Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ cố không để bí mật của F-35 rơi vào tay Nga và Trung Quốc (BBC, 15/04/2019)

Mỹ và Nhật Bản đang triển khai một lượng tài nguyên chưa từng thấy, để tìm kiếm mảnh vỡ của chiến đấu cơ F-35 có khả năng đảo lộn vị trí ưu thế của không quân nếu Nga hoặc Trung Quốc tìm thấy trước, theo Asia Nikkei Review.

f1

Nhật Bản đã tạm ngừng bay 12 chiến đấu cơ F-35 còn lại

Kể từ khi chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Nhật sản xuất biến mất khỏi radar ngoài khơi Nhật Bản hôm thứ Ba, lực lượng phòng không Nhật Bản và quân đội Mỹ đã gửi nhiều máy bay và tàu đến cuộc tìm kiếm đang diễn ra ở Thái Bình Dương, tìm kiếm mảnh vỡ, và phi công, thiếu tá Akinori Hosomi, hiện vẫn đang mất tích.

Chiến đấu cơ F-35 tàng hình mới bị mất tích của Nhật Bản chứa đựng công nghệ tiên tiến, đóng vai trò quan trọng trong lá chắn phòng thủ tên lửa, được xem là có thể hoạt động như một máy dò tìm và định vị hiệu suất cao trên không.

Mỹ đã đặt mức độ ưu tiên chưa từng thấy trong vụ rớt máy bay này. Điều đó là vì F-35 dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Thật vậy, vụ chiến đấu cơ F/A-18 bị rơi sau khi va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu KC-130 Hercules ngoài khơi Nhật Bản vào tháng 12, khiến sáu người trên máy bay thiệt mạng, đã không thúc đẩy cuộc tìm kiếm trên diện rộng như với F-35.

F-35, được hãng Lockheed Martin chế tạo, là thế hệ máy bay mới nhất được phát triển sau khi Washington đầu tư nhiều năm và hàng tỷ đôla cho nghiên cứu.

Chiến đấu cơ này dự kiến sẽ thực hành nhiều nhiệm vụ cho Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc và các đồng minh khác trong vài thập niên tới. Nhưng chính vì khả năng được sử dụng trong việc phòng thủ tên lửa, nhờ hệ thống radar hiệu suất cao đã khiến F-35 thu hút sự chú ý nhất.

F-35, được điều khiển bởi phi công Nhật Bản và Mỹ, có thể ở vị trí chờ sẵn sàng để phát hiện và bắn hạ tên lửa đạn đạo trong giai đoạn kích hoạt ban đầu, khi tên lửa ở tốc độ chậm nhất.

Khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo trên không trung sẽ không chỉ đóng vai trò phòng thủ chống lại các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên, mà còn có thể tăng cường sự phòng không trong việc chống lại Nga.

Được theo dõi tìm hiểu kỹ lưỡng

Giới phân tích quân sự tin rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga sẽ nhắm vào các hệ thống lá chắn tên lửa Aegis trên bờ với vũ khí hạt nhân nhỏ để cho phép nó bắn các tên lửa khác. F-35 tạo thêm cho Mỹ một lớp phòng thủ với khả năng đánh chặn các cuộc tấn công đạn đạo.

Bất kỳ thông tin nào về công nghệ trong F-35 đều được theo dõi tìm hiểu kỹ lưỡng.

Tin cho hay Trung Quốc đã nắm được một phần bản vẽ của F-35 thông qua việc đánh cắp không gian mạng. Nước này cũng đã xúc tiến chương trình máy bay chiến đấu tàng hình, triển khai máy bay phản lực J-20 của mình để cạnh tranh với F-35.

Nhưng dù đã đánh cắp được thông tin nào, thì việc có thể chạm tay vào và phân tích vật liệu thực sự, hoặc loại sơn hấp thụ radar được sử dụng cho F-35 tàng hình, sẽ đẩy sự hiểu biết của Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Vả lại, luôn luôn có trường hơp thông tin mà Trung Quốc có trong tay không chính xác, chẳng hạn, do Mỹ cố tình đặt thông tin giả trong không gian ảo như một biện pháp phản gián.

