Báo Anh : Mỹ vẫn có thể đẩy lùi bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc
Dù không chọn làm tựa chính, nhưng trang bìa hầu hết các tuần báo ra vào đầu tháng 6/2020 này đều dành chỗ cho những cuộc biểu tình, nhiều khi biến thành bạo động, đang bùng lên tại nước Mỹ sau vụ một người da đen bị chết dưới chân một viên cảnh sát da trắng khi bị câu lưu tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota. Thời sự Pháp và phương cách cứu vãn ngành du lịch bị dịch Covid-19 đánh gục là những chủ đề khác được chú ý.
Hàng ngàn người tuần hành tại thành phố Minneapolis (Minnesota - Hoa Kỳ) ngày 05/06/2020, để phản đối nạn kỳ thị chủng tộc, sau vụ George Floyd, một người da đen bị một viên cảnh sát da trắng sát hai. Reuters - Eric Miller
Tình hình dầu sôi lửa bỏng tại Hoa Kỳ đã được tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa với một tựa đề bí hiểm : "Khói lửa lần này - The Fire this Time", cải biên tựa đề tập tiểu luận nổi tiếng "The Fire next time - Khói lửa lần tới" của nhà văn người Mỹ da đen James Baldwin, xuất bản năm 1963, đề cập đến thân phận người da đen tại Mỹ thời còn chế độ kỳ thị chủng tộc.
Bên dưới hàng tựa, tờ báo cho biết ngay nội dung chính của các bài phân tích và bình luận ở các trang bên trong : "Bạo lực của cảnh sát, chủng tộc và phong trào phản đối tại nước Mỹ".
Trong bài phân tích mang tựa đề đã được nêu lên ở trang bìa, The Economist đã tìm cách trả lời cho câu hỏi : "Mục tiêu bình đẳng mà những người biểu tình ở các thành phố trên nước Mỹ đang hướng tới sẽ đến gần hơn hay sẽ bị đẩy lùi ?".
Toàn cảnh nước Mỹ năm 2020 rất giống năm 1968
Tuần báo Anh đã mở đầu bài viết bằng một đoạn mô tả nước Mỹ khá chi tiết : Một trăm ngàn người Mỹ đã chết vì virus corona, một chuyến bay kỳ thú vào vũ trụ thể hiện thành tựu của người Mỹ, các cuộc biểu tình chống tình trạng bất công vì lý do chủng tộc bùng lên tại các thành phố trên toàn quốc, và vào tháng 11, cử tri phải lựa chọn giữa một ứng viên Cộng hòa tranh cử trên cơ sở một cương lĩnh nhấn mạnh đến trật tự và luật pháp, và một ứng viên Dân chủ mờ nhạt, nguyên là một phó tổng thống.
Rõ ràng đây là tình hình hiện nay, thế nhưng The Economist nói ngay : Đó là tình hình nước Mỹ vào năm 1968, virus lúc đó là virus bệnh cúm, chuyến bay vào vũ trụ là của phi thuyền Apollo 8, làn sóng biểu tình phản đối thì bùng lên sau hai vụ ám sát Martin Luther King và Robert Kennedy, còn hai ứng viên tổng thống là Richard Nixon, đảng Cộng hòa, và nguyên phó tổng thống Hubert Humphrey đảng Dân chủ.
Đối với tuần báo Anh, tình hình năm 1968 cũng là năm 2020, với điểm tương đồng là về mặt xã hội, tình trạng bất công cũng có tác động tàn phá tương tự. Ngày nay, biểu tình đòi bình đẳng chủng tộc đã lan ra hơn 350 thành phố trên toàn quốc sau vụ George Floyd, một người Mỹ gốc Châu Phi không vũ trang, bị một cảnh sát da trắng sát hại bất chấp lời van xin của chính nạn nhân và tiếng kêu báo động ngày càng lớn của đám đông.
