Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong 48 giờ qua, tân tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục quạt gió vào các lò lửa quốc tế nhất là với Iran và Nga. Cùng lúc đó, từ Seoul, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đe dọa giáng trả "vùi dập" Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng dùng vũ khí nguyên tử tấn công Hàn Quốc hay lãnh thổ Hoa Kỳ.

lua1

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với lãnh đạo nhiều nước, ngày 28/01/2017 - REUTERS/Jonathan Ernst

Donald Trump có vẻ ưa thích thái độ khó lường cho dù đã khoác áo lãnh đạo siêu cường kinh tế và quân sự. Hai tuần sau ngày tuyên thệ nhậm chức, tổng thống theo xu hướng "quốc gia trước đã", và chính phủ của ông, đã liên tục đưa ra những tuyên bố bốc lửa. Không những đối thủ của Hoa Kỳ mà ngay các quốc gia đối tác hay đồng minh như Mexico, Úc và Israel cũng bị Donald Trump dằn mặt, theo phân tích của AFP.

Đối với Iran, sau lời "cảnh báo" của Nhà Trắng, Washington dự trù tăng cường các biện pháp mới trừng phạt chế độ Hồi giáo vì Teheran thử tên lửa đạn đạo bị xem là vi phạm thỏa hiệp hạt nhân ký kết với các đại cường vào tháng 7/2015.

Chống Iran, "không trừ một giải pháp nào"

Tổng thống Barack Obama trước đây sử dụng hiệp định hạt nhân này để làm giảm căng thẳng với Iran, tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ song phương. Trái lại, tân tổng thống Donald Trump thẳng thừng đe dọa "không loại trừ một biện pháp nào" kể cả biện pháp quân sự. Teheran lập tức lên án tổng thống Mỹ "liên tục vu khống để khiêu khích".

Tiếp tục trừng phạt Nga

Điều ngạc nhiên hơn hết là Washington cũng lên giọng với Matxcơva. Trong khi Donald Trump, từ lúc vận động tranh cử đã chủ trương thắt chặt quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin, thì tân đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley "lên án hành động gây hấn của Nga tại Ukraine". Tại Hội Đồng Bảo An, nữ đại sứ Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt "sẽ được duy trì cho đến khi nào Nga trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine".

Nhà Trắng cũng tỏ thái độ lạnh nhạt với Israel trong hồ sơ lập khu định cư người Do Thái trên lãnh thổ lấn chiếm của Palestine. Cho dù Donald Trump nhiều lần ca ngợi mối quan hệ với đồng minh truyền thống tại Trung Đông kể cả ý định dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thẩm định việc "xây thêm khu định cư không giúp giải quyết xung đột Israel-Palestine".

Nhưng rồi sau đó, có tin tân ngoại trưởng Rex Tillerson gọi điện trấn an thủ tướng Benyamin Netanyahu, cam kết một sự ủng hộ "toàn diện".

Xem thường Úc

Donald Trump cũng làm cho đồng minh quân sự Úc ở Thái Bình Dương choáng váng. Trong cuộc điện đàm bị cắt giữa chừng, tổng thống Mỹ cho rằng ông sẽ xét lại thỏa thuận "ngu ngốc" giữa Washington và Canberra về việc Mỹ nhận di dân bất hợp pháp bị cô lập trong các trại tạm cư ngoài nước Úc.

Vùi dập Bắc Triều Tiên

Còn tại Bắc Á, trong chuyến công du trấn an hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, tân Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố sẵn sàng "vùi dập" Bắc Triều Tiên nếu Bình Những dùng hạt nhân tấn công một trong các đồng minh của Mỹ. Chủ nhân Lầu Năm Góc là Bộ trưởng đầu tiên của chính quyền Trump thăm nước ngoài và với chủ đề an ninh quốc phòng.

Trong hồ sơ kinh tế, tuần trước, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ thực hiện ngay chủ trương bảo hộ thị trường, thúc giục Canada và Mexico thương thuyết lại hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ.

Những lời tuyên bố bốc lửa trong những ngày qua làm cho công việc của tân ngoại trưởng Rex Tillerson khó khăn thêm. Ngày thứ năm 02/02/2017, ông chính thức nhậm chức vào lúc Bộ Ngoại giao trong tình trạng "nổi loạn", với khoảng "1000 nhà ly khai" làm lung lay. Chính sách ngoại giao "thiển cận và nghiệp dư" của tổng thống Donald Trump bị chống đối công khai.

Thật ra, giới phân tích không rõ là tổng thống doanh nhân toan tính gì ? Phải chăng ông sử dụng chiến thuật đấu trí mà người Mỹ gọi là "ván bài lừa dối" mà cứu cánh duy nhất cần đạt được là phục vụ quyền lợi nước Mỹ trước đã, đồng minh lịch sử hay kẻ thù truyền thống không đáng kể.

Theo AFP, vị khách quốc tế đầu tiên của tân ngoại trưởng Mỹ là đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel. Ngoại trưởng Đức đã nhắc nhở phía Mỹ là trong giai đoạn đầy bất trắc này, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, từ kinh tế đến quân sự, vô cùng cần thiết.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 03/02/2017

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế