Hạ viện Mỹ bỏ phiếu chặn tuyên bố khẩn cấp của Trump để xây tường (BBC, 27/02/2019)
Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu hủy bỏ tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump về việc xây tường biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi nghị quyết là vấn đề yêu nước chứ không phải là đảng phái
Dự luật đảo ngược tuyên bố khẩn cấp giờ được chuyển lên Thượng viện có đa số thuộc đảng Cộng hòa, nơi một số người bảo thủ cho biết họ sẽ bỏ phiếu cùng đảng Dân chủ.
Ông Trump, người tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi Quốc hội từ chối cấp ngân sách cho bức tường, cho biết ông sẽ phủ quyết dự luật.
Dự luật được Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thông qua với tỷ lệ 245-182.
13 dân biểu đảng Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ trong việc bác tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump, điều này cho thấy Quốc hội sẽ không có 2/3 đa số phiếu cần thiết để gạt quyền phủ quyết của tổng thống.
Các nhà lập pháp đang dùng một điều khoản từ Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia để bài bác tổng thống, nhưng cần cả Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu trong vòng 18 ngày.
Tổng thống mô tả tình hình ở biên giới phía Nam là "cuộc khủng hoảng" và vào ngày 15/2, ban hành tuyên bố khẩn cấp để qua mặt Quốc hội nhằm xây tường với ngân sách của quân đội.
Đảng Dân chủ cho rằng tuyên bố này vi hiến và ông Trump đã tạo dựng lên tình trạng khẩn cấp biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 25/2 nói : "Đây không phải là vấn đề biên giới mà là hiến pháp Hoa Kỳ. Đây không phải là chính trị hay đảng phái, mà là lòng yêu nước".
Sự lật ngược thế cờ của chính trị Mỹ
Nhận định của Anthony Zurcher, phóng viên BBC về Bắc Mỹ
"Một chính quyền tổng thống mới đã tạo ra sự khác biệt chỉ trong vòng vài năm.
Năm 2014, khi Barack Obama sử dụng quyền hành pháp của mình để trì hoãn việc trục xuất nhóm di dân không có giấy tờ, đảng Dân chủ ủng hộ ông, trong khi đảng Cộng hòa la ó về việc lạm dụng quyền lực tổng thống.
Còn bây giờ, chính đảng Cộng hòa đang cố gắng giải thích việc Tổng thống Trump sử dụng tuyên bố khẩn cấp để chuyển hướng ngân quỹ về phía bức tường biên giới, trong khi đảng Dân chủ đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về việc Nhà Trắng lạm quyền.
Đó là sự dễ dàng của việc lật ngược thế cờ trong chính trị Mỹ.
Phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện, cùng với một số ít dân biểu Cộng hòa, chỉ trích ông Trump vì tuyên bố khẩn cấp.
Điều này tạo ra một cuộc đối đầu tại Thượng viện, nơi một số người bảo thủ - nhất là những người tái tranh cử năm 2020 - cảm thấy băn khoăn về việc tán đồng những gì họ coi là tiền lệ nguy hiểm.
Họ có thể khiến ông Trump phải bối rối đối diện với một cản trở, buộc ông Trump phải sử dụng quyền phủ quyết lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Sau đó - vì quyền phủ quyết của Quốc hội dường như không thể xảy ra - cuộc chiến pháp lý sẽ chuyển sang các tòa án.
Cuộc chiến dành ủng hộ của công luận đương nhiên thuộc phạm trù của các chính trị gia, đương nhiên.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đã gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố
Trước đó, liên minh gồm 16 tiểu bang Hoa Kỳ do California đứng đầu đang kiện chính quyền của Tổng thống Trump về quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp để gây quỹ cho một bức tường biên giới Mexico.
Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ Sáu để không phải thông qua Quốc hội sau khi Quốc hội từ chối không tài trợ 5,7 tỷ đôla cho bức tường.
Đảng Dân chủ phản đối việc tài trợ cho bức tường, một cam kết tranh cử quan trọng của ông Trump, và tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch của ông "bằng mọi biện pháp có thể".
Thông báo của tổng thống được đưa ra sau khi ông ký một dự luật chi tiêu để tránh việc đóng cửa của chính phủ. Dự luật này chỉ cấp cho ông 1.375 tỷ đôla cho các rào cản mới.
