Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kim Jong-un tuyên bố sắp nắm trong tay vũ khí nguyên tử (RFI, 16/09/2017)

Chỉ vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án vụ bắn thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, hôm nay, 16/09/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sắp nắm trong tay vũ khí nguyên tử và mục tiêu tối hậu của nước này là đạt được "cân bằng lực lượng" với Hoa Kỳ.

btt1

Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong-un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh. KCNA via Reuters

Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA trích lời của ông Kim Jong-un nói thêm rằng vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12 hôm qua qua không phận Nhật Bản đã là một thành công, giúp nâng cao "khả năng hạt nhân quân sự" của nước này.

Đối với chuyên gia David Wright, hội Union of Concerned Scientists, được AFP trích dẫn hôm nay, Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ là họ có thể bắn tên lửa đến đảo Guam (nơi có những cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ), tuy rằng hiện chưa ai biết tên lửa đó mang đầu đạn cỡ nào và có độ chính xác bao nhiêu.

Theo nhà phân tích Yang Uk, thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ không thể nào đạt "cân bằng lực lượng hạt nhân" với Hoa Kỳ, nhưng ông nhấn mạnh là Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ nhanh chóng về chương trình hạt nhân.

Như vậy là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã bất chấp tuyên bố của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau cuộc họp kín hôm qua, "cực lực lên án" vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa hôm qua, yêu cầu nước này chấm dứt ngay lập tức những hành động khiêu khích như vậy.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình :

"Chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ, các thành viên Hội Đồng Bảo An đã đạt được đồng thuận về một tuyên bố nhất trí lên án vụ bắn thử hỏa tiễn mới nhất của Bắc Triều Tiên mà Hội Đồng Bảo An đánh giá là "khiêu khích nghiêm trọng".

Một lần nữa, Hội Đồng Bảo An kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay lập tức các hành động gây phẫn nộ này. Tuy nhiên, theo đại sứ Ethiopia, đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng 9, thì hiện tại không đặt ra vấn đề đe dọa, trừng phạt thêm. Ông nói :

"Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến việc là toàn bộ các quốc gia thành viên phải thi hành đầy đủ và ngay lập tức các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên. Đồng thời Hội Đồng Bảo An khẩn thiết nhấn mạnh là Bình Nhưỡng cần ngay lập tức thể hiện thiện chí hướng đến từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Áp lực đòi thương lượng trực tiếp

Về phần mình, đại sứ Nga Vassily Nebienzia – sau cuộc họp này – lên án xu hướng ngày càng đi vào bế tắc. Đại sứ Nga kêu gọi tạo ra một động lực mới, thông qua các thương lượng trực tiếp : "Cứ một nghị quyết được đưa ra, lại một khiêu khích, rồi lại một nghị quyết, một khiêu khích mới. Nhiều người cho rằng đến một lúc nào đó cũng cần phải thay đổi cách nghĩ".

Vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ là chủ đề trung tâm của cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, sẽ khai mạc ngày thứ Ba tuần tới. Ngày thứ Năm, tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc hội kiến với hai thủ tướng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Áp lực thương lượng trực tiếp với Bình Nhưỡng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, kể cả từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ, như Pháp".

Trước cuộc thảo luận dự kiến với lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản về hồ sơ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc vào tuần tới, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã một lần nữa cảnh cáo Bình Nhưỡng là Hoa Kỳ có nhiều phương án quân sự "mạnh mẽ" để đáp lại thái độ của Bắc Triều Tiên "xem thường" các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, hôm qua, hai tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Nga Vladimir Putin đã kêu gọi mở các cuộc "thương lượng trực tiếp" với Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh là chỉ nên dùng các phương tiện ngoại giao và chính trị để giải quyết tình hình "cực kỳ phức tạp" này.

RFI tiếng Việt

******************

Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, dù không muốn chế độ này sụp đổ (RFI, 15/09/2017)

Ngay cả trước khi Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản Bắc Kinh đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với đồng minh Bình Nhưỡng. Theo báo chí quốc tế, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã được lệnh ngưng mở tài khoản mới cho các cá nhân và công ty, tổ chức Bắc Triều Tiên. Biện pháp này như vậy là mạnh hơn cả các biện pháp trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An vừa thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng.

btt2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mất kiên nhẫn với Kim Jong-un ? Ảnh minh họa. Reuters/Jason Lee

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cố không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ hay nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc. Chủ trương của Bắc Kinh vẫn là kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, kêu gọi Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung để có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và tên lửa.

