APEC, mục tiêu đầu tiên của tân bí thư Đà Nẵng (VOA, 08/10/2017)
Sau khi lên thay ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trương Quang Nghĩa đặt mục tiêu "tổ chức thành công" Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Nguyễn Xuân Anh (giữa) cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại khi Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Quang Nghĩa (phải).
Trước sự có mặt của ông Anh, người trước đó đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải nói rằng ông "không bao giờ nghĩ mình sẽ về lại Đà Nẵng làm bí thư", đồng thời kêu gọi người dân Đà Nẵng "tập trung vượt qua khó khăn thời gian vừa qua".
Phát biểu nhậm chức hôm 7/10, ông Nghĩa tuyên bố sẽ nỗ lực "để xứng đáng với sự tin tưởng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng", theo báo điện tử VnExpress.
Xuất hiện tại lễ nhậm chức, theo báo chí trong nước, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phạm Minh Chính nói rằng việc chọn ông Nghĩa là "phương án tốt nhất" trong số các đề cử.
Tân Bí thư Nghĩa nói rằng Đà Nẵng, nơi ông có hơn hai năm giữ chức phó bí thư thành ủy, là thành phố đã "nuôi dưỡng" ông trong quá trình trưởng thành.
Ông Nguyễn Xuân Anh từng được coi là "ngôi sao đang lên" trên chính trường Việt Nam.
Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam nhanh chóng được bổ nhiệm thay ông Anh một ngày sau khi ông này chính thức bị kỷ luật vì phải "chịu trách nhiệm chính" về những vi phạm, khuyết điểm của ở Đà Nẵng, cũng như các khuyết điểm "nghiêm trọng" của cá nhân.
Nhân dịp này, ông Chính cũng đã phát biểu rằng cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng "sẽ rút được những bài học sâu sắc trong công tác để phấn đấu vươn lên", theo VnExpress.
Đoạn video được nhiều tờ báo ở trong nước đăng tải cho thấy, khi Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính phát biểu, ông Anh cúi đầu, nhìn vào màn hình điện thoại, trong khi ông Nghĩa, ngồi ngay sát cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, chăm chú lắng nghe.
Cùng với APEC, lễ nhậm chức của ông Nghĩa là một trong các tin được nhiều người đọc nhất trên Báo Đà Nẵng điện tử, cho thấy sự quan tâm của người dân thành phố từng được coi là một trong "nơi đáng sống nhất Việt Nam".
Ngoài Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào đầu tháng sau ở Đà Nẵng.
******************
Ông Nghĩa về Đà Nẵng và chuyện báo chí nhà nước (RFA, 07/10/2017)
Vậy là thông tin ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông vận tải, nhận chức Bí thư Đà Nẵng đã được xác nhận.
Trưởng ban Tổ chức trung ương trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sáng 7/10. Ảnh: Thanh Trần.
Không bàn về lựa chọn này liệu có hợp lý hay không, song có một chuỗi dữ kiện đáng chú ý đã xảy ra trước đó, xin được tóm lược như sau :
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản của Tạp chí Giao thông vận tải.
Tạp chí Giao thông vận tải nhiều tháng trước đây là tờ báo đưa tin nhiều nhất về sai phạm của công ty Bắc Nam 79 (Vũ Nhôm) trong dự án Đa Phước, đặt nghi vấn công ty này được bao che [*].
Công ty Bắc Nam 79 (Vũ Nhôm) được phát hiện đã tặng nhà, xe cho Bí thư Xuân Anh.
Việc Bí thư Xuân Anh nhận nhà, xe được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định như là một trong những vi phạm tới mức phải kỷ luật.
Vì bị kỷ luật nên Xuân Anh mất chức Bí thư Đà Nẵng.
Chiếc ghế Bí thư Đà Nẵng được giao cho ông Trương Quang Nghĩa.
Tạp chí Giao thông vận tải nhiều tháng trước đây là tờ báo đưa tin nhiều nhất về sai phạm của công ty Bắc Nam 79 (Vũ Nhôm) trong dự án Đa Phước
Dĩ nhiên, không có đủ thông tin để kết luận chắc chắn điều gì, song đây là lý do vì sao báo chí không nên thuộc về các cơ quan nhà nước vì sẽ tiềm ẩn xung đột lợi ích. Rất khó để không hoài nghi về tính khách quan của những tờ báo này, nhất là trong một khung cảnh thời tiết chính trị đang bất ổn.
Quan trọng hơn, vì sao tiền thuế của người dân chúng ta lại phải dành để nuôi những tờ báo quốc doanh này trong khi chúng có thể được sử dụng như công cụ của ai đó nhằm phục vụ lợi ích riêng tư của họ và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta ?
Nguyễn Anh Tuấn
******************
Tân Bí thư Đà Nẵng 'vinh dự nhận nhiệm vụ mới' (BBC, 07/10/2017)
Tân Bí thư thành ủy Đà Nẵng, người vừa nhận quyết định thay thế ông Nguyễn Xuân Anh mới bị kỷ luật, cách chức thành ủy Đà Nẵng và đưa ra khỏi Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị trung ương 6 khóa 12, cho hay ông 'vinh dự nhận nhiệm vụ mới', theo truyền thông Việt Nam.
Ông Trương Quang Nghĩa là tân Bí thư thành ủy Đà Nẵng từ ngày 07/10/2017 thay ông Nguyễn Xuân Anh mới bị kỷ luật, cách chức tại Hội nghị 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hôm thứ Bảy, 07/10/2017, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã nhận quyết định của Ban lãnh đạo đảng cộng sản từ tay của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức trung ương Đảng, theo báo điện tử Đà Nẵng đưa tin cùng ngày :
"Sáng 7/10, tại Đà Nẵng, Ban Tổ chức trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.
"Đến dự có các đồng chí : Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương ; Hà Ban, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức trung ương".
Báo điện tử Đà Nẵng dẫn lời ông Chính nhận xét về tân Bí thư thành ủy Đà Nẵng :
"Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, đồng chí Trương Quang Nghĩa từng là người lính, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, sẽ tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ thành ủy lãnh đạo xây dựng thành phố phát triển năng động, hiện đại. Trước mắt là hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XII của Đảng".
Đà Nẵng Online cũng dẫn đáp từ của ông Trương Quang Nghĩa tại cuộc 'Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ" cho hay :
"Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương tin tưởng phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đồng chí Trương Quang Nghĩa hứa sẽ cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".
'Cắm cúi dùng điện thoại'
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) mới bị kỷ luật, cách chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng và đưa ra khỏi Ban Chấp hành trung ương Đảng tại Hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 06/7/2017.
Cũng hôm thứ Bảy, báo điện tử VnExpress tường trình sự kiện và cho biết thêm :
"Sáng 7/10, quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã được công bố tại hội trường trụ sở Thành ủy Đà Nẵng.
"Ngồi cạnh ông Trương Quang Nghĩa tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Anh mặc sơ mi trắng không mang cà vạt, được giới thiệu là nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
"Đôi lúc, ông cắm cúi sử dụng điện thoại trong khi nghe phân công Bí thư thành ủy mới. Trưởng ban Tổ chức trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính đã trao quyết định, tặng hoa và phát biểu chúc mừng ông Nghĩa.
Tân lãnh đạo đảng bộ thành phố Đà Nẵng cho hay ông 'vinh dự' khi nhận nhiệm vụ mới, vẫn theo nguồn này :
"Bày tỏ cảm xúc, ông Nghĩa nói thấy vinh dự khi nhận nhiệm vụ mới, nguyện nỗ lực hoàn thành trọng trách và mong Đảng bộ, nhân dân, Thành ủy Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Nghĩa cũng kêu gọi đoàn kết, nhất trí thực hiện các nhiệm vụ của thành phố trong năm 2017, nhất là tổ chức thành công APEC.
"Chiều 6/10, Ban chấp hành trung ương Đảng đã kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 ; và cho thôi chức Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 12".
Kinh qua nhiều cương vị
VnExpress trong dịp này cũng cho biết thêm một số chi tiết về tân Bí thư Đà Nẵng cùng vài nét về thay đổi nhân sự lãnh đạo từ trước ở thành phố này trải qua nhiều diễn biến 'nội bộ' :
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng (trái) tặng hoa sau khi trao quyết định bổ nhiệm nhân sự cho ông Trương Quang Nghĩa.
"Ông [Trương Quang] Nghĩa là em trai của ông Trương Quang Được - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch quốc hội.
"Năm 1994, Bộ Chính trị từng điều động ông Mai Thúc Lân (lúc này là Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách) vào thay thế Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng Nguyễn Văn Chi (bố của ông Nguyễn Xuân Anh), ông Trương Quang Được (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) thay Chủ tịch UBND tỉnh do "tình hình nội bộ Đảng bộ tỉnh không tốt, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tỉnh".
"Năm 1996, khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Trương Quang Được làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Mai Thúc Lân giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam".
Cũng hôm 07/10, báo điện tử Đà Nẵng cho biết một số thông tin về nhân thân của vị tân lãnh đạo đảng của thành phố, theo đó ông Trương Quang Nghĩa sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Nam.
Ông có học vị Thạc sĩ quản trị kinh doanh, có trình độ 'cao cấp' về Lý luận chính trị. Ông từng làm Tổng Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Vinaconex (từ 10/2006 đến 4/2008), giữ cương vị Phó Bí thư thành ủy Đà Nẵng (từ 5/2008 đến 9/2010).
Ông còn kinh qua nhiều cương vị và chức vụ khác trong đảng như Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương (từ tháng 10 đến tháng 12/2010). Từ tháng 1/2011 đến 6/2012, ông là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XI), Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương.
Ông từng nắm giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Sơn La trong nhiệm kỳ từ tháng 7'2012 đến 01/2015, trước khi trở thành Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương từ tháng 02/2015-4/2016).
Trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng, ông là Ủy viên trung ương Đảng (khóa XII), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từ tháng 4/2016.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu 'không bàn chuyện ai đi ai ở’ (VOA, 24/09/2017)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hôm 23/9 đã lần đầu công khai lên tiếng, sau khi ông và Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị phát hiện "dính" các vi phạm, gây nhiều đồn đoán về thay đổi nhân sự.
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái), ông Huỳnh Đức Thơ (giữa) và nguyên bí thư Đà Nẵng Trần Thọ (phải) tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (Ảnh chụp từ báo Người Lao động)
Trước tình trạng mà ông nói là "công chức Đà Nẵng xao lãng, phân tâm trong công việc" vì những diễn biến liên quan tới lãnh đạo của thành phố, theo VnExpress, ông Thơ khuyến cáo rằng "đừng suốt ngày ngồi quán xá bàn chuyện ai đi ai ở lại".
Chúng ta không nên sa đà vào những việc không phải của mình. Suốt ngày cứ tụ tập, trao đổi đủ thứ trong khi việc chính lại bê trễ.
Ông Huỳnh Đức Thơ nói.
"Chúng ta không nên sa đà vào những việc không phải của mình. Suốt ngày cứ tụ tập, trao đổi đủ thứ trong khi việc chính lại bê trễ", ông nói tiếp.
"Công việc của mỗi người là phải làm tốt chức trách, nhiệm vụ đã được giao phó. Làm việc phải có bản lĩnh, trách nhiệm vì tình yêu với Thành phố Đà Nẵng chứ không phải làm cho xong việc, làm cho có".
Do thành phố vấp phải nhiều vấn đề, ông Thơ cho biết đã mở rộng thành phần tham gia cuộc họp thường kỳ lần này với lãnh đạo các cấp của Đà Nẵng.
Thành phố miền Trung này là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm nay, và dự kiến sẽ có lãnh đạo nhiều nước tham gia.
Ông Thơ nói rằng "công tác chuẩn bị phải làm hết sức khẩn trương vì tại APEC có sự tham dự của các quan chức cấp cao từ các nước và giới doanh nhân, họ sẽ đánh giá tầm vóc và là phép thử trong công tác tổ chức các sự kiện của Thành phố Đà Nẵng", theo báo Tuổi Trẻ.
Tới ngày 24/9, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vẫn chưa lên tiếng.
Hôm 18/9, Ủy ban kiểm tra Trung ương tuyên bố rằng trên cương vị người đứng đầu UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị cũng như nhân sự ở một số cơ quan chính quyền thành phố.
Còn Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tới ngày 24/9, chưa thấy lên tiếng sau khi ông bị cáo buộc "thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội" cũng như "kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định ; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm".
Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây, Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập đồng thời còn là chủ tịch của California Southern University (CSU) xác nhận với VOA Việt Ngữ rằng ông Anh "nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006".
***************************
Rộ tin ông Trương Quang Nghĩa về làm bí thư Đà Nẵng (Người Việt, 23/09/2017)
Hôm 23 tháng Chín, các nhà báo, nhà quan sát ở Việt Nam đồng loạt dự báo trên mạng xã hội rằng Bộ trưởng giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa sẽ về làm bí thư Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố sai phạm.
Bộ trưởng giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa. (Hình : baochinhphu.vn)
Áp lực Đà Nẵng phải sớm có tân bí thư hiện căng thẳng vì thành phố này sẽ là nơi diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) từ ngày 6 đến 11 tháng Mười Một, dự trù đón tiếp lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên và khoảng 10.000 đại biểu trong và ngoài nước.
Trước đó, fanpage BBC Vietnamese hôm 21 tháng Chín viết : "Bốn chính khách đang được đồn đoán là ứng viên về làm tân bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu vi phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh".
Theo trang này, đó là các ông Phạm Viết Thanh, bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, từng giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam ; ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng công thương, từng là tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco ; ông Phan Việt Cường, phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam ; và ông Trương Quang Nghĩa, bộ trưởng giao thông vận tải.
Hôm 23 tháng Chín, các nhà báo, nhà quan sát ở Việt Nam đồng loạt dự báo trên mạng xã hội rằng bộ trưởng giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa sẽ về làm bí thư Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố sai phạm.
Chín, nhà báo Nguyễn Trường Uy của báo Tuổi Trẻ đưa bình luận trên Facebook : "Việc chọn đưa Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa trở về Đà Nẵng thay (ông) Xuân Anh làm bí thư thành ủy là giải pháp an toàn phù hợp với bối cảnh của thành phố vào thời điểm này".
"Đà Nẵng đặt mục tiêu là ‘4 an’ : an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Nhưng chữ ‘an’ quan trọng nhất với Đà Nẵng lúc này, sau những bất ổn, chính là an dân", ông viết.
"An dân bắt đầu từ an lãnh đạo. Ông Nghĩa là người Hội An, em của một cựu lãnh đạo Đà Nẵng hiền lành là ông Trương Quang Được. Ông Nghĩa cũng đã có thời gian làm việc ở Đà Nẵng (hai năm làm giám đốc chi nhánh Vinaconex tại Đà Nẵng, hai năm làm phó bí thư Thành Ủy), sau đó kinh qua ba năm lãnh đạo địa phương ở Sơn La và công tác quản lý kinh tế ở trung ương", ông viết tiếp.
"Mong là ‘giải pháp an toàn’ Trương Quang Nghĩa sẽ giúp Đà Nẵng ổn định, nhanh chóng trở lại với danh hiệu đẹp đẽ thành phố đáng sống", ông kỳ vọng.
Cùng ngày, nhà báo Dương Quang của báo Người Lao Động viết trên Facebook : "Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa về thay Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là đúng như dự đoán".
Doanh nhân Lê Trọng Vũ, một cư dân Đà Nẵng, bình luận : "Những việc diễn ra ở Đà Nẵng thời gian qua là ví dụ điển hình của bộ máy nhà nước hoạt động theo kiểu song trùng. Cách tổ chức theo kiểu này tập quyền quá lớn ở trung ương, lại không phân quyền hợp lý ở các địa phương, dẫn đến cấp chính quyền gần dân nhất lại không thể chủ động được và luôn phản ứng chậm chạp với các diễn biến xung quanh mình…".
"…Cả Đà Nẵng đang đồn đoán lãnh đạo mới từ Hà Nội điều về để ổn định tình hình nhưng vấn đề của thành phố này không phải nhân sự mà là cách bộ máy vận hành. Thay vài ‘con ốc’ mà vẫn giữ nguyên ‘hệ điều hành’ thì chỉ là ‘bình mới, rượu cũ.’ Sau những gì diễn ra, trung ương nên mạnh dạn cho phép Đà Nẵng nâng cấp ‘hệ điều hành’ bằng cách thí điểm mô hình Chính Quyền Đô Thị và ‘nhất thể hóa’ chức danh người đứng đầu là thị trưởng và do dân trực tiếp bầu lên", ông viết.
"Một vị trí chính danh như vậy mới đảm bảo cho họ vị trí chính trị vững chắc, trao cho họ thực quyền bổ nhiệm các viên chức hành pháp (phó thị trưởng, giám đốc sở…) để tạo thành một êkip làm việc hiệu quả. Hầm hay cầu, quảng trường ở đâu hay quy hoạch Sơn Trà thế nào thì thị trưởng chỉ nên chịu trách nhiệm trước cử tri của mình, mất lòng dân thì mất ghế thay vì chỉ tìm cách lấy lòng anh Ba, anh Bảy như hiện nay. Tất nhiên, để tránh quyền lực bị cát cứ, nếu vi phạm pháp luật, Hà Nội vẫn có thể cách chức thị trưởng và tổ chức bầu cử lại", ông gợi ý.
"Chỉ khi làm được vậy, Đà Nẵng mới mong tìm lại được động lực để phát triển mạnh mẽ. Còn những phương án khác, điều ông này hay bà kia về mà không có ý kiến của nhân dân thì đều vô giá trị", ông nhận định.
Hôm 23 tháng Chín, báo điện tử VnExpress dẫn lời Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ : "Cán bộ thành phố đừng quan tâm lãnh đạo ai ở, ai đi. Những điều này đã làm công chức Đà Nẵng bị xao lãng, phân tâm trong công việc. Cần tập trung làm tốt công việc của mình vì mục tiêu xây dựng Đà Nẵng". (T.K)
********************
Trong những sai phạm của Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mà Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận, có nội dung khi xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện áp đặt đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự mất đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ thành ủy.
Liên tục điều động, luân chuyển
Ông Nguyễn Xuân Anh được bầu giữ chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng khóa XXI vào ngày 16/10/2015. Chỉ vài tháng sau khi ông Anh nhậm chức, Đà Nẵng bắt đầu "nổi cơn sóng gió" về công tác cán bộ.
Điển hình, ngày 13/1/2016, Ban Thường vụ thành ủy phân công, điều động ông Lê Quang Nam - thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ thành phố - giữ chức Bí thư quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020 ; ông Hồ Kỳ Minh - Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Bí thư quận ủy Cẩm Lệ nhiệm kỳ 2011-2016 - giữ chức Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Đến ngày 2/3/2016, thành ủy Đà Nẵng công bố các quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành ủy viên là ông Võ Ngọc Đồng và ông Đào Tấn Bằng. Theo đó, ông Võ Ngọc Đồng thôi giữ chức Chánh Văn phòng thành ủy để nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa ; ông Đào Tấn Bằng thôi giữ chức Bí thư quận ủy quận Ngũ Hành Sơn để giữ chức Chánh Văn phòng thành ủy. Dịp này, thành ủy Đà Nẵng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều nhân sự tại các sở, ban, ngành, địa phương.