Ông Trump nói rằng ông không cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng đã làm như vậy với hy vọng có được tiền cho bức tường nhanh hơn. Giới phân tích nói rằng tuyên bố này có thể làm suy yếu các lập luận pháp lý của ông.
Chưởng lý bang California Xavier Becerra nói rằng họ đang đưa Tổng thống Trump ra tòa "để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của tổng thống".
Ông nói thêm : "Chúng tôi đang kiện Tổng thống Trump để ngăn ông ta đơn phương cướp tiền của người đóng thuế mà Quốc hội đã dành riêng cho người dân của chúng tôi. Đối với hầu hết chúng ta, văn phòng của tổng thống không phải là nơi diễn kịch".
Vụ kiện được đệ trình hôm thứ Hai nhắm đến một lệnh cấm sơ bộ ngăn ông Trump hành động theo tuyên bố tinh trạng khẩn cấp của mình trong khi một cuộc chiến pháp lý diễn ra tại các tòa án, Washington Post đưa tin.
Ông Trump tuyên bố kế hoạch sau khi Quốc hội từ chối tài trợ cho bức tường.
Thách thức pháp lý đầu tiên nhanh chóng xuất hiện hôm thứ Sáu. Một nhóm vận động tự do, Public Citizen, đã kiện thay mặt cho một khu bảo tồn thiên nhiên và ba chủ đất ở Texas, người được cho biết bức tường có thể được xây dựng trên tài sản của họ.
Thống đốc Gavin Newsom của California đã bác bỏ quyết định của tổng thống, coi đó là "vở kịch chính trị" trong khi tổng chưởng lý của đảng Dân chủ bang New York, Letitia James, hứa sẽ "chống trả bằng mọi công cụ pháp lý có được".
Tham gia cùng California trong vụ kiện có Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Virginia và Michigan.
Các bang cho rằng lệnh của Tổng thống Trump chuyển hướng các khoản tiền để trả cho bức tường sẽ tiêu tốn của họ hàng triệu đôla, gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.
Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp như thế nào ?
Trong thông báo tại Vườn hồng Nhà Trắng vào thứ Sáu, tổng thống cho biết tuyên bố tinh trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông có gần 8 tỷ đôla cho bức tường.
Nhưng vẫn còn thiếu khá nhiều với khoản ước tính 23 tỷ đôla chi phí của các bức tường dọc theo 3.200km của biên giới.
Ông Trump chấp nhận rằng ông sẽ bị kiện vì hành động này và dự đoán rằng lệnh khẩn cấp sẽ dẫn đến hành động pháp lý có khả năng kết thúc tại Tòa án Tối cao.
"Chúng ta sẽ đối đầu với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam", ông nói.
"Mọi người đều biết rằng bức tường sẽ công hiệu".
Tuy nhiên, tổng thống cũng nói rằng ông không cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà làm như vậy với hy vọng có được tiền cho bức tường nhanh hơn, nhưng các nhà phân tích nói rằng những bình luận này có thể làm suy yếu các lập luận pháp lý của ông.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia là gì ?
Đạo luật khẩn cấp quốc gia là để dành cho thời kỳ khủng hoảng quốc gia. Ông Trump đã tuyên bố rằng có một cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới phía nam của quốc gia - điều bị bác bỏ mạnh mẽ bởi các chuyên gia di trú.
Số lượng lớn nhất những người nhập cư bấp hợp pháp ở Mỹ mỗi năm tới từ những người ở lại quá hạn thị thực.
Giới chuyên gia nói rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp tổng thống tiếp cận với các quyền lực đặc biệt cho phép ông bỏ qua tiến trình chính trị thông thường.
Ông ta sẽ có thể chuyển tiền từ ngân sách quân sự hoặc cứu trợ thiên tai hiện có để trả tiền cho bức tường.
Tuyên bố khẩn cấp của các tổng thống trước đây đã được sử dụng rất nhiều lần để giải quyết các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại - bao gồm ngăn chặn các đối tượng liên quan đến khủng bố tiếp cận nguồn tiền hoặc cấm đầu tư vào các quốc gia liên quan đến vi phạm nhân quyền.
