Tổng thống Trump ra lệnh chấm dứt chủ trương ‘bắt rồi thả’ di dân lậu (CaliToday, 07/04/2018)
Tổng thống Trump đã ký một memo hôm cuối tuần chỉ thị cho các cấp thừa hành trong chính phủ phải nhanh chóng chấm dứt chủ trương ‘bắt rồi thả’, theo đó sau khi bị bắt tại biên giới khi tự ý ra trình diện, các di dân lậu trong lúc chờ thụ lý trường hợp của họ để giải quyết thì họ lại được thả ra, trên đất Mỹ.
Tổng thống Donald Trump - Photo Credit : NYT
Lệnh mới không có nghĩa là chính phủ siết chặt thêm chính sách nhập cư hay thể hiện các hành động cụ thể, nó chỉ là lệnh cho các cấp phải báo về cho Tổng thống Trump biết chuyện họ phải chấm dứt chủ trương ‘bắt rồi thả’ nói trên mà thôi.
Các quan sát viên nhận thấy memo mới của Tổng thống Trump là một hành động có tính biểu tượng của Tổng thống Trump khi hành xử quyền hành pháp của ông, nhằm giải quyết một vấn đề mà từ lâu ông than phiền là Quốc hội Hoa Kỳ không chịu giải quyết.
Lệnh hành chánh mới nhất cũng đóng lại một tuần đầy căng thẳng về chuyện di dân, bắt đầu từ hôm thứ tư trong tuần khi Tổng thống Trump ra lệnh phải điều động quân đội ra biên giơi phía tây nam nhằm ngăn chận di dân lậu và ma túy tràn vào Hoa Kỳ.
Tối qua Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã ký kết một số quyết định cho phép điều động khoảng 4.000 quân nhân ra vùng biên giới nói trên.
Tùy viên báo chí Sarah Sanders của Tòa Bạch Ốc cho hay : "An ninh và an toàn của dân chúng Mỹ là ưu tiên cao nhất của Tổng thống, ông sẽ giữ lời hứa của mình là bảo vệ quốc gia và chắc chắn là luật lệ của chúng ta phải được tôn trọng"
Theo tinh thần memo mới, các viên chức có 75 ngày để báo cáo cho Tổng thống Trump việc chấm dứt chủ trương ‘bắt rồi thả’, riêng Bộ ngoại giao và Bộ an ninh nội an có 60 ngày để báo cáo lên ông các biện pháp đối phó với các quốc gia nào nhất định từ chối không nhận lại công dân của họ đã bị Mỹ trục xuất.
Trần Vũ
***************
Cựu đại sứ Mỹ Osius : Từ chức vì chống việc trục xuất người tị nạn Việt Nam (RFI, 07/04/2018)
Nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius mới đây đã tiết lộ rằng vào năm ngoái, 2017, ông đã từ chức sau khi bị chính quyền của tổng thống Donald Trump yêu cầu là phải gây sức ép trên chính quyền Việt Nam để Hà Nội tiếp nhận hơn 8.000 người Việt Nam tị nạn tại Mỹ mà Washington muốn trục xuất.
Ảnh Tư liệu : Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (g) dự lễ bàn giao xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh Sát Biển Việt Nam ngày 22/05/2017 tại Quảng Nam. Ambassade des Etats-Unis - Hanoi
Theo báo Mercury News vào hôm qua, 06/04/2018, Ông Osius đã tiết lộ điều trên trong một bài viết đăng trên báo mạng của Hội American Foreign Service Association.
Trong bài mang tựa đề "Nói thẳng (Speak out)", cựu đại sứ Mỹ giải thích rằng đại đa số những người mà chính quyền Mỹ muốn trục xuất, đôi khi chỉ vì những tội lặt vặt, đều là những người tị nạn chiến tranh, đã sinh sống tại Mỹ sau khi bỏ trốn khỏi Việt Nam cách nay hơn 40 năm, do đó không thể đưa họ trở lại Việt Nam để họ trở thành ‘những trường hợp nhân quyền".
