Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh

Trọng Nghĩa, RFI, 08/06/2021

Vào lúc Nghị Viện Châu Âu bắt đầu họp tại trụ sở chính ở Strasbourg, Pháp, với sự hiện diện của các nghị sĩ sau hơn 15 tháng phải họp trực tuyến vì dịch Covid-19, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm qua, 07/06/2021, đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc đầy tranh cãi mà hai bên đã ký kết vào cuối năm ngoái 2020.

eutq1

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bruxelles, Bỉ, ngày 2/6/2021.  Reuters - JOHANNA GERON

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc phỏng vấn dành cho một số nhà báo, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu không ngần ngại cho rằng thỏa thỏa thuận đầu tư được đúc kết giữa Bruxelles và Bắc Kinh là "một bước tiến lớn đi theo đúng hướng".

Đối với nhân vật có vai trò giống như tổng thống của khối 27 nước Liên Âu, trong quan hệ với Trung Quốc, EU "sẽ không thỏa hiệp về những vấn đề giá trị cơ bản và quyền tự do, cũng như vấn đề nhân quyền". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Liên Âu phải biết "tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc."

Ông Charles Michel giải thích : "Trong những năm gần đây, Liên Âu đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chung của mình" nhưng lại để xẩy ra tình trạng "thiếu có đi có lại". Do đó, theo ông, Liên Âu vào năm ngoái "đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán" với Trung Quốc nhằm hướng tới thỏa thuận đầu tư.

Ủy Ban Châu Âu, định chế đặc trách chính sách thương mại của 27 thành viên EU, đã ký một thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh về đầu tư vào cuối năm 2020, sau nhiều năm bế tắc. Đức là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất văn bản này.

Ngay từ đầu, thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đã bị nhiều giới tại Liên Âu phản đối, trong đó đặc biệt có một số nghị sĩ Châu Âu. Thỏa thuận cần phải được Nghị Viện Châu Âu cũng như các nước thành viên phê chuẩn, nhưng tiến trình này mới đây đã bị đình chỉ, sau khi Liên Âu quyết định trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, kéo theo các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh, đặc biệt nhằm vào các nghị sĩ và học giả Châu Âu.

Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc cũng khiến Washington bất ngờ, trong bối cảnh Hoa Kỳ từ thời Donald Trump cho đến Joe Biden đều muốn đồng minh Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình là mới tuần trước, chính quyền Biden đã mở rộng danh sách đen các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm đầu tư.

Trọng Nghĩa

**********************

Đức muốn bãi bỏ quyền phủ quyết của các thành viên Liên Âu

Trọng Nghĩa, RFI, 08/06/2021

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 07/06/2021 đã kêu gọi Liên Hiệp Âu hủy bỏ quyền phủ quyết dành cho các quốc gia thành viên, để toàn khối không còn bị một vài nước "bắt làm con tin".

eutq2

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas họp báo tại Berlin ngày 08/06/2021.  Reuters – Axel Schmidt

Trong một cuộc họp báo ở Berlin, ngoại trưởng Đức khẳng định : "Chúng ta không thể cho phép mình bị những kẻ làm tê liệt chính sách đối ngoại của Châu Âu bắt làm con tin với các quyền phủ quyết của họ.Tôi xin được nói công khai : Quyền phủ quyết phải biến mất, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chúng ta có thể bị đặt vào tình thế thiểu số".

Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, một số quyết định, đặc biệt là về thuế hoặc chính sách đối ngoại, cần có được sự nhất trí của toàn bộ các quốc gia thành viên. Quy tắc này có hệ quả là một quốc gia có khả năng sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn, làm trì hoãn hoặc suy yếu lập trường của Liên Âu.

Trong thời gian gần đây, Hungary nổi bật lên thành nước thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn các tuyên bố chỉ trích Trung Quốc. Mới đây, cũng chính Budapest đã từ chối ủng hộ tuyên bố kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Palestine.

Vào tuần trước, ông Miguel Berger, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Đức, đã cáo buộc Hungary "ngăn chặn một tuyên bố của EU" về Hồng Kông. Ba Lan là nước cũng đã từng phối hợp với Hungary để "bắt bí" Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề ngân sách, trong lúc Hy Lạp cũng đã cản trở một tuyên bố của EU về Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế