Christopher Hill, lãnh đạo về đàm phán của Mỹ trong thương lượng 6 bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Nga) đánh giá là không thể có giải pháp quân sự phù hợp trên bán đảo Triều Tiên vì nhiều lý do.

Cuộc tấn công phòng vệ trước có ít cơ may phá hủy ngay lập tức hệ thống hạt nhân rải khắp Bắc Triều Tiên. Và ngay cả nếu điều đó xảy ra, đòn đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ đầy chết chóc : dàn đại pháo của Bắc Triều Tiên - chỉ cách Seoul 50km - sẽ nhấn chìm thủ đô Hàn Quốc trong biển lửa và máu. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và các nhà máy điện hạt nhân ở ven biển Nhật Bản cũng sẽ thành mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng. Và chắc chắc các đồng minh Tokyo và Seoul cũng sẽ không tán thành giải pháp tấn công quân sự của Hoa Kỳ. Còn Trung Quốc đương nhiên sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên.

Theo tác giả Philippe Pons, Washington chỉ còn có hai khả năng : hoặc là tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng lần thứ n, hoặc là đàm phán lại với Kim Jong-un.

Về khả năng thắt chặt lệnh trừng phạt, chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được đồng thuận. Khi Mỹ đổ thừa trách nhiệm cho Trung Quốc về việc các biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả, điều này có nghĩa là Washington không tin tưởng rằng Bắc Kinh có cùng mục tiêu. Về phía Trung Quốc, dù có phản đối các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Tập Cận Bình cũng không bao giờ muốn chế độ Kim Jong-un mất ổn định vì nếu chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ và Hàn Quốc thống nhất được bán đảo Triều Tiên thì quân đội đồng minh của Mỹ, thậm chí là lực lượng quân sự của Mỹ sẽ hiện diện ở sát biên giới Trung Quốc.

Về giải pháp đàm phán lại với Bắc Triều Tiên, nếu diễn ra vào những năm 1990, rất có thể Washington sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân để đổi lấy an ninh và trợ giúp về kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Iraq đã làm cho giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiểu được rằng cách duy nhất để không rơi vào vết xe đổ của Iraq là phải tăng cường sức mạnh tấn công quân sự. Vì thế, cựu giám đốc tình báo Mỹ James Clapper từng thừa nhận : "Kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã thất bại".

Philippe Pons nhận định, để đối phó được với Bắc Triều Tiên, phải hiểu được ba điều : nhà lãnh đạo Kim Jong-un không điên rồ, chế độ Bắc Triều Tiên không phải đang sụp đổ và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân. Washington cùng các đồng minh Tokyo và Seoul nghĩ rằng có thể ép Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bằng cách đe dọa trừng phạt các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Còn tạm thời, Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên lập trường : vừa ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, vừa yêu cầu Washington, Tokyo và Seoul ngưng tập trận chung.

Tác giả bài viết kết luận là nếu mạnh tay trong khi lại thiếu lá bài chủ, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ khiến "bài toán" Bắc Triều Tiên ngày càng "khó giải".

Bầu cử tổng thống Pháp : Chương trình kinh tế của các ứng viên

Về thời sự nước Pháp, chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử tổng thống 2017, các nhật báo Pháp dành nhiều trang bài cho chiến dịch tranh cử của các ứng viên François Fillon, Emmanuel Macron, Marine Le Pen, Benoit Hamon và Jean-Luc Mélenchon.

Đáng chú ý nhất là báo kinh tế Les Echos với loạt bài đánh giá, so sánh các chương trình kinh tế của 5 ứng viên tổng thống nói trên. Trên trang nhất, Les Echos chạy hàng tít lớn : "Bầu cử tổng thống : chi phí thực sự cho những lời hứa của các ứng cử viên". Nhật báo kinh tế dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức tư vấn Montaigne cho biết chương trình kinh tế mà cả năm ứng viên nói trên đề xuất đều không tiết kiệm được nhiều tiền cho Nhà nước như họ nói vì có phát sinh những chi phí mới.

