Thùy Dương, RFI, 27/01/2022
Thứ Tư 26/01/2022, tại phủ tổng thống Pháp, Paris, trong khuôn khổ "công thức Normandy", các nhà ngoại giao Nga và Ukraine đã có cuộc đàm phán để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Donbass, với sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, gặp nhau tại 'Villa la Grange', Genève, Thụy Sỹ, ngày 16/06/2021. AP - Patrick Semansky
Cuộc thảo luận đã kéo dài 8 tiếng 30 phút, được những người trong cuộc nhận định là "không đơn giản", nhưng cuối cùng các bên đã ra được một thông cáo báo chí chung, sau hơn hai năm bế tắc trong đàm phán.
Nhà đàm phán người Ukraine, Andriï Iermak, cho biết : "Đây là văn bản quan trọng đầu tiên mà chúng tôi đi đến thống nhất kể từ tháng 12/2019", theo đó đôi bên phải "tôn trọng vô điều kiện lệnh ngừng bắn". Đây là điểm cốt yếu trong bối cảnh căng thẳng hiện giờ ở biên giới Ukraine và là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đàm phán giữa Moskva và Kiev.
Trong khi đó, đặc phái viên Nga, Dmitry Kozak, cũng nhấn mạnh là cho dù đôi bên có những cách diễn giải khác nhau về thỏa thuận Minsk, nhưng "thỏa thuận ngừng bắn phải được duy trì". Đối với Pháp, cuộc gặp này được coi như một phép thử và đã cho thấy Nga "sẵn sàng xuống thang về chủ đề này".
Thỏa thuận Minsk bao gồm nhiều điểm liên quan đến việc ngừng bắn, trả tự do cho những bị bắt, tổ chức bầu cử… được ký kết hồi tháng 09/2014 giữa Nga, Ukraine, hai nước Cộng Hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Do vẫn còn những bất đồng lớn trong việc diễn giải các thỏa thuận Minsk và Moskva muốn Kiev thảo luận trực tiếp với chính quyền hai nước Cộng Hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, còn Kiev lại coi đó là lằn ranh đỏ, nên trong thông cáo chung, các nhà đàm phán Nga - Ukraine đồng ý gặp nhau ở Berlin sau hai tuần nữa.
Ngoại trưởng Trung - Mỹ điện đàm về khủng hoảng Ukraine
Hôm nay 27/01/2022, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo AFP, Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định "mối lo ngại" của Nga về an ninh là "có lý do", "cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp". Không chỉ đích danh NATO, Vương Nghị nhận định "an ninh khu vực không thể được bảo đảm thông qua việc tăng cường, củng cố hay mở rộng các khối quân sự".
Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh "các nguy cơ về an ninh và kinh tế đối với thế giới, mà một cuộc tấn công mới của Nga nhắm vào Ukraine đặt ra, đã cho thấy là việc giảm leo thang căng thẳng và ngoại giao là con đường có trách nhiệm".
Thùy Dương
**********************
Thùy Dương, RFI, 27/01/2022
Trong khi cuộc đàm phán Nga - Ukraine diễn ra tại Paris với sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức, tình hình biên giới Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Nga tiếp tục dồn quân về phía biên giới với Ukraine và thông báo các cuộc tập trận ngay sát Ukraine.
Quân đội Nga tập dượt xe tăng bọc thép ở miền nam Rostov, Nga, 26/01/2022. Reuters – Sergey Pivovarov
RFI hôm 26/01/2022 trích dẫn thông tin của CNN theo đó thông tin mới nhất của Tình báo quốc phòng Ukraine cho thấy hiện giờ có khoảng 137.000 quân Nga ở biên giới với Ukraine, trong đó có cả các lực lượng Hải quân và Không quân. Nhiều đơn vị quân đội Nga đã được điều thêm về phía biên giới Ukraine, nhất là vùng Belgorod, phía bắc Karkiv và miền tây vùng Briansk. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều xe tải quân sự và xe tăng ở cách biên giới Ukraine chỉ 13 km.
Theo hình ảnh từ kênh Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga, các chiến đấu cơ SU-35 xuất phát từ vùng Viễn Đông Nga đã hạ cánh xuống nhiều sân bay của Belarus. Các cuộc diễn tập chung giữa Nga và Belarus sẽ chính thức bắt đầu tại Belarus vào ngày 10/02. Tuy nhiên, các cuộc tập trận đã bắt đầu ở miền nam nước Nga, tại khu vực Rostov trên sông Don, gần Donbass đang có xung đột, cũng như ở bán đảo Crimea đã bị Nga đã sáp nhập hồi năm 2014, với sự tham gia của các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và 6.000 quân nhân. Ngoài ra, còn có các cuộc luyện tập của Hải quân Nga ở Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Màn phô diễn lực lượng của Moskva gây ấn tượng mạnh. Cho dù nhận định rằng đó là mối đe dọa đối với Ukraine, nhưng ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, hôm qua vẫn cho rằng quân số của các lực lượng này của Nga vẫn không đủ để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các vùng biên giới Ukraine.
Theo báo Le Parisien ngày 26/01, sau Mỹ và Anh, đến lượt chính phủ Cộng hòa Czech thông qua việc cung cấp 4.000 đầu đạn cho Kiev để giúp Ukraine đối phó với nguy cơ bị Nga tấn công. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech hôm qua cho biết số đầu đạn nói trên trị giá 36,6 triệu couronne (1,5 triệu euro) và sẽ được bàn giao cho Kiev trong những ngày sắp tới, nhưng không nêu rõ ngày cụ thể. Nhìn sang Đức, Berlin thông báo sẽ viện trợ cho Ukraine 5.000 mũ sắt. Thông báo của Berlin đã bị thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko chỉ trích, gọi đó hoàn toàn là "một trò đùa" của chính phủ Olaf Scholz.
Trong khi đó, AFP cho biết đại diện chính của các phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine hôm nay 27/01 đề nghị Moskva trang bị vũ khí để đối phó với Kiev. Về phía Nga, hôm qua, một lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền, Nước Nga Thống Nhất, cũng đã kêu gọi nhà chức trách chuyển giao vũ khí cho các phe nhóm ly khai thân nói trên, đặc biệt là hai nước Cộng hòa tự xưng Donesk và Lugansk.
Thùy Dương