Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ý thức rằng tuơng lai của Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào kết quả vòng hai bầu cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017, các nhà lãnh đạo Châu Âu gần như đồng loạt ủng hộ ứng cử viên cánh trung Emmanuel Macron thân Châu Âu, chống ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, một người có lập trường chống hợp nhất Châu Âu.

baucu0

Ứng viên tổng thống Pháp cánh trung thuộc phong trào Tiến Bước ! Emmanuel Macron - RFI/Pierre René-Worms

Sau khi ông Macron về nhất trong vòng đầu ngày 23/04, qua mặt bà Le Pen, các lãnh đạo Châu Âu đã vội gởi lời chúc mừng đến cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp. Điều này phản ánh mối lo ngại của họ trước đà tiến của các phong trào dân túy, bài Châu Âu, tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh Quốc và chiến thắng của Donald Trump ở Hoa Kỳ.

Trong một đoạn video đăng trên trang Twitter hôm qua, cựu bộ trưởng Pháp, ủy viên Châu Âu Michel Barnier, người đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về Brexit với Luân Đôn, đã tuyên bố là ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron, để "nước Pháp vẫn là Châu Âu". Ngay cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, bình thường rất dè dặt, ngay từ tối 23/04 cũng đã chúc ông Macron "thêm can đảm cho giai đoạn tới". Giải thích về sự can thiệp của ông Juncker vào bầu cử Pháp, phát ngôn viên của ông nói rằng "đây chỉ là một sự chọn lựa giữa một bên là bảo vệ Châu Âu và bên kia là phá hủy Châu Âu".

Sau vòng một bầu cử tổng thống, ứng cử viên Macron thậm chí đã nhận được sự khích lệ của những lãnh đạo có xu hướng chính trị khác biệt, thậm chí đối chọi với ông, như thủ tướng bảo thủ Angela Merkel của Đức, thủ tướng cực tả Alexis Tsipras của Hy Lạp hay thủ tướng tự do Charles Michel của Bỉ.

Thái độ nói trên của lãnh đạo Châu Âu là điều dễ hiểu do lập trường đối chọi nhau của hai ứng cử viên tổng thống Pháp về Châu Âu. Bà Le Pen muốn tái lập các đường biên giới và đồng franc, tức là sẽ thương lượng với Bruxelles để đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro và khu vực tự do đi lại Schengen. Thậm chí ứng cử viên cực hữu còn dự tính tổ chức trưng cầu dân Ý về việc nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Ứng cử viên Macron thì trái lại muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập Châu Âu, cụ thể là muốn khu vực đồng euro phải có riêng một ngân sách, một Nghị viện và một bộ trưởng Tài Chính. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp còn chủ trương một "chính sách đầu tư Châu Âu", đồng thời tăng cường Châu Âu quốc phòng.

Đặc biệt, ông Macron còn cam kết sẽ khởi động lại cỗ máy Pháp-Đức, một điều gây nhiều hứng khởi tại Đức, vào lúc nước này chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Nhiều nhân vật chủ chốt trong liên minh cầm quyền tại Đức đã hoan nghênh cam kết đó của cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp.

Theo phân tích của ông Vincenzo Scarpetta, thuộc trung tâm tham vấn Open Europe, được hãng tin AFP, trích dẫn hôm nay, cải tổ LHCA nói trên giấy tờ thì dễ, nhưng thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều, nhất là vì những ý tưởng của ông Macron quá táo bạo. Ông Scarpetta nêu câu hỏi : "Ông ấy muốn một ngân sách và một bộ trưởng cho khu vực đồng euro. Đòi như thế thì có thực tế không, khi ta biết rằng sẽ phải sửa biết bao nhiêu hiệp ước".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Yann-Sven Rittelmeyer, thuộc Trung tâm Chính Sách Châu Âu (European Policy Center), lưu ý rằng khuôn khổ hành động của ông Macron, nếu đắc cử tổng thống Pháp, sẽ rất là hạn hẹp, nếu ông phải chung sống với một chính phủ thuộc phe khác sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 tới. Theo ông, các lãnh đạo Châu Âu hiện giờ chỉ mong nguy cơ cực hữu bị đẩy lùi trước đã, cho nên họ chưa thật sự đo lường hết những vấn đề có thể nẩy sinh từ việc ông Macron không có được đa số ở Quốc Hội Pháp.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 có khả năng sẽ gây ra cú sốc tương tự như Brexit và bầu cử Mỹ 2016...

baucu1

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen.

Cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Anh và việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu đi từ cú sốc này đến cú sốc khác trong năm 2016.

Trang CNN Money cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 có khả năng sẽ gây ra cú sốc tương tự.

Lợi thế cho Le Pen

Giới đầu tư đang ngày càng lo ngại về sự nổi lên của chính trị gia dân túy Marine Le Pen, người có thể sẽ sớm trở thành nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp của bà Le Pen tập trung vào việc truyền tải tới cử tri thông điệp rằng rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu (EU) và loại bỏ đồng tiền chung Châu Âu Euro sẽ giúp Pháp giành lại sự độc lập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Bà Le Pen cũng chỉ trích mạnh toàn cầu hóa và cảnh báo về nguy cơ từ người nhập cư.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Le Pen nhiều khả năng sẽ trở thành một trong hai ứng cử viên "chung kết" trong cuộc bầu cử gồm hai vòng. Và nữ chính trị gia cực hữu này cũng có cơ hội lớn trở thành người chiến thắng cuối cùng.

Khả năng bà Le Pen thắng cử Tổng thống Pháp đang khiến các nhà đầu tư lo ngại và là một lý do khiến đồng Euro mất giá. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, đồng Euro mất giá khoảng 3%, còn khoảng 1 Euro đổi 1,05 USD.

"Còn có nhiều bất ổn trong 9 tuần trước khi diễn ra vòng đầu tiên của cuộc bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến tâm trạng lo ngại làm cho đồng Euro mất giá", chiến lược gia Kit Juckes thuộc ngân hàng lớn nhất nước Pháp Société Générale phát biểu.

Giới đầu tư cũng đang bán mạnh trái phiếu chính phủ Pháp, khiến lợi suất trái phiếu này tăng gần gấp rưỡi kể từ đầu năm.

Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc công ty City Index, cảnh báo rằng cú sốc tiếp theo có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán.

"Nếu khả năng trúng cử của bà Le Pen tiếp tục tăng trong tháng 3 với tốc độ tương tự như đã tăng trong tháng 2, thì chúng tôi cho rằng tâm lý lo ngại rủi ro có thể lan từ thị trường trái phiếu và tiền tệ sang thị trường chứng khoán Châu Âu", bà Brooks phát biểu.

Vì sao lo ngại ?

Vậy tại sao thị trường lại lo ngại đến thế về khả năng có một "Tổng thống Le Pen" ? Giới chuyên gia nói rằng kế hoạch rút Pháp khỏi EU của bà Le Pen có thể đảo lộn EU.

"Mối quan hệ chính trị ổn định giữa Pháp và Đức là cốt lõi của đồng Euro và EU. Một chính phủ Pháp từ bỏ đồng Euro sẽ là một cú sốc chính trị lớn hơn nhiều so với việc Anh ra khỏi EU", hai giáo sư Stephen Cecchetti và Kim Schoenholtz nhận định trong một báo cáo mới ra cách đây ít hôm.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P và Moody’s cũng đã cảnh báo rằng nếu bà Le Pen đắc cử, từ bỏ đồng Euro, và trả số nợ 2,1 nghìn tỷ Euro (2,2 nghìn tỷ USD) nợ công của Pháp bằng đồng tiền mới của Pháp, thì điều đó tương đương với một vụ vỡ nợ.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử, vượt qua vụ vỡ nợ khổng lồ của Hy Lạp vào năm 2012.

Chính sách bảo hộ thương mại của bà Le Pen cũng có thể làm gián đoạn vô số hoạt động kinh doanh ở Châu Âu. Khi tranh cử, bà đã thề sẽ thực thi những chính sách mang lại lợi ích cho các công ty Pháp thay vì doanh nghiệp nước khác.

Vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/4, với vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7/5 nếu không ứng cử viên nào đạt hơn 50% số phiếu.

Hai đối thủ chính của bà Le Pen hiện nay là ứng cử viên Cộng hòa trung hữu François Fillon và ứng cử việc theo trường phái trung dung Emmanuel Macron.

Theo dự báo, bà Le Pen sẽ là người giành tỷ lệ phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên. Tuy nhiên, bà cũng được dự báo vẫn có khả năng thua trong vòng thứ hai, khi cử tri bắt đầu tập trung ủng hộ những chính trị gia truyền thống hơn với những kế hoạch ít cực đoan hơn.

An Huy

Published in Quốc tế