****************
Hạ Viện Mỹ bác tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump (RFI, 27/02/2019)
Hôm 26/02/2019, Hạ Viện Hoa Kỳ đã ra nghị quyết bác bỏ Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của tổng thống Trump, bị coi chỉ là cái cớ để hành pháp lấy tiền xây bức tường biên giới với Mêhicô. Nghị quyết được thông qua với 245 phiếu thuận, 182 phiếu chống.
Người dân đứng trước rào ở vùng biên giới nhân một buổi thánh lễ, chống lại ý muốn của tổng thống Trump xây bức tường biên giới Mỹ-Mêhicô. Ảnh tại Ciudad Juarez, Mexico, ngày 26/02/2019. Reuters/Jose Luis Gonzalez
Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Đây không phải là vấn đề chính trị, đây là vấn đề Hiến pháp của nước Mỹ’’ chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố, viện dẫn văn bản của những người sáng lập nước Mỹ. Đảng Dân Chủ cho rằng với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tổng thống Mỹ đã vượt quá thẩm quyền của mình. Họ sử dụng chính các lời lẽ của ông Donald Trump để phản bác quyết định của ông. Nghị sĩ Norma Torres, dân biểu bang California, nói : ‘‘Chính tổng thống đã từng tuyên bố rằng : tôi không cần đến biện pháp này, nhưng điều đó giúp tôi hành động mau lẹ hơn. Xây dựng một bức tường nhanh chóng hơn không thể là vấn đề khẩn cấp quốc gia được. Đây là một trò diễn mang tính chính trị’’.
Về phía đảng Cộng Hòa, ông Mo Brooks, dân biểu Alamaba, thì tỏ ra thẳng thừng. Nghị sĩ này nêu ra hàng chục nghìn nạn nhân do ma túy tại Hoa Kỳ, và coi đây là điều biện minh cho quyết định của tổng thống Trump.
Ông lên án phe Dân chủ "tìm cách cản trở tổng thống cứu sống nhiều người Mỹ". Theo ông, chưa từng có một tuyên bố tình trạng khẩn cấp nào trong lịch sử liên quan đến cái chết của nhiều người Mỹ như tuyên bố của tổng thống Trump’. Nghị quyết hủy bỏ Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp cuối cùng đã được Hạ Viện thông qua. 13 dân biểu Cộng Hòa đứng về phía đa số Dân Chủ chống lại quyết định của tổng thống. Nếu như nghị quyết tiếp tục được Thượng Viện thông qua, tổng thống Donald Trump sẽ lần đầu tiên buộc phải sử dụng quyền phủ quyết.
Trọng Thành
Các chuyên gia tin rằng có ba hỏa mù lớn đang được các tài phiệt dầu mỏ tung ra, đó là hô hào hủy bỏ Obamacare, ban hành các biện pháp ngăn chặn nhập cư và đe dọa xây dựng bức tường giữa Mexico và Mỹ, để che đậy cho mục tiêu chính của họ.
Họ tin rằng ba hỏa mù đó có thể gây ra những xáo trộn khiến dư luận phải quan tâm, trong khi đó họ âm thầm xúc tiến việc phục hồi kế hoạch khai thác dầu mỏ và than đá của Mỹ đang bị chìm xuống vì năng lượng sạch, khởi đầu là cho tiếp tục xây cất hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access đã bị Tổng thống Obama ngăn chặn vì gây ô nhiễm môi trường.
Chuyên gia Peter Stone đã nói thẳng ra rằng chủ trương của Trump là rút khỏi Hiệp Ước Paris về bảo vệ môi trường và "Making Coal Great Again" (Làm cho than vĩ đại trở lại). Người lãnh đạo các kịch bản này là Rex Tillerson, còn Donald Trump chỉ là con rối.
Rex Tillerson và Donald Trump
Quả thật Donald Trump đã đóng vai trò con rối rất xuất sắc, nhưng vì tính tự phụ quá cao nên đang gây ra những rắc rối. Kịch bản Obamacare phải tạm ngưng lại vì phản ứng rất nặng nề. Kịch bản Sắc lệnh di trú đang bị Tòa ngăn chặn nên Trump sẽ chuyển qua kịch bản xây bức tường giữa Mỹ và Mexico.