Chẳng hạn, ứng viên Fillon và Macron tuyên bố chính sách kinh tế của họ sẽ cho phép tiết kiệm được lần lượt là 100 tỉ euro và 60 tỉ euro, nhưng theo tổ chức tư vấn Montaigne, con số trên thực tế sẽ chỉ là 60 tỉ euro cho kế hoạch của Fillon và 35 tỉ euro cho chương trình của Macron. Đề xuất về kinh tế của những ứng viên còn lại còn khiến tổ chức Montagne lo ngại hơn nữa. Phát sinh cho chương trình của Benoit Hamon và Marine Le Pen lần lượt là 100 tỉ và 200 tỉ euro. Còn chương trình kinh tế của ứng viên Jean-Luc Mélenchon sẽ khiến dân Pháp sẽ phải đóng thêm 85 tỉ euro tiền thuế.

Ở các trang bên trong, Les Echos cho biết ứng viên cánh hữu François Fillon của đảng Những Người Cộng Hòa bị phê phán là "quá lạc quan về chương tình kinh tế mà ông đề xuất". Ứng viên tự do Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước được đánh giá là "đáng tin cậy nhất để vực dậy nền kinh tế Pháp". Nhưng Jean-Luc Mélenchon, ứng viên cực tả, đại diện cho phong trào Nước Pháp Bất Khuất mới là chính trị gia được người dân Pháp yêu thích nhất, với tỉ lệ được lòng dân là 51% (theo thăm dò dư luận Elabe), trong khi đối thủ Emmanuel Macron chỉ được 44%.

Còn tờ báo thiên tả Libération lại hướng độc giả tới chính sách đối ngoại của 5 ứng viên nặng ký. Trong bài viết dài 2 trang rưỡi, Libération giới thiệu bài phỏng vấn cố vấn của các ứng viên tổng thống về chính sách đối ngoại của 5 ứng viên này, liên quan tới các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, chính sách nhập cư, quốc phòng, đoàn kết quốc tế và hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Pháp : Airbnb "đại thắng" bất chấp ngành du lịch khủng hoảng

Vẫn tại Pháp nhưng liên quan đến dịch vụ nhà nghỉ khách sạn, báo Le Monde nhận định "Airbnb "thắng lớn" bất chấp ngành du lịch khủng hoảng".

Bị các khách sạn cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh, bị nhiều thành phố quy trách nhiệm về việc thiếu nhà cho thuê vào mục đích sinh hoạt, Airbnb vẫn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công tại Pháp. Nhật báo Le Monde cho biết là dù lượng du khách tới Pháp đã giảm 2 triệu người trong năm 2016, số người đăng ký dịch vụ cho thuê phòng và số khách du lịch thuê phòng nghỉ trên trang Airbnb vào năm ngoái đã tăng gấp đôi so với năm 2015. 

Paris là thị trường lớn nhất của Airbnb, vượt cả New York và Luân Đôn. Nhưng điều làm nên thành công cho Airbnb tại Pháp lại chủ yếu là sở thích đi nghỉ cuối tuần của người dân Pháp : 59% khách hàng của Airbnb là người Pháp. Thêm vào đó, phải nói tới việc Airbnb có mạng lưới nhà nghỉ cho thuê rộng khắp trên toàn nước Pháp, từ trung tâm thành phố tới ngoại ô, từ nông thôn tới vùng núi. Hiện nay, mạng lưới này hiện diện tại 19.000 thành phố lớn, nhỏ, 70% số đó là các thành phố dưới 2.000 dân.

Mỹ : Ai là người loại Steve Bannon khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc gia ?

Chuyển sang thời sự nước Mỹ, trước thông tin ông Steve Bannon, một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống Mỹ không còn là thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia, nhật báo Le Figaro đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Ai là người loại Steve Bannon khỏi Hội đồng An ninh quốc gia ?".

Nhà báo Guillaume Gendron khẳng định chính ông Steve Bannon là người đầu tiên tự loại mình ra khỏi Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ. Cựu chủ nhân trang Breibart News theo xu hướng cực hữu đã đưa ra những lời cáo buộc nhắm vào bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Barack Obama. Sau đó, Steve Bannon lại cáo buộc cố vấn an ninh quốc gia Micheal Flynn liên quan tới đại sứ Nga tại Mỹ dẫn đến việc Micheal Flynn phải từ chức. Còn sau đó thì… theo lời mỉa mai của Le Figaro, Steve Bannon không còn việc gì phải làm ở Hội đồng An ninh quốc gia nữa.

Nhân vật thứ hai khiến Steve Bannon phải ra đi, theo Le Figaro, là tướng McMaster, người thay Micheal Flynn lên làm cố vấn an ninh cho tổng thống Donald Trump. Theo tướng McMaster, người rất được lòng giới quân nhân, Hội đồng An ninh quốc gia không có chỗ cho Steve Bannon.

Nhân vật thứ ba là Jared Kushner, con rể tổng thống Mỹ, người được ví là "ngoại trưởng thứ hai của Hoa Kỳ". Theo Le Figaro, đối với chàng rể của Donald Trump, Steve Bannon và các đồng minh của ông này đã làm mất uy tín của tổng thống.

Giả thiết cuối cùng của Le Figaro : chính tổng thống Donald Trump, phật ý khi cố vấn Bannon lại được truyền thông gọi là "tổng thống Bannon", đã tìm cách giảm nhẹ vai trò và ảnh hưởng của nhân vật này.

Bulgaria bị Tòa án Châu Âu xét xử về ô nhiễm không khí

Trên lĩnh vực môi trường, Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu bị tòa án Châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí. Theo Le Monde, chính phủ Bulgaria thanh minh là điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khiến các giải pháp giảm khí thải gây ô nhiễm không khí không đạt kết quả như mong muốn.

Hai nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại Bulgaria là từ hệ thống sưởi và giao thông đường bộ. Chẳng hạn, do đời sống khó khăn, vào mùa đông, than và củi là hai nhiên liệu chủ yếu được người dân Bulgaria dùng để sưởi ấm, nhưng lại phát thải nhiều khí độc hại. Tuy nhiên, các lý lẽ này không thuyết phục được các thẩm phán của Liên Hiệp. Tòa án Châu Âu đã yêu cầu Bulgaria khẩn cấp đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nếu không Bulgaria sẽ phải chịu các án phạt nghiêm khắc về tài chính.

Năm 2015, Ý đã bị Liên Hiệp Châu Âu phạt 20 triệu euro liên quan đến xử lý rác thải và nếu chậm áp dụng luật xử lý rác thải sẽ bị phạt thêm 120.000 euro/ngày. Cũng vào năm 2015, Hy Lạp đã phải nộp phạt 10 triệu euro cho Châu Âu và nộp thêm 3,64 triệu euro/quý vì áp dụng chậm quy định của Châu Âu về xử lý nước thải sinh hoạt ở đô thị.

Phát ngôn viên phụ trách về môi trường của Ủy Ban Châu Âu cho Le Monde biết là khoản tiền phạt được tính căn cứ vào ba yếu tố : mức độ vi phạm quy định, khoảng thời gian vi phạm và điều kiện kinh tế của quốc gia đó tính dựa theo tổng thu nhập quốc nội.

Bà Louise Duprez, phụ trách về mảng ô nhiễm không khí của Cơ quan Môi trường Châu Âu cho biết hàng năm ô nhiễm không khí đã khiến 400.000 người dân của Liên Hiệp Châu Âu chết sớm. Vì thế, việc Bulgaria bị Tòa án Châu Âu xét xử đã làm các tổ chức bảo vệ môi trường rất hài lòng.

Nhật Bản : Dư thừa việc làm, thiếu hụt nhân lực

Liên quan tới kinh tế-xã hội, báo kinh tế Les Echos có bài "Khi Nhật Bản thiếu người thất nghiệp". Theo thống kê vào tháng 02/2017, tỉ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản đã giảm xuống còn 2,8%. Nói cách khác, Nhật Bản đã bước vào giai đoạn thiếu hụt nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ, công nghiệp.

Nhiều nhà hàng vốn có truyền thống kinh doanh 24/24 giờ đã phải đóng cửa ban đêm với lý do là không tìm được đủ nhân viên phục vụ. Ông Ryutaro Kono, phụ trách nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP Parisbas tại Tokyo nhận xét là bây giờ bất cứ ai muốn làm việc đều có thể tìm được việc làm nếu không đòi hỏi quá cao về điều kiện làm việc và thu nhập.

Thùy Dương

Published in Quốc tế