Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hưu trí : Cuộc so găng Chính phủ - Nghiệp đoàn Pháp bước vào giai đoạn quyết định

Với nước Pháp, hôm 07/03/2023 là ngày đầu tiên của "hiệp 2" cuộc đấu của các nghiệp đoàn chống lại dự án cải tổ hưu trí của chính phủ nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Đây là chủ đề chính của tất cả các báo. Le Monde, Les Echos nói về các lo ngại của chính quyền trước nguy cơ đất nước bị "tê liệt".

caito1

Biểu tình phản đối dự án cải tổ hưu trí của chính phủ, Lille, Pháp, ngày 31/01/2023. AP - Michel Spingler

Trang nhất Libération La Croix rực đỏ, màu đỏ của những chiếc áo của các nghiệp đoàn viên, màu đỏ của lửa tranh đấu, tương phản với nền đen sẫm của đêm, của khói lửa. "Nước Pháp tê liệt" là tựa của La Croix. "Ngày đầu tiên của giai đoạn bãi công còn lại" là tựa của Libération. Ngày biểu tình và bãi công toàn quốc lần thứ sáu chống dự luật của chính phủ chỉ là điểm khởi đầu. Cuộc đấu hứa hẹn kéo dài, và bao trùm nhiều lĩnh vực, theo nhật báo thiên tả Libération, "từ giao thông đến giáo dục, cũng như năng lượng", giới nghiệp đoàn hy vọng "đông đảo người tham gia trong mọi lĩnh vực".

Làm tê liệt đất nước trước hết là làm tê liệt lĩnh vực vực năng lượng. Các nghiệp đoàn ngành điện và khí đốt trên tuyến đầu. Liên hiệp các nghiệp đoàn ngành mỏ và năng lượng CGT (FNME-CGT) vào trận ngay từ kỳ nghỉ cuối tuần.  Tối chủ nhật, lãnh đạo nghiệp đoàn cho biết "tổng cộng hơn 5.500 MW điện đã được rút khỏi mạng hoặc do người bãi công kiểm soát".

Chiến thuật nghiệp đoàn : Gây đình trệ lâu dài, cắt điện có trọng điểm

Theo Libération, điện lực và giao thông là hai mặt trận chính, nhân viên các ngành này là đối tượng của cải cách hưu trí, với việc xóa bỏ chế độ đặc biệt cùng với việc nâng tuổi hưu. Liên hiệp nghiệp đoàn ngành năng lượng FNME đang xem xét nhiều biện pháp cho phép gây trở ngại lâu dài đến ngành điện lực, với việc ngăn cản hoạt động của các trung tâm bảo trì điện hạt nhân, mục tiêu nhắm đến không phải là trước mắt mà là tận mùa đông tới 2023-2024. Làm đảo lộn hoạt động của trung tâm bảo trì khiến việc các lò phản ứng phải khởi động chậm lại.

Liên hiệp các nghiệp đoàn ngành điện lực cũng nhắm vào việc cắt điện có trọng điểm, có chọn lọc, nhắm thẳng vào các dân biểu, thượng nghị sĩ ủng hộ cải cách, một số khu văn phòng, hay công nghiệp. Chương trình hành động phối hợp hiện chưa được tiết lộ. Có một số dự án cắt toàn bộ khí đốt với nhiều tỉnh.

Các lo ngại của chính phủ là chủ đề chính của Les Echos. Nhật báo kinh tế trong bài "Hưu trí : Chính phủ đối mặt với sự bất trắc của phần tiếp theo" cho biết : điều chính phủ lo ngại đặc biệt không phải là ngày biểu tình hôm nay, chắc chắc sẽ có đông người tham gia, mà là "bãi công trong những ngày tiếp theo". Một nguồn tin chính phủ Pháp xác nhận, vấn đề không phải là 2 triệu người xuống đường, mà là các hoạt động "gây đình trệ" sau đó. Le Monde cũng đưa ra một ghi nhận tương tự.

Tránh đổ dầu vào lửa : Chính phủ chờ "bão đi qua"

Nhìn chung, theo Le Monde, trong bối cảnh chính phủ đã dự kiến toàn quốc "sẽ tê liệt", thủ tướng Elisabeth Borne đang cố gắng tỏ ra mềm mỏng. Chủ trương của chính phủ là để "cơn bão đi qua" trong thời gian văn bản dự thảo luật được xem xét tại Thượng Viện cho đến ngày 12/03. Chính phủ kìm lại các đề xuất cải cách của đảng đối lập cánh hữu LR, kiểm soát Thượng Viện, có thể thổi bùng giận dữ trong giới công đoàn, ví dụ như những gì liên quan đến "các chế độ đặc biệt". Chính phủ cũng tránh đưa ra các đe dọa "trưng dụng" nhân viên, để ngăn chặn hậu quả của bãi công, nhằm "không đổ thêm dầu" vào ngọn lửa giận dữ của giới công đoàn.

Theo bộ trưởng giao thông, lần này nước Pháp có triển vọng tránh được một kịch bản như hai năm 2019 và 1995, khi phong trào phản kháng từng buộc chính quyền phải rút lại dự luật cải tổ hưu trí "sau nhiều tuần bãi công, gây đình trệ". Le Monde ghi nhận : "chính quyền đang lo lắng theo dõi sát sao các dấu hiệu báo trước khả năng phong trào có thể sẽ xịt hơi", ví dụ như tỉ lệ người tham gia bãi công thấp hơn các đợt bãi công lớn trước đây, hay giá cả thực phẩm tăng vọt trở lại trong tháng 3 gây khó khăn cho đời sống hàng ngày của dân chúng…

Chính phủ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Tuy nhiên, chính Le Monde ghi nhận các thái độ khác biệt trong nội bộ chính phủ. Một số thành viên, như phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran, không mềm mỏng như thủ tướng, mà tung ra những lời lẽ lên án "kịch liệt" giới nghiệp đoàn. Phát ngôn viên chính phủ tố cáo các nghiệp đoàn đang có nguy cơ gây ra "một thảm họa môi sinh, nông nghiệp, y tế và thậm chí nhân đạo", khi làm đất nước bị tê liệt.

Ngược lại, bộ trưởng lao động Olivier Dussopt lại giảm nhẹ các hệ quả của cải cách khi khẳng định : "sẽ không có người thua thiệt" và cuộc cải cách này là "một cuộc cải cách của cánh tả". Phát biểu của bộ trưởng lao động nghị sĩ cánh tả, và cảnh báo từ phía đảng cánh hữu LR.

Đảng đối lập LR muốn biến cải cách hưu trí thành "cải cách của cánh hữu"

Nếu như trang nhất La Croix Libération nổi bật màu đỏ rực trên nền đen, hình ảnh chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro là một nhà ga vắng người với hàng tựa lớn : "Hưu trí : Các nghiệp đoàn quyết đấu, được ăn cả ngã về không". Le Figaro nhấn mạnh : các nghiệp đoàn hy vọng với áp lực phản kháng sẽ "đảo ngược được xu thế hiện nay tại Quốc hội". Theo Le Figaro trong bài xã luận "Các tổ chức nghề nghiệp có quyền lực không giới hạn" (Corporatisme sans limites), các nghiệp đoàn đã chọn biện pháp phản kháng triệt để, làm đất nước "tê liệt" (mise à l’arrêt), chứ không phải chỉ là làm "đình trệ" (blocage). Nhật báo thiên hữu đối lập những người chủ trương làm đất nước tê liệt với những người tuy phản đối dự luật cải cách hưu trí, nhưng vẫn muốn đi làm, muốn tự do đi lại. Le Figaro lên án việc các nghiệp đoàn tấn công vào quyền tự do đi lại, và tấn công ngành công nghiệp hạt nhân, trong bối cảnh nước Pháp đang phải "trầy da tróc vẩy" để phục hồi ngành năng lượng này.

Không có sự ủng hộ của cánh hữu, dự thảo cải cách hưu trí của chính phủ sẽ không hội đủ đa số phiếu quá bán tại Quốc hội, và nếu kiên quyết ban hành sẽ phải áp dụng điều 49.3, vốn bị các đối thủ chính trị lên án là biện pháp độc tài. Cũng trong hồ sơ này, Le Monde ghi nhận việc đảng đối lập cánh hữu LR, kiểm soát Thượng Viện, muốn nhân dịp dự thảo cải cách hưu trí đang được bàn thảo ở Thượng Viện, khẳng định vai trò hàng đầu của họ. Le Monde dẫn lời của thượng nghị sĩ Bruno Retailleau, hôm Chủ nhật, khẳng định : "Chúng tôi sẽ thay đổi căn bản văn bản dự luật, chúng tôi sẽ biến cuộc cải cách này thành một cuộc cải cách thực sự của cánh hữu".

Nỗi giận dữ của dân "đủ mạnh" để phản kháng đến cùng ?