Sắc lệnh di trú gặp khó khăn
Hôm 27/01/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Ngay lập tức Bộ Tư pháp hai tiểu ban Washington và Minesota đã nộp đơn lên Tòa án Liên bang Khu vực Tây Bắc Hoa Kỳ ở Washington xin ra lệnh tạm thời ngưng thi hành sắc lệnh nói trên vì vừa vi hiến vừa vi luật (bất hợp pháp). Ngày 03/02/2017, Thẩm phán James Robart tại Seattle đã đưa ra phán quyết tuyên bố rằng hai tiểu bang Washington và Minnesota có cơ sở pháp lý để thách thức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump và ra lệnh tạm thời ngưng thi hành Sắc lệnh này, viện lý do Bộ Tư pháp (liên bang) không chứng minh được "một sự thiệt hại ngay lập tức đối với công chúng" (an immediate harm to the public).
Sắc lệnh di trú của Donald Trump đang gặp khó khăn
Ông Bob Ferguson, Bộ trưởng Tư pháp bang Washington cho biết quyết định của Thẩm phán Robart có hiệu lực tức thời, ngay bây giờ, chấm dứt sắc lệnh vi hiến và bất hợp pháp của Tổng thống Trump. Ông nói : "Tiếng nói ồn ào nhất không phải là tiếng nói áp đảo tại Tòa án, mà chính là Hiến pháp". Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho hay họ sẽ tuân thủ phán quyết của thẩm phán liên bang.
Tòa Bạch Ốc liền ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp (liên bang) sẽ ban hành một lệnh khẩn cấp để ngăn chặn phán quyết "đáng lên án này trong thời hạn sớm nhất có thể". Thông cáo của Tòa Bạch Ốc còn bênh vực sắc lệnh của Tổng thống Trump là "hợp pháp và hợp tình".
Có lẽ lúc đầu, những cố vấn của Trump không biết rằng ở Hoa Kỳ, "Contempt of Court" (Khinh miệt Tòa án) là một tội hình sự nên mới dám viết như vậy, nhưng sau khi được nhắc nhở, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo thứ nhì, xóa bỏ cụm từ "đáng lên án".
Các luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trước đó cho biết hơn 100.000 visa đã bị rút lại vì sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, cấm những người du hành đến từ 7 nước bị cấm, trong khi Bộ Ngoại giao cho hay chưa tới 60.000 visa bị hủy bỏ.
Ngày 04/02/2017, Bộ Tư pháp (liên bang) đã nộp đơn thỉnh cầu khẩn cấp (emergency motion) lên Tòa Kháng cáo Khu vực IX ở San Francisco xin phục hồi tính hiệu lực ngay lập tức (immediate reinstatement) của Sắc lệnh di trú do Tổng thống Trump ban hành. Nhưng sáng ngày 05/02/2017 Tòa phúc thẩm (liên bang khu vực) đã bác đơn với lý do sự tác hại do Bộ này nại ra chỉ mang tính suy đoán (speculative). Từ Florida, Donald Trump đã phóng lên Twitter một đoạn đánh giá phán quyết của "người được cho là Thẩm phán" thật "nực cười".
Dù tuyên bố là "nực cười", chính phủ Trump vẫn phải ra lệnh ngưng thi hành Sắc lệnh di trú ký ngày 27/01/2017. Mọi chuyện đang trở lại bình thường.
Nhưng Bộ Tư pháp (liên bang) lại nộp đơn kháng cáo theo thủ tục thông thường. Chiều 07/02/2017, Tòa Phúc thẩm (liên bang khu vực) đã nghe điều trần. Bình luận gia về pháp lý Adam Liptak nói rằng Tòa Phúc thẩm tỏ ra nghi ngờ Sắc lệnh cấm của Trump. Còn Trump tuyên bố : "Chỉ có chính trị mới có thể chỉ đạo Tòa phán quyết ngược lại Sắc lệnh di trú" ! Phải chờ thêm vài hôm nữa mới có phán quyết. Dù bên nào thua cũng sẽ thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện.