Vòng luẩn quẩn "bất công - phản kháng - bạo loạn - phản ứng bảo thủ"
Theo The Economist, phản ứng phẫn nộ của công luận trước vụ việc không có gì đáng ngạc nhiên. Xã hội Mỹ trong quá khứ đã nhiều lần bùng nổ vì những lý do tương tự, trong bối cảnh người da đen tại Mỹ phải chịu đựng những điều kiện sống khắc nghiệt hơn, bị chính quyền và cảnh sát đối xử tồi tệ hơn vì màu da…
Đối với tuần báo Anh, vòng luẩn quẩn bất công, phản kháng, bạo loạn và phản ứng bảo thủ đã lập đi lập lại nhiều lần kể từ năm 1968 đến nay đã tạo ra tâm lý bi quan, cho rằng bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ là vấn đề không thể khắc phục.
Thế nhưng, The Economist cho rằng tâm lý bi quan như vậy không có cơ sở, thậm chí phản tác dụng. Thực tế cho thấy là cảnh sát Mỹ không phải là ai cũng kỳ thị chủng tộc, ở nhiều nơi đã có những sáng kiến cải tổ thành công đưa cảnh sát gần gũi người dân hơn, và chế độ bầu lãnh đạo cảnh sát hay công tố viên cho phép hạn chế các hành vi thái quá.
Đối với những người đấu tranh chống bất công cũng thế, bi quan dễ dẫn đến cực đoan, bạo loạn, với hệ quả là làm mất đi thiện cảm của đa số người dân, thêm củi lửa cho các thành phần bảo thủ để gia tăng đàn áp, khiến cho mục tiêu tìm kiếm công bằng của họ không đạt được.
Theo The Economist, trong năm bầu cử tổng thống Mỹ này, Donald Trump dường như muốn dùng chiêu bài kích động nỗi sợ hãi bạo loạn để kiếm phiếu. Ông đã khuyến khích những người ủng hộ đụng độ với những người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng và đang tìm cách triển khai quân đội bên cạnh lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để gọi là bảo đảm trật tự. Chiêu bài luật pháp và trật tự từng giúp Richard Nixon đánh bại Hubert Humphrey vào năm 1968. Nó có thể giúp Donald Trump chiến thắng lần này.
Tình hình không hoàn toàn bế tắc
Tuy nhiên, đối với The Economist, tình hình không hoàn toàn bi quan. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, nếu những người biểu tình giữ được thái độ bất bạo động, họ có thể cải thiện được tình hình. Lịch sử cho thấy là vào cuối thập niên 1960 là lúc mà James Baldwin viết về sự cần thiết phải hàn gắn vết rạn nứt trong lòng nước Mỹ, đất nước này đã bắt đầu dỡ bỏ chế độ phân biệt chủng tộc, và cũng gặp phản ứng từ những người cho rằng giới đấu tranh vì dân quyền đã đi quá trớn.
Tuy nhiên, theo tuần báo Anh, nước Mỹ là như thế. Tiến bộ luôn phải đấu tranh với bảo thủ. Và trong nửa thế kỷ qua, người Mỹ đã quay lưng lại với sự phân biệt chủng tộc. Vào tuần này, khi cái chết thảm khốc của một người da đen đã lôi cuốn được những người phản đối thuộc tất cả các chủng tộc xuống đường, đó không chỉ là dấu hiệu cho thấy là kỳ thị vẫn tồn tại, mà cũng là dấu hiệu cho thấy là cuộc đấu tranh cho bình đẳng màu da vẫn có thể gặt hái tiến bộ.
"Về nỗi kinh hoàng khi là người da đen tại Mỹ"
Tạp chí Courrier International, trong hàng tựa trang bìa : "Hoa Kỳ : Về nỗi kinh hoàng khi là người da đen", cũng trở lại vụ George Floyd đang làm chấn động nước Mỹ và thế giới, với những cuộc biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn, thể hiện một nỗi tức giận có vẻ như không thể dập tắt được, nhất là khi tổng thống Trump lại đổ thêm dầu vào lửa.
Tạp chí Pháp đã nêu bật tình hình qua các bài viết trên báo Mỹ đặc biệt là lời chứng của LZ Granderson, một nhà báo người da đen của tờ báo Mỹ Los Angeles Times, giải thích "nỗi kinh hoàng khi là người da đen" ở Mỹ.
Nhà báo này đã kể lại vô số lần bị ông bị cảnh sát câu lưu một cách tùy tiện, từ lúc còn bé cho đến khi trưởng thành, "chỉ vì ông là người da đen" và lần nào cũng vậy, cái cớ đưa ra là vì ông "giống một người khác".
