Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

1. Việt Nam trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương

Tiến sĩ Nagao Satoru, nghiên cứu viên cao cấp tại Hudson Institute, chia sẻ với RFA về chính sách bành trướng của Trung Quốc và mạng lưới an ninh đang hình thành để đối phó với sự bành trướng đó.

nagao1

Một cuộc họp của QUAD hồi tháng 5 năm 2022 - Reuters

Nhận định với RFA, Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng, Trung Quốc hiện nay tất yếu duy trì chính sách bành trướng. Song song đó, ông cũng đưa ra nhiều phân tích cụ thể về vị trí của Việt Nam trong mạng lưới an ninh mới đang dần hình thành ở Châu Á-Thái Bình Dương cùng góc nhìn toàn cảnh về chiến lược lấp đầy khoảng trống quyền lực của Trung Quốc trong loạt bài sau đây, mời quý vị cùng theo dõi.

Gần đây, trong bang giao quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương, thế giới chứng kiến sự ra đời một loạt các mối liên kết song phương, ba bên và các mối quan hệ đa phương khác. Chẳng hạn, các liên kết Mỹ - Nhật - Ấn, Nhật - Ấn - Úc, Úc - Anh - Mỹ, Ấn - Úc - Indonesia, Ấn - Úc - Pháp, Mỹ - Ấn - Israel - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và đặc biệt là Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn. 

Các mối liên kết này đang dần dần hình thành một mạng lưới an ninh mới trong khu vực. Không khó để nhận ra mạng lưới này có mục đích phòng ngự trước sự nổi lên của một siêu cường quân sự mới : Trung Quốc. 

Trong mạng lưới an ninh mới đang dần hình thành này, không có quốc gia Đông Nam Á nào tham gia, kể cả Việt Nam. Mặc dù là một trong những địa bàn Trung Quốc muốn tăng cường bành trướng cả về lãnh thổ (như ở Biển Đông) lẫn kinh tế chính trị, một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, hiện đang quan sát tình hình chứ chưa "chọn phe" một cách dứt khoát. 

nagao2

Tiến sĩ Nagao Satoru, Hudson Institute

RFA trao đổi với Tiến sĩ Nagao Satoru, nghiên cứu viên cao cấp tại Hudson Institute ở Washington D.C. về chiến lược bành trướng của Trung Quốc, mạng lưới an ninh đang hình thành trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và vị trí "có thể có" của những nước như Việt Nam trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc cũng như trong mạng lưới an ninh mới đang hình thành để đối phó với siêu cường mới nổi này. 

Chiến lược "khai thác khoảng trống" của Trung Quốc ở Việt Nam và Philippines 

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng chiến lược của Bắc Kinh là khai thác tình hình bất cứ khi nào xuất hiện khoảng trống quyền lực. 

Ông Nagao nêu các ví dụ trong thế kỷ 20 : 

"Vào thập niên 1950s, ở Biển Đông, ngay sau khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương năm 1954, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa. 

Đến năm 1974 - một năm sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam - Trung Quốc liền đánh chiếm nốt nửa còn lại của quần đảo ấy. 

Trong thập niên 1980s, ngay sau khi Liên Xô giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Việt Nam, Trung Quốc mở rộng lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa, chiếm đóng 6 khu vực ở đó vào năm 1988".

Năm 1992, Quân đội Mỹ kết thúc 92 năm hiện diện ở Philippines. Và 3 năm sau đó, vào năm 1995, Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn do Philippines quản lý.

Theo nhà nghiên cứu Nagao, những hoạt động này cho thấy chiến lược của Trung Quốc là lựa chọn thời điểm khi cán cân quân sự thay đổi và xuất hiện những khoảng trống quyền lực để bành trướng lãnh thổ. 

Trung Quốc hiện nay tất yếu duy trì chính sách bành trướng

Áp dụng những kinh nghiệm lịch sử nói trên vào thời đại ngày nay, ông Nagao cho rằng, nếu những quan sát lịch sử trên là đúng, ngày nay Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang các hoạt động của mình, bởi lẽ trong thập kỷ qua, cán cân quân sự đã thay đổi theo hướng có lợi cho họ. 

Ông Nagao giới thiệu một nghiên cứu mới nhất của mình trên tạp chí Raisina Files, tháng 6 năm 2022, phân tích Cơ sở dữ liệu về chi tiêu quân sự của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), theo đó, trong 10 năm từ 2011 đến 2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76%. Trong khi đó, cùng thời gian nói trên, Ấn Độ tăng chi tiêu quân sự chỉ 34%, Australia chỉ tăng 33%, còn Nhật Bản thì chỉ tăng 2,4%. Đáng chú ý, Hoa Kỳ giảm chi tiêu 10% trong cùng khoảng thời gian này. 

"Thực vậy, gần đây Trung Quốc đã cố gắng mở rộng yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và Ấn Độ Dương vì họ nhận thấy khoảng trống quyền lực ở những khu vực này. Dữ liệu cho thấy quan sát nói trên là đúng. Ví dụ, so sánh giữa số lượng tàu Trung Quốc được xác định trong vùng tiếp giáp ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ở Nhật Bản và các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cho thấy những điểm tương đồng".

Đi sâu vào chi tiết, Tiến sĩ Nagao cho biết, ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xâm nhập của lực lượng hải cảnh : Năm 2011, số lượng tàu Trung Quốc được xác định trong vùng tiếp giáp ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku chỉ là 12. Nhưng con số đã tăng lên 428 vào năm 2012, 819 vào năm 2013, 729 vào năm 2014, 707 vào năm 2015, 752 vào năm 2016 , 696 vào năm 2017 và 615 vào năm 2018. Đến năm 2019, con số đã lên tới 1097.

Ở phía tây, năm 2011, Ấn Độ ghi nhận 213 vụ xâm nhập vào khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, nhưng những năm sau đó, con số gia tăng lớn hơn : 426 lần vào năm 2012, 411 lần vào năm 2013, 460 lần vào năm 2014, 428 lần vào năm 2015, 296 lần vào năm 2016, 473 lần vào năm 2017, 404 lần vào năm 2018 và 663 lần vào năm 2019. Những cuộc xâm nhập này tương tự như các hoạt động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku. 

Nhà nghiên cứu Nagao kết luận : "Dựa trên số lượng các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, có thể thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đã tăng cường sự quyết đoán của mình trong năm 2012 và 2019 ở cả hai khu vực".

Phần tiếp theo, Tiến sĩ Nagao Satoru chia sẻ với độc giả RFA về Đối thoại Tứ giác An ninh (The Quadrilateral Security Dialogue - QUAD), một trong những tổ chức hợp tác an ninh đang nổi lên để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. 

2. QUAD : Bối cảnh mới của an ninh quốc gia của Việt Nam

Ở bài trước, RFA trao đổi với Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute về chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nagao đã làm sáng tỏ chiến lược "lấp đầy khoảng trống quyền lực" của Trung Quốc để bành trướng lãnh thổ. 

nagao3

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy tay chào giới truyền thông trước cuộc họp Quad tại văn phòng của Thủ tướng Kishida ở Tokyo, ngày 24/5/2022. AFP

Rõ ràng, những quốc gia và khu vực yếu kém trong khả năng tổ chức hệ thống an ninh sẽ không thể đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Trong bài thứ 2 này, nhà nghiên cứu Nagao Satoru chia sẻ với độc giả RFA về tổ chức Đối thoại Tứ giác An ninh (The Quadrilateral Security Dialogue - QUAD) gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đây là một mô hình an ninh đối phó với chính sách bành trướng của cường quốc quân sự đang trỗi dậy này.

Vì sao QUAD ra đời ? 

Trả lời câu hỏi của RFA về chiến lược đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc, Tiến sĩ Nagao chỉ ra rằng chiến lược của các quốc gia QUAD là lấp đầy những khoảng trống quyền lực để Trung Quốc không thể trám vào, bằng cách duy trì sự cân bằng quân sự. 

Để làm được điều này, họ cần tăng ngân sách quốc phòng nhưng tăng ngân sách là một nhiệm vụ không dễ dàng. Do đó, họ thực hiện cách tiếp cận khác là tổ chức lại hệ thống an ninh của chính mình. 

Đây thực sự là một chiến lược quan trọng. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích về mô hình an ninh "trục bánh xe-và-nan hoa" lâu nay của Mỹ và đồng minh. Mô hình "trục bánh xe-và-nan hoa" là cách sắp xếp mạng lưới giống như chiếc bánh xe đạp, trong đó có một trục và các nan hoa đan với nhau để giữ cho bánh xe vững chắc khi chuyển động. 

"Trong một thời gian dài, Mỹ và đồng minh duy trì trật tự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng hệ thống an ninh theo mô hình "trục bánh xe-và-nan hoa" ("hub and spoke" system). Trong hệ thống theo mô hình "trục bánh xe-và-nan hoa" này, trục bánh xe là Hoa Kỳ và các nan hoa là những đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Một đặc điểm của hệ thống hiện tại là nó phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Bởi vậy, mặc dù Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng không có liên minh Nhật-Úc. 

Những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc cho thấy rằng hệ thống hiện tại đã không hiệu quả để ngăn cản chiến lược bành trướng của họ. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn 2011-2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% và Mỹ giảm chi tiêu 10%. 

Ngay cả khi chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ lớn hơn gấp ba lần so với Trung Quốc, hệ thống "trục bánh xe-và-nan hoa" hiện tại vẫn sẽ không đủ".

Theo nhà nghiên cứu Nagao, bởi mô hình an ninh hiện tại không hiệu quả, một hệ thống an ninh dựa trên những mối liên kết mới đang hình thành. Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh với Hoa Kỳ và với nhau. 

Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, ba bên, tứ giác hoặc đa phương khác, chẳng hạn như Mỹ-Nhật-Ấn, Nhật-Ấn-Úc, Úc-Anh-Mỹ, Ấn-Úc-Indonesia, Ấn-Úc-Pháp và Mỹ-Ấn- Israel-UAE, đang tạo ra một mạng lưới hợp tác an ninh mới. 

Trong bối cảnh đó, QUAD chỉ là một trong số nhiều ví dụ về cách thức các quốc gia hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực, khi đối phó với một cường quốc quân sự đang nổi lên.

QUAD hoạt động như thế nào ?

QUAD có thể làm gì để ngăn cản sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ? Nếu các nước QUAD phối hợp tốt, họ có thể buộc Trung Quốc phải phòng thủ nhiều mặt trận cùng một lúc. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích :

"Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ cần đồng thời thực hiện nhiều khoản chi tiêu quốc phòng chống lại Mỹ và Nhật Bản ở phía Thái Bình Dương cũng như chống lại Ấn Độ ở phía biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Loại hợp tác này sẽ cung cấp một cách thức duy trì sự cân bằng quân sự ngay cả khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh chóng.

Khả năng tấn công là bí quyết chủ chốt. Trong một thời gian dài, không có quốc gia nào ngoại trừ Mỹ có đủ khả năng tấn công Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều sở hữu khả năng tấn công tầm xa, thì khả năng tổng hợp của họ sẽ buộc Trung Quốc phải phòng thủ trên nhiều mặt trận. 

Ngay cả khi Trung Quốc quyết định mở rộng lãnh thổ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, họ vẫn cần phải chi một lượng ngân sách và lực lượng quân sự nhất định để tự vệ trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ và Nhật Bản. 

Hiện tại, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều đang có kế hoạch sở hữu các khả năng tấn công tầm xa 1000-2000 km như tên lửa hành trình và máy bay phản lực F-35 với bom lượn (glide bomb). 

Và trên thực tế, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc cũng đang tăng cường kho vũ khí tấn công bằng tên lửa đất đối đất. Những động thái này có thể rất quan trọng".

Vào tháng 9 năm 2021, Australia, Anh và Mỹ thông báo thành lập AUKUS, một thỏa thuận an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong liên minh này, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia mua và duy trì 8 tàu ngầm hạt nhân. 

Ông Nagao cho rằng nếu Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân với khả năng tấn công tầm xa, lực lượng hải quân Australia có thể hoạt động ở một khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có khả năng chống lại mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực đó. Australia cũng sửa đổi tàu ngầm thông thường của họ để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Chiến lược bành trướng của Trung Quốc và sự hình thành những mạng lưới an ninh mới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với cuộc bành trướng đó đã tạo ra một bối cảnh mới về an ninh mà các nước Đông Nam Á phải tìm cách thích ứng.

Phần cuối của loạt bài này, RFA sẽ phỏng vấn Tiến sĩ Nagao Satoru về vị trí của Đông Nam Á trong đó có Việt Nam trong mạng lưới an ninh đang tiến triển trong khu vực. 

3. Vị trí của Việt Nam trong mạng lưới an ninh mới đang dần hình thành ở Châu Á - Thái Bình Dương

Ở hai phần trước, Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute chia sẻ với độc giả RFA về chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương và mạng lưới liên kết an ninh đang hình thành ở khu vực này nhằm đối phó với Trung Quốc.

nagao4

Thủ tướng Nhật Bản Kishida phát biểu sau cuộc họp Quad ở Tokyo, 24/05/2022 - Reuters

Một điều đáng chú ý là, ngoại trừ Indonesia (cùng Ấn Độ và Úc xây dựng một tam giác phát triển hợp tác hải quân) và Philippines (có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ từ 1951), nhiều nước Đông Nam Á đang đứng ngoài các mạng lưới này. 

Trong phần cuối của loạt bài này, RFA đăng toàn văn nội dung phỏng vấn Tiến sĩ Nagao Satoru về an ninh quốc gia của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trong bối cảnh đó. 

RFA : Tại sao Nhật Bản lại chọn 4 quốc gia : Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ để tạo ra QUAD ? Tại sao không phải là Đài Loan, Hàn Quốc (Đông Bắc Á), Việt Nam hay Philippines (Đông Nam Á) ?

Nagao Satoru : Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc lập thuyết cho cả QUAD và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trước quốc hội Ấn Độ năm 2007 "Sự hợp lưu của hai đại dương", đã giới thiệu những ý tưởng này. Ông nói : 

"Với việc Nhật Bản và Ấn Độ kết hợp với nhau theo cách này, "Châu Á rộng mở hơn" này sẽ phát triển thành một mạng lưới rộng lớn, trải dài toàn bộ Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ và Úc. Công khai và minh bạch, mạng lưới này sẽ cho phép con người, hàng hóa, vốn và tri ​​thc lưu thông t do".

Tại sao Nhật Bản cần QUAD ? Do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, cả hai khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng nổi lên như những khu vực có ảnh hưởng trong chính trị thế giới. 

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trỗi dậy này không nên là khu vực do Trung Quốc thống trị. Shinzo Abe giải thích ý tưởng này trong bài báo của mình "Viên kim cương an ninh dân chủ của Châu Á" ("Asia’s Democratic Security Diamond") ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lần thứ hai vào năm 2012. 

Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm địa lý bao gồm tất cả các quốc gia bao quanh Trung Quốc. QUAD bao gồm tất cả các cường quốc ngoại trừ Trung Quốc.

Ông Abe muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ và sự hội nhập của nước này vào QUAD với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (thay vì Châu Á - Thái Bình Dương, vốn không bao gồm Ấn Độ). Cả Nhật Bản và Australia đều là đồng minh lâu năm của Mỹ với các phương thức hợp tác đã được thiết lập từ lâu, còn Ấn Độ là thành viên mới. Để hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản cần kiến ​​trúc an ninh ca QUAD.

Ấn Độ thực sự là một chìa khóa. Ví dụ, quy mô dân số nước này. Quy mô của Ấn Độ tương tự như Trung Quốc. Ấn Độ có tiềm năng trở thành đối trọng của Trung Quốc. 

Và nhìn từ vị trí địa lý, Hawaii, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản là bốn cạnh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là các địa điểm này có thể tiếp cận toàn bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và là vị trí tốt nhất để hỗ trợ Đông Nam Á, địa bàn chủ yếu mà Trung Quốc đang nhắm tới để mở rộng ảnh hưởng.

Ngoài ra, như tôi đã đề cập ở phần trước, nếu các nước QUAD phối hợp tốt, họ có thể buộc Trung Quốc phải phòng thủ nhiều mặt trận một lúc. Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ cần đồng thời thực hiện các khoản chi tiêu quốc phòng chống lại Mỹ và Nhật Bản ở phía Thái Bình Dương cũng như chống lại Ấn Độ ở phía biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Loại hợp tác này sẽ cung cấp một cách thức để duy trì sự cân bằng quân sự, ngay cả khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh chóng.

Vì vậy, QUAD là một tầm nhìn chiến lược lớn thực sự. 

Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc đều quan trọng nhưng tầm ảnh hưởng của họ còn hạn chế trong khu vực. Còn Mỹ là siêu cường, cả Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đều là cường quốc khu vực ở Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để bao phủ toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì cần có bốn quốc gia lớn này.

RFA : Ấn Độ là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức do Trung Quốc thành lập nhằm đối trọng với phương Tây. Vậy tại sao Nhật Bản và Mỹ mời Ấn Độ tham gia QUAD ?

Nagao Satoru : Để đối phó với Trung Quốc, cần có Ấn Độ. Nếu không có Ấn Độ, Trung Quốc có thể tập trung sức mạnh quân sự của họ để chống lại phía Nhật Bản và Mỹ.

Và lập trường của Ấn Độ chống lại Trung Quốc là rất mạnh mẽ. Không có khu phố Tàu (China town) nào ở Ấn Độ. Một quốc gia như vậy là hiếm trên thế giới. Thực chất, Ấn Độ là quốc gia hiếu chiến nhất chống lại Trung Quốc.

Sự tham gia của Ấn Độ vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS (viết tắt tên tiếng Anh của 5 nước  Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không quan trọng. Ấn Độ cần một chính sách Trung Á bao gồm cả Afghanistan. Đó là lý do tại sao họ cần phải tham gia. Nhưng Ấn Độ không tham gia phong trào chống Mỹ ngay cả khi họ nằm trong các nhóm này.

RFA : Theo Nikkei Asia, Hàn Quốc tìm cách tham dự hội nghị thượng đỉnh QUAD với tư cách quan sát viên vào tháng 5. Xin ông cho biết QUAD có cơ chế mở cửa cho các quốc gia khác tham gia với tư cách không phải là thành viên chính thức hay không ? Những quốc gia nào có thể tham gia QUAD + với tư cách quan sát viên ?

Nagao Satoru : QUAD là nhóm chống lại Trung Quốc. Nếu Hàn Quốc tham gia, nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề.

Hàn Quốc do dự thể hiện lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc. Trung Quốc là đồng minh chính thức của Triều Tiên và họ đã chiến đấu ở Triều Tiên. Trong trường hợp này, Hàn Quốc không thể đóng vai trò chủ chốt trong QUAD nếu họ tham gia.

Và nếu Hàn Quốc tham gia, Hàn Quốc muốn nói về vấn đề Triều Tiên trong các cuộc họp QUAD. Nhưng Ấn Độ không quan tâm đến vấn đề này.

Ngoài ra, nếu Hàn Quốc tham gia, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đấu với nhau vì hai nước có rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Do đó, nếu có Hàn Quốc tham gia, QUAD sẽ mất đi mục đích chính (chống lại Trung Quốc).

Tất nhiên Hàn Quốc có thể đóng góp cho QUAD hoặc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Hàn Quốc đang xuất khẩu vũ khí để tăng cường khả năng quân sự ở các nước xung quanh Trung Quốc. Ví dụ, Ấn Độ, Indonesia, Philippines đang nhập khẩu vũ khí từ Hàn Quốc. Theo cách này, Hàn Quốc có thể đóng góp vào chiến lược chống Trung Quốc theo từng trường hợp cụ thể (không phải là thành viên chính thức của QUAD nhưng với tư cách là thành viên QUAD +).

RFA : Việt Nam và các nước ASEAN có thể tham gia QUAD với tư cách quan sát viên không ? Nếu họ tham gia QUAD với tư cách quan sát viên, cả họ và QUAD có thể nhận được những lợi ích gì ?

Nagao Satoru : Tôi nghĩ Việt Nam có thể trở thành QUAD +. Tuy nhiên, gần đây, QUAD không nói về vấn đề quân sự một cách rõ ràng như vậy. Các nước QUAD đàm phán song phương các vấn đề quân sự, ví dụ như trường hợp Mỹ-Ấn. Hoạt động mua bán vũ khí Mỹ-Ấn để đối phó với vấn đề biên giới Ấn-Trung đang có nhiều tiến triển. Lý do là biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là vấn đề quan trọng với Ấn Độ. Nếu Trung Quốc quyết định tấn công QUAD, Ấn Độ có thể là mục tiêu đầu tiên vì khu vực này chỉ là biên giới trên bộ và Trung Quốc sẽ dễ dàng tấn công hơn.

Như vậy, Ấn Độ đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ấn Độ cần QUAD để chống lại Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ muốn QUAD được đánh giá thấp, không muốn đẩy QUAD thành một hình ảnh quan trọng. Do đó, các nước trong QUAD nói chuyện song phương về vấn đề quân sự. Còn tại hội nghị thượng đỉnh QUAD, họ nói nhiều vấn đề chiến lược hơn, ngay cả khi những vấn đề chiến lược này thực chất để đối phó với chiến lược của Trung Quốc.

RFA : Trung Quốc áp dụng chiến lược gì để đối phó với QUAD ? Nếu những quốc gia ở Đông Nam Á như Việt Nam tham gia QUAD+ thì họ nên tham gia như thế nào để có thêm lợi ích nhưng không kích động Trung Quốc tấn công ?

Nagao Satoru : Các nước Đông Nam Á muốn ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, đầu tư và thương mại của Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng đối với các nước này. Bởi vì sự cạnh tranh giữa QUAD và Trung Quốc đang leo thang, trong tương lai, các nước Đông Nam Á sẽ đến lúc cần phải chọn một bên. Và cuối cùng, QUAD sẽ giành chiến thắng trước Trung Quốc. Thật vậy, không có quốc gia nào cạnh tranh với Mỹ mà tồn tại được (Liên Xô, Nhật Bản, Đức). Vì vậy, cuối cùng thì ủng hộ QUAD cũng có lợi cho Đông Nam Á.

Nhưng cho đến thời điểm các nước Đông Nam Á cần chọn một bên, thì các nước này cần được hưởng đủ lợi ích. Trong trường hợp này, "tính trung lập trong việc ủng hộ QUAD" có tính thực tiễn hơn. 

Dần dần, các nước Đông Nam Á có thể chuyển quan điểm nghiêng về QUAD nhưng không nên quá khiêu khích Trung Quốc. Đó là điều tôi gọi là "tính trung lập trong việc ủng hộ QUAD".

RFA : Đài RFA trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nagao Satoru đã dành cho độc giả của đài cuộc phỏng vấn này. Các quan điểm trong bài là của nhà nghiên cứu Nagao Satoru, không phản ánh quan điểm của RFA. 

Nguồn : RFA, 29/08/2022

Published in Diễn đàn

Donald Trump : "Nga và Trung Quốc phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ" (RFI, 19/12/2017)

Donald Trump coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ chính đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nước Mỹ . Trên đây là một trong những quan điểm chính thức được tổng thống Mỹ trình bày hôm qua 18/12/2017, trong bài diễn văn về "Chiến lược an ninh quốc gia".

mytrungnga1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về "Chiến lược an ninh quốc gia". Ảnh ngày 18/12/2017, tại Washington. Reuters/Joshua Roberts

Bài diễn văn về "Chiến lược an ninh" của tổng thống Mỹ được dư luận rất mong đợi. Trước khi tổng thống Donald Trump phát biểu ít giờ, Nhà Trắng đã cho công bố văn kiện gồm 48 trang, trình bày quan điểm chiến lược của chính quyền Trump về các vấn đề liên quan đến an ninh của Hoa Kỳ. Một điểm đáng chú ý là tổng thống Trump đã chính thức vạch mặt chỉ tên Nga và Trung Quốc là hai đối thủ lớn chống phá lợi ích, an ninh của Mỹ.

Vẫn trên đường lối xuyên suốt "Nước Mỹ trước tiên" nhưng với giọng điệu gay gắt, tổng thống Donald Trump khẳng định : "Trung Quốc và Nga đang thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ, họ đang cố phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ".

Diễn văn của tổng thống Mỹ tiếp tục bằng những lời lẽ tố cáo với hai đối thủ của Mỹ đang muốn tạo ra một thế giới đi ngược lại những giá trị và lợi ích của nước Mỹ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và gây chia rẽ các đồng minh và đối tác với Mỹ.

Sau những lời lẽ chỉ trích nặng nề, tổng thống Trump quả quyết : "Chúng ta sẽ cố gắng xây dựng quan hệ đối tác lớn với họ (Nga và Trung Quốc), với các nước khác, nhưng để làm sao vẫn luôn bảo vệ lợi ích quốc gia".

Đặt Nga vào vị trí đối thủ như vậy, nhưng trong diễn văn, tổng thống Donald Trump cũng không quên nhắc lại thành quả của sự hợp tác tình báo mới đây giữa Nga và Mỹ, phá được một âm mưu khủng bố lớn ở Saint Petersbourg.

Cuối cùng có một đối thủ đáng sợ hơn không được ông Trump định danh. Đó là biến đổi khí hậu không hề xuất hiện trong bất kỳ đoạn nào liên quan đến mối đe dọa đối với nước Mỹ.

Anh Vũ

***************

Trung Quốc bị một thất bại trong mưu toan thao túng chính trường Úc ? (RFI, 19/12/2017)

Ngày thứ Bảy, 16/12/2017 vừa qua, một cuộc bầu cử bổ sung vào Hạ Viện đã diễn ra tại thành phố Bennelong, bang New South Wales ở Úc, với kết quả là ứng viên đảng Tự Do đang cầm quyền John Alexander giành chiến thắng trước bà Kristina Keneally, ứng viên của đảng Lao Động.

mytrungnga2

Cử tri đảng Tự Do mừng thắng lợi của ứng viên của họ, John Alexander, tại Bennelong. Ảnh 16/12/2017. Reuters

Trong bối cảnh tranh cãi đang nổi lên giữa Bắc Kinh với chính quyền của thủ tướng Michael Turnbull về những lời tố cáo Trung Quốc mưu toan lũng đoạn đời sống chính trị Úc, cuộc bỏ phiếu tại Bennelong đã thu hút sự chú ý vì đây là một đơn vị bầu cử có đến hơn 20% cử tri là người gốc Hoa, nên được cho là rất dễ bị Trung Quốc tác động.

Trong một bài viết trước cuộc bỏ phiếu, nhật báo Úc tờ Sydney Morning Herald đã ghi nhận một sự kiện có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ về việc Bắc Kinh thực sự muốn xen vào nội tình nước Úc : Đó là sự tồn tại của một "Lá thư bí ẩn kêu gọi người Úc gốc Hoa "hạ bệ" chính quyền Turnbull". Theo tờ báo, đây là một lá thư ngỏ với giọng điệu giận dữ, kêu gọi người Úc gốc Hoa hạ gục "đảng Tự Do cực hữu đang cầm quyền" bằng cách tẩy chay ứng cử viên đảng này là ông John Alexander, và dồn phiếu cho đối thủ của ông là bà Kristina Keneally, ứng viên của đảng Lao Động.

Yếu tố khiến người ta nghi ngờ rằng đây là một lời kêu gọi do Bắc Kinh xúi giục là sự kiện bức thư dài khoảng 1700 từ, ký tên "Một nhóm Hoa Kiều xem Úc là nhà của mình", đã được một người bị cho là đã tiếp xúc với cơ quan phụ trách hoạt động hải ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc, phổ biến trên mạng.

Lá thư có đoạn : "Khi nhìn lại đảng Tự Do, chúng tôi thấy là đảng này đã hoàn toàn khác so với trước đây. Bây giờ đó là một đảng cực hữu cầm quyền và chống Trung Quốc, chống người Trung Quốc, chống người nhập cư gốc Hoa và sinh viên quốc tế người Hoa... Vì lợi ích của người Hoa hãy vận động, chia sẻ thông điệp này và sử dụng lá phiếu trong tay để hạ bệ đảng Tự Do cầm quyền cực hữu này".

Lá thư ngỏ còn tố cáo đảng Tự Do là đã có thái độ "thù nghịch" trên vấn đề Biển Đông, phá vỡ sự tin tưởng lẫn nhau giữa Úc và Trung Quốc, và không ngần ngại đe dọa : "Nếu tình hữu nghị Úc–Trung có vấn đề, thương mại giữa hai bên sẽ suy giảm".

Dù không biết ai là tác giả, nhưng theo tờ báo Úc, bức thư đã được Ngạn Trạch Hoa (Yan Zehua), một công dân Úc sống ở Sydney đưa lên mạng xã hội Trung Quốc Wechat. Nhân vật này là phó chủ tịch hội Thống Nhất Hòa Bình Trung Quốc tại Úc, một tổ chức cho đến gần đây vẫn được Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một ty' phú người Hoa nhiều tai tiếng, tài trợ và điều hành.

Hiệp hội này cũng có liên quan đến một hiệp hội tương tự ở Trung Quốc do các quan chức thuộc ban Mặt Trận Thống Nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Đây là ban đặc trách xây dựng ảnh hưởng Trung Quốc ở hải ngoại.

Ông Ngạn Trạch Hoa đã gặp một quan chức của ban này hồi tháng 10 vừa qua. Theo một bản tin trên trang mạng của chính quyền Thượng Hải, nhân một cuộc họp vào năm 2012 với các viên chức của ban Mặt Trận Thống Nhất, ông Ngạn Trạch Hoa đã được yêu cầu là phải sử dụng tổ chức Hoa Kiều của ông là Câu Lạc Bộ Hữu Nghị Úc-Thượng Hải, để thắt chặt quan hệ giữa người Úc gốc Hoa với Trung Quốc và cổ vũ cho tình hữu nghị Úc–Trung. Một bản báo cáo của Liên Hội Kinh Doanh Thượng Hải cũng cho biết là nhân vật này cũng nằm trong phái đoàn của hội Thống Nhất Hòa Bình Trung Quốc tại Úc tiếp xúc với các quan chức Mặt Trận Thống Nhất vào năm 2013.

Trả lời hãng truyền thông Úc Fairfax Media, thoạt đầu ông Ngạn Trạch Hoa đã phủ nhận việc ông đã tiếp xúc với các quan chức thuộc ban Mặt Trận Thống Nhất Trung Quốc, nhưng sau đó đã thừa nhận rằng "có thể" là ông đã gặp một số người nhân các sự kiện tổ chức ở Úc và Thượng Hải. Thế nhưng ông khẳng định : "Đấy không có gì là quan trọng, không phải là một vấn đề".

Về cuộc bỏ phiếu, một người Hoa ở Sydney quen biết với ông Ngạn Trạch Hoa đã xác nhận rằng các hiệp hội người Hoa ở Bennelong đã nỗ lực vận động người gốc Hoa bỏ phiếu cho bà Keneally. Theo nguồn tin này thì "Các hiệp hội đó rất thân cận với cơ quan đặc trách người Hoa hải ngoại của chính phủ Trung Quốc"

Theo The Sydney Morning Herald, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả ban Mặt Trận Thống Nhất như là một "vũ khí kỳ diệu" và tầm quan trọng của cơ quan bí mật này trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã được nâng cao sau lời nhấn mạnh đó trên nhiệm vụ, trong đó có những hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng Trung Quốc ở hải ngoại.

Bức thư dường như đã phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng hơn giữa hai chính quyền Bắc Kinh và Canberra từ khi khi Úc bắt đầu hành động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc.

Lá thư chống đảng Tự Do Úc được tung ra sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc và thông báo luật mới dựa trên quy định đối với các tác nhân ngoại quốc của Mỹ. Một dấu hiệu khác là vụ thượng nghị sĩ đầy thế lực Sam Dastyari của đảng Lao Động phải từ nhiệm sau những tiết lộ về quan hệ gần gũi của ông với những nhà tài trợ người Úc gốc Hoa.

Sau khi Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc ngày 11/12 chỉ trích gay gắt chính quyền Úc, cho rằng Canberra và truyền thông Úc đã có thái độ kỳ thị chủng tộc khi cáo buộc Trung Quốc, truyền thông Hoa ngữ tại Úc đã thay đổi hẳn giọng điệu về cuộc bầu cử ở Bennelong, một thay đổi mang ý nghĩa quan trọng vì Bennelong có tỷ lệ người Úc gốc Hoa cao nhất nước Úc.

