Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phải buộc Donald Trump chịu trách nhiệm về bạo loạn ở Quốc hội Mỹ

Thời sự Mỹ với âm vang cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 đánh vào trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ dĩ nhiên là đề tài được các tạp chí ra vào giữa tháng Giêng này hết sức quan tâm, được ba tờ nêu bật ngay trên trang bìa. Tuần báo Anh The Economist chạy tựa : "Làm thế nào để buộc Donald Trump phải chịu trách nhiệm", trong lúc tạp chí Pháp Courrier International thì nhấn mạnh nhu cầu "Sửa chữa nước Mỹ". Riêng L’Express thì đã giải thích việc "Nền dân chủ Mỹ bị tấn công" bằng sự kiện nước Mỹ đã trở thành "Phòng thí nghiệm của các thuyết âm mưu".

baoloan1

Cảnh sát cố tìm cách ngăn không cho người ủng hộ tổng thống Trump tràn vào Quốc hội Mỹ ở Washington DC (Hoa Kỳ) nhưng vô hiệu. Ảnh chụp ngày 06/01/2021.  Olivier Douliery AFP

Phải nói trước tiên là tuần báo Anh The Economist đã có một hồ sơ rất độc đáo về về tình hình chính trị nóng bỏng tại Mỹ, với trang bìa ấn bản phát hành tại Anh Quốc và Hoa Kỳ đăng một chân dung đen trắng bị nứt nẻ của tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng tựa lớn "Ngày trả giá – The reckoning".

Theo The Economist, sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua bản luận tội lần thứ hai ngày 13/01 nhắm vào tổng thống Donald Trump với tội danh "kích động nổi dậy", câu hỏi cần đặt ra là những bước tiếp theo sẽ ra sao ? Tuần báo Anh đã ghi nhận trách nhiêm của tổng thống Mỹ trong quá trình dẫn đến cuộc bạo loạn trên đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ.

Trước hết : "Với tư cách là tổng thống, ông đã cố gắng bám lấy quyền lực khi tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử mà rõ ràng ông đã thua. Ông đã phát tán những điều dối trá to lớn để thuyết phục các cử tri của ông rằng cuộc bầu cử của họ đã bị đánh cắp".

Sau đó : "Khi thất bại trong việc buộc các quan chức tại các bang xóa bỏ kết quả bầu phiếu (bất lợi cho ông), Donald Trump đã kích thích một đám đông đầy cuồng nộ và thúc đẩy họ đến đe dọa Quốc hội để các nghị sĩ cho ông những gì ông muốn".

Và rồi : "Khi những người ủng hộ ông hoành hành trong Điện Capitol và đe dọa treo cổ phó tổng thống của ông, ông Trump chỉ quan sát, phớt lờ những lời kêu gọi của các nhà lập pháp muốn ông ra tay giúp đỡ họ".

Đối với The Economist : "Trong một nền dân chủ, không tội nào nặng hơn thế, và không một hành vi sai trái nào mang tính chất phản quốc hơn". Do vậy, đối với tuần báo Anh, Thượng Viện Hoa Kỳ nên biến ông Trump thành "tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị kết án".

Hạ Viện đã luận tội, bước kế tiếp là gì ?

Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn "Chương cuối", sau khi nhắc lại rằng "Hạ Viện Mỹ đã luận tội Donald Trump vì đã kích động một đám đông tấn công Điện Capitol", The Economist đã nêu bật câu hỏi "Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?".

Đối với The Economist, trong tất cả các chuẩn mực dân chủ mà tổng thống Donald Trump đã phá vỡ trong suốt 4 năm ở Nhà Trắng, không điều gì quan trọng bằng tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác : Các bức ảnh, video và lời chứng ngày càng nhiều về vụ đánh phá tại Điện Capitol ngày 06/01 đã bao gồm cả cảnh những kẻ bạo loạn dùng cán cờ đánh một nhân viên cảnh sát và một đám đông vừa hô vang "USA", vừa liên tục đè bẹp một cảnh sát viên khác vào một cánh cửa.

Theo The Economist, bạo lực đã làm cho 5 người chết gần như là có thể tệ hại hơn nhiều nếu không có các nhân viên cảnh sát biết suy nghĩ nhanh nhẹn đánh lạc hướng đám đông tránh xa các phòng họp, để kịp thời đưa các nhà lập pháp đến nơi trú ẩn an toàn.