Trong bối cảnh đó, đại sứ Osius đã kiến nghị phản đối quyết định từ Washington, và đã bị yêu cầu im lặng. Vì vậy, ông đã quyết định từ chức, vì không thể làm một việc ngược với lương tâm của minh.
Theo báo Mercury News, vào hôm qua bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin trên, trong lúc bộ An Ninh Nội địa chưa trả lời.
Đối với tờ báo, lời thừa nhận của ông Osius có tiếng vang đáng kể tại San Jose, nơi có hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt cư ngụ, nhất là sau khi nhiều hội đoàn bảo vệ người tị nạn Việt Nam đã nêu bật mối quan ngại trước hiện tượng Cảnh Sát Di Trú Hoa Kỳ ICE truy bắt những người nhập cư gốc Việt không có giấy tờ hợp lệ với một số lượng lớn chưa từng thấy (khoảng hơn 100 người, riêng trong tháng 10 năm ngoái).
Trọng Nghĩa
************************
Cựu đại sứ Mỹ : Tôi từ chức để phản đối hồi hương 8.000 người Việt (Người Việt, 07/04/2018)
Ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói rằng ông từ chức hồi năm ngoái vì chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông gây sức ép với chính quyền Việt Nam để nhận hơn 8.000 người Việt tại Mỹ trong tình trạng bị trục xuất, theo tin nhật báo The Mercury News ở San Jose, California.
Đại Sứ Ted Osius nói chuyện tại hội chợ đại học Mỹ tổ chức tại Hà Nội ngày 30 Tháng Giêng, 2015. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Hầu hết những người trong tình trạng bị trục xuất - có khi chỉ vì vi phạm tội nhẹ - là những người tị nạn sống tại Mỹ từ lâu, sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc cách đây hơn 40 năm, vị cựu đại sứ viết như vậy trong bài luận của ông đăng trên trang mạng của Hiệp Hội Ngoại Giao Mỹ trong tháng này.
"Sau nhiều thập niên sống tại Mỹ, bây giờ họ bị ‘trả lại’ một quốc gia do Cộng Sản cai trị, một nơi mà họ không bao giờ chấp nhận. Tôi sợ rằng nhiều người sẽ có vấn đề liên quan đến nhân quyền, và lúc đó sẽ là lỗi của chúng ta", ông Osius viết như vậy.
Bộ ngoại giao Mỹ từ chối trả lời phỏng vấn hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Tư, theo bài báo.
Trong khi đó, Bộ Nội An không hồi âm khi Mercury News đặt câu hỏi.
Ông Osius hiện là phó viện trưởng đại học Fulbright University Vietnam, một trường tư, bất vụ lợi ở Sài Gòn.
Ông mô tả thời gian ba năm làm đại sứ tại Việt Nam là "đỉnh điểm của sự nghiệp 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao của ông, và là một vinh dự cuộc đời".
Mercury News cho biết có tìm cách liên lạc với ông Osius qua trường đại học và hiệp hội nhân viên ngoại giao hôm Thứ Sáu nhưng không được.
Tiết lộ của cựu Đại Sứ Osius gây chú ý rất lớn tại San Jose, nơi có hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt cư ngụ, và được đưa ra vài tháng sau khi các nhà hoạt động Việt Nam khắp Hoa Kỳ, bao gồm nhiều người ở vùng Bay Area, đưa ra cảnh báo là cảnh sát di trú (ICE) bắt nhiều người Việt Nam trong diện trục xuất, tạo một cú sốc và sự sợ hãi trong cộng đồng, theo Mercury News.
Các nhà hoạt động này cho rằng, chỉ trong Tháng Mười năm ngoái, hơn 100 người Việt Nam bị ICE bắt.
Theo Mercury News, sự gia tăng bắt bớ này có vẻ là một bước mạnh mẽ của chính quyền Donald Trump, cố gắng trục xuất những người có hồ sơ tội phạm, ngay cả khi quốc gia gốc của những người này không hợp tác với chính phủ Mỹ.
Trước đây, những người trong tình trạng trục xuất được phép ở lại Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Trump lâu nay đang gây sức ép với Cambodia và Việt Nam nhận lại họ.
