Một chủ đề được nhiều tờ báo Pháp ngày 07/05/2021 quan tâm là việc tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19. Báo công giáo La Croix chơi chữ, nhận định "ổ khóa chính" đã được phá bung, tổng thống Mỹ Biden là người dám mạo hiểm và là người phù hợp để làm việc đó bởi từ khi ông nhậm chức, chiến dịch chủng ngừa của Mỹ đã tiến đến thành công.
Sản phẩm vac-xin ngừa Covid-19 của Johnson&Johnson. AP - Mary Altaffer
Về mặt biểu tượng, theo La Croix, ủng hộ đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19 là một quyết định quan trọng bởi nó cho thấy có một điều còn có giá trị hơn cả bằng sáng chế, đó là sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Vac-xin sẽ sớm được công nhận là một "tài sản công" của thế giới. Thế nhưng, La Croix cũng lưu ý, việc ủng hộ đình chỉ bảo hộ phát minh lần này không phải "cây đũa thần", bởi còn nhiều chướng ngại vật phía trước, trong đó có vấn đề tài chính và chính trị.
Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu gọi đó là một bước ngoặt và nhận định áp lực đang gia tăng đối với giới bào chế dược phẩm. Nhưng liệu biện pháp đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vac-xin ngừa Covid-19 có phải là một "giải pháp thần kỳ" để đưa thế giới thoát khủng hoảng hay không ? Le Figaro nhấn mạnh rằng hướng đi đó sẽ giúp tăng khả năng sản xuất vac-xin, kéo theo đó là tăng số người được tiêm ngừa, nhưng giống như La Croix, Le Figaro nhấn mạnh các rào cản còn nhiều.
Trước hết, cho dù nhiều hãng dược phẩm của Ấn Độ, Nam Phi và Brazil có trình độ bào chế, nhưng về thủ tục có thể phải chờ 6-7 tháng mới có thể bắt tay vào sản xuất. Ngoài ra, cũng cần có nguồn cung ứng 500 loại nguyên vật liệu để bào chế vac-xin và cần nguồn nhân lực dồi dào từ cả hai phía để chuyển giao, tiếp nhận công nghệ.
Báo kinh tế Les Echos có cái nhìn rộng hơn, không chỉ nói về những rào cản mà đề cập đến nhiều vấn đề khác, chẳng hạn tại sao các tập đoàn dược phẩm lại không ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19. Dựa trên 11 loại vac-xin được bán trên thị trường, viện CEPI của Pháp cho biết tính trung bình, mỗi dự án phát triển vac-xin cần 10 năm, với số tiền đầu tư 2,8 đến 3,7 tỉ đô la và tỉ lệ thất bại ở thời điểm khởi đầu dự án lên tới 94%.
Nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo đảm, các hãng bào chế rất khó tìm được nhà đầu tư tài chính. Theo Les Echos, không chỉ lo sợ mất nguồn thu nếu bằng sáng chế vac-xin ngừa Covid-19 bị đình chỉ, các tập đoàn còn đặc biệt lo ngại về việc mất kiểm soát hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền lệ cho việc đình chỉ sáng chế tương tự nếu sau này thế giới lại lâm vào khủng hoảng dịch bệnh.
Tờ báo thiên tả Libération chủ yếu quan tâm đến nước Pháp. Ngoài trang nhất và hồ sơ lớn nhiều trang dành để viết về cố tổng thống Pháp François Mitterand thuộc cánh tả với "sự kiện 10/05/1981", nhân dịp sắp đến kỷ niệm 40 năm ngày ông François Mitterrand đắc cử tổng thống Pháp, ngày mà Libération gọi là ngày gợi lên niềm hy vọng làm thay đổi đất nước. Đó cũng là ngày đánh dấu sự trở lại của Libération sau 3 tháng tạm ngưng phát hành theo quyết định của người sáng lập, Serge July, người từng muốn làm thay đổi nền báo chí Pháp. Libération tự hào khẳng định điều đó đã thành hiện thực, bởi vì Libération đã trở thành một trong những nhật báo quốc gia tầm cỡ nhất.
Ngoài nhiều trang bài hồi tưởng đánh giá về hai sự kiện chính trị và báo chí 10/05/1981, trở lại hiện tại, Libération đặc biệt chú ý đến sự thay đổi trong chiến lược tiêm chủng đại trà ngừa Covid-19 tại Pháp.
Hôm 06/05, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đột ngột thông báo đẩy nhanh lịch trình tiêm chủng : thay vì phải đợi đến giữa tháng Sáu, những người từ 18 đến 50 tuổi có thể đăng ký chích ngừa virus corona kể từ 16 giờ chiều thứ Tư 12/05. Trong bài viết "Vac-xin : Macron nhìn cuộc đời màu hồng", Libération lý giải vì sao tổng thống Pháp có thể đột ngột thay đổi chiến lược tiêm chủng, trong khi chỉ vài ngày trước đó, chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược tiêm ngừa của Pháp vẫn khẳng định cần ưu tiên tiêm cho những người nhiều tuổi hơn, dễ tổn thương hơn là nhóm người 18-50 tuổi.
Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp đã thành công trong chiến dịch tiêm ngừa cho người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão, góp phần làm giảm số người cao niên chết vì virus corona tại các trung tâm chăm sóc người cao niên EHPAD từ 400-450 ca/ngày xuống còn 0-10 ca/ngày, nhưng Libération vẫn nhấn mạnh tổng thống Pháp không còn thời gian để chần chừ : chính quyền đang bị giới khoa học chỉ trích nặng nề về quyết định dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa quá sớm và chệch hướng nên phải tăng tốc chiến dịch tiêm ngừa để đề phòng nguy cơ dịch bùng trở lại.
Về nguồn vac-xin, Libération trích dẫn một bác sĩ một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris, theo đó nếu như trước đây Pháp khan hiếm vac-xin thì nay lại có khả năng dư thừa vì tiến độ giao hàng của các tập đoàn bào chế được đẩy nhanh. Theo dự kiến, riêng trong tháng 05/2021 Pháp nhận được 16-17 triệu liều vac-xin. Libération cũng cho biết kể từ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, nhiều địa phương đã "phớt lờ" quy định của chính phủ để mở rộng tiêm chủng cho người trên 18 tuổi : đảo Corse, Nice, Cannes.
Chính quyền Pháp không nói ra nhưng trong những ngày qua cũng "ngấm ngầm" theo bước các địa phương, mở rộng cánh cửa cho những người trên 18 tuổi và có bệnh nền dễ biến chứng nếu nhiễm virus corona được quyền tiêm. Tuy nhiên, việc yêu cầu trình giấy chứng nhận y tế là quyền của từng trung tâm tiêm ngừa, chính phủ không áp đặt.
Phát hành từ chiều hôm trước 06/05, Le Monde cho biết thời hạn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đã được "âm thầm" đẩy lên thành ngày 04/07/2021 thay vì ngày 11/09/2021 như thông báo ban đầu của tổng thống Joe Biden. Đặc phái viên Jacques Follorou của Le Monde tại Kaboul nhận định quyết định bất ngờ của Washington khiến nhà chức trách Afghanistan kinh ngạc.
Về phía quốc tế, thông báo này cũng gây chấn động. Mặc dù không có sự hoảng loạn ở thủ đô của Afghanistan, nhưng tình hình sẽ có nhiều bất trắc, nhất là trong 3-4 tháng tới, theo một quan chức cấp cao của NATO. Tướng Miller, chỉ huy quân đội Mỹ và NATO tại Afghanistan, đảm bảo với các nhà ngoại giao phương Tây rằng các binh sĩ sẽ được đưa về càng nhanh càng tốt trong giai đoạn rút quân.
Washington đang hy vọng có thể thuyết phục phe Taliban trở lại bàn đàm phán, sau khi họ từ chối tham dự hội nghị Istanbul ngày 24/04 về hòa bình ở Afghanistan với lý do Mỹ đã vi phạm thỏa thuận Doha, được ký kết vào ngày 29/02/2020, theo đó sẽ không còn một lính Mỹ tại Afghanistan sau ngày 01/05/2021. Taliban từng tuyên bố có thể sẽ lại tấn công các lực lượng nước ngoài.
Bên cạnh những cân nhắc về chính trị-ngoại giao, việc rút quân vào ngày 04/07 đồng nghĩa với chuyện mọi việc sẽ kết thúc vào tháng 6, kể cả đối với NATO : "cluster Kabul", tổ chức an ninh ở thủ đô Afghanistan, sẽ bị tháo dỡ. Căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan, ở Bagram, cách đó vài cây số, sẽ bị đóng cửa và bàn giao cho người Afghanistan. Và cuối cùng, trụ sở rộng lớn của NATO sẽ được giao cho đại sứ quán Hoa Kỳ.
Đối với Afghanistan, sự rút lui vội vàng này đã dẫn đến việc Mỹ chấm dứt công tác giao tên lửa dẫn đường bằng laser do thiếu chuyên gia. Tương tự như vậy, theo một thành viên NATO, trong tháng 6, chỉ có 30% đội hình không quân của Afghanistan có thể thực hiện các chuyến bay do không được bảo trì, trong khi quyền làm chủ bầu trời lẽ ra phải là thế mạnh chính của Kabul để đối phó với Taliban. Đó là chưa kể đến tình trạng một số cơ sở hạ tầng mà Mỹ chuyển giao lại cho Afghanistan dường như đã xuống cấp.
Theo thông tin Le Monde có được, tình báo Mỹ cho rằng Taliban đang ở thế tốt hơn so với năm 1996, trước khi chiếm Kabul. Và theo báo cáo của tình báo Mỹ, Taliban đã lên kế hoạch tấn công vào thủ phủ của 7 tỉnh, cắt đứt các tuyến đường cung ứng, tiếp tế cho Kabul. Dường như Taliban tin rằng họ có thể thâu tóm đất nước này chỉ sau 45 ngày.
Cho dù có những ý kiến báo động, nhưng theo đặc phát viên của Le Monde, hồi năm 1996, khi Taliban tiến đến, thành phố Kabul hoang tàn, đổ nát và Taliban không cần bắn một phát súng nào, khi đó Afghanistan cũng không có quân đội chuyên nghiệp như hiện nay. Còn bây giờ, 50.000 lính đặc nhiệm Afghanistan do Mỹ huấn luyện được công nhận là hoạt động hiệu quả. Afghanistan của năm 2021 không còn như hồi năm 1996 hay 2001. Dân số đã tăng gần gấp đôi. Quân Taliban thường đóng ở các vùng nông thôn, họ không thông thạo các khu vực thành thị theo kiểu Tây phương, nơi có trình độ công nghệ, giáo dục và quản lý.
Về môi trường khí hậu, đề tài được nhiều báo Pháp như Le Monde, Le Figaro… quan tâm là tình trạng băng tan trên Trái đất, nhân dịp tạp chí khoa học Nature công bố nhiều kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa tốc độ sông băng tan và tình trạng Trái đất nóng dần lên.
Trong bài viết "Khắp nơi trên thế giới, các sông băng tan ngày càng nhanh", Le Figaro trích dẫn chuyên gia về băng hà, Étienne Berthier, của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp - CNRS, đồng tác giả của nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của khoảng 10 đơn vị nghiên cứu và được đăng trên tạp chí Nature, theo đó lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể đo lường sự thay đổi của từng sông băng trong số hơn 220.000 sông băng trên hành tinh, trừ ở Greenland và Nam Cực.
Chủ yếu dựa vào nửa triệu hình ảnh được truyền về từ vệ tinh Aster, do NASA phóng vào cuối năm 1999, các nhà nghiên cứu nhận thấy các sông băng mất trung bình 267 tỷ tấn băng mỗi năm tính từ năm 2000 đến năm 2019, băng tan nhanh đặc biệt ở dãy núi Alpes, Iceland, Alaska. Những khu vực có khí hậu ôn hòa và ẩm ướt hơn thì băng tan chảy chậm hơn nhưng không có nơi nào trên Trái đất tránh được tình trạng sông băng tan chảy, kể cả phía tây dãy Himalaya, nơi trước đây có lượng băng ổn định hoặc thậm chí đã từng tăng lên.
Tại New Zealand, nếu như cách nay 20 năm các sông băng hầu như không bị mất thể tích thì chỉ trong 5 năm qua, New Zealand đã phá kỷ lục đáng lo ngại : các sông băng giảm độ dày 1,5 mét/năm. Điều khiến các tác giả thấy kinh ngạc và lo ngại là mức độ gia tăng của hiện tượng sông băng tan chảy : từ mức trung bình 227 tỷ tấn băng tan mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, con số này đã tăng lên thành 298 tỷ tấn trong giai đoạn 2015-2019.
Các sông băng tan chảy đã góp 21% vào sự gia tăng mực nước biển kể từ đầu thế kỷ 21. Nhưng ảnh hưởng về lâu dài sẽ ra sao ? Theo một bài viết khác trên tạp chí khoa học Nature, những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính sẽ có tác dụng tích cực trực tiếp hạn chế sự gia tăng mức độ tan chảy của các sông băng. Nếu con người hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức +1,5°C, như mục tiêu Thỏa thuận Khí hậu Paris đặt ra, thì lượng băng tan chảy làm mực nước biển dâng cao sẽ được giảm một nửa.
Các tác giả một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature báo động sự tan chảy ở Nam Cực, với lượng băng lớn nhất Trái đất, có thể dẫn đến nước biển gia tăng ở mức không thể đảo ngược. Điều đáng lưu ý, theo Le Figaro, là sông băng tan chảy không chỉ có nghĩa là mực nước biển dâng cao. Nhà nhiên cứu băng hà Étienne Berthier nhắc lại các lưu vực sông băng bao phủ ít nhất 25% diện tích đất đai toàn cầu và là nơi sinh sống của gần 1/3 dân số thế giới. Các sông băng trữ nước ở thể rắn và cấp nước cho các con sông vào mùa hè. Khi không còn sông băng trong khu vực, tuyết sẽ tan nhanh hơn nhiều nên đến giữa hè các vùng có liên quan sẽ thiếu nước.
Thùy Dương