Nhưng việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí, lại đúng vào lúc sắp diễn ra những sự kiện lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 khiến Bắc Kinh càng khó xử với đồng minh bất trị này. Trong khi đó thì Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Trung Quốc cả trên vấn đề Bắc Triều Tiên lẫn thương mại.

Trong một bài viết đăng ngày 15/09/2017, trang mạng Quartz cho biết là, trước thái độ khiêu khích quốc tế của Bình Nhưỡng, trong giới học giả Trung Quốc ngày càng có nhiều người yêu cầu Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là vì vụ thử hạt nhân mới đây khiến Bắc Kinh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở vùng biên giới giữa hai nước. Họ kêu gọi Trung Quốc phải thi hành những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như cấm các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các công ty Bắc Triều Tiên.

Chính chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đề ra chính sách về Bắc Triều Tiên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm các ngân hàng mở tài khoản mới cho người Bắc Triều Tiên cho thấy là lãnh đạo họ Tập dường như nay đã hết kiên nhẫn với Kim Jong-un.

Hơn nữa, đối với chính quyền Donald Trump, Bắc Triều Tiên và mậu dịch song phương là hai vấn đề gắn liền nhau. Khi bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hy vọng sẽ giải tỏa được áp lực của Hoa Kỳ trên vấn đề trao đổi thương mại, mà Trung Quốc vẫn bị cáo buộc là có những lạm dụng.

Như lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, Bắc Kinh muốn "dạy cho Bắc Triều Tiên một bài học, nhưng không nặng đến mức làm sụp đổ chế độ này". Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, cũng cho rằng Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên ăn đòn đau, nhưng đồng thời vẫn mở ngỏ cho Bình Nhưỡng trở lại bàn thương lượng.

Nhưng theo ông, đây là một chính sách đầy rủi ro, bởi vì nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích quốc tế, Bắc Kinh sẽ lâm vào thế kẹt. Hoa Kỳ lại còn có lý do để buộc Trung Quốc phải chấp nhận một lệnh cấm vận dầu hỏa "toàn diện và ngay lập tức", một biện pháp có thể đe dọa đến sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng.

Thanh Phương

*********************

Quốc tế lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử tên lửa (RFI, 15/09/2017)

Họp báo sáng ngày 15/09/2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh (Hua Chungying) tuyên bố Bắc Kinh "phản đối Bắc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo".

btt3

Quốc tế khó xử vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh minh họa. KCNA via Reuters

Trung Quốc hứa sẽ "thi hành đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc". Nhưng đồng thời kêu gọi "các bên liên quan tỏ thái độ kềm chế". Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt cho biết thêm :

"Vào lúc 6 giờ 53, giờ địa phương, Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa về hướng Tây. Tuy nhiên, vụ thử ngày hôm nay minh chứng cho điều mà Bắc Kinh vẫn nhắc đi nhắc lại : Kim Jong-un sẽ không để cho cộng đồng quốc tế bắt nạt.

Thậm chí, một số các chuyên gia ở Bắc Kinh còn cho rằng, trong thế cô lập và bị dồn vào chân tường, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể đe dọa cả đồng minh truyền thống là Trung Quốc. Họ tin rằng Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, bởi ông tin chắc đó là lá bùa hộ mạng. Trung Quốc nhìn nhận không thể ngăn cản được cuộc chạy đua vũ trang điên rồ của nước láng giềng.

Không chắc là Bắc Kinh hài lòng trước lời kêu gọi của ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, đòi cả Trung Quốc lẫn Nga cùng trực tiếp gia tăng láp lực với chế độ Bình Nhưỡng. Đến nay, Bắc Kinh luôn từ chối mọi quyết định đơn phương trên hồ sơ vào Bắc Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng mọi biện pháp phải được thông qua trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc.

Bắc Kinh mong mỏi trên hết giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Ít ra là cho tới thời điểm này, Trung Quốc không chấp nhận ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa một cách toàn diện, tránh để xảy ra kịch bản chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Đó là điều chẳng có lợi gì cho Trung Quốc".