Đến tháng 7/2016, Ban Thường vụ thành ủy lại quyết định điều ông Lê Quang Nam, Bí thư quận ủy Cẩm Lệ, đảm nhận chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (Tài nguyên và môi trường) ; bà Huỳnh Thị Tam Thanh thôi làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy về giữ chức Bí thư quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tiếp đến, ngày 6/2/2017, Ban Thường vụ thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Nguyễn Thanh Quang (Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội khóa XIV Thành phố Đà Nẵng) thôi giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy để nhậm chức Bí thư quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng lúc này, điều chuyển ông Lê Minh Trung, Bí thư quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng.
Đến ngày 6/3/2017, Ban Thường vụ thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng, sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng.
Khác nào trù dập (?!)
Việc điều động, luân chuyển cán bộ của Đà Nẵng đã gây ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đầu tiên là việc điều động ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố, nhận công tác khác khiến ông Điểu phản ứng kịch liệt.
Theo lộ trình, đến tháng 2/2018, ông Điểu sẽ về hưu đúng tuổi quy định. Tuy nhiên, khoảng tháng 6/2016, Ban Thường vụ điều động ông Điểu sang làm Phó Ban Tổ chức thành ủy, Phó Ban Công nghệ cao... Ông Điểu một mực từ chối vì cho rằng ông không thể hoàn thành công việc "lạ lẫm" đó và nhất quyết không nhận. Vì lý do này, tháng 7/2016, ông Điểu xin nghỉ việc.
Liền sau đó, ông Lê Quang Nam vừa được điều động giữ chức Bí thư quận ủy Cẩm Lệ chưa được 7 tháng lại tiếp tục được điều sang giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường. Lúc này, dư luận cho rằng ông Điểu "bị đày" đến mức phải nghỉ việc.
Ông Nguyễn Xuân Anh (người ở giữa, chỉ tay) trong một lần thị sát kiểm tra tình hình ô nhiễm trên bãi rác Khánh Sơn Ảnh : BÍCH VÂN
Vụ thứ hai là điều động ông Lê Minh Trung, Bí thư quận ủy Thanh Khê, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng. Dư luận lúc đó cho rằng từ một bí thư quận năng nổ, nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà về làm hiệu trưởng Trường Chính trị là không bình thường, bị trù dập.
Nhưng "sóng gió" nhất phải kể đến vụ điều chuyển Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng sang ngồi ghế Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy. Lúc đó, dư luận cho rằng ông Đặng Việt Dũng có trình độ chuyên môn là tiến sĩ kỹ thuật, thạc sĩ ngành thủy lợi, kỹ sư ngành đường ô tô và đã từng đảm nhiệm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Đà Nẵng rồi Bí thư quận ủy Hải Châu nên giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo thì không đúng chuyên môn cho lắm.
Nhưng rồi, ngày 7/7/2017, kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng khóa IX đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố đối với ông Đặng Việt Dũng để ông Dũng chuyển hẳn sang nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng, đánh giá việc luân chuyển điều động cán bộ của Ban Thường vụ thành ủy Đà Nẵng đã gây mất đoàn kết, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Xuân Anh.
Điều tiếng xe và nhà
Trong kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương cũng nêu rõ Bí thư thành ủy Đà Nẵng vi phạm trong việc đồng ý tiếp nhận, sử dụng ô tô và 2 nhà do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.
Trước đó, vào giữa tháng 2/2017, dư luận bàn tán xôn xao việc ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng ô tô nghi do doanh nghiệp biếu tặng. Vụ việc này Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin và sau đó, Chánh Văn phòng thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng đã lên tiếng.
Theo đó, chiếc xe này hiệu Toyota, BKS 43A/299.99 do Bộ Công an cấp và được Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Đà Nẵng đăng ký vào ngày 2/2/2016. Về nguồn gốc, xe do Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát (đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng) trao tặng cho thành ủy Đà Nẵng và do Văn phòng thành ủy Đà Nẵng (72 Bạch Đằng, Thành phố Đà Nẵng) trực tiếp quản lý, điều động, đưa vào tài sản công do thành ủy Đà Nẵng quản lý. Đến ngày 4/3 vừa qua, Thường trực thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Văn phòng thành ủy làm thủ tục trả lại chiếc xe trị giá trên 1,3 tỉ đồng này cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát.
Cũng theo ông Bằng, đáng chú ý là ngoài chiếc Toyota BKS 43A/299.99, Văn phòng UBND Thành phố Đà Nẵng đang quản lý và sử dụng 4 xe công khác đều do doanh nghiệp tặng từ nhiều năm trước đó.
Như kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương nêu, ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, dư luận cũng từng bàn đến việc cho - nhận bất thường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài căn nhà 43 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu mà gia đình ông Nguyễn Xuân Anh đang ở do cha mẹ ông sở hữu, còn 2 ngôi nhà nghi do doanh nghiệp biếu tặng nằm ở số 45 và 47 Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, ngôi nhà số 45 (nhà 3 tầng, diện tích đất 138,5 m2, diện tích sử dụng 342,4 m2) được gỡ bỏ địa chỉ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa 2 ngôi nhà, thông vách với nhau.
Riêng ngôi nhà số 47 (2 tầng, diện tích đất 159,3 m2, diện tích sử dụng 115,8 m2) đang là đại lý bán vé máy bay.
Điều trùng hợp là ngôi nhà 47 cũng do Công ty Minh Hưng Phát tiếp quản sở hữu với người đứng tên là bà Bùi Thị Diễm, trùng tên với vợ Bí thư Nguyễn Xuân Anh !
Sơn Trà
---------------------
Lấy văn bằng trường California Southern University không khó
Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương cũng nêu ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Trước đó, từ tháng 2/1995 đến tháng 9/1998, ông Nguyễn Xuân Anh học cử nhân Quản trị kinh doanh tại trường Humber College (Canada) ; từ tháng 3/2001 đến tháng 9/2002, học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường California Southern University (Thành phố Costa Mesa, bang California - Mỹ). Cũng từ trường California Southern University, từ tháng 3/2005 đến tháng 12/2006, ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chưa công nhận văn bằng của trường này.
Thực ra, California Southern University là một trường đại học tư thục của Mỹ, có tên dễ nhầm lẫn với trường đại học tư nổi tiếng 137 năm tuổi là University of Southern California (Thành phố Los Angeles, bang California).
California Southern University được thành lập vào năm 1978, cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến cho các sinh viên, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực kinh doanh, luật, tư pháp hình sự và tâm lý cho sinh viên trong và ngoài nước, sử dụng hệ thống giáo dục độc quyền. Trước năm 2007, trường này có tên là Southern California University for Professional Studies. Ban đầu, trường chỉ có chương trình đào tạo cao đẳng, sau đó mở rộng cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trường được cấp chứng nhận chất lượng vùng bởi Hiệp hội các Trường học, đại học và cao đẳng khu vực phía Tây Mỹ (WASC).
Theo trang web chính của California Southern University, học viên theo học sẽ học tất cả các môn trực tuyến theo lịch trình mà cá nhân tự đặt ra ; không có kỳ tuyển sinh đầu vào và mỗi tháng đều có mở khóa học mới. Học viên nước ngoài chỉ cần đăng ký nhập học trực tuyến bằng cách điền đầy đủ thông tin, gửi kèm bảng điểm của các trường đã học trước đây và các giấy tờ cần thiết, như bản sao hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, sao kê tài khoản ngân hàng…
Riêng chương trình tiến sĩ Quản trị kinh doanh, ngoài yêu cầu về bằng thạc sĩ liên quan, học viên phải hoàn thành 60 tín chỉ và luận văn trong thời gian học kéo dài khoảng 4 năm.
X. Mai
Có khuất tất, biểu hiện trục lợi
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương :
Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương đối với vi phạm của Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được dư luận đồng tình. Người đảng viên mà lại khai không đúng lý lịch, bằng cấp để vào trung ương thì rõ ràng là sai phạm, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Rồi ở ở cương vị lãnh đạo lại có những biểu hiện sử dụng xe, nhà của doanh nghiệp thì rõ ràng là có khuất tất, biểu hiện trục lợi.
Khi đã là một ủy viên Trung ương Đảng thì vị cán bộ phải là người thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước, pháp luật và khi có vi phạm thì đều chịu hình thức xử lý. Hình thức xử lý đối với vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương quyết định.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) :
Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương là dấu hiệu tích cực của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XII.
Trên tinh thần siết chặt kỷ cương, trong khóa XII này đã kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị và sắp tới có thể xem xét xử lý 1 ủy viên trung ương mà lại là bí thư của một thành phố quan trọng như Đà Nẵng. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của trung ương, của Bộ Chính trị là "không có vùng cấm". Bất cứ ở cấp nào mà vi phạm kỷ luật của Đảng thì cũng xử lý nghiêm minh.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh là rất đáng buồn nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành. Từ trường hợp này cũng cho thấy công tác cán bộ, đánh giá con người rất khó, còn những kẽ hở.
T.Dũng ghi
Bí thư Xuân Anh [có dám] kiện báo Văn Nghệ Trẻ ? (RFA, 22/02/2017)
Hôm qua, báo Văn nghệ Trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra 1 nghi vấn và 1 cáo buộc đối với Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh :
[Nghi vấn] : Xe của Bí thư đang đi mang biển số xanh giả vì trùng với một biển số trắng khác, đều cùng 43A-29999.
[Cáo buộc] : Chiếc xe Toyota Avalon Limited này có giá thị trường 2,5 tỷ, nên Bí thư đã vi phạm Quyết định 32 của Thủ tướng quy định rằng bí thư cấp tỉnh, thành chỉ được sử dụng xe có giá trị tối đa là 1,1 tỷ.
Chiếc xe Bí thư Xuân Anh đang sử dụng - Ảnh : Báo Văn Nghệ Trẻ
Hôm nay, Bí thư Xuân Anh và Thành ủy Đà Nẵng đã phản hồi.