Một số kẻ bạo loạn, hô vang những câu như "Hãy treo cổ Mike Pence - Hang Mike Pence" và "Nancy ở đâu ? - Where’s Nancy ?", đã cho thấy rõ ràng mục tiêu có hành động bạo lực nhắm vào cả phó tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng Dân chủ, người đầu tiên và thứ hai có thẩm quyền kế nhiệm tổng thống.

Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, Hạ Viện Mỹ trong tay đảng Dân chủ, đã nhanh chóng thông qua bản luận tội cáo buộc tổng thống "kích động nổi dậy" vào ngày 13/01, đúng một tuần lễ sau cuộc tấn công vào Điện Capitol. Một số dân biểu Cộng hòa, sau khi khuyến khích hoặc im lặng khi tổng thống Trump tấn công tiến trình dân chủ trong nhiều tháng, đã thấy lương tâm cắn rứt. Mười người trong số họ đã cùng với toàn bộ 222 dân biểu dân chủ, bỏ phiếu tán đồng bản luận tội.

Liz Cheney, nhân vật số 3 trong nhóm dân biểu Cộng hòa tại Hạ Viện, là một trong số người bỏ phiếu thuận, đã khẳng định trước rằng : "Chưa từng có một hành vi phản bội nào lớn hơn đến từ một tổng thống Mỹ đối với chức vụ và lời tuyên thệ của ông ta trước Hiến pháp".

Ngay cả ông Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ Viện, người đã phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden, kể cả sau cuộc tấn công vào Điện Capitol, cũng đã không vận động chống lại việc luận tội.

Một số dân biểu đảng Dân chủ tiết lộ rằng một số đồng nghiệp của họ thuộc đảng Cộng hòa đã thú nhận riêng rằng họ bỏ phiếu chống luận tội vì lo sợ cho tính mạng của mình.

Đối với The Economist, là người vốn đã cam kết chấm dứt "cuộc tàn sát nhắm vào nước Mỹ" khi nhậm chức, Donald Trump sẽ ra đi trong ô nhục. Ông là tổng thống duy nhất đã bị luận tội hai lần. Hình ảnh không thể xóa nhòa về chính quyền của ông sẽ là một đám đông phá hoại Quốc hội Hoa Kỳ trong nỗ lực lật ngược kết quả một cuộc bầu cử công bằng.

Cần phải buộc ông Trump chịu trách nhiệm để làm gương

Tuần báo Anh tuy nhiên đã nhận định : Hoàn toàn không thể biết một cách chắc chắn là điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới đây. Sau bước luận tội, các cáo buộc tổng thống sẽ được xét tại Thượng Viện, nơi cần có đa số 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội và cách chức.

Vấn đề là ông Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/01 khi ông Biden nhậm chức, trong lúc trên nguyên tắc, Thượng Viện sẽ chỉ họp lại từ ngày 19/01. Một phiên họp trước đó có thể được triệu tập nếu được các thượng nghị sĩ nhất trí, nhưng ông Mitch McConnell, hiện vẫn còn là lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện, đã không tìm được sự nhất trí này. Và ngay cả khi Thượng Viện có thể họp lại sớm hơn, tiến trình kết thúc phiên tòa trong lúc ông Trump đương nhiệm sẽ đòi hỏi một tốc độ kỷ lục và không cho tổng thống nhiều thời gian để tự bào chữa.

Điều này đặt ra một trường hợp gai góc về mặt Hiến pháp vì chưa có tiền lệ : Liệu một tổng thống có thể bị kết án vì những tội danh không thể xử lý sau khi ông ta rời nhiệm sở ? Mặc dù luật lệ không cấm, nhưng điều này chưa hề xẩy ra. Quốc hội Hoa Kỳ đã đình chỉ cuộc điều tra luận tội tổng thống Richard Nixon trong vụ Watergate ngay sau khi ông từ chức vào năm 1974, vì cảm thấy mục tiêu đã trở đầy tranh cãi. Một số luật sư cho rằng việc tiếp tục phiên tòa sau khi ông Trump rời nhiệm sở có thể là một hành động vi hiến.

