Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga là một "câu chuyện về sự thành công" và đáng được các quốc gia Châu Âu khác học hỏi. Trên đây là nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới.

cai1

Trung tâm chữa trị chứng nghiện rượu ở Moskva, Nga. Wikimedia Common.

Theo một báo cáo được tổ chức này công bố hồi tháng 10/2019, lượng rượu tiêu thụ tính theo đầu người ở Nga đã giảm 43% trong giai đoạn 2003-2016. Tỉ lệ này là 67% đối với rượu mạnh. Số người nghiện rượu cũng giảm mạnh từ 2.444.000 người vào cuối những năm 1990 xuống còn 1.305.000 vào năm 2018. Không chỉ có số người chết vì rượu và doanh thu bán rượu giảm, mà số vụ ngộ độc rượu, các rối loạn tâm lý do uống nhiều rượu cũng giảm.

Theo các tác giả bản báo cáo, chính việc giảm tiêu thụ rượu đã góp phần khiến tuổi thọ trung bình của người Nga được cải thiện đáng kể, đạt mức kỷ lục vào năm 2018 : 78 tuổi (nữ) và 68 tuổi (nam). Nga là nước có chênh lệch về tuổi thọ giữa nam và nữ cao nhất thế giới. Vào những năm 1990, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 57 tuổi. Từ năm 2003 đến năm 2017, tỉ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch cũng đã giảm khoảng 50%.

Tất cả những thành quả nói trên là nhờ, như phát biểu của ông Oleg Salagay, thứ trưởng Y tế Nga, một chính sách mà chính quyền đã quyết tâm thực hiện từ đầu những năm 2000, và được đẩy mạnh từ năm 2009. Nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin đã kiên quyết bài trừ nạn nghiện rượu.

Hàng loạt biện pháp hạn chế

Chính sách bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga dựa trên hàng loạt biện pháp hạn chế. Ban đầu là quy định về giá bán rượu tối thiểu (hiện giờ là khoảng 250 rúp/50cl rượu vodka), tiếp theo đó, các loại rượu có nồng độ cồn cao nhất bị cấm bán sau 23 giờ đêm. Về sau này, có nhiều nơi công cộng mà người dân bị cấm uống rượu, quảng cáo rượu bị cấm, lệnh cấm bán rượu cho trẻ em cũng được thi hành triệt để. Hiện nay, chính quyền đang bàn thảo về việc cấm bán rượu cho những người dưới 21 tuổi. Từ năm 2011, bia cũng được coi là thức uống có cồn và cũng phải áp dụng các biện pháp hạn chế như đối với rượu.

Le Monde ngày 01/12 trích dẫn ông Evgueni Brioun, một chuyên gia nổi tiếng chứng nghiện rượu, theo đó các vấn đề về dân cư là hồi chuông báo động, thúc đẩy chính quyền Nga có các chính sách hợp lý hơn, chặt chẽ hơn. Công tác cai nghiện rượu cũng được cải thiện, làm giảm nguy cơ tái nghiện rượu. 

Theo chuyên gia Brioun, điều đáng ngại hiện nay liên quan đến các loại rượu lậu được bán ở các vùng quê, nhất là rượu "samogon" được dán nhãn là chưng cất thủ công. Loại rượu này chiếm 1/3 tổng lượng rượu tiêu thụ tại Nga. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới nói là nhà chức trách Nga đã thành công trong việc kiểm soát thị trường rượu lậu ngay từ đầu những năm 2000, làm giảm 50% lượng rượu lậu, nhưng thông tín viên Benoit Vitkine tại Moskva của báo Le Monde nhận định các vụ ngộ độc rượu vẫn thường xảy ra và cho thấy rượu lậu vẫn chưa được bài trừ.

Chiến dịch răn đe trong quá khứ

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên nước Nga có chiến dịch bài trừ nạn nghiện rượu. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Sa hoàng đã có nhiều biện pháp, chẳng hạn lệnh hạn chế bán rượu từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Ở nông thôn, rượu chỉ được bán sau 10 giờ sáng. Dưới thời Xô Viết, có một số chiến dịch đặc biệt mang tính răn đe, nhiều người vi phạm bị bắt giữ và thậm chí là bị vào trại tập trung.

Một trong những chiến dịch mạnh nhất là ở thời Mikhail Gorbachev (1985-1991), với nhiều biện pháp hạn chế về giá cả và giờ giấc bán rượu… Theo nhiều ước tính, 1,5 triệu người đã giữ được mạng sống nhờ các biện pháp này. Tuy nhiên, giai đoạn này là quá ngắn để có thể làm thay đổi lâu dài thói quen và suy nghĩ của người dân. 

Chống thói nghiện rượu - Cách mạng văn hóa của tổng thống Putin

Ngược lại, theo các nhà quan sát, những thay đổi gần đây tại nước Nga về thói quen uống rượu chắc sẽ được bền lâu. Những thay đổi trong 15 năm qua rất sâu sắc, gần như một cuộc cách mạng về văn hóa. Tổng thống Putin là một minh họa rõ nét. Nếu người tiền nhiệm Boris Yeltsin (1991-1999) nổi tiếng về sức khỏe thể chất yếu kém, thì tổng thống Vladimir Putin lại nổi tiếng là người rất chú ý đến thể lực, hình thể. Chính điều này góp phần khiến ông trở nên được lòng dân.

Tổng thống Vladimir Putin đã không chấp nhận đưa rượu vào danh sách các giá trị truyền thống mà chính quyền ca tụng. Các phong trào thanh niên ủng hộ chính quyền của tổng thống Putin nối tiếp nhau, cùng với nhiều nhóm cực hữu, trong những năm qua, đã tiến hành nhiều chiến dịch bài rượu trên đường phố.

Lối sống của người Nga đã thay đổi. Một phóng viên của hãng tin Nga RIA-Novosti viết : "Không giống như cách nay 40 năm, quý vị không còn có thể nói với lãnh đạo cơ quan là không thể làm việc vì đã uống rượu suốt 3 ngày". Thái độ dung thứ của xã hội với những người nghiện rượu dường như cũng đã thay đổi. Theo một khảo sát của viện VTsiOM hồi năm 2018, chỉ có 14% số người được hỏi có thái độ chê trách người nghiện rượu, 46% cho rằng đó là một "căn bệnh" và 31% xem đó là một "vấn đề xã hội". Hồi năm 2010, 57% người Nga coi nạn nghiện rượu là vấn đề số 1 của đất nước.

Theo chuyên gia Brioun, những thay đổi nói trên rõ nét hơn ở các thành phố lớn. Những người làm công ăn lương không còn uống rượu vào buổi trưa, thay vào đó họ đến các phòng tập thể thao. Nhưng ngay cả ở các vùng nông thôn, hình ảnh những người đàn ông lảo đảo, loạng choạng vì say rượu trên phố vào ban ngày cũng rất hiếm gặp.

Nhà báo hãng tin Nga RIA-Novosti hài hước : Nếu còn một nơi nào đó mà người Nga có thể uống rượu "đã đời", thì đó có lẽ là ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong các chuyến du lịch kiểu "all-inclusive". Ở nơi đây, ngay từ cửa hàng miễn thuế ở sân bay, du khách Nga đã có thể thoát khỏi hệ thống kiểm soát ở quê nhà và "xả stress" với các phương pháp dân gian của cha ông : pha trộn rượu gin, bia và rượu rhum.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế