Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Những ngày cuối cùng của cuộc chạy đua giành ghế Quốc hội

Chỉ còn vài ngày nữa vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra tại Pháp. Tất cả các báo số ra hôm nay đều tốn nhiều giấy mực nói về cuộc chạy đua gay go giành ghế tại Quốc hội giữa Liên minh NUPES của Melenchon và liên minh Ensemble ! của Macron.  

baucu1

   Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đi bầu cử Quốc hội vòng một tại Cavaldos, Pháp, 12/06/2022.  AFP – Sameer Al-Doumy

Với tựa lớn "Những người bất khuất muốn làm rung chuyển Quốc hội", Le Figaro nhận định rằng dù Jean-Luc Melenchon không đạt được mục đích lên làm thủ tướng, nhưng ít nhất sẽ vẫn có chút thắng lợi, đó là trở thành nhóm đối lập lớn nhất tại Nghị viện chống lại Macron. Trong mục xã luận, nhật báo thiên hữu chỉ ra hiện tượng "Melenchon hóa" dư luận khi so sánh đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của bà Le Pen với đảng của ông Melenchon.  

Tờ báo nêu ra một loạt nghi vấn, liệu rằng Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội của Melenchon có thực sự là cực tả ? Vụ việc một chính trị gia bài Do Thái lại ủng hộ hai ứng viên của liên minh NUPES đã tạo nhiều tranh cãi về đường lối cánh tả của liên minh, như bảo vệ nhân quyền, phân biệt chủng tộc. Những ứng viên cánh tả trong liên minh của Melenchon nói gì về vấn đề này ? Phải chăng thà để thua cuộc bầu cử còn hơn là đánh mất linh hồn của đảng ? Mục xã luận của báo La Croix thì nhận định rằng trong chương trình của liên minh NUPES tồn tại nhiều điểm mơ hồ, mâu thuẫn, và thậm chí là ảo tưởng, về kinh tế cũng như đối ngoại hay tôn giáo.  

Về phần mình, Libération đưa ra phân tích của nhà xã hội học Etienne Ollion về sức mạnh lập pháp của Quốc hội, nhất là nếu liên minh NUPES chiếm được nhiều ghế tại Nghị viện. Trong trường hợp này, tổng thống Macron sẽ phải đương đầu với những nghị sĩ "không tuân lệnh" của mình nữa và khó có thể thông qua các dự luật và cải cách như trong nhiệm kỳ trước. Quốc hội sẽ trở thành nơi tranh luận và ra quyết định, tìm lại sức mạnh của mình.  

Vẫn về chủ đề bầu cử, trang nhất báo Libération nêu ra lá phiếu quyết định của những cử tri trẻ tuổi mà cánh tả đặt cược vào. Lãnh đạo cũng như các ứng viên của liên minh NUPES, nhắc lại cam kết của đảng về sinh thái, bất bình đẳng xã hội và nữ quyền và tương lai của thế hệ trẻ, hy vọng rằng chiếm được niềm tin của giới trẻ để thắng Macron. Với những lời hứa tạo ra một thế giới sinh thái tốt đẹp hơn, cộng thêm trợ cấp hơn 1000 euro cho người trẻ, Mélenchon hy vọng tạo ra kỳ tích trong đợt bầu cử này.  

Với tựa đề "Phe Macron kịch tích hóa và cứng giọng hơn nữa", Les Echos cho rằng để chiến thắng tại vòng hai của kỳ bầu cử này, phe Macron cần phải ngả về cử tri cánh hữu. Liên minh đảng Ensemble ! thức tỉnh cử tri bằng cách nêu những nguy hiểm đặt ra cho quốc gia nếu liên minh NUPES chiếm đa số tại Nghị Viện. Les Echos cho biết, tổng thống Macron cũng không muốn lỡ thì giờ, mà "nhân tiện" kêu gọi cử tri bầu cho liên minh của mình ngay tại phi trường ở sân bay Orly, trước khi cất cánh đi Romania và Moldova. Phát biểu của Macron có thể được tóm tắt bằng câu "chọn tôi hoặc chọn sự hỗn loạn", theo Le Monde. Tờ báo cho rằng dường như Macron vẫn tiếp tục giữ gìn vị trí trung tâm và không để cho đội ngũ thân cận của mình có trọng lượng. 

Trước những chỉ trích về việc tập trung quyền lực và "khủng hoảng dân chủ", Macron cho biết hồi đầu tháng Sáu, thiết lập một hội đồng quốc gia, tập trung giải quyết các vấn đề về kinh tế, chính trị cũng như xã hội, sau khi bầu cử lập pháp kết thúc. Theo nhà chính trị học Chloé Morin, được Le Monde trích dẫn, việc sẽ chia quyền lực không hề được đề cập đến trong cuộc bầu cử tổng thống dù đây là vấn đề ưu tiên. Bà cho biết, hội đồng mà Macron muốn lập ra có thể "gặm nhấm các đặc quyền của Nghị viện", điều này khiến phe đối lập phải quan ngại. 

Pháp đối mặt với đợt nóng đỉnh điểm

Vẫn về thời sự Pháp, đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên của mùa hè là chủ đề được nhiều báo quan tâm. "Nước Pháp chuẩn bị với đợt nắng nóng này ra sao ?" là tựa lớn trang nhất báo Le Monde. Nhật báo nhắc lại việc chính phủ thông báo từ đầu tuần, lập ra quỹ 500 triệu euro để tái thiết không gian xanh của các thành phố tại Pháp, đặc biệt là những khu vực nhiệt độ có thể tăng cao. Mùa hè cũng là mùa thi, và đợt nắng nóng này diễn ra vào đúng lúc thi tốt nghiệp tú tài, bộ Giáo Dục Pháp cũng đưa ra các khuyến cáo đặc biệt, nhằm đảm bảo sức khoẻ cho các thí sinh. Đội ngũ lính cứu hỏa cũng phải cảnh giác hơn, sẵn sàng đối phó với nạn cháy rừng. Trong một bài đăng cùng hồ sơ, Le Monde đề cập đến lĩnh vực xây dựng. Bất chấp tình trạng biến đổi khí hậu, nhiệt độ có thể tiếp tục tăng cao, lĩnh vực này dường như vẫn chưa thực sự có biện pháp ứng phó hiệu quả trong cách tổ chức công việc.  

Các công trường ở Pháp không thể tổ chức công việc đối phó với thời tiết nóng, như ở các nước có khí hậu nóng, ví dụ như bắt đầu làm việc sớm hơn hoặc muộn hơn, tránh những giờ nóng cực điểm. Nguyên do là các lệnh cấm tạo ra tiếng ồn từ 22h đến 6h sáng ở Pháp.  

Tác động từ hiện tượng khí hậu cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp. Ngoài việc thiếu nguồn cung về kim loại, nhiều công trình không đạt tiến độ, tạm ngưng vì thời tiết nóng. Tại Pháp, thông thường mùa hè là thời gian mà lĩnh vực xây dựng hoạt động mạnh nhất do thành phố vắng người, (vì người dân đi nghỉ hè). Vào mùa đông, nhiệt độ có thể dễ chịu hơn, nhưng lại có các trận mưa kéo dài. Hiện lĩnh vực này vẫn chưa đưa ra bất cứ thay đổi nào về phương thức hoạt động của mình. 

Libération thì đặt câu hỏi phải chăng tình trạng nắng nóng gay gắt hoàn toàn bị Luật lao động lãng quên ? Tại Pháp, hiện vẫn chưa có bất cứ quy định rõ ràng nào về điều kiện lao động trong tình trạng nhiệt độ tăng cao. Theo nhà xã hội học, chuyên nghiên cứu về sức khoẻ của người lao động Annie Thébaud Mony cho rằng đây là một điều đáng hổ thẹn cho hệ thống luật của Pháp. Nắng nóng có thể dẫn đến nguy cơ về các bệnh về tim, tình trạng mất nước và các bệnh khác. Tuy nhiên, dẫu sao thì các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm xây dựng môi trường làm việc đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho nhân viên. Một văn bản luật của Pháp cho phép nhân viên có thể rời khỏi chỗ làm ngay lập tức nếu các điều kiện về an toàn không được đáp ứng.  

Đầu tư quốc phòng ở Châu Âu

Liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine, mục "Ý kiến" của báo Le Monde đăng bài phân tích của Pierre Haroche, nhà nghiên cứu về an ninh Châu Âu. Ông cho rằng khối 27 nước cần phải mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào quốc phòng : "Châu Âu không có sức mạnh quân sự nhưng các công cụ về mặt tài chính có thể cho phép khối đọ sức trên chiến trường". Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã buộc Châu Âu ra quyết định sử dụng ngân sách chung để đầu tư tái thiết chương trình quân sự của các quốc gia thành viên. Mục đích cuối cùng là hướng đến việc có được các loại vũ khí sản xuất từ trong Châu Âu chứ không phải nhập khẩu từ Mỹ.  