Tuy vậy, đối với The Economist, có nhiều lý do đầy sức thuyết phục để tiếp tục tiến trình luận tội và để cho Tòa Án Tối Cao giải quyết.

Trước hết phiên tòa sẽ cho phép xác định rằng các tổng thống không thể phạm những tội đáng truất phế mà không bị hề hấn gì trong suốt thời kỳ chuyển giao quyền hành.

Điều thứ hai là sẽ cấm ông Trump nắm giữ các chức vụ liên bang một lần nữa, ngăn chặn khả năng ông tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Điều này sẽ cho đảng Cộng hòa cơ hội loại bỏ đảng "theo chủ nghĩa Trump", với hy vọng ngăn chặn chiều hướng độc tài chủ nghĩa và không cho đảng này trở thành một đảng đối lập bảo thủ hợp hiến.

Chris Coons, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ở bang Delaware đã cho rằng : "Đối với các đồng nghiệp của tôi thuộc đảng Cộng hòa vốn từng nói rằng chúng ta cần đến với nhau, chúng ta cần hàn gắn, chúng ta cần hòa giải sau ngày thứ Tư tuần trước (06/01), tôi nhắc nhở họ điều này : Có một lời dạy thiêng liêng rằng không thể có hòa giải nếu không có sự ăn năn".

Sửa chữa nước Mỹ

Chủ đề nổi bật trên trang bìa tạp chí Courrier International tuần này cũng liên quan đến Hoa Kỳ với hàng tựa ngắn : "Sửa chữa nước Mỹ" bên cạnh hình vẽ tòa nhà Quốc hội, các cơ sở liên bang nứt nẻ, tượng Nữ Thần Tự Do ngả nghiêng dưới đất. Trong dòng ghi chú bên dưới hàng tựa, tạp chí nhận định là "Joe Biden phải hòa giải một đất nước chia rẽ hơn bao giờ hết".

Courrier International trước hết đã nêu bật phản ứng đầy phẫn nộ của công luận Mỹ và quốc tế trước sự kiện các thành phần ủng hộ tổng thống Trump xông vào Điện Capitole, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 06/01.

Tại Mỹ, tuần báo Time đã nói đến sự kiện "Nền dân chủ bị tấn công", nhật báo The New York Times nêu bật "Trump kích động đám đông, trong lúc tờ Washington Examiner lại thấy đó là dấu hiệu về "Ngày tàn của Trump", còn tuần san Bloomberg Businessweek thì đánh giá là "Lại còn tồi tệ hơn nữa". Nhìn từ Anh Quốc, tuần báo The Economist nhận định "Di sản của Trump: Một sự thất sủng và một cơ hội cần tranh thủ", trong lúc tờ The Independent ghi nhận một "Tình trạng vô chính phủ ở Hoa Kỳ".

Theo Courrier International, báo chí Mỹ và quốc tế nhìn chung đều phản ứng mạnh mẽ trước vụ người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm tràn vào Điện Capitol, với những từ ngữ như "nổi dậy", "đảo chính", "hỗn loạn"… Thái độ sửng sốt ban đầu trước các sự kiện ở Washington đã dần dần nhường chỗ cho các nhận định dứt khoát: cuộc nổi loạn mang "chữ ký" của Donald Trump và có thể dự đoán được.

Đối với tờ New York Times, huyền thoại về sự ngây thơ của người Mỹ đã qua rồi và "cơn bão ở Điện Capitol là hậu quả của những gì xảy ra trước đó". Theo tờ báo Mỹ : "Sự cố đã nổ ra sau một chiến dịch cực kỳ phân biệt chủng tộc do một tổng thống dẫn đầu, người đã mô tả một cách sai lạc rằng các thành phố của người Mỹ gốc Châu Phi là những ổ gian lận bầu cử, qua đó tỏ sự đồng tình với những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng".

Nhật báo Anh The Guardian cho biết thêm là từ nhiều tháng qua, "kịch bản về cuộc tấn công tràn ngập Điện Capitol của những người muốn 'làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' đã được triển khai trước mắt mọi người, trong các cuộc biểu tình của cánh cực hữu ở Charlottesville, Berkeley, Portland, sau đó, vào năm ngoái, trước trụ sở Nghị Viện một số tiểu bang, khi những người biểu tình da trắng vũ trang đầy đủ xông vào buộc tội các chính khách là chuyên chế và phản quốc".