Vì thế không khó để tưởng tượng rằng giới lãnh đạo quân sự và tình báo ở Bắc Kinh và Moscow đang chảy nước miếng khi nghĩ về một chiếc F-35 trên biển.

Việc quân đội Mỹ đi một bước bất thường là gửi máy bay B-52 đến khu vực gặp nạn của F-35 là một thông điệp nghiêm khắc rằng nó sẽ không cho phép bất cứ ai chạm tay vào chiến đấu cơ này.

Địa điểm rơi chiến đấu cơ cách tỉnh Aomori của Nhật Bản khoảng 150 km và trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Trung Quốc và Nga không thể có các hoạt động tìm kiếm hoặc trục vớt mà không có sự cho phép của Tokyo.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hay quân đội Nga không thể triển khai tàu ngầm hoặc máy bay không người lái dưới nước để cố gắng tiếp cận F-35.

Số phận của chiếc F-35 bị chìm có thể thay đổi sự cân bằng sức mạnh không lực giữa các cường quốc. Và chắc chắn những nước tham gia chương trình F-35 khác, như Anh, Úc và Israel, sẽ chăm chú theo dõi.

*****************

Mỹ lo bị lộ công nghệ F-35 vì hệ thống S-400 của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ (RFI, 15/04/2019)

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đều là thành viên của NATO, hiện đang căng thẳng vì Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga, trong khi đã ký hợp đồng 100 chiến đấu cơ tàng hình tối tân thế hệ 5 F-35 của Mỹ. Tại lễ kỷ niệm 70 thành lập (04/04/2019), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tiếp tục xem Moskva là mối đe dọa hàng đầu.

f2

Hệ thống tên lửa địa đối không S-400 "Triumph" của Nga được triển khai tại một căn cứ quân sự ở Gvardeysk, gần Kaliningrad, Nga, ngày 11/03/2019. Reuters/Vitaly Nevar/File Photo

Theo hợp đồng trị giá khoảng 2,5 tỉ đô la được ký cuối năm 2017, Nga sẽ giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hai hệ thống tên lửa địa đối không S-400 vào tháng 09/2019, gồm một hệ thống điều khiển và 8 bệ phóng.

Ngoài ra, hai nước sẽ hợp tác kỹ thuật, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tên lửa địa đối không trên lãnh thổ nước này. Vào tháng 09 và 10/2019, khoảng 100 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cử sang Nga theo một khóa đào tạo 5 tháng tại trung tâm đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng ở Gatchina, vùng Saint-Peterburg.

S-400 được coi là hệ thống phòng không và chống tên lửa tối tân nhất của Nga, có tầm bắn hơn 400 km, có thể đạt tới mục tiêu ở độ cao 30 km, đồng thời có thể nhắm bắn các mục tiêu trên mặt đất. Giá bán cũng là một yếu tố thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 : Hệ thống tên lửa phòng thủ của Nga có giá 800 triệu euro, rẻ hơn so với mức giá 1 tỉ euro của hệ thống Patriot của Mỹ.

S-400 có thể thu thập thông tin về F-35

Tại sao Mỹ kịch liệt phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga ? Lý do thứ nhất, theo tạp chí Air Force Times, được Sputnik trích dẫn, "hệ thống S-400 có thể được sử dụng để thu thập thông tin về sự vận hành của F-35, cũng như của các loại máy bay quân sự khác của Mỹ. Thông tin này có thể sẽ rơi vào tay người Nga".

Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguy cơ khác. Các nước thành viên NATO sử dụng liên kết dữ liệu chiến thuật, được gọi là Link 16 (L16), cho phép các máy bay quân sự, thậm chí là cả tầu thuyền và bộ binh, chia sẻ hình ảnh chiến thuật gần như cùng lúc với nhau.

Máy bay của NATO còn sử dụng hệ thống nhận dạng Bạn hoặc Thù (Identification Friend or Foe, IFF) để nhận dạng máy bay của đồng minh. Vì S-400 bán cho Ankara không được trang bị hệ thống nhận dạng Bạn hoặc Thù, nên hai hệ thống IFF và Link 16 có thể sẽ được cài vào hệ thống S-400 để chiến đấu cơ F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ bay qua được các vùng mà S-400 phủ sóng, thông qua máy phát-đáp.

Theo một cựu chuyên gia về radar và vũ khí, giải thích với tạp chí Air Force Times, "điều này có nguy cơ gây hại cho tất cả thiết bị kết nối dữ liệu chiến thuật Link 16 và IFF. Nếu một chiến đấu cơ F-35 bay gần hệ thống S-400, theo thời gian, người ta có thể thu thập được đặc tính tàng hình nhạy cảm của chiếc F-35 đó và biết được nhiều hơn về tính năng tàng hình của máy bay này".

Vị chuyên gia này giải thích thêm : "Ngay cả việc sử dụng những chiếc F-35 của không quân Mỹ từ căn cứ Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có thể gặp khó khăn, nếu một hệ thống S-400 được triển khai gần đó".

Tướng Curtis Scaparrotti, tư lệnh tối cao các lực lượng liên quân ở Châu Âu (SACEUR), tại phiên điều trần ngày 04/03 trước Thượng Viện Mỹ, khuyến cáo "nên tránh khai thác chung F-35 với một đồng minh sử dụng hệ thống của Nga, đặc biệt là hệ thống phòng không có thể có kỹ năng công nghệ tiên tiến nhất".

Còn theo nhận định của David Deptula, một vị tướng không lực Mỹ đã nghỉ hưu, đưa S-400 vào hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ vô hình chung sẽ dẫn đến "chuyển giao công nghệ".

Thổ Nhĩ Kỳ lĩnh "hậu quả nghiêm trọng" nếu mua S-400 của Nga

Lời đe dọa được phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers đưa ra ngày 08/03. Thực ra đằng sau lời cảnh báo trên là lo ngại về bí mật chế tạo F-35 của tập đoàn Lockheed Martin có nguy cơ rơi vào tay của Moskva.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ý định mua hệ thống S-400 của Nga, Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo và gây sức ép để Ankara từ bỏ ý định. tháng 06/2018, hai chiếc F-35A đầu tiên được bàn giao cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Fort Worth (bang Texas), theo hợp đồng cung cấp 100 chiếc. Tuy nhiên, cả hai phi cơ này vẫn chưa được phép rời khỏi lãnh thổ Mỹ. Một số quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang được huấn luyện ở căn cứ Luke, bang Arizona.

Để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng với Nga, Mỹ đã đề xuất bán hệ thống phòng thủ Patriot PAC-3 trị giá 3,5 tỉ đô la với một số điều khoản thuận lợi như chuyển giao công nghệ và đồng sản xuất. Tuy nhiên, đối với tổng thống Erdogan, hồ sơ mua vũ khí đã chốt, thậm chí phát biểu trên truyền hình ngày 06/03, ông cho biết "có thể sẽ đàm phán về S-500" với Nga. Còn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nga ngày 29/03, đã nhấn mạnh : "Hợp đồng với Nga đã được ký kết và có hiệu lực. Bất kỳ nước thứ ba nào phản đối đều là đi ngược với luật pháp quốc tế".

Trước thái độ kiên quyết của chính quyền Ankara bảo vệ hợp đồng đã ký với Moskva và nguy cơ công nghệ F-35 có thể bị rơi vào tay Nga, Washington buộc phải cứng rắn hơn.

Đầu tháng 04/2019, các thượng nghị sĩ Mỹ, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đã đệ trình một dự luật ngăn chặn việc bàn giao mọi chiến đấu cơ F-35 cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ chừng nào chính quyền của tổng thống Trump chưa có được cam kết Ankara không mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mọi hoạt động liên quan đến việc thiết lập khả năng hoạt động của chiến đấu cơ F-35 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Washington đình chỉ.

