Tổng thống Trump thăm nạn nhân bang Texas và Lousiana (RFI, 02/09/2017)
Ngày 02/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đến Houston (Texas) và Lake Charles (Louisiana) thăm các nạn nhân tại những vùng bị lụt do cơn bão Harvey, với thiệt hại được ước tính khoảng từ 30 và 100 tỷ đôla.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, phu nhân cùng phó tổng thống Mike Pence ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng do bão Harvey gây nên. Ảnh ngày 01/09/2017. Reuters
Cơn bão Harvey, đã khiến 42 người chết, hiện đã giảm cường độ để trở thành "áp thấp nhiệt đới" theo thông báo của Trung tâm Quốc gia về bão. Nhưng hiện giờ, theo hãng tin AFP, nước rút đi rất chậm, cho nên hàng chục ngàn người vẫn phải sống trong các trung tâm tiếp đón khẩn cấp.
Những người có thể trở về nhà thì đã chứng kiến mức độ tàn phá của trận lụt khiến nhà của họ bị ngập nước tới cửa sổ hoặc cao hơn nữa. Rất nhiều xe hơi bị ngập tới nóc, hoàn toàn không thể sử dụng được nữa, trong khi đây là phương tiện di chuyển thiết yếu đối với dân Mỹ.
Trong khi đó, cuối ngày hôm qua, tại nhà máy hóa chất Arkena lại xảy ra hỏa hoạn, khói đen bốc lên từ nhà máy này được xem là rất nguy hiểm, cho nên cư dân trong khu vực đã được di tản.
Nhưng tại Houston, cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường : điện được tái lập, các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại... Tuy vậy, thống đốc (Cộng Hòa) bang Texas Greg Abbot cho rằng phải mất rất nhiều năm để bang này thật sự trở lại cuộc sống bình thường như trước cơn bão.
Nhà Trắng vừa cho biết là sẽ yêu cầu Quốc Hội tháo khoán khẩn cấp 7,9 tỷ đôla để trợ giúp các nạn nhân bão Harvey. Theo chính phủ Mỹ, hơn 100 ngàn hộ gia đình bị thiệt hại do cơn bão này.
Thanh Phương
*********************
Bão Harvey : Tổng thống Trump và biến đổi khí hậu (RFI, 01/09/2017)
Sau bang Texas, đến lượt bang Lousiana phải đối mặt với lụt lội vì mưa lớn từ cơn bão Harvey, hoành hành từ ngày 25/08/2017. Tổng thiệt hại về tài sản được ước tính từ 30 tỉ đến 100 tỉ đô la. Hiện có 33 người thiệt mạng vì bão, con số này ít hơn nhiều so với 1.836 người chết trong cơn bão Katrina, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và liên bang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nghe báo cáo về hoạt động cứu trợ nạn nhân bão Harvey, tại Corpus Christi, Texas, ngày 29/08/2017. Reuters/Carlos Barria
Khác với người tiền nhiệm Cộng Hòa Georges W. Bush, tổng thống Donald Trump đã không đánh giá thấp cơn bão Harvey và nhanh chóng đến vùng bị thiên tai để chia sẻ và động viên người bị nạn và lực lượng cứu trợ. Là người luôn nghi ngờ về biến đổi khí hậu, tổng thống Donald Trump nghĩ gì về cơn bão Harvey, có sức tàn phá hơn do nhiệt độ trên vịnh Mexico cao hơn rất nhiều vì hiện tượng trái đất nóng lên ?
Theo xã luận của nhật báo Le Monde (01/09/2017), dù ông Donald Trump tỏ ra sốt sắng xử lý khủng hoảng và nhanh chóng bình luận trên mạng xã hội Twitter về cơn bão Harvey, song vẫn có nhiều thắc mắc chính đáng xung quanh chính sách xử lý thiên tai của người đứng đầu Nhà Trắng.
Trước hết, chính ông Trump, ngày 15/08/2017, đã hủy một sắc lệnh của người tiền nhiệm Barack Obama, nhằm cấm sử dụng ngân sách liên bang để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng có nguy cơ lụt lội. Vậy tổng thống Mỹ sẽ phải ra các chỉ thị nào để khôi phục các khu vực bị tàn phá ?
Thực vậy, tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng tuyên bố muốn giảm bớt ngân sách của cơ quan đặc trách khắc phục thiên tai và các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để ưu tiên đầu tư các dự án khác, như tăng cường ngân sách cho quân sự và xây một bức tường dọc biên giới với Mexico. Liệu sau cơn bão Harvey, tổng thống Mỹ có giảm bớt chi phí cho hai dự án này không ?
Tiếp theo, phải nhắc đến sự im lặng của tổng thống Donald Trump về việc xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu. Dù các chuyên gia tỏ ra thận trọng về sự tương quan chặt chẽ giữa một hiện tượng tự nhiên như bão Harvey với việc trái đất nóng lên, nhưng riêng tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ ẩn ý nào trong những lời bình luận về cơn bão.
Thái độ im lặng của người đứng đầu Nhà Trắng không khiến ai ngạc nhiên. Ngày 04/08/2017, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris 2015, còn tổng thống Mỹ thì không ngừng ca ngợi "than sạch tuyệt vời". Ông Trump vẫn duy trì thái độ nghi ngờ về hiện tượng biến đổi khi hậu và nín lặng trước những hậu quả thiên tai tại Hoa Kỳ.
Thực ra, quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của tổng thống Mỹ mang tính chính trị vì ông muốn chứng minh cho những người ủng hộ là đã giữ lời hứa lúc tranh cử. Trong khi đó, khả năng "tái cam kết" không bị tổng thống Donald Trump ngăn chặn, như nội dung bài diễn văn ngày 01/06, trong đó ông vừa gay gắt lên án hiệp định khí hậu vừa đề xuất "đàm phán lại".
Nhà Trắng hiểu được các hạn chế của mình vì phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đã được cựu tổng thống Obama phê chuẩn. Có nghĩa là tổng thống Donald Trump chỉ có thể khởi động tiến trình rút khỏi hiệp định COP 21 sau thời hạn ba năm kể từ ngày văn bản này bắt đầu có hiệu lực. Nói một cách khác, ông không thể rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu trước tháng 11/2019.
Có lẽ cơn bão Harvey, hơn bao giờ hết, mang lại một bài học cần thiết cho chính phủ Mỹ để người dân Houston không trở thành những người lưu vong vì khí hậu. Thái độ nghi ngờ về biến đổi khí hậu không thể nào ngăn cản mực nước dâng lên.
Thu Hằng
Hình ảnh cảnh sát Mỹ cứu mẹ con gốc Việt trở thành biểu tượng trong bão Harvey
Hình ảnh một thành viên của lực lượng tinh nhuệ Mỹ bế một phụ nữ gốc Việt cùng đứa con nhỏ của chị trên tay ra khỏi khu vực ngập lụt ở Houston đã lan truyền rộng rãi trên mạng trong những ngày qua, và trở thành một biểu tượng đẹp về sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan thi hành pháp luật Mỹ đối với các nạn nhân trong cơn hoạn nạn.
Cảnh sát đội SWAT của Houston Daryl Hudeck giải cứu Catherine Pham and con trai 13 tháng tuổi của cô ra khỏi vùng lụt của cơn bão nhiệt đới Harvey quét qua Houston hôm 27/8. Hình ảnh này đã lan tải nhanh chóng trên toàn thế giới vì biểu tượng của sự chống trọi với cơn bão được coi là tàn khốc nhất trong thập niên qua.
Hình ảnh mà nhiều người cho là "rất cảm động" được phóng viên AP David Philip ghi vào ống kính hôm chủ nhật 27/8.
Ảnh chụp Daryl Hudeck, thành viên của đội SWAT Houston, đang giải cứu 2 mẹ con chị Catherine Pham qua khu vực lụt đến ngang đầu gối giữa lúc bão Harvey đang hoành hành dữ dội ở Houston. SWAT, ‘Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt’, là một đơn vị ưu tú trong các cơ quan thi hành pháp luật Mỹ.
Phóng viên của nhật báo Tin tức Dallas Buổi sáng Luis DeLuca cũng đã ghi lại được khoảnh khắc trong đó đứa con trai 13 tháng tuổi của chị Catherine, Aidan Pham, đang ngủ trong vòng tay của mẹ khi được giải cứu. Hình ảnh đó được mọi người cho là đã làm "ấm lòng" người trong bối cảnh các nạn nhân đang vật lộn giữa sự sống và cái chết giữa cơn bão tàn khốc nhất từng xảy ra ở Texas trong nhiều thập kỷ qua.
Tờ Dallas News dẫn lời cha của Aidan, Troy Phạm, nói con của anh ngủ ngoan bởi vì Aidan biết rằng nó được an toàn. Tấm ảnh được đăng trên trang nhất của tờ báo này số ra ngày thứ Hai 28/8 sau dó được lan truyền trên khắp thế giới.
Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi vợ chồng chị Catherine không kịp hỏi địa chỉ liên lạc của vị ân nhân đã cứu mình, bởi vì anh Hudeck ngay sau đó phải đi cứu người khác trong khi toàn khu vực bị ngập lụt.
Chị Catherine và anh Troy Phạm sau đó viết trên trang Facebook cá nhân, gửi lời cám ơn tới thành viên SWAT đã cứu gia đình mình trong khi cả gia đình bị kẹt trên tầng 2 của ngôi nhà của họ ở khu vực phía tây thành phố Houston.
Linh mục Thomas Trần Thiên Ân thuộc giáo xứ La Vang cho rằng hình ảnh này cho thấy con người giúp đỡ nhau bất chấp sắc tộc và màu da, trong khi đây là một vấn đề đôi khi gây chia rẽ sâu xa trong nước Mỹ.