Theo nhà nghiên cứu, ngân sách 500 triệu euro cho quốc phòng vẫn còn quá ít ỏi. Cuộc chiến tại Ukraine đã thúc đẩy các quốc gia xem xét lại những điểm yếu kém trong quốc phòng. Ông Pierre Haroche đặt câu hỏi : nếu như Liên Âu không đầu tư mạnh tay vào ngành công nghiệp quốc phòng ngay lúc này, thì phải đợi đến bao giờ ? Nhất là khi khối 27 nước có thể sử dụng ngân sách được thông qua, nhưng chưa sử dụng đến, trong chương trình ‘NextGenerationEU", lên đến 100 tỷ đô la.  

Châu Âu ve vãn khí đốt của Châu Phi

Vẫn trong thời sự Châu Âu, nhiều báo quan tâm đến nguồn cung khí đốt của Châu Phi trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng từ nhiều tháng qua. Nếu như Les Echos nêu ra hiệp ước ba bên ký kết giữa Liên Hiệp Châu Âu, Ai Cập và Israel, cho phép vận chuyển khí đốt tự nhiên từ hai nước đến Châu Âu thì Le Monde có tựa "Châu Âu chuyển hướng tìm đến khí đốt của Châu Phi". Hiện châu lục này xuất khẩu sang Châu Âu 10% khí đốt thiên nhiên và trong tương lai gần có thể tăng khả năng cung cấp gấp đôi.  

Theo Le Monde, Châu Phi có thể tận dụng cơ hội lấy được thị trường Châu Âu do cuộc khủng hoảng Ukraine, khối 27 nước tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối. Đức, khách hàng lớn nhất của Nga đang nhắm tới thị trường cung cấp khí đốt ở Senegal. Quốc gia Châu Phi này cho biết dù lượng khí đốt của nước này dành cho Châu Á, nhưng họ sẵn sàng thương lượng để chuyển hướng cung cấp cho Châu Âu. Phụ thuộc 45% vào khí đốt Nga, ngay từ đầu cuộc chiến, Ý cũng đã đến Algeria và ký kết thỏa thuận tăng khả năng xuất khẩu khí đốt của Algeri lên đến 40%. Le Monde kết luận rằng cuộc khủng hoảng địa chính trị ở sườn đông Châu Âu đã tạo ra cơ hội cho một số nước Châu Phi mở ra các dự án mới và tái khởi động các dự án cũ về năng lượng, được đề ra từ những năm 90.  

Khủng hoảng lao động hậu Covid-19 ?

Báo Le Monde hôm nay dành hồ sơ lớn để nói về việc những người trẻ có bằng cấp bỏ việc. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, đã tạo ra viễn cảnh về một tương lai không chắc chắn khiến nhiều lao động trẻ muốn có một công việc tương xứng với lập trường của họ về xã hội cũng như sinh thái. Tại Mỹ, phong trào "bỏ việc quy mô lớn" bắt đầu từ năm 2021, với sự tham gia của hơn 48 triệu người, hiện vẫn là xu thế.  Điều này khiến cho ngành nhân sự gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân nhân viên. Các doanh nghiệp phải tính toán, dự liệu trước khả năng ai đó có ý định nghỉ việc và tiến hành phỏng vấn nhân viên, thuyết phục họ trung trành với doanh nghiệp. 

Tại Trung Quốc, thị trường lao động lại đối mặt với một vấn đề khác đó là việc sa thải hàng loạt tại các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent và Alibaba, theo Les Echos. Từ hè năm 2021 đến tháng Ba 2022, ít nhất 216.000 người đã bị mất việc trong ngành này. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người trong độ tuổi từ 16-24 đã đạt mức kỷ lục vào tháng Năm 2022, lên đến 18,4 %. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phải chuẩn bị tiếp nhận những người sắp tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động. Theo Les Echos, đại dịch Covid-19 và các quy định nghiêm ngặt khiến nhiều người mất việc và vẫn chưa tìm được công việc mới.  

Chi Phương

Published in Quốc tế