Trong khi đó, phe cuồng Trump gốc Việt tại Mỹ lại nổi điên lên, chửi bới và mạ lỵ phe chống Trump bằng những ngôn từ hạ cấp như "bầy chó ghẻ phò Hillary và bầy chó điên thờ Obama" đang phá Trump. Một bác sĩ người Việt ở Florida, sau đọc bài "Xảo thuật cai trị bằng Sắc Lệnh" của chúng tôi, chẳng có một ý niệm gì về luật pháp cũng chưa hiểu được khi nào Tổng thống có quyền dùng Sắc lệnh và khi nào không, đã viết bài chất vấn rằng "Trump không dùng Sắc lệnh thì dùng gì" ! Một nhân vật khác, tốt nghiệp đại học tại Mỹ, hỏi chúng tôi "tại sao tòa Washington đã ra phán quyết như vậy ?", tôi đưa cho anh ta xem bản phán quyết của Tòa Washington (dày 7 trang) và bảo đọc đi rồi sẽ hiểu. Đọc chưa đến 2 trang thì anh ta bỏ xuống và nói : "Luật gì mà khó bỏ mẹ !". Điều này cho thấy, dù có tốt nghiệp đại học ở Mỹ nhưng không chuyên về luật thì cũng không thể hiểu hết được, vì trong Bản phán quyết đó tham chiếu rất nhiều điều luật, án lệ, học lý… với những thuật ngữ chuyên môn và rất phức tạp.
Trên đây mới chỉ là những biện pháp tạm thời. Những đại công ty IT như Google, Facebook, Apple đã cùng với 94 đại công ty kỹ thuật và một số tổ chức xã hội dân sự đang nạp đơn kiện Sắc lệnh di trú của Trump vì những lý do khác nhau, trong đó có đơn kiện lên Tối Cao Pháp Viện xin hủy bỏ Sắc lệnh vì vi luật và vi hiến vừa kể.
Nói theo kiểu cường điệu
Ngày 25/01/2017 Donald Trump đã ký Sắc lệnh về việc xây dựng bức tường biên giới để chống nhập cư trái phép, giữ đúng lời hứa của ông khi tranh cử. Phát biểu tại trụ sở Bộ An ninh Nội địa, sau khi ký sắc lệnh vừa nói, ông tuyên bố : "Chúng ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam : sự gia tăng chưa từng thấy của người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ đang đe dọa Mexico và Mỹ".
Trong cuộc phỏng vấn của ABC News ngày 25/01, Trump tuyên bố việc xây dựng bức tường sẽ bắt đầu trong vòng vài tháng và Mexico sẽ trả lại cho Mỹ 100% chi phí. Trong khi đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông đang thăm dò Quốc hội Mỹ để xin thông qua tài trợ trước, Donald Trump tuyên bố : "Chúng ta sẽ được hoàn trả. Tôi không muốn chờ đợi quá lâu nên sẽ bắt đầu việc này, sau đó chúng ta sẽ được trả tiền". Đó là nói theo kiểu cường điệu.
Chi phí xây tường được Trump ước lượng là khoảng 8 tỷ USD và sẽ hoàn thành trong 2 năm. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ ước tính chi phí ban đầu cho việc mở rộng hàng rào biên giới tốn khoảng 11,3 tỷ USD.
Bức tường biên giới đã có rồi !
Biên giới Mexico - Hoa Kỳ là biên giới quốc tế chạy từ Imperial Beach và Tijuana, Baja California, ở phía tây, đến Matamoros, Tamaulipas, và Brownsville, Texas, ở phía đông, và đi qua nhiều địa hình, từ các khu vực đô thị lớn đến sa mạc khắc nghiệt, trên đó có 45 giao điểm và 330 cửa khẩu.
Bản đồ bức tường biên giới Mexico – Mỹ
Theo số liệu được Ủy ban Quốc gia và Biên giới quốc tế đưa ra, tổng chiều dài của biên giới là 3.169 km (1.969 dặm), là biên giới quốc tế có số lượt người qua lại đông nhất trên thế giới với khoảng 350.000.000 lượt người qua lại mỗi năm.