Mỹ là đất màu cho các loại thuyết âm mưu

L’Express cũng trở lại các sự kiện thứ Tư 06/01 vừa qua tại Washington, nhưng tìm hiểu về các thuyết âm mưu đang nở rộ ở Mỹ, với ảnh chụp "người đội mũ sừng" người được mệnh danh là "Pháp sư phong trào QAnon" trên trang bìa, bên trên ảnh một người vác trên vai lá cờ của Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ được thấy khi các phần tử ủng hộ tổng thống Trump xông vào Quốc hội Mỹ. Tạp chí đặc biệt dành 6 trang điểm qua những mối hiểm nguy đang rình rập tổng thống tương lai Joe Biden.

Trích lời nhà chính trị học Larry Sabato, giám đốc Trung Tâm Chính Trị tại Đại Học Virginia, L’Express tỏ ra không mấy lạc quan : "Mối lo ngại rất lớn. Không ai biết mang lại câu trả lời thế nào, nhưng ý muốn nổi dậy đã bám sâu trong các khu vực trung thành nhất với đảng Cộng hòa trên đất nước".

Nhà sử học Françoise Coste, giáo sư tại Đại học Toulouse II-Jean-Jaurès, cho biết thêm "Joe Biden sẽ phải đối mặt với một sự nổi dậy liên tục, ở Washington hay ở các tiểu bang".

Đối với chuyên gia Pháp, mong muốn thống nhất đất nước của ông Biden "dường như không thể thực hiện được, nhất là khi lãnh đạo thuộc đảng Dân chủ, với đa số mong manh trong Quốc hội, sẽ phải đối mặt với một đảng Cộng hòa có một phần đông nghị sĩ có vẻ nghe theo các thuyết âm mưu: Hơn một trăm người trong số họ đã bỏ phiếu chống lại việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống".

Những kẻ cuồng tín mới tại Pháp

Le Point ngược lại với các đồng nghiệp không dành tít trang bìa cho nước Mỹ, mà nêu bật tình hình nước Pháp, với vẻ "trông người lại nghĩ đến ta" khi chạy tựa lớn trên trang bìa : "Những kẻ cuồng tín mới".

Trong một hồ sơ 12 trang, Le Point liệt kê : Những người theo chủ nghĩa bản địa, những người phá hoại tượng đài, những người theo chủ nghĩa tách biệt chủng tộc, những người chủ trương cách viết gộp… Tạp chí Pháp đã điều tra cơn sốt "trở về bản sắc" đang bao trùm nước Pháp và đăng bản tuyên ngôn của 76 học giả kêu gọi kháng cự lại điều được gọi là chủ nghĩa phi thuộc địa ("décolonialisme").

Theo Le Point, ở một số trường đại học, lập luận mang tính đấu tranh chính trị rõ ràng chiếm ưu thế trên kiến thức hàn lâm. Vào năm 2019, sinh viên cử nhân ngành khoa học chính trị tại Đại học Lumière-Lyon-2 chẳng hạn, đã có thể theo dõi cả một buổi học về "chủ nghĩa nữ quyền Hồi giáo".

Bernard Rougier, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Phương Đông của Đại học Paris-3 và là tác giả tập biên khảo "Những vùng lãnh thổ đã bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chinh phục" tiết lộ : "Từ đầu những năm 2000, đã có đến 1.100 luận án tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu hậu thuộc địa hoặc phi thuộc địa, đã được bảo vệ hoặc đang chuẩn bị".

Nhà tư tưởng Pháp đã gợi cảm hứng cho hành tinh

L’Obs cũng dành trang bìa cho nước Pháp, đúng hơn cho một học giả, Bruno Latour, mà theo tờ báo, đã "gợi cảm hứng cho cả hành tinh".

Tạp chí Pháp ghi nhận : "Dù không được giới truyền thông hay chính trị chú ý, Bruno Latour vẫn là nhà triết học Pháp nổi tiếng nhất trên thế giới. Ở đất nước chúng ta, đầu óc tò mò về mọi thứ cuối cùng đã được lắng nghe nhờ những phân tích của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu." L'Obs đã dành một hồ sơ 12 trang cho nhà tư tưởng công giáo này nhân dịp ông cho ra mắt quyển sách "Tôi đang ở đâu ?".

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế