Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thụy Điển : Chiến lược quân sự mới để đối phó với Nga

Trong những ngày này, tại công viên Gardet, ngay tại trung tâm thủ đô Stockholm, Thụy Điển, đang diễn ra nhiều cuộc tập trận : lính bộ binh đáp xuống thảm cỏ từ máy bay trực thăng Black Hawk, xe bọc thép lao hết tốc lực, binh lính nhảy dù, đạn pháo được bắn ra và các dàn pháo phòng không được kích hoạt … Đó là một trận chiến giả định mà quân đội Thụy Điển muốn người dân được chứng kiến.

nga1

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven gặp các binh sĩ tham gia tập trận Aurora 17 ở ngoại ô Stockholm ngà 15/09/2017.TT News Agency/Jessica Gow via Reuters

Trong bài viết "Thụy Điển tập trận để thay đổi chiến lược quân sự", báo Le Figaro trích phát biểu của thiếu tá Andersson theo đó tại Pháp có diễu binh và binh lính cũng thường đi tuần tra trên phố. Ở Thụy Điển thì không như vậy, người dân không quen với sự hiện diện của quân nhân, nhất là khi họ đang triển khai hoạt động. Và đây là lần đầu tiên người dân được trải nghiệm. Tham mưu trưởng Andersson tin rằng việc cho họ thấy khả năng hoạt động của quân đội là rất quan trọng.

Tập trận ngay tại trung tâm thủ đô Stockholm diễn ra trong bối cảnh Thụy Điển vừa kết thúc cuộc tập trận Aurora 2017 quy mô lớn chưa từng có từ 23 năm nay, kéo dài 3 tuần, quy tụ gần một nửa số quân nhân Thụy Điển - hơn 19.000 người và hơn 1.500 binh lính Mỹ, Pháp và các nước láng giềng vùng Scandinave và Baltic.

Kịch bản của chiến dịch Aurora 2017 giả định Thụy Điển bị một "quốc gia từ phía Đông" tấn công. Theo ông Niklas Granholm, giám đốc nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu Thụy Điển về quốc phòng, sự kiện này đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn về chiến lược quân sự để đối phó với Nga, bởi vì ai cũng hiểu mối đe dọa từ "quốc gia giả định từ phía Đông" là nhằm ám chỉ mối đe dọa từ nước Nga, nhất là sau vụ Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và xung đột với chính quyền Kiev.

Theo Le Figaro, Stockholm khẳng định Thụy Điển đã phải gánh chịu hậu quả từ vụ sáp nhập trên. Trong khi tăng cường các hoạt động quân sự tại vùng Baltic, Nga đã nhiều lần xâm phạm không phận và hải phận của Thụy Điển, chẳng hạn vào mùa thu năm 2014, một tàu ngầm mà cho tới nay nguồn gốc vẫn chưa được xác định, đã tiến vào quần đảo Stockholm.

Báo chí Thụy Điển cũng thường xuyên đăng tải các bài viết báo động về việc Nga phát triển kho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin dọa sẽ không để yên nếu Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Cho dù chính phủ Thụy Điển hiện chưa nghĩ tới kịch bản trên, nhưng họ đang ngày càng xích gần hơn về phía NATO.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, các cuộc tập trận của Thụy Điển còn nhằm thuyết phục dân chúng rằng đã tới lúc đầu tư trở lại vào quân đội, rằng phòng vệ đất nước là "một ưu tiên của toàn xã hội". Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Thụy Điển đã ngưng hoàn toàn việc phát triển quân đội. Năm 2013, tướng Sverker Goranson, khi đó là tham mưu trưởng, khẳng định quân đội Thụy Điển chỉ cầm cự được tối đa 1 tuần trong trường hợp bị tấn công.

Quyết định tăng ngân sách quốc phòng vào năm 2015, lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm qua, đã chấm dứt giai đoạn trên. Việc tham gia nghĩa vụ quân sự cũng được thiết lập lại sau khi bị tạm ngưng vào năm 2010. Và thông báo hôm 16/08 vừa qua của thủ tướng Stefan Lofven về việc duy trì tăng thêm ngân sách quốc phòng gần 8 tỉ couronne (840 triệu euro) cho giai đoạn 2018-2020 cũng là một "tín hiệu quan trọng gửi tới các nước xung quanh".