Hơn 1.100 km hàng rào kiên cố đã được xây dựng dọc vùng biên giới giữa hai nước để ngăn chặn mọi sự xâm nhập từ phía Mexico. Sau vụ khủng bố 11/09/2001, Mỹ đã tăng cường các biện pháp tự vệ. Năm 2006, Quốc hội Mỹ thông qua việc xây dựng 1.126km hàng rào biên giới vĩnh cửu để cách ly Mỹ hẳn với Mexico. Nhưng hàng rào này mới chỉ chiếm một phần ba trong tổng số chiều dài của đường biên giới. Một hàng rào ảo khác cũng đang được áp dụng để lấp vào các chỗ trống bằng những công nghệ mới nhất. Các phần tử khủng bố, những kẻ buôn lậu ma túy, hay những người nhập cư bất hợp pháp đều bị ngăn chặn.
Đường hầm vận chuyển hàng lậu xuyên biên giới Mỹ-Mễ có hệ thống thông gió
Nhưng các biện pháp này đã không ngăn chặn được nạn nhập cư lậu vì những kẻ muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp đã sáng tạo ra nhiều biện pháp vô cùng hiệu lực. Chẳng hạn như xây dựng cả một hệ thống đường ngầm chằn chịt dưới đất để vượt qua hàng rào. Việc vận chuyển vận ma túy từ Mexico qua Mỹ sử dụng hệ thống này. Những tay buôn người thu lệ phí 200 USD cho những người muốn đi qua đường hầm. Rất nhiều người đã bị mất mạng vì đói khát hoặc bị biên phòng Mỹ bắn chết. Những nhóm buôn lậu ma túy còn sử dụng cả tàu ngầm ở hai vùng biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương để chuyển hàng vào những khu vực khác nhau dọc các bờ biển Mỹ. Vì thế, các chuyên gia tin rằng dù có tăng cường tuần tra, củng cố tường rào bằng những công nghệ hiện đại nhất, những người vượt biên bất hợp pháp vẫn cứ lọt lưới. Trò mèo đuổi chuột này tưởng như không bao giờ kết thúc, bất chấp mọi nỗ lực của Washington. Donald Trump thừa biết như thế, nhưng ông vẫn "biểu dương khí thế" để tung hỏa mù.
Phản ứng của Mexico
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh xây tường rào dọc biên giới Mexico ngày 25/01/2017, trong thông điệp gửi đến quốc dân ngày 26/01, Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, khẳng định rằng Mexico sẽ không trả tiền cho "bức tường của ông Trump". Tổng thống Enrique Pena Nieto cho biết ông thất vọng trước kế hoạch xây tường biên giới của Mỹ và nói thêm rằng Mexico không tin những bức tường này sẽ giúp giải quyết vấn đề người nhập cư.
Để trả đũa, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 20% trên hàng nhập khẩu từ láng giềng để xây bức tường ở biên giới giữa hai nước. Tổng thống Enrique Pena Nieto liền tuyên bố hủy bỏ một chuyến thăm làm việc tại Mỹ dự trù vào ngày 31/01/2017.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Jesus Velasco, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Mexico tại Đại học Tarleton ở Texas nói : "Trump đang dồn ép chính quyền của Tổng thống Mexico Pena Nieto đến mức không có chỗ nào cho đàm phán". Theo chuyên gia này, trái hẳn với những lời chỉ trích của Trump, Mexico và Hoa Kỳ có "một trong những hợp tác (biên giới) thành công nhất trên thế giới". Dưới áp lực của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, Mexico đã phát động một chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp tại vùng biên giới với Guatemala. Theo số liệu của Bộ Nội Vụ Mexico, trong năm 2016, Mexico đã trục xuất 147.370 người nhập cư trái phép, so với 80.900 vào năm 2013. Ngày càng có nhiều người Mexico từ Mỹ hồi hương hơn là từ Mexico qua Mỹ.
Một đoạn bức tường biên giới
Ông Luis de la Calle, nguyên là một trong những nhà đàm phán Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), cho rằng Mexico có thể áp dụng thuế trên hàng nhập từ Hoa Kỳ tương đương với mức mà chính quyền Trump muốn đánh vào hàng Mexico. Ông cho rằng Quốc Hội Mỹ - nơi có rất nhiều nhà lập pháp chủ trương thương mại tự do - khó có thể thông qua luật đánh thuế trên hàng Mexico của chính quyền Trump. Mexico và Hoa Kỳ cũng là đối tác lớn trong cuộc chiến chống ma túy. Bất kỳ một thái độ thiếu hợp tác nào của Mexico trong lãnh vực này đều sẽ là một mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ.