Đối kháng tả - hữu nổi bật trong dự án cải tổ hưu trí của chính phủ Pháp. Một bên là chính quyền đang quyết ấn định cải cách với sự hậu thuẫn của cánh hữu, và bên kia là các nghiệp đoàn dứt khoát bác bỏ, với sự hỗ trợ của nhiều đảng phái cánh tả. Xã luận nhật báo thiên tả Libération nhan đề "Chán ngán" (Ras-le-bol) nêu bật "nỗi giận dữ" trên khắp đất nước, trong mọi lĩnh vực và mọi lứa tuổi, điều mà các phóng viên của Libération đã ghi nhận từ nhiều tuần qua.

Tuy nhiên, chính Libération cũng hết sức dè dặt về triển vọng của phong trào phản kháng. Nhật báo thiên tả đặt câu hỏi : "Nỗi giận dữ này phải chăng đã đủ mạnh để có thể làm động lực cho một phong trào gây đình trệ kéo dài" trên toàn quốc, trong mọi lĩnh vực ? "Hay nỗi chán ngán này sẽ quay ngược lại chống chính những người bãi công, đang bị cáo buộc cản trở người khác đi làm, vào lúc mà lạm phát" khiến người làm công ăn lương lo lắng?

Theo Libération, "rõ ràng là chính quyền đặt cược vào khả năng thứ hai", tuy không hoàn toàn tin tưởng. Điều này thể hiện rõ qua phát biểu của một số thành viên chính phủ, mà Le Monde đã nêu bật ở trên, phát ngôn viên chính phủ tố cáo người bãi công chịu trách nhiệm về tình trạng "khí hậu rối loạn", hay bộ trưởng lao động tuyên bố dự án cải tổ là "dự án của cánh tả".

Cải cách "kém chuẩn bị" khiến chính phủ bối rối

Libération rút ra nhận xét chung, rõ ràng là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược của chính phủ gia tăng, trong hồ sơ cải cách hưu trí, như trên tương phản với "ám ảnh" của tổng thống Macron. Đó là bằng mọi cách thúc đẩy chính phủ thực thi, ngay từ đầu nhiệm kỳ hai tổng thống, cuộc cải cách hưu trí chủ yếu nhằm để "xác lập liên minh với cánh hữu" bất chấp dự luật "đã được thiết kế rất tồi đến mức không thể bảo vệ được". Chính sự cẩu thả đó của chính phủ về hồ sơ quan trọng này đã đẩy các nghiệp đoàn liên kết với nhau, đã khiến họ giận giữ. "Có nhiều lý do để phong trào phản kháng kéo dài", Libération kết luận.

Vì sao Pháp phải chọn "khủng hoảng chính trị" hoặc "khủng hoảng xã hội" ?

Về viễn cảnh nước Pháp với cuộc đối đầu quyết liệt hiếm có giữa chính quyền và các nghiệp đoàn, nhật báo công giáo La Croix có bài xã luận, nêu bật một góc nhìn rất khác. Theo La Croix, nước Pháp đang buộc phải lựa chọn giữa "khủng hoảng chính trị" (nếu chính phủ lùi bước), hoặc "khủng hoảng xã hội" (nếu dự thảo cải cách được thông qua). Bài xã luận "Cơ chế gây đình trệ" của La Croix khẳng định : vấn đề chủ yếu không phải là bên nào thắng, bên nào bại trong "cuộc chiến hưu trí".

La Croix phê phán trực diện : "điều đáng tiếc" là nước Pháp thiếu đi một thứ văn hóa "thỏa hiệp", cho phép cả hai bên cùng thoát khỏi khủng hoảng với "đầu ngửng cao", mà không buộc phải huynh đệ tương tàn. Mọi cuộc cải cách hưu trí đều khó khăn, trong thời gian bình thường đã khó khăn. Tuy nhiên, điều mà La Croix lấy làm tiếc là cải cách đã được tiến hành vào thời điểm rất khó khăn hiện nay.

Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cho Đảng, làm suy yếu Nhà nước

Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang gia tăng cải cách để "thâu tóm quyền lực về phía Đảng cộng sản, làm suy yếu bộ máy nhà nước". Phân tích của Le Monde được đưa ra nhân dịp Trung Quốc họp Quốc hội, kỳ họp vừa khai mạc hôm chủ nhật 05/03. Nhật báo Pháp đặc biệt chú ý đến các căng thẳng giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường. "Dấu hiệu căng thẳng" là truyền thông Trung Quốc đã lờ đi "những lời tạm biệt đầy cảm xúc của thủ tướng mãn nhiệm gửi đến các thành viên chính phủ’, trong khi đó ngay trong ngày đầu cuộc họp Quốc hội, lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã nhiều lần thảo luận riêng với ông Lật Chiến Thư, chủ tịch Quốc hội, ngay trong lúc thủ tướng mãn nhiệm đọc diễn văn. Theo gương Tập Cận Bình, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cũng không hoan nghênh nhiệt liệt bài diễn văn của thủ tướng mãn nhiệm.

Tân thủ tướng Trung Quốc là Lý Cường, được coi là thủ hạ của Tập Cận Bình. Theo Le Monde, hiện chưa rõ chính quyền Tập Cận Bình sẽ đưa các cải cách nào trong kỳ họp Quốc hội này, nhưng mục tiêu chính ắt hẳn sẽ là Đảng gia tăng kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân, và bộ máy nhà nước. Đảng cộng sản Trung Quốc đặc biệt muốn kiểm soát hai lĩnh vực then chốt, tài chính và công nghệ cao. Le Monde ghi nhận việc hai đại gia Internet Trung Quốc, Pony Ma, chủ nhân Tencent (Đằng Tấn) và Robin Li, tổng giám đốc Baidu (Bách Độ) không còn có mặt trong Chính Hiệp, thay thế là một số lãnh đạo ít nổi tiếng hơn. Xu thế ắt hẳn thuận lợi hơn cho sự kiểm soát của Đảng.

Pháp : Thủy điện sụt giảm 20%

Kinh tế và môi trường, sinh thái cũng là tựa trang nhất của nhiều nhật báo. Le Monde báo động tình trạng thủy điện nước Pháp sụt giảm 20% trong năm ngoái. Thủy điện là giải pháp hãm đà hâm nóng Trái đất, nhưng việc Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng đang giáng đòn nặng nề vào ngành năng lượng tái tạo này. Băng tan mạnh là nguyên nhân chính. Các đập thủy điện trên núi mất đi đến 35% sản lượng.

Phụ trương kinh tế Les Echos nói về bãi điện gió nổi đầu tiên của nước Pháp, sắp được lắp đặt tại Địa Trung Hải, cách bờ khoảng 18 km. Điện gió dự kiến chiếm từ 12 đến 31% năng lượng của Pháp vào năm 2050, cho phép Pháp đạt mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước bãi điện gió nổi ở Địa Trung Hải, Pháp cũng vừa có bãi điện gió nổi đầu tiên, được lắp đặt bên bờ Đại Tây Dương

Đức ngăn cản mục tiêu cấm xe xăng dầu năm 2035 của châu Âu

Le Monde báo động thủy điện sụt giảm trong lúc Les Echos nêu bật trên trang nhất việc Đức ngăn cản việc thông qua quyết định cấm xe hơi xăng dầu vào năm 2035. Les Echos ví thái độ của Đức với một "trái bom" đối với các ngành công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, chính giới và người dùng xe. Vì sao lại là một trái bom ? Mục tiêu chấm dứt xe hơi xăng đầu vào năm 2035 được coi là một mục tiêu rất quan trọng của kế hoạch khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu. Nếu không có sự tham gia của Đức, Liên Âu khó hội đủ đa số cần thiết cho phép khối 27 nước thông qua hồ sơ này. Chính quyền Berlin đang gây áp lực để Ủy Ban Châu Âu cho phép sử dụng các loại "nhiên liệu tổng hợp", được coi là trung hòa về khí thải, với hệ quả là kéo dài hạn cấm xe sử dụng động cơ nhiệt. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết đang đối thoại để tìm giải pháp.

Khí hậu : Phụ nữ ít phát khí thải hơn nam giới

Vẫn về khí hậu, Libération giới thiệu một điều tra thú vị, chưa từng có. Theo đó, phụ nữ được coi là phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít hơn nam giới, cụ thể là do tiêu thụ ít thịt, ít xăng dầu hơn, và nhạy cảm hơn với các vấn đề sinh thái. Theo kinh tế gia Oriane Weigner, chính quyền các nước rất nên quan tâm về chủ đề này. Việc phát huy yếu tố giới có thể là một động lực quan trọng giúp cho cuộc chiến khí hậu của nhân loại.

Nhà tư tưởng Pierre Legendre : "Báu vật quốc gia"

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, con người, Le Figaro dành những lời trân trọng để tiễn đưa nhà sử học Pierre Legendre, tạ thế ở tuổi 92. Le Figaro gọi ông là "nhà tư tưởng về xã hội hiện đại của chúng ta". Pierre Legendre là chuyên gia về lịch sử các tư tưởng chính trị, luật La Mã, lịch sử luật pháp, phân tâm tâm học, đã để lại cho đời một di sản khổng lồ. Đài Radio France gọi người vừa qua đời là "Báu vật quốc gia".

Trọng Thành

Published in Quốc tế