Cho dù nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại nhiều thành phố để phản đối chiến dịch Aurora 2017, nhắc nhở chính quyền về truyền thống yêu chuộng hòa bình và trung lập của Thụy Điển, quốc gia không hề có xung đột trên lãnh thổ từ suốt 2 thế kỷ nay, nhưng đối với cuộc tập trận trong công viên Gardet ở Stockholm mà Le Figaro gọi là "cuộc trình diễn quân sự cho đông đảo quần chúng", người dân thủ đô lại tỏ ra vô cùng hào hứng. Hơn 80.000 người đã tới xem tập trận. Một phụ nữ đi cùng các con giải thích thế giới nay đã trở nên bất ổn, bà yên tâm hơn khi thấy quân đội có khả năng phòng vệ trong trường hợp bị tấn công.

Mỹ - Trung : Cuộc gặp tay đôi khác thường ở Bắc Kinh

Ngày 23/09/2017, tại Bắc Kinh, ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật số hai của chế độ Trung Quốc và là cánh tay phải của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong bài viết "Cuộc gặp tay đôi khác thường ở Bắc Kinh" trên Le Monde, tác giả Alain Frachon đặt câu hỏi : Tại sao lại có cuộc gặp gỡ như vậy giữa hai đối thủ ?

Mặc dù bị Nhà Trắng sa thải ngày 18/08, nhưng ông Bannon vẫn là nhân vật thân cận nhất với tổng thống Mỹ. Vốn là một nhân vật bài xíchTrung Quốc, khi trở lại điều hành trang mạng cực hữu Breitbart News, ông Bannon lại giương cao ngọn đuốc dân tộc chủ nghĩa kinh tế của Donald Trump, chống Trung Quốc, quốc gia mà tổng thống Donald Trump coi là con buôn hám lợi, cạnh tranh không lành mạnh, thủ phạm "tàn sát xã hội", đẩy một phần tầng lớp công nhân và trung lưu Mỹ vào tình cảnh bấp bênh, rượu chè, nghiện hút.

Trong khi đó, ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, một trong bảy ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, là lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng, một chiến dịch nhằm tiêu diệt các nhân vật có thể trở thành đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.

Theo tác giả Alain Frachon, cuộc đối thoại giữa Steve Bannon và Vương Kỳ Sơn nhằm đề cập tới thái độ bài xích Trung Quốc đang gia tăng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Nhà Trắng. Bắc Kinh lo ngại Washington bảo hộ mậu dịch để đối phó với nền kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. 20 năm qua, Châu Âu và Hoa Kỳ theo chính sách thân Bắc Kinh : thỏa thuận tự do mậu dịch với Trung Quốc được cho là có lợi cho cả đôi bên. Giờ đây, mọi chuyện không còn tốt đẹp như trước.

Ông Vương Kỳ Sơn biết cần làm gì để thuyết phục ông Steve Bannon, người đã nói rằng Mỹ có thể sẽ tiến hành chiến tranh kinh tế chống Trung Quốc, một quốc gia từ 4000 năm nay "chỉ tìm cách đi chinh phục các nước láng giềng", một quốc gia "chuyên cạnh tranh không lành mạnh" và "đánh cắp sở hữu trí tuệ". Cũng theo ông Steve Bannon, "tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang nổi lên nhờ việc "bóp chết" tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ". Cựu cố vấn Bannon kết luận Washington "phải thay đổi tương quan lực lượng với Bắc Kinh".

Trung Quốc, cũng như các con rồng Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đều theo sách lược theo đó công nghiệp trong nước được Nhà Nước đỡ đầu, hỗ trợ, bảo hộ cho tới khi có thể đương đầu với các đối thủ quốc tế. Không những thế, Tập Cận Bình còn nâng cao vai trò của Nhà Nước đối với nền kinh tế, thậm chí ép buộc các doanh nghiệp "phục vụ đảng".

Còn về phần tổng thống Mỹ, thông tín viên Arnaud Leparmentier của báo Le Monde ở New York nhận xét rằng, cho dù ông Donald Trump ra "những lời tuyên chiến hùng hồn như sấm vang" nhắm vào Trung Quốc, nhưng những gì ông ấy làm lại chẳng nhiều nhặn gì, hiện mới chỉ có một cuộc điều tra về thép Trung Quốc và nạn ăn cắp bản quyền đang được tiến hành.

Monde kết luận Châu Âu và Mỹ đang lo ngại làm thế nào để đối phó với Trung Quốc, cường quốc về công nghệ số, công nghiệp hàng không, trí tuệ nhân tạo và các loại năng lượng trong tương lai. Và đó chính là mục đích cuộc trao đổi giữa chiến lược gia cực hữu của Mỹ với nhân vật quan trọng thứ hai trong chính quyền Trung Quốc.

Pháp : Kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại

Chuyển sang nước Pháp, báo Libération thông báo "kinh tế tăng trưởng trở lại". Theo Viện Thống Kê Pháp Insee, tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Pháp sẽ đạt 1,8%, sau nhiều năm chỉ đạt mức 1%. Đây là một tin vui cho chính quyền của tổng thống Macron, cho dù mức tăng trưởng của Pháp vẫn thấp hơn mức trung bình 2,2% của các nước trong khu vực đồng euro.

Sản xuất công nghiệp của Pháp gặp thuận lợi nhờ thương mại thế giới hồi phục. Xuất khẩu tăng mạnh thêm 3,3% so với mức tăng 1,9% vào năm 2016. Xây dựng cũng phát triển nhờ nhu cầu nhà ở của người dân tăng mạnh, trong khi sản xuất công nghiệp cũng hồi phục sau một năm mất mùa do thời tiết xấu. Và cuối cùng, lĩnh vực dịch vụ, nhất là nhà hàng - khách sạn và giao thông tăng trưởng tốt nhờ sự quay trở lại của du khách quốc tế và nhu cầu của người dân trong nước.

Trứng gà nhiễm độc Fipronil : nước Pháp hưởng lợi

Trở lại vụ tai tiếng trứng gà nhiễm độc Fipronil làm rúng động Châu Âu thời gian qua, báo kinh tế Les Echos có bài viết "Trứng nhiễm độc Fipronil : một vụ tai tiếng mang lợi cho nước Pháp".

Việc tiêu hủy hàng loạt gà tại nhiều nước, nhất là Bỉ và Hà Lan, đã khiến ngành công nghiệp sản xuất trứng gà ở Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân Châu Âu quay sang tìm mua trứng gà của các cơ sở chăn nuôi tại Pháp vì trứng của Pháp không bị nhiễm độc fipronil. Nông dân Pháp hưởng lợi do nhu cầu mua trứng và giá trứng tăng. Pháp trở thành nước sản xuất trứng đứng đầu Châu Âu (14,3 tỉ quả trứng), trên cả Ý. Tạm thời, giá trứng trong nước vẫn không tăng. Còn về nhu cầu trứng của người dân Pháp, nhu cầu trứng gà bio tăng 13%, trứng gà nuôi thả tăng 6.7% còn trứng gà nuôi nhốt giảm 7,5%.

Venezuela : Công nghiệp dầu lửa bị tàn phá

Nhìn sang Châu Mỹ, trong bài viết "Ở Venezuela, ngành công nghiệp dầu lửa bị tàn phá", Le Monde cho biết cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội, nạn tham nhũng, quản lý yếu kém và giá đã khiến sản xuất dầu lửa của Venezuela giảm sút. Không chỉ khan hiếm lương thực, thực phẩm và thuốc men, giờ đây Venezuela còn thiếu thốn cả chất đốt cho sinh hoạt hàng ngày. Điều oái oăm là cho dù Venezuela sở hữu những mỏ dầu lớn nhất hành tinh, nhưng người dân lại phải kiếm củi về để đun nấu vì họ không có chất đốt.

Trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde quan tâm tới cuộc khủng hoảng Catalunya qua hàng tít "Giữa Madrid và Barcelona, đối thoại là không thể". Vua Felipe VI của Tây Ban Nha phê phán sự bất trung không thể chấp nhận được của vùng Catalunya. Đáp lại, lãnh đạo Carles Puigdemont cho rằng vua Felipe VI đã khiến người dân vùng Catalunya vô cùng thất vọng.

Quan tâm tới thời sự nước Pháp, báo Le Figaro chạy tít "Người con trai giấu mặt của Sarkozy", ám chỉ tổng thống Pháp đương nhiệm. Le Figaro gọi Emmanuel Macron là "vị tổng thống của người giàu" có khuynh hướng đả kích dữ dội. Le Figaro cho rằng ông Macron khiến người ta nhớ tới tổng thống Nicolas Sarkozy, người đắc cử năm 2007.

6/10 là ngày giải Nobel Hòa Bình được công bố, báo công giáo La Croix quan tâm tới những cuộc chiến không được công chúng biết đến nhiều và kêu gọi "Đừng im lặng trước những vụ xung đột bị lãng quên".

Thùy Dương

Published in Quốc tế