Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột Mỹ - Trung (RFI, 07/02/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bộ Chỉ Huy Trung Tâm (CentCom), Florida ngày 06/02/2017. REUTERS/Carlos Barria
Sự thất thường của tân tổng thống Donald Trump cộng với cách cầm quyền độc đoán và thái độ ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy quan hệ Mỹ -Trung đến một giai đoạn nguy hiểm.
Đó là cảnh báo của một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc trong một báo cáo gởi Nhà Trắng, trong đó họ đưa ra những khuyến cáo về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Báo cáo này được chuyển đến Nhà Trắng hôm Chủ Nhật vừa qua và trên nguyên tắc sẽ được công bố ngày 07/02/2017.
Trong báo cáo này, các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, trong đó có một số người đã làm việc với Bắc Kinh từ hơn 50 năm, cảnh báo : quan hệ giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Biển Đông.
Theo nhật báo Anh The Guardian, một trong những tác giả bản báo cáo, ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhận định : hiện giờ, do các chính sách của Trung Quốc và do sự thất thường của ông Trump, quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khó lường nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn (1989). Ông Orville Schell, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, thì rất lo ngại về nguy cơ tổng thống Trump phá tan hàng thập kỷ chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Ngay cả trước khi bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016, nhà tỷ phú New York đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với quốc gia mà ông gọi là "nước Trung Quốc xấu xa". Và kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump vẫn không thay đổi giọng điệu với Bắc Kinh.
Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân tổng thống Mỹ đã tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, thao túng tiền tệ và không giúp kềm chế lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Trump cũng đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho thấy là ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Báo cáo của các chuyên gia nói trên nhấn mạnh, nguy cơ này "vô cùng nguy hiểm" và là yếu tố đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung.
Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo "bão tố đang hình thành" ở Biển Đông. Họ cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc đang "trên đường nguy hiểm đi đến xung đột". Vào tuần trước, cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, Steve Bannon, đã dự báo chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông là "không thể tránh khỏi" trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.
Những người trong êkíp của ông Trump đã từng chỉ trích sự "yếu kém" của chính quyền Obama ở Châu Á – Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược "đạt đến hòa bình bằng sức mạnh", nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng báo cáo của các chuyên gia khuyến cáo Nhà trắng rằng đó là một chính sánh "thiển cận", chỉ khiến cho tình hình căng thẳng thêm.
Đặc biệt, cựu đại sứ Winston Lord xem quyết định của ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một "thảm họa", vì làm tổn hại uy tín của Mỹ ở Châu Á và giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng này.
Không chỉ đưa ra các khuyến cáo, các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thanh Phương
***********************
Tillerson : 'Chấp nhận rủi ro' để ngăn bất ổn Biển Đông (VOA, 07/02/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã gửi văn bản trả lời tới Thượng nghị sĩ Ben Cardin của bang Maryland dành cho những câu hỏi nêu ra tại phiên điều trần hồi tháng trước liên quan đến quá trình phê chuẩn ông làm ngoại trưởng.
Văn bản này đã xuất hiện trên mạng cách đây ít ngày. Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 7/2 đã xác nhận với Japan Times đó là văn bản thật.
Trong văn bản, ngoại trưởng Mỹ đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề Biển Đông. Ông Tillerson viết : "Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng các đảo nhân tạo của họ để tạo ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ".
Ông cũng tỏ ra cổ súy cho một chính sách tích cực hơn của Mỹ đối với vùng biển có tranh chấp cũng như những rủi ro đi kèm có thể tăng lên khi Mỹ có động thái như vậy. Ngoại trưởng Mỹ viết : "Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu Mỹ muốn ngăn ngừa những hành động làm mất ổn định thêm, và trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế".
Ông Tillerson cho biết thêm ông sẽ làm việc với các đối tác liên ngành để xây dựng một phương pháp tiếp cận tổng thể của chính phủ về việc ngăn ngừa Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thêm, cũng như ngăn ngừa các thách thức đối với tự do hàng hài và hàng không ở vùng biển.