Hiện nay, Mexico là nước đứng thứ ba trong việc nhập cảng hàng Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu. Sean Miner, một chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ở Washington nhận định rằng căng thẳng mậu dịch giữa Mỹ và Mexico sẽ khiến Mexico đi tìm đối tác mới và có vẻ Trung Quốc và Mexico đang xích lại gần nhau hơn.
Quan điểm của Giáo hội Công giáo
Nhắc lại, ngày 18/02/2016, trên chuyến bay trở về Roma kết thúc chuyến công du Mexico, được một phóng viên hỏi về dự định của Donald Trump, nếu đắc cử, ông ta sẽ xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico như một biện pháp ngăn chặn triệt để việc nhập cư, Giáo Hoàng Francis đã trả lời rằng :
"Người nào muốn xây tường, chứ không muốn bắc cầu, thì không phải là Kitô hữu (not Christian). Đó không phải là Tin Mừng. Bầu hay không bầu, tôi không can thiệp vào. Tôi chỉ nói ai làm điều đó thì không phải Kitô hữu".
Donald Trump liền phản kháng lại trong một thông cáo : "Một nhà lãnh đạo tôn giáo nghi ngờ niềm tin của một người khác thì thật đáng xấu hổ". Ông cũng cáo buộc chính phủ Mexico cầu cạnh Giáo Hoàng để đưa ra "những bình luận gây mất lòng" chống lại ông, và cho rằng Giáo Hoàng "chỉ nghe một phía" (La Croix).
Ngày 27/01/2017, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một bản thông cáo lên án lệnh của ông Donald Trump xây một bức tường biên giới Mexico-Hoa Kỳ nhằm gia tăng việc giam giữ và trục xuất người di dân. Thông cáo viết : "Các hành động nhằm đặt đời sống của người di dân vào tình trạng nguy hại không cần thiết, đang xé nát các gia đình và tạo nên sự sợ hãi nơi các cộng đồng".
Giám mục Joe Vasque, Chủ tịch Ủy ban Di dân và Giám mục Giáo phận Austin, chỉ ra rằng việc xây dựng "sẽ chỉ làm cho người di dân, đặc biệt những người phụ nữ và trẻ nhỏ yếu đuối, dễ dàng trở thành mồi ngon cho những tay buôn người và thương lái".
Rồi sẽ đi tới đâu ?
Những tóm lược chúng tôi vừa trình bày nói trên cho thấy chủ trương xây bức tường giữa Mexico và Hoa Kỳ chỉ là một hình thức "biểu dương khí thế" để chứng minh ta đây là "Người có toàn quyền năng" muốn làm gì thì làm. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong Sắc lệnh về di trú và cũng sẽ khó thành công trong việc xây bức tường Mexico – Hoa Kỳ.
America First (Der Spiegel) - Ảnh minh họa
Tạp chí Der Spiegel của Đức vừa ra số báo có trang bìa là hình Tổng thống Donald Trump chặt đầu Nữ thần Tự do với một tay cầm con dao dính máu còn tay kia cầm đầu của Nữ thần Tự do, ở bên dưới bức tranh là hai chữ "America First" (Nước Mỹ trước hết).
Sau cuộc cãi cọ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, ngày 7/02/2017 Thượng nghị sĩ Nick Xenophon đã xuất hiện trước Quốc hội Camberra với tấm thảm chùi chân, trên đó vẽ hình Donald Trump với mấy chữ : "Australia : Not your Doormat" (Úc không phải là tấm thảm chùi chân của anh). Sau đó ông đặt tấm thảm xuống đất và đạp lên. Đó là một "vinh quang" chưa Tổng thống Mỹ nào được nhận.
Cố Tổng thống Theodore Roosevelt đã từng tuyên bố :
"Nói rằng không được chỉ trích Tổng thống, hoặc phải đi theo Tổng thống, cho dù ông ta đúng hay sai, thì không những không ái quốc và có tinh thần nô lệ, mà còn là phản bội dân tộc Hoa Kỳ".
Ngày 16/02/2017
Lữ Giang