Sau hơn mười năm thương lượng, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đạt được thỏa thuận lịch sử về bảo vệ đại dương. Bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên cốt yếu ở các vùng biển cả, tức những nơi cách xa đất liền 370 km và không thuộc bất cứ quốc gia nào, là mục tiêu của thỏa thuận mà các nước thành viên thông qua trong đêm ngày 4 rạng sáng 05/03/2023 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Bản đồ các đại dương thế giới. © wikimedia
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki gửi về bài tường trình :
"Đã phải mất đến 15 năm ! 15 năm họp hành, thương lượng không chính thức và chính thức mới có thể đạt đến kết quả này ! Và để ra được thông báo này, các ê-kip đàm phán đã làm việc liên tục trong ngày thứ Bảy (04/03) sau một đêm thức trắng và 3 tuần thương lượng. Kết quả đã được đón chào bằng những tràng vỗ tay hoan nghênh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và với câu phát biểu của chủ tịch hội nghị, bà Rena Lee : "Tàu đã cập bờ".
Với thỏa thuận về vùng biển ngoài khơi xa này, một phần vùng biển quốc tế sẽ được xếp vào danh sách các vùng được bảo tồn. Văn bản mang lại một công cụ pháp lý để bảo vệ đa dạng sinh học và khai thác các nguồn tài nguyên.
Xin nhắc lại là có thể công đồng quốc tế đã không đạt nổi một thỏa thuận như vậy, bởi vì từng từ, từng câu, thậm chí từng dấu phẩy đều là chủ đề tranh luận và vẫn còn nhiều vấn đề gây chia rẽ, nhất là khi nói đến việc phân chia các nguồn lợi tiềm ẩn về tài nguyên biển. Các nước đang phát triển đều sợ bị thiệt thòi.
Dẫu sao thì cũng đã có được một thỏa thuận. Tuy nhiên, con đường để thỏa thuận chính thức được thông qua vẫn còn dài ở phía trước. Giờ đây, thỏa thuận cần phải được đưa ra xem xét tại các cơ quan pháp lý và phải được dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc".
Thùy Dương