*********************
Hé lộ phi đạn tối tân trong tập trận Tết ở Trung Quốc (VOA, 07/02/2017)
Tư liệu- Phi đạn đạn đạo xuyên lục địa DF-5B của Trung Quốc.
Phi đạn đạn đạo có độ chính xác cao của Trung Quốc có khả năng đe dọa các căn cứ của Mỹ và Nhật tại Châu Á vừa xuất hiện trong cuộc diễn tập gần đây của Lực lượng Hỏa tiễn thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Phi đạn tầm trung Đông Phong-16 xuất hiện trong một video trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào tuần trước. Các phi đạn này được chở trên những xe phóng lưu động 10 bánh, được triển khai vào rừng sâu trong những cuộc diễn tập diễn ra ngay khi Tết Nguyên đán vừa kết thúc.
Dù Lực lượng Hỏa tiễn sở hữu một kho phi đạn lớn với nhiều tầm bắn khác nhau, Đông Phong-16 đóng một vai trò đặc biệt trong việc mở rộng tầm bắn của Trung Quốc tới những vùng biển mà nước này tìm cách kiểm soát trong phạm vi cái mà họ gọi là "chuỗi đảo thứ nhất".
Lần đầu tiên được phô bày tại một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015, phi đạn này được cho là có tầm bắn 1.000 km. Okinawa, nơi có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ, cũng như những đảo chính của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines đều nằm trọn trong tầm bắn của phi đạn này.
Phi đạn Đông Phong-16 hai giai đoạn thay thế phi đạn Đông Phong-11 cũ hơn và có tầm bắn ngắn hơn, với giai đoạn cuối có thể điều chỉnh quỹ đạo của nó để tấn công những mục tiêu di chuyển chậm và tránh được những hệ thống phòng thủ chống phi đạn như hệ thống Patriot của Mỹ được Đài Loan triển khai.
Phi đạn này còn có thể chở tới ba đầu đạn nặng tới một tấn và chở theo chất nổ cao hợp quy ước hoặc vũ khí hạt nhân. Đông Phong-16 được cho là có độ chính xác trong phạm vi cách mục tiêu ít nhất là 5 mét, tương tự như độ chính xác của phi đạn hành trình, vốn làm tăng thêm tính sát thương.
Một số trang tin Anh, Mỹ hôm 1/2 đã khui lại dự đoán của cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Bannon về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Ngô Vĩnh Long ở Mỹ cho rằng dự đoán đó "không có cơ sở", trong khi Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nói "va chạm" Mỹ-Trung "hoàn toàn có thể" xảy ra.
Cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Bannon nói chuyện với Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, 31/1/2017.
Tin cho hay cách đây chưa đầy một năm, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Steve Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.
Ông Bannon, khi đó là lãnh đạo điều hành hãng tin Breibart News, nói : "Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào ? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ - và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ".
Báo giới giờ đây đang hướng sự quan tâm của dư luận tới lời dự báo này khi ông Bannon đã trở thành cố vấn chiến lược thân cận nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi dường như ít người chú ý đến phát biểu của ông hồi năm ngoái.
Từ Việt Nam, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bình luận với VOA về dự báo của ông Bannon đưa ra hồi năm ngoái :
"Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì vấn đề nguyên tắc và lợi ích của hai cường quốc này ở Biển Đông liên tục va chạm. Từ xây dựng đảo nhân tạo, cho đến ngăn chặn tàu của Mỹ được đi qua khu vực này từ mấy năm nay, cũng như đe dọa các đối tác của Mỹ trong vấn đề khai thác dầu. Nó cho thấy sự leo thang rất là lớn. Biển Đông tiềm ẩn một nguy cơ rất là lớn. Cho nên ông Steve Bannon ông có lý trừ phi con người thương thuyết của ông Trump trở nên có những cái uyển chuyển, nếu không thì việc leo thang như vậy rất dễ xảy ra những cuộc va chạm, thì cũng có thể gọi là chiến tranh ở cấp độ thấp, chiến tranh cục Bộ rồi".