Tất nhiên Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho rằng Lầu Năm Góc vi phạm hợp đồng, nhưng phía Mỹ cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt Ankara theo đạo luật CAATSA (Countering America’s Adversares Through Sanctions Act) nhắm vào các thực thể ký hợp đồng với ngành công nghiệp vũ khí Nga.

Ngoài hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35, Thổ Nhĩ Kỳ còn là một trong số những đối tác cấp độ 3 của chương trình chế tạo F-35. Khoảng 12 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình và cung cấp 800 linh kiện cho chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Reuters, nếu vì bất đồng với Mỹ mà Ankara "rút khỏi dây chuyền cung cấp", điều này "chắc chắn sẽ làm chậm quá trình sản xuất và bàn giao" nhưng sẽ không ảnh hưởng tới tiến triển của chương trình hoặc làm tăng chi phí, vì Mỹ dễ dàng tìm được những phụ thầu khác thay thế.

Một biện pháp cảnh cáo khác của Mỹ là vào ngày 04/03, chính quyền Trump đã quyết định chấm dứt các thỏa thuận ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ (chương trình SGP). Theo chương trình trên, các nhà công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ được ưu tiên thâm nhập thị trường Mỹ nhờ được miễn thuế hải quan. Lý do được Nhà Trắng đưa ra là "trong suốt bốn thập kỷ rưỡi, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quy chế SGP dành cho các nước đang phát triển, nay nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển và đa dạng hóa".

Là thành viên có quân số lớn thứ hai trong khối NATO, phải chăng Ankara đang dần tách khỏi tổ chức này để xích lại gần hơn với Moskva ? Ngoài lý do kinh tế, mua S-400 của Nga là một hành động thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga, một đối tác chiến lược, một nhân tố quan trọng trong việc giải quyết hồ sơ Syria.

(Tổng hợp từ Sputnik, The Telegraph, Opex360)

Thu Hằng

*******************

Trí thông minh nhân tạo : Microsoft hợp tác với Trung Quốc (RFI, 15/04/2019)

Tập đoàn tin học Mỹ Microsoft đã kết hợp với nhiều chuyên gia Trung Quốc thuộc một viện quân sự để nghiên cứu trí thông minh nhân tạo. Chương trình này có thể được sử dụng vào mục đích giám sát và kiểm duyệt.

f3

Microsoft. Ảnh tháng 2/2019.GABRIEL BOUYS / AFP

Theo bản tin của AFP ngày 12/04/2019 có ít nhất 3 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố năm 2018 mà đồng tác giả là một số kỹ sư của Microsoft Research Asia, một chi nhánh của Microsoft ở Bắc Kinh và nhiều nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng (NUDT) trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Những công trình trên nghiên cứu nhiều chủ đề liên quan đến trí thông minh nhân tạo, như diễn giải biểu đạt khuôn mặt của một cá nhân và tự lĩnh hội được các bài viết trên mạng nhằm giúp một cỗ máy hiểu được ý nghĩa và bối cảnh dựa vào một vài từ.

Trả lời AFP, bà Helena Legarda, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), đánh giá : "Rất nhiều công nghệ mũi nhọn này được sử dụng vào hai mục đích, dân sự và quân sự. Chúng có thể góp phần vào công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và giúp họ thực hiện tham vọng trở thành lực lượng quân sự mang tầm cỡ thế giới từ giờ đến năm 2049".

Vẫn theo nhà nghiên cứu trên, những công nghệ trên "còn có thể được sử dụng để trấn áp cộng đồng người thiểu số theo Hồi Giáo ở Tân Cương". Vùng tự trị ở Tây Bắc Trung Quốc bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của công an, thông qua hệ thống camera giám sát sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và được lắp đặt ở các nơi công cộng, đền thờ Hồi Giáo, nhà hàng…

Trí thông minh nhân tạo "là một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đạt được rất nhiều tiến bộ và họ sản xuất khối lượng dữ liệu, được cho là nguyên liệu của lĩnh vực này", theo đánh giá của bà Yu Zhou, giáo sư trường Vassar ở New York và là chuyên gia về công nghệ cao Trung Quốc.

Thu Hằng

Published in Quốc tế