Theo ghi nhận của Courrier International, bạo lực của cảnh sát, kỳ thị chủng tộc không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy các xuống đường đang diễn ra. Nước Mỹ của ông Trump giống như một thùng thuốc nổ.
Tạp chí Pháp trích dẫn tờ Wall Street Jourrnal, nói đến những "biến động tệ hại nhất từ hàng mấy thập niên qua", trong lúc theo báo The Washington Post, những cuộc biểu tình bạo động này cho thấy là nước Mỹ "đang ở đáy vực thẳm".
Biểu tình bạo động tại Mỹ cũng được hai tạp chí khác ở Pháp nhắc đến trong những hàng tựa nhỏ trang bìa. Le Point đặt câu hỏi : "Này, chuyện gì xẩy ra với nước Mỹ vậy ?", trong lúc đồng nghiệp L’Obs chạy tít : "Cảnh sát Mỹ - Cội nguồn của tình trạng bạo động".
Du lịch thời hậu Covid
Như nói ở trên, du lịch thời hậu Covid cũng là đề tài được các tạp chí quan tâm. Courrier International đã chạy tựa lớn chiếm 3/4 trang bìa giới thiệu hồ sơ : "Du lịch : Phải sáng tạo lại mọi sự".
Courrier International giải thích là ngành du lịch, chiếm 11% GDP toàn cầu đã bị dịch Covid-19 tác hại rất nặng nề, với các biên giới bị đóng cửa, đi lại hạn chế. Hàng triệu công ăn việc làm bị ảnh hưởng. Các hãng máy bay thông báo kế hoạch sa thải hàng loạt… Vào lúc sắp đến hè, mùa cao điểm của ngành du lịch, tạp chí Pháp đã đi một vòng để tìm hiểu xem về các vấn đề do Covid-19 đặt ra.
Về câu hỏi có nên đi nước ngoài hay không vào mùa hè này ? Nếu đi thì đi đâu và như thế nào, Courrier International trích tuần báo Anh The Economist nêu bật sáng kiến "bong bóng du hành", tức là các thỏa thuận tự do đi lại như giữa một số quốc gia giống như giữa các nước vùng Baltic, miền đông bắc Châu Âu.
Vấn đề đặt ra liệu là sáng kiến đó có thể vực dậy cả một lãnh vực phát triển mạnh nhưng bị ngưng lại đột ngột hay không. Nhật báo Anh, The Independent tỏ ra rất hoài nghi. Đối với tờ báo này một đỉnh cao của du lịch thế giới đã đạt được vào năm 2019, và nếu du khách Trung Quốc (chiếm 20% du khách toàn cầu) không trở lại thì nhiều nước có nguy cơ mất mát rất nhiều. Cho nên nhiều nước như Thái Lan, các nước Bắc Phi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… đang cố sáng tạo lại để chinh phục khách địa phương.
Covid-19 là cơ may cho ngành du lịch ?
Theo ghi nhận của Courrier International, sáng tạo lại không chỉ là sắp xếp lại bàn ghế hay chụp ảnh ghi lên Facebook, mà suy nghĩ lại về du lịch.
Phải chăng như một nhà văn Croatia và một nhà báo Đức đã suy nghĩ, Covid-19 làm du lịch khựng lại cũng là một cơ may ? Cơ may để chấm dứt nạn du lịch ồ ạt, du lịch để chụp hình đăng lên mạng xã hội, mà chú ý đến việc bảo vệ môi trường, khám phá những thực tế giản dị.
Một nhà báo Nga thì không chấp nhận loại du lịch "trại lính", nhìn thấy trước là vào mùa hè này, sẽ có nào là xét nghiệm y tế, có nguy cơ bị cách ly, bãi biển, cũng như các quán cà phê bị giám sát liên tục. Nhà báo này kết luận trong bài viết : "Chi bằng ở nhà thì hơn !
Đối với Courrier International đây là điều đáng suy ngẫm !
Cũng trên chủ đề du lịch, Le Point đã có một hàng tựa nhỏ trên trang bìa, giới thiệu "100 cách để khám phá lại nước Pháp".
Vấn đề lương bổng - quả bom nổ chậm tại Pháp
Dịch Covid-19 giảm bớt nhiều với cuộc sống trở lại hầu như bình thường, đã khiến các tuần báo Pháp chú ý trở lại các vấn đề chính trị, kinh tế quốc nội.
Trên trang bìa, tạp chí L’Express chẳng hạn đã lo ngại về vấn đề lương hướng với dòng tựa : "Quả bom lương bổng" được cho là hồ sơ nóng của những tháng sắp tới.
Trong hồ sơ 6 trang, tạp chí nhìn thấy vấn đề lương thấp là một quả bom nổ chậm và phân tích : "Những lời hứa nâng cao các mức lương thấp nhất có nguy cơ vấp phải thực tế thất nghiệp hàng loạt".
L’Express ghi nhận là "tại bệnh viện, các cuộc thương lượng đã bắt đầu, chính phủ đã hứa nới lỏng (hầu bao) và tăng lương khá nhiều, từ 200 đến 300 euro mỗi tháng đối với y tá".
Theo tạp chí Pháp, cử chỉ này của chính phủ không phải là không nguy hiểm vì khi đụng đến vấn đề lương ở hệ thống bệnh viện nhà nước, chính phủ sẽ thúc đẩy đòi hỏi của toàn bộ lãnh vực công như giáo dục, tư pháp, cảnh sát. Lãnh vực kinh tế thương mại thì càng phức tạp hơn vì các công ty đang kiệt quệ.
L’Express cũng cho là nên cẩn thận vì lương bổng ở Pháp đã là cao so với các láng giềng Châu Âu. Mức lương tối thiểu (smic) ở Pháp chẳng hạn là 10,15 euro/giờ, trong lúc tại Bỉ chỉ là 9,66, hay ở Đức là 9,35, hoăc 5,76 ở Tây Ban Nha, 3,83 ở Bồ Đào Nha.
Macron - Người gây mê
Cũng về kinh tế Pháp, Le Point tỏ vẻ rất bức xúc trước những khoản trợ giúp tài chính được chính phủ gần đây loan báo và nghĩ rằng ông Macron ru ngủ người Pháp, thông báo ban phát hàng tỷ euro mà ông không có.
Tạp chí Pháp chạy hàng tựa lớn rất mỉa mai trên trên trang bìa : "Hãy ngủ ngon đi các con", với gương mặt tổng thống Pháp vẻ lém lỉnh, và bên cạnh nói đến "Macron - người gây mê". Hồ sơ chạy tựa trang bìa này chiếm cả 19 trang.
Tạp chí rất bực tức : "Trước nạn kinh tế suy thoái, nước Pháp như chối bỏ thực tế, nhà nước có mặt khắp mọi nơi, chi xài còn nhiều hơn bình thường, tạo ra ảo tưởng có tiền thần diệu (búng tay là có ngay)". Đối với tạp chí, cả nước Pháp bị gây mê.
Tuy dòng tựa mỉa mai nhắm vào tổng thống, nhưng Le Point cũng quy trách nhiệm cho thái độ người Pháp nói chung mà tạp chí nhìn thấy là ham vui, lười biếng, không biết lo : "Thất nghiệp tăng chưa từng thấy - 22,6%, vào tháng Tư - nhưng chỉ được các bản tin truyền hình nhắc đến ngắn gọn sau những phóng sự dài về nào là mở cửa lại các sở thú, nào là niềm vui của người Paris được phép chạy jogging trở lại ở vườn Luxembourg hay ngồi uống mojito ở vỉa hè quán cà phê".
Edouard Philippe - Người "không dễ nhai dễ nuốt"
L’Obs nhìn lên sân khấu chính trị, dành trang bìa cho thủ tướng Édouard Philippe, với tựa lớn trên phông nền đen "Người bám trụ - Le Coriace" và câu hỏi bên dưới : "Macron có thể không cần đến Édouard Philippe ?".
Trong hồ sơ 12 trang, tạp chí giải thích câu hỏi của mình, cho rằng "Trước khả năng cải tổ nội các, Édouard Philippe dường như đang bị nhắm tới. Nhưng đối với tổng thống, từ bỏ một lãnh đạo chính phủ được lòng dân hơn ông là một vụ đánh cược rủi ro. Nhất là khi đương sự lại cương quyết ở lại".
Trọng Nghĩa