Hàn Quốc tập trận tấn công cơ sở phóng tên lửa Bắc Hàn

Hàn Quốc đã có phản ứng ngay lập tức. Seoul thông báo tập trận bắn đạn thật và thử hỏa tiễn hướng ra biển. Theo hãng tin Mỹ NBC, mục tiêu của các đợt thao diễn sáng nay 15/09/2017 là cơ sở phóng tên lửa ở miền Bắc.

Quân đội được lệnh sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các thách thức mới, bao gồm vũ khí sinh - hóa học và vũ khí xung điện từ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn là người chủ trương để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng, tuyên bố đối thoại trong hiện tại là "không thể được", và cho rằng gia tăng áp lực là cần thiết, để buộc Bắc Triều Tiên phải ngồi vào bàn thương lượng.

Về phía Tokyo, AFP dẫn lời của chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, tuyên bố Nhật Bản "sẽ không dung thứ các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại" của Bắc Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước liên quan để khẩn trương có các biện pháp tương thích. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, mục tiêu của các vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên chính là đảo Guam của Mỹ.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực với Kim Jong-un

Về phía nước Mỹ, ngoại trưởng Rex Tillerson ra thông cáo hối thúc các lãnh đạo Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực đối với chế độ Bình Nhưỡng. Thông cáo nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia cung cấp dầu mỏ cho Bắc Triều Tiên và Nga là nơi sử dụng nhiều nhất "lao động Bắc Triều Tiên bị cưỡng bức". Ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi mỗi quốc gia có những sáng kiến mới để gây sức ép.

Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, gọi chế độ Bắc Triều Tiên là "một mối đe dọa lớn đối với hòa binh và an ninh quốc tế" và yêu cầu một "phản ứng toàn cầu". Về phần mình, bộ trưởng Quân Lực Pháp, Florence Parly khẳng định hỏa tiễn Bắc Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp Châu Âu và vụ bắn tên lửa nói trên là một hành động thách thức an ninh quốc tế.

RFI tiếng Việt

*******************

Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản (RFI, 15/09/2017)

Đáp lại các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, ngày 15/09/2017, Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản, với một khoảng cách được cho là xa chưa từng có. Căng thẳng trong khu vực càng gia tăng. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lại họp khẩn cấp ngay chiều nay.

btt4

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đao ngang qua không phận Nhật Bản. Ngày 15/09/2017. Reuters

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :

"Tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ bãi bắn nằm gần sân bay Bình Nhưỡng, bay ngang qua không phận đảo Hokaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Theo phía Hàn Quốc, tên lửa đã đạt độ cao 770 km và trên hành trình dài 3.700 km.

Vụ bắn tên lửa có lẽ đã thành công và đây là một thành công đáng kể : lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên được bắn xa như thế. Hai tên lửa liên lục địa được thử nghiệm vào tháng 7/2017 đã được bắn lên rất cao, nhưng không đi được xa.

Vụ bắn tên lửa diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Hội Đồng Bảo An ban hành các biện pháp trừng phạt rất nặng nề nhắm vào nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Chắc là Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ cho thấy là không dễ để bị bắt nạt.

Nhưng vụ bắn thử này cũng nhằm mục tiêu kỹ thuật, vì nó giúp cho các kỹ sư Bắc Triều Tiên tiếp tục thu thập những thông tin để nâng cao trình độ công nghệ tên lửa đạn đạo. Trước những áp lực ngày càng tăng, chế độ Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng chế tạo được một tên lửa đạn đạo có thể sử dụng được ngay".

Theo Bộ Tư Lệnh các Chiến Dịch Quân Sự Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), tên lửa được Bắc Triều Tiên bắn hôm nay là một tên lửa đạn đạo tầm trung và chưa phải là mối đe dọa đối với lãnh thổ lục địa Hoa Kỳ hay đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo thông báo của Ethiopia, quốc gia hiện nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cơ chế này sẽ họp khẩn cấp vào chiều nay 15/09/2017 sau vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo một nhà ngoại giao, đây sẽ là một phiên họp kín.

Thanh Phương

Published in Quốc tế