Những người này, theo Mercury News, lâu nay đã quen với cuộc sống tại Mỹ, bây giờ bất thình lình bị bắt và trục xuất.
Hồi năm 2008, Mỹ và Việt Nam ký một thỏa thuận là Việt Nam chỉ nhận hồi hương những ai đến Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cho nên, những người bị bắt nhưng đến Mỹ trước ngày này hiện đang thắc mắc là chuyện trục xuất họ có vi phạm thỏa thuận này không, theo các nhà hoạt động.
Hồi Tháng Hai, nhiều tổ chức bảo vệ di dân nộp đơn kiện ra tòa, cho bằng chính quyền Mỹ vi phạm thỏa thuận với Việt Nam.
Trong bài luận của mình, ông Osius nói rằng ông sợ rằng "chính sách mạnh bạo này" có thể hủy hoại bất cứ cơ hội nào mà ông Trump muốn có để thực hiện các mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam, bao gồm giảm thâm thủng mậu dịch song phương, gia tăng quan hệ quốc phòng, và đối diện với các đe dọa trong khu vực, bao gồm luôn cả Bắc Hàn.
"Tôi lên tiếng phản đối, bị yêu cầu im lặng, và tôi thấy rằng, có một giới hạn đạo đức mà tôi không thể vượt qua, nếu muốn duy trì sự chính trực của tôi", ông Osius viết. "Tôi thấy rằng tôi có thể phục vụ đất nước tôi tốt hơn nếu làm việc bên ngoài chính quyền, bằng cách giúp xây dựng một đại học mới và tân tiến tại Việt Nam". (Đ.D.)
**************
Mỹ trục xuất 43 người Campuchia phạm trọng tội (VOA, 06/04/2018)
43 người Campuchia bị Mỹ trục xuất về đến Phnom Penh, thủ đô Campuchia, theo một đạo luật cho phép hồi hương những di dân phạm trọng tội mà chưa trở thành công dân Mỹ.
Bộ trưởng ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tuyên bố nhận những người bị Mỹ trục xuất. (ảnh ngày
Đây là nhóm đông nhất được trả về Campuchia theo một thỏa thuận song phương năm 2002. Hơn 500 người Campuchia khác đã bị trục xuất về nước.
Chương trình trục xuất người phạm tội gây nhiều tranh cãi vì làm cho nhiều gia đình ly tán và, trong nhiểu trường hợp, những người trở về chưa từng sống tại Campuchia vì là con cái của những người tị nạn trốn đến những trại tị nạn Thái Lan để tránh chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cai trị Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.
Những người chỉ trích chính sách trục xuất nói rằng những người phạm tội là hậu quả của biến chuyển xã hội. Những người trở về được xem như khó hội nhập vào xã hội Campuchia vì nhiều người đã sống hầu hết cuộc đời tại Mỹ.
Hai cựu tội phạm người Campuchia vào ngày 30/3 năm nay được Thống đốc bang California Jerry Brown ân xá, ít nhất tạm thời không bị nguy cơ trục xuất.
Ông Gen Dim Ra, một cảnh sát di trú cao cấp giám sát những người trở về, cho hay trong nhóm về đến Phnom Penh ngày 5/4 có 3 phụ nữ.
Ông nói những người còn có thân nhân tại Campuchia sẽ sống với bà con của họ, và những người không có thân nhân sẽ được một tổ chức tư dạy nghề, với tiền tài trợ của chính phủ Mỹ trước khi hội nhập vào xã hội Campuchia.
Chính sách trục xuất đã làm tổn hại đến mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt giữa Campuchia và Hoa Kỳ.
Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố là ông muốn tu chính thỏa thuận năm 2002 với Washington vốn cho phép thi hành Luật Trách nhiệm Di dân và Cải cách Di trú năm 1996 nhằm chống di dân bất hợp pháp và khủng bố.
Ông Hun Sen, cai trị Campuchia trong hơn 3 thập niên, nói thỏa thuận nên được duyệt xét lại trên căn bản "nhân đạo" vì thỏa thuận chia cách các gia đình định cư ở Mỹ.