Đảng Lao Động đã xác định rằng họ không biết gì về bức thư, về tác giả hay người loan tải là ông Ngạn Trạch Hoa. Tổng thư ký của đảng Lao Động tại bang New South Wales thì cho rằng chính các quan diểm bài Trung Quốc của ông Turnbull đã làm cho cộng đồng người Úc gốc Hoa phải cảnh giác".

Đảng Tự Do vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử

Kết quả cuộc bầu cử ngày 16/12 vừa qua tại Bennelong tuy nhiên vẫn không thuận lợi cho đảng Lao Động. Người gốc Hoa, chiếm 21% dân số của Bennelong, theo cuộc điều tra dân số năm 2016, quả là đã có chuyển hướng bầu cho bà Keneally, nhưng không đủ để đánh bại ông Alexander của đảng Tự Do.

Tờ báo mạng Asia Times tại Hồng Kông vào hôm qua, 18/12, đã có bài phân tích về kết quả cuộc bầu cử mà trong đó "vấn đề Trung Quốc" nổi cộm. Về lá phiếu của người Úc gốc Hoa, Asia Times đã dẫn phân tích của nhật báo Úc The Australian ghi nhận rằng cử tri gốc Hoa phần lớn đã quay sang bầu cho đảng Lao Động.

Các dấu hiệu rõ nhất về hiện tượng này là tại những nơi mà cư dân gốc Hoa đông đảo nhất, tỷ lệ phiếu bầu thêm cho đảng Lao Động so với kỳ bầu cử trước đây thuộc diện cao nhất.

Tại hai vùng ngoại ô Bennelong, nơi mà các cử tri gốc Hoa chiếm đến 34,5% và 32% cư dân, tỷ lệ bầu thêm cho đảng Lao Động lên đến 12% - tăng gấp đôi so với mức bình quân của toàn thành phố là 5%.

Cũng như vậy, trong số 16 phòng phiếu mà tỷ lệ phiếu bầu thêm cho đảng Lao Động cao hơn mức trung bình, lượng cử tri gốc Hoa chiếm hơn 20% dân số.

Theo Asia Times, điều đó chứng tỏ là lập luận chống Trung Quốc của chính quyền Úc không thu hút được thành phần cử tri gốc Hoa. Câu hỏi đặt ra là liệu quan điểm đó có thu hút các thành phần cử tri khác tại Úc hay không. Câu trả lời sẽ được thấy trong cuộc tổng tuyển cử tới đây.

Mai Vân

************************

Trung Quốc : 10 án tử hình trong phiên xử giữa sân vận động (RFI, 19/12/2017)

Theo AFP, hôm qua, 18/12/2017, một phiên toà được tổ chức giữa một sân vận động thành phố Lục Phong (Lufeng) tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người và đã tuyên 10 án tử hình. Các bị cáo bị thi hành án ngay sau khi lĩnh án.

mytrungnga3

Cảnh sân vận động thành phố Lục Phong, Quảng Đông, nơi một phiên tòa tuyên 10 án tử hình, và thi hành ngay, ngày 18/12/2017. capture d'écran

Trước đó bốn ngày, người dân địa phương đã được thông báo mời dự phiên toà qua một thông cáo đăng trên mạng xã hội. Đúng ngày xử án hôm qua, hàng ngàn người đã có mặt tại sân vận động, trong đó có cả nhiều học sinh sinh viên mặc đồng phục. Rất đông người có mặt trên sân vận động đã dùng điện thoại ghi hình phiên xử án.

Một vidéo đăng tải trên mạng internet cho thấy 10 bị cáo được đưa lần lượt lên trên một bục gỗ được dựng ngay trên đường chạy điền kinh của sân vận động. Phiên xử diễn ra công khai trước dân chúng. Cuối cùng toà đã tuyên tất cả 10 án tử hình, trong đó 7 bị cáo bị buộc tội buôn ma tuý, 3 bị kết tội giết người.

Tuy nhiên, việc chính quyền tỉnh Quảng Đông tổ chức phiên toà như buổi biểu diễn đã bị chính truyền thông chính thức Trung Quốc phê phán.

Nhật báo Tin tức Bắc Kinh (Beijing News) bình luận, "người ta có thể tổ chức phiên xử công khai để răn đe tội phạm và để dân chúng yên tâm, nhưng không được vi phạm tính nhân đạo của luật pháp".

Ngay sau khi bị kết án, 10 tử tù đã bị dẫn giải đi hành quyết. Quyết định thi hành án ngay lập tức của toà cũng bị báo chí chính thức Trung Quốc lên án là tạo ra không khí bi thảm.

Theo tờ Global Times, tại thành phố Lục Phong này, năm 2015 cũng đã diễn ra một phiên toà ngoài trời tương tự, xử các tội phạm buôn bán ma túy trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn người.

Theo các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, Trung Quốc là nước thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới, cho dù bắc Kinh không bao giờ công bố chính thức số án tử hình.

Anh Vũ

Published in Quốc tế