Về [Nghi vấn], Bí thư và Thành ủy trưng ra Sổ Kiểm định và Giấy đăng kí cho thấy biển số trên không phải giả. Công an Tp Đà Nẵng cho biết thêm biển xanh và biển trắng trùng số nhau là bình thường.
Về [Cáo buộc], Bí thư và Thành ủy trưng ra hóa đơn mua xe có giá 1,182 tỷ trước thuế (1,3 tỷ sau thuế), cho biết xe được doanh nghiệp tặng và có giá trị không quá tiêu chuẩn được quy định trong Quyết định 32.
Với những lập luận trên, Thành ủy đang yêu cầu Văn nghệ Trẻ phải đính chính vì "đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Đảng bộ, nhân dân TP Đà Nẵng", trong khi Bí thư Xuân Anh còn muốn đi xa hơn bằng việc "xem xét khởi kiện" tờ báo.
Trong lúc chờ xem Bí thư có đưa Văn Nghệ Trẻ ra tòa hay không, hãy cùng phân tích một số điểm liên quan tới vụ việc :
1. Dòng xe này luôn có giá từ 2 tỷ đồng trở lên, vì sao trong hóa đơn bán hàng mà Bí thư trưng ra chỉ có giá 1,182 tỷ đồng ? Liệu có phải công ty này cố tình hạ giá trong hóa đơn để phù hợp với định mức của nhà nước ? Bí thư và Thành ủy có thể chứng minh được ở thời điểm tiếp nhận xe, có bất kỳ công ty nào khác bán xe trên với mức giá chỉ khoảng 1,1 tỷ đồng không ?
2. Hóa đơn Bí thư trưng ra ghi rõ bên bán xe là Công ty Minh Hưng Phát, với dòng ghi chú "Xe cho biếu tặng không thu tiền". Vậy công ty này có phải chính là doanh nghiệp đã tặng xe cho Thành ủy Đà Nẵng ? Hay họ chỉ bán xe, còn doanh nghiệp tặng xe là một cái tên khác ? Để chứng minh việc tiếp nhận xe tặng trên đúng pháp luật, Bí thư và Thành ủy cần chứng tỏ rằng doanh nghiệp tặng xe "không có liên quan đến hoạt động công vụ" của Thành ủy và phải nêu rõ mục đích của việc tặng xe này (theo Điều 5, Quyết định 64 của Thủ tướng).
3. Quyết định 32 của Thủ tướng nói rõ định mức 1,1 tỷ ở trên áp dụng cả cho xe được biếu, tặng, và tính theo giá mua sau thuế. Bởi vậy, ngay cả mức giá ghi trong hóa đơn đúng với giá thị trường đi chăng nữa (1,182 tỷ trước thuế - 1,3 tỷ sau thuế) thì cũng cao hơn định mức. Lẽ ra trong trường hợp thấy không phù hợp với định mức, tiêu chuẩn thế này, Thành ủy phải từ chối hoặc nếu không từ chối được phải nộp lại Bộ Tài chính xử lý vì có giá trị trên 500 triệu đồng (theo Điều 8, Nghị định 29).
Trước khi quyết định có đưa Văn Nghệ Trẻ ra tòa hay không, Bí thư cần cân nhắc các chi tiết này.
Ngoài ra, đây chủ yếu là vấn đề của Bí thư và Thành ủy, chứ không phải của nhân dân Tp Đà Nẵng vì không có người dân nào đi chiếc xe đó cả ; vậy nên Thành ủy cần cẩn trọng hơn khi cho rằng sự việc này đang làm "ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhân dân Đà Nẵng".
Nguyễn Anh Tuấn
Tham khảo :
Bài cáo buộc của Văn Nghệ Trẻ : http://vannghetre.net/lai-them-mot-vu-can-bo-dung-xe-cong-g…
Phần phản hồi của Bí thư Xuân Anh và Thành ủy ĐN (kèm hóa đơn và giấy đăng ký xe) : http ://danviet.vn/…/bi-thu-da-nang-se-xem-xet-kien-to-bao-d…
http://tuoitre.vn/…/bi-thu-da-nang-len-tieng-v…/1268887.html
Quyết định 32 : https://goo.gl/lJtRPk
Quyết định 64 : https://goo.gl/eZIulI
Nghị định 29 : https://goo.gl/Z6motS
***************************
Bí thư Đà Nẵng bác tin đi xe biển số giả, kỷ luật trang Văn Nghệ (RFA, 22/02/2017)
Chiếc xe biển số xanh ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đang sử dụng. Photo courtesy of soha.vn
Tại thành phố Đà Nẵng, bí thư Nguyễn Xuân Anh hôm nay cũng được truyền thông trích dẫn bác bỏ tin nói chiếc xe công vụ mà ông này đang sử dụng mang biển số giả.
Trước đó cư dân mạng loan truyền hình ảnh một chiếc Toyota biển số xanh, tức biển số xe công vụ tại Việt Nam, do ông bí thư Nguyễn Xuân Anh sử dụng mang biển số giả. Theo đó biển số xanh xe của ông bí thư Nguyễn Xuân Anh trùng với biển số trắng của một chiếc xe Land Rover. Qua kiểm tra, cư dân mạng cho rằng cả hai chiếc xe đều không tồn tại trên mạng Đăng Kiểm Việt Nam.
Hôm nay ông bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói với báo giới thông tin biển số xe công vụ mà ông đang sử dụng như loan truyền trên mạng là không đúng. Ông này khẳng định đó là biển số thật, được Bộ Công an cấp và đăng kiểm cho Thành ủy Việt Nam dùng vào việc chung.
Ông này nói thêm với báo giới rằng thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục lưu hành chiếc xe đến khi hết hạn nhằm khẳng định biển số của xe là thật.
Vừa qua một báo trong nước cũng loan tin ông đương kim bí thư thành ủy Đà Nẵng đang sử dụng chiếc xe mà giá thị trường khoảng trên 2,5 tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó theo qui định, tiêu chuẩn bí thư thành phố trực thuộc trung ương chỉ được sử dụng xe công dưới 1.1 tỷ đồng thôi.
Trang Văn Nghệ bị kỷ luật
Đơn vị truyền thông loan tin ông bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe công biển số giả là chuyên trang Văn Nghệ Trẻ của báo Văn Nghệ điện tử bị kỷ luật với hình thức xử phạt hành chính và ngưng hoạt động.
Tin cho hay sau khi Văn Nghệ Trẻ loan tin hôm 21 tháng 2, thì hôm nay Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin- Truyền Thông làm việc với tổng biên tập báo Văn Nghệ và kết luận chuyên trang Văn Nghệ Trẻ với tên miền .net là không có phép vì Cục này chỉ cấp phép cho các trang tên miền .vn mà thôi.
Cũng trong ngày hôm nay, chánh văn phòng Thành Ủy Đà Nẵng gửi văn bản đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin- Truyền Thông đề nghị chỉ đạo xử lý bài viết trên chuyên trang Văn Nghệ Trẻ về biển số giả của chiếc xe công mà ông bí thư Nguyễn Xuân Anh đang sử dụng.
***********************
Chuyên trang điện tử của báo Văn Nghệ bị yêu cầu đóng cửa (BBC, 22/02/2017)
Chiếc xe biển xanh của Thành ủy Đà Nẵng
Chuyên trang điện tử của báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ - vannghetre.net, vừa bị yêu cầu đóng cửa ngay sau khi đưa thông tin sai về Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Văn Nghệ Trẻ hôm 21/2 có bài 'Lại thêm một vụ cán bộ dùng xe công gắn biển giả ?', trong đó cáo buộc chiếc xe biển số xanh 43A-299.99 mà ông Xuân Anh sử dụng là 'dùng biển giả'.
Các báo trong nước nói lý do chính thức mà chuyên trang này bị yêu cầu đóng cửa là có đuôi tên miền .net trong khi chỉ được cấp phép cho đuôi miền .com.vn
Tờ báo 'mẹ' của Văn Nghệ Trẻ, báo Văn Nghệ, cũng bị Bộ Thông tin - Truyền thông xử phạt 30 triệu đồng.
Cục Báo chí Bộ Thông tin-Truyền thông ra quyết định xử phạt chiều 22/2 và tuyên bố sẽ "tiếp tục làm việc để truy xét đúng sai" trong bài báo về chiếc xe của Bí thư Đà Nẵng.
Cáo buộc
Văn Nghệ Trẻ nói một xe cá nhân cũng có biển số 43A-299.99 cùng với biển số với xe của Bí thư Đà Nẵng đang sử dụng. Báo này còn cáo buộc chiếc xe Toyota ông Xuân Anh sử dụng có trị giá "khoảng 2,5 tỷ đồng".
Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng sau đó lên tiếng nói chiếc xe này được Văn phòng Thành ủy "tiếp nhận từ một doanh nghiệp tặng với đơn giá được ghi rõ trong hóa đơn là 1,182 tỉ đồng", theo báo Tuổi Trẻ.
Chiều 22/2, ông Bằng cũng đã ký công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông "đề nghị chỉ đạo xử lý bài viết của tác giả Trương Ngọc vì đưa tin không đúng sự thật, đồng thời yêu cầu báo Văn Nghệ phải đính chính, xin lỗi theo đúng quy định của pháp luật".
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh
Ông Nguyễn Xuân Anh được báo Dân Việt dẫn lời nói : "Rõ ràng là xe có đăng ký, có kiểm định, làm gì có chuyện biển số giả. Người đưa thông tin như vậy là bôi nhọ Đà Nẵng".
Ông cũng nói đang xem xét kiện Văn Nghệ Trẻ.
Chỉ trong ngày 22/2 cơ quan chức năng đã xử lý hết sức nhanh chóng.