Lời kêu gọi xét lại đạo luật đã được các giới chức Campuchia nêu lên lần đầu tiên vào năm 2016. Những người này yêu cầu tái thương thuyết hay ngưng thi hành luật để tạo điều kiện dễ dàng cho vấn đề hội nhập.
Sau đó, Campuchia ngưng hay làm chậm lại việc chấp nhận những người bị trục xuất trở về.
Đáp trả, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia ngưng cấp visa vào tháng 9 năm ngoái đối với những giới chức cao cấp Bộ ngoại giao Campuchia và gia đình của họ, một động thái do Bộ an ninh nội địa Hoa Kỳ khởi động.
Đáp lại, Campuchia ngưng hoạt động của các toán do quân đội Mỹ chỉ đạo tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ liệt kê danh sách còn 48 người Mỹ mất tích tại Campuchia.
Vào tháng 2 năm nay, một giới chức Bộ ngoại giao Mỹ nói việc chế tài visa đối với các giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Campuchia có thể được gỡ bỏ "trong một tương lai gần" nếu chính phủ Campuchia thi hành lời hứa nhận lại những người bị Mỹ trục xuất.
Serguei Kislyak, nhà ngoại giao Nga khiến Trump lúng túng (RFI, 07/03/2017)
Sau Michael Flynn đến Jeff Sessions bị cáo buộc có những mối liên hệ mờ ám với chính quyền Moskva, qua trung gian một nhân vật then chốt : đại sứ Nga tại Washington Serguei Kislyak. Từ tháng 07/2016 nhà ngoại giao này thường xuyên liên hệ với những cố vấn thân cận của ứng cử viên tổng thống, rồi tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Đại sứ Nga tại Mỹ S. Kislyak (giữa). Ảnh tháng 3/2017. Brendan SMIALOWSKI / AFP
Những cuộc điện đàm hay những lần gặp gỡ đó đã buộc cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, tướng Flynn, từ chức sau chưa đầy một tháng chính thức làm việc ở Nhà Trắng. Cũng những cuộc trao đổi giữa đại sứ Nga tại Washington với thượng nghị sĩ bang Alabama, Jeff Sessions, một những người đầu tiên ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, hồi tháng 7 và 9/2016, tức là thời điểm mà chính quyền Obama và tình báo Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ Moskva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, có nguy cơ đe dọa chiếc ghế bộ trưởng Tư Pháp của ông này. Vậy Serguei Kislyak là ai ? Báo Le Figaro, ngày 06/03/2017, phác họa chân dung vị đại sứ này.
Năm nay 66 tuổi, Serguei Ivanovitch Kislyak là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đã ba lần được cử sang làm việc ở Mỹ. Tốt nghiệp kỹ sư vật lý tại Moskva năm 1973, nhưng chỉ bốn năm sau đó, đã chuyển về làm việc cho bộ Ngoại Giao.
Từ năm 1981 đến 1985, Kislyak được để cử làm thư ký thứ hai của sứ quán Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại New York. Khi mãn nhiệm, ông được chuyển về sứ quán Liên Xô tại Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington cho đến năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ. Trong thời gian này, nhà ngoại giao xuất thân là một kỹ sư vật lý có trọng trách theo dõi hồ sơ giải trừ vũ khí nguyên tử.
Bẵng đi một thời gian, từ 1998 đến năm 2003, Serguei Ivanovitch Kislyak được chính quyền Moskva đề cử sang Bruxelles làm đại sứ của Nga bên cạnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Khi hồi hương, ông được chỉ định làm thứ trưởng Ngoại Giao trong 5 năm.
Tháng 07/2008, Serguei Kislyak trở lại thủ đô Washington trên cương vị đại sứ, trong bối cảnh xẩy ra xung đột giữa Nga và Gruzia. Tháng 7/2008 cũng là thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị bầu cử tổng thống, với ứng viên sáng giá nhất là Barack Obama.
Theo như nhận định của giáo sư chính trị học Mỹ Michael McFaul, đại học Stanford, Serguei Kislyak đã nhanh chóng giành được cảm tình của các chính trị gia ở Washington, tạo dựng uy tín trong hàng ngũ các cố vấn của hai chính quyền Mỹ, từ những cộng tác viên thân tín của tổng thống George W.Bush cho đến các quan chức trong chính quyền Obama.
Nicholas Burns, một trong số các quan chức ngoại giao "to" nhất dưới thời tổng thống Bush ghi nhận, đại sứ Serguei Kislyak "rất thông minh, giàu kinh nghiệm, là một nhà ngoại giao luôn chuẩn bị các hồ sơ của ông rất kỹ lưỡng, cho dù là nhân vật này có lối hành xử cứng nhắc, được đào tạo theo trường phái Liên Xô và thường tỏ thái độ thù nghịch đối với Mỹ".
Sự nghiệp của Serguei Kislyak tưởng như đã phải rẽ sang một khúc quanh khác khi năm 2012, Vladimir Putin quay lại điện Kremlin. Nhiều người đã tưởng rằng Kislyak bị cựu trùm KGB thất sủng. Nhưng một lần nữa, nhà ngoại giao này lại chứng minh ông có "khả năng thính ứng với mọi tình huống". Đại sứ Nga ở Washington đã nhanh chóng sử dụng đúng ngôn ngữ, giọng điệu của Putin để mua chuộc lòng tin của chủ nhân điện Kremlin. Serguei Kislyak không ngần ngại lên án thái độ "áp đặt" của Mỹ, điều mà "Moskva không thể chấp nhận".
Cũng đại sứ Kislyak đã công khai nhìn nhận, quan hệ Nga-Mỹ đang trải qua thời kỳ "tệ hại nhất, kể cả so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh". Lại cũng Serguei Kislyak đã mạnh mẽ lên án Hoa Kỳ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO triển khai lực lượng tại Ba Lan và các nước trong vùng Baltic.
Khi phương Tây lên án Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine năm 2014 hay yểm trợ phe nổi dậy ở miền đông Ukraine thì hiếm nhà ngoại giao nào lại thẳng thừng tuyên bố với các quan chức Mỹ rằng "Moskva thừa sức để sống mà không cần phải trông chờ vào Âu Mỹ".
Giới phân tích Pháp lấy làm lạ, là với những tuyên bố "đao to búa lớn" như vậy, với cá tính mạnh mẽ như vậy mà sao các cộng tác viên của tổng thống Trump như bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions hay cựu cố vấn an ninh Michael Flynn lại có thể dễ quên những lần gặp gỡ hay các cuộc tiếp xúc với ông đại sứ Nga.
Câu hỏi mà giới truyền thông Mỹ đang đặt ra là liệu đại sứ Serguei Kislyak được tình báo Nga trao cho những nhiệm vụ gì và ở mức độ nào ? Trước những nghi vấn Nga can thiệp gây nhiễu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mùa thu năm ngoái, phát biểu tại đại học Stanford tháng 11/2016, đương sự khẳng định "vai trò và nhiệm vụ của ông nằm trong khuôn khổ ngoại giao (...). Công việc của ông là tìm hiểu tình hình, hiểu mọi người, cả bên đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Cá nhân ông do đã làm việc từ lâu năm ở Washington nên ông biết gần hết các chính khách Mỹ".
Serguei Kislyak sắp trở lại Moskva khi mãn nhiệm kỳ đại sứ tại Hoa Kỳ. Người thay thế ông rất có thể là thứ trưởng Ngoại Giao, đại tướng Anatoly Antonov. Việc bổ nhiệm này còn phải đợi Hạ Viện Douma thông qua. Làm đại sứ Nga tại Mỹ dưới thời tổng thống Trump sẽ không phải là công việc nhàn hạ chút nào.
RFI tiếng Việt
********************
Mỹ-Nga : Nhà Trắng "không nhớ" Donald Trump có gặp đại sứ Nga (RFI, 08/03/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, ngày 28/01/2017 - REUTERS/Jonathan Ernst
Trước những lời cáo buộc mới về sự thông đồng giữa Donald Trump với chính quyền Nga, Nhà Trắng tìm cách hóa giải với lập luận : hai người có thể đã bắt tay nhau, nhưng không nhớ chính xác có gặp nhau hay không.
AFP ngày hôm nay, 08/03/2017 cho biết, vào lúc Quốc hội Mỹ và FBI điều tra về tin đồn ban tham mưu của ông Donald Trump móc ngoặc với Nga trong giai đoạn vận động tranh cử, báo chí Mỹ chĩa mũi dùi tấn công thẳng vào chủ nhân Nhà Trắng.
Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ loan tin ông Donald Trump, trong giai đoạn tranh cử, đã gặp đại sứ Nga Serguei Kisliak ngày 27/04/2016 tại khách sạn Mayflower ở Washington. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders vội vàng cải chính : "Tạp chí Mỹ The National Interest tổ chức hội thảo, nhiều đại sứ nước ngoài có mặt. Ông Donald Trump dự tiếp tân 5 phút rồi đi thẳng lên bục phát biểu. Chúng tôi không nhớ ông đã bắt tay những ai".
Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng nhưng sứ quán Nga từ chối trả lời.
Sự kiện giới ngoại giao quốc tế tiếp cận với các ứng cử viên trong mùa bầu cử để phúc trình về các thủ đô liên hệ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử mà, theo tình báo Mỹ, Moskva tìm cách giúp ứng cử viên đảng Cộng Hòa đánh phá uy tín đối thủ Dân Chủ Hillary Clinton, thì những cuộc tiếp xúc giữa những người thân cận của ông Trump với Nga được chú ý rất kỹ.
Cố vấn an ninh Michael Flynn đã phải từ chức, sau khi thông tin bị phanh phui. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions cũng thú nhận gặp đại sứ Nga hai lần, nhưng che dấu Quốc Hội trong buổi điều trần.
Tú Anh
Cố vấn Michael Flynn. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo chính quyền Trump hồi tháng trước rằng ông Flynn đã làm cho giới chức của chính quyền Mỹ "lầm đường lạc lối" về việc ông này liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ và có nhiều nguy cơ bị phía Nga tống tiền.
Trong khi đó, giới chức Nhà Trắng cho biết Tướng về hưu Keith Kellogg đã được chỉ định là quyền Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, thay ông Flynn.
Mới đây, báo Washington Post cho biết Tướng Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nói chuyện với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để trấn an về những trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Cuộc nói chuyện này diễn ra trước ngày 8/11/2016, khi ông Trump chưa nhậm chức. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thông báo quyết định trừng phạt Nga sau báo cáo về vụ tấn công tin tặc trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Michael Flynn dường như đã trấn an đại sứ Nga và khuyên Moskva không nên phản ứng quá mức bởi các trừng phạt đó sẽ không còn khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
Theo các quan chức Mỹ, thảo luận “sai lầm” này đã phát đi một tín hiệu bất hợp pháp rằng Moskva có thể mong đợi được nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama trước đây đã áp đặt chống Nga liên quan đến cáo buộc tấn công bầu cử Mỹ.
Ông Flynn đã phủ nhận điều này. Tuy nhiên, Washington Post cho hay ông Flynn sau đó đã rút bác bỏ này thông qua người phát ngôn của mình.
TTXVN/Tin Tức
*************************
Báo chí Mỹ : Cố vấn an ninh Flynn từng bàn riêng với Nga về giảm trừng phạt (RFI, 11/02/2017)
Tướng Michael Flynn - REUTERS/Gary Cameron
Theo một số thông tin của truyền thông Hoa Kỳ hôm qua, 10/02/2017, cố vấn an ninh quốc gia của tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận với Matxcơva về các biện pháp trừng phạt, trước khi tổng thống Barack Obama rời chức vụ.
Theo báo Washington Post và New York Times, cố vấn Michael Flynn, được đề cử ngày 18/11 năm ngoái, đã thảo luận với đại sứ Nga tại Washington về vấn đề này. Cuộc trao đổi đã diễn ra vào thời điểm tổng thống mãn nhiệm Obama ra quyết định trục xuất một loạt các nhà ngoại giao Nga hồi cuối tháng 12, để trả đũa, sau khi Matxcơva bị cáo buộc can thiệp nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Theo Washington Post, cố vấn Michael Flynn có thể đã can thiệp nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt của Mỹ, với hứa hẹn Donald Trump sau khi nhậm chức ngày 20/01/2017, sẽ làm giảm nhẹ áp lực đối với Nga. Một số nguồn tin còn khẳng định, ông Flynn đã kêu gọi Nga "đừng phản ứng thái quá". Cuộc gặp giữa cố vấn của ông Trump và đại sứ Nga bị một số giới chức cao cấp của Hoa Kỳ giải thích như là hành động "có thể là bất hợp pháp".
Tiết lộ nói trên của báo chí Mỹ đe dọa sẽ kéo Nhà Trắng vào một bê bối mới. Cả hai ông, cố vấn Michael Flynn và phó tổng thống Mike Pence, đều phủ nhận đã đề cập vấn đề trừng phạt trong cuộc gặp đại sứ Sergey Kislyak.
Luật Mỹ (Logan Act) cấm các công dân Mỹ - không có nhiệm vụ - thảo luận với các chính phủ nước ngoài về các vấn đề tranh chấp với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ năm 1979 đến nay, chưa có ai bị truy tố theo luật này.
Các chính trị gia Dân Chủ chỉ trích mạnh mẽ ông Flynn. Thành viên Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Eliot Engel khuyến cáo tổng thống Trump nên tránh xa cố vấn này.
Ông Flynn từng bị cách chức giám đốc tình báo quân sự Mỹ (DIA/Defense Intelligence Agency), vì quản lý tồi. Cố vấn Flynn còn coi Hồi Giáo chính trị là nguy cơ lớn nhất của thế giới, và hy vọng Mỹ và Nga nên hợp tác trong vấn đề này.
RFI tiếng Việt
*********************
Mỹ : Tranh cãi về "lỗi" nghiêm trọng của tân cố vấn an ninh quốc gia (RFI, 12/02/2017)
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn (giữa), tới căn cứ khoogn quân Andrew, Maryland, Mỹ ngày 10/02/2017. REUTERS/Carlos Barria
Tranh cãi đang bùng lên ở Mỹ liên quan đến cố vấn an ninh của tổng thống Trump, tướng Michael Flynn. Theo báo chí Mỹ, nhân vật đã nói chuyện qua điện thoại với đại sứ Nga ở Washington để trấn an về trừng phạt Mỹ đối với Matxcơva. Vấn đề là cuộc nói chuyện diễn ra lúc ông Trump chưa nhậm chức và ông Obama vẫn còn là tổng thống.
Thông tín viên RFI, Anne - Marie Capomaccio, tường thuật từ Washington :
Tướng Flynn không bị nghe lén, mà chính đại sứ Nga ở Mỹ bị theo dõi. Và vào cuối tháng 12, đại diện ngoại giao Nga đã nhận được một cú điện thoại của người sẽ là cố vấn an ninh của ông Trump.
Lúc ấy, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama vừa thông báo quyết định trừng phạt Nga sau báo cáo về vụ tấn công tin tặc trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Michael Flynn dường như đã trấn an đại sứ Nga và khuyên "không nên phản ứng quá mức, các trừng phạt đó sẽ không còn khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng".
Báo chí Mỹ đã tiết lộ vụ việc, tướng Flynn phủ nhận, phó tổng thống Mike Pence cũng vậy. Nhưng báo chí vẫn không buông, dựa vào những thông tin rò rỉ từ giới tình báo.
Sự vụ đã đến mức mà ông Flynn phải lùi bước, ông không còn chắc chắn là đã không có nói về trừng phạt với đại sứ Nga.
Các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ đã yêu cầu mở điều tra và tố cáo một lỗi nghiêm trọng. Ông Donald Trump, hôm thứ Sáu đã khẳng định không hề hay biết gì.
Mai Vân