"Đó là một hình ảnh rất đẹp", linh mục Thiên Ân nói. "Qua hoạn nạn mới thấy tình người nhiều hơn. Cuộc sống bình thường ở nước Mỹ khi nghĩ rằng người ta thờ ơ, người ta kỳ thị v.v. nhưng thực ra không phải là như vậy. Khi gặp hoạn nạn, họ đều coi mọi người như nhau, họ đều rất trân trọng, họ sẵng sàng ẵm bế mình và giúp đỡ mình".
Giáo xứ La Vang là nơi đã đón gần 100 người lâm vào cảnh không nhà trong cơn bão Harvey. Linh mục Thiên Ân cho biết nhà thờ không chỉ đón người Việt mà cả những người thuộc các cộng đồng khác kể cả Mỹ và người gốc Latinh. Theo lời linh mục Thiên Ân thì nhà thờ mở cửa đón tất cả những người cần được giúp đỡ.
Lực lượng cứu hộ của chính phủ và quân đội đã đóng góp rất nhiều trong những ngày qua ở Houston, theo anh Kevin Nguyễn, một cư dân ở đây. Anh nói với VOA rằng hình ảnh của một nhân viên công lực giúp đỡ hai mẹ con người Việt đã đoàn kết mọi người và động viên họ giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn.
Người dân đi thuyền để sơ tán khỏi khu vực lũ lụt khi trận bão Harvey quét qua khu vực phía tây của Houston, Texas, hôm 30/8.
"Khi nhìn thấy hình ảnh đó của một người lính quân đội giúp đỡ như vậy thì nó tạo nên cho tất cả mọi người một ý chí để muốn giúp người khác hơn", theo anh Kevin. "Nó tạo thêm cho những người khác có tinh thần để giúp đỡ những người khác hơn. Khi nhìn thấy những hình ảnh như vậy, người ta cũng thấy là tại sao người ta giúp được mà mình không giúp được, thì những người đó sẽ đứng lên ra đường và giúp đỡ người khác".
Kevin Nguyễn đang cùng một nhóm hơn 20 người Việt ở Houston tình nguyện tham gia công tác giúp đỡ những người khác trong khu vực gặp nạn. Nhóm của anh và nhiều người khác chia sẻ thông tin liên lạc, qua trang Facebook của cộng đồng người Việt ở Houston, tiểu bang Texas nơi có số lượng người Việt sinh sống nhiều thứ nhì ở Hoa Kỳ, sau California.
Tất cả những sự giúp đỡ này đều miễn phí.
"Có những người đang nhà cao cửa rộng nay chịu cảnh màn trời chiếu đất thì họ cũng phải sẵn sàng chui vào những chỗ ở tệ hại và những người có cơ hội giúp những người khác thì họ chạy xe đến và làm miễn phí hết. Rất ấm lòng", linh mục Thiên Ân nói với VOA.
Linh mục Thiên Ân cho biết nhóm này giúp bằng nhiều cách từ đồ ăn thức uống tới quần áo và thậm chí nơi tạm trú. Nhiều người trên trang Facebook Người Việt Houston đã tình nguyện chia sẻ chỗ ở của mình với những người bị mất nhà trong cơn bão.
Chị Hoàng Vân, một cư dân khác của Houston, đang giúp đỡ mọi người bằng cách cung cấp lương thực miễn phí cho các nạn nhân của bão Harvey.
"Nhà nào cũng thiệt hại", theo chị Vân. "Những người may mắn hơn giúp những người kém may mắn hơn mình và cái mà họ cần nhất bây giờ là đồ ăn và nước uống vì họ không đi ra ngoài được".
Sau khi hoành hành tại bang Texas, bão Harvey đang di chuyển về miền đông về hướng tiểu bang Lousiana, nơi mà cách đây 12, đã trải qua trận bão lịch sử Katrina, đã cướp đi hơn 1.800 sinh mạng.
Nguồn : VOA, 30/08/2017
************************
Trong cuộc chiến Việt Nam (1960-1975), ngoài những cảnh đẫm máu của chiến tranh quân đội Mỹ đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, đầy tình người và... cũng không cần một lời giải thích.
Cứu trẻ em trong trận Tết Mậu Thân tại Huế, 1968 - Tấm hình này đã được giải nhiếp ảnh chiến trường cao nhất
Bế một mẹ già ra khỏi vùng chiến trận
Di tản trẻ sơ sinh ra khỏi vùng chiến trong trận Têt Mậu Thân ở ngọai ô Sài Gòn
Giúp một bà mẹ đưa hai con thơ ra khỏi vùng chiến ở Quảng Nam
Giúp đưa một thương binh miền Nam ra khỏi vùng tranh chấp trong trận Mậu Thân Huế, 1968