Đợt phong tỏa thứ ba chống dịch Covid-19 vừa được chính quyền thông báo là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa trang nhất "Macron đặt cược vào đợt phong tỏa cuối cùng". Les Echos nói đến "Các thách thức của đợt phong tỏa thứ ba". Giới y tế phẫn nộ với tổng thống là chủ đề chính của Libération.
Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp chú ý nhiều đến kế hoạch chấn hưng kinh tế 2.250 tỉ đô la, mà tổng thống Biden đang nỗ lực vận động, với hy vọng nước Mỹ nối lại được với sự trỗi dậy thần kỳ trong thời kỳ giữa 2 đại chiến thế giới, cách nay một thế kỷ. Muốn khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế, Hoa Kỳ phải củng cố được sức mạnh trong nước. Nhật báo Le Monde có bài mô tả những đường nét chính của kế hoạch đầy tham vọng này.
Ông Biden đã thông báo kế hoạch này tại Pittsburgh, bang Pennsylvania. Đây là thành phố mang tính biểu tượng, nơi ứng cử viên Biden khởi động cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi 2019, với chủ trương "trả lại cho nước Mỹ xương sống của mình". Bài "Để có tiền cho các dự án lớn, Joe Biden muốn đánh thuế nặng hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ" của Le Monde phân biệt trước hết kế hoạch chấn hưng 2.250 tỉ đô la, mà tân tổng thống Mỹ đang vận động, với kế hoạch 1.900 tỉ vừa được thông qua.
Trước hết là về mặt quy mô. Nếu như khoản tiền 1.900 tỉ đô la sẽ được sử dụng cấp tốc ngay trong năm 2021, tương đương với 8% GDP một năm, kế hoạch chấn hưng nói trên sẽ được giải ngân trong vòng 8 năm, tương đương với chỉ 1,3% GDP. Nhưng nếu như kế hoạch 1.900 tỉ có ý nghĩa như một chiếc phao cứu mạng, có giá trị tức thời, thì kế hoạch hơn 2.200 tỉ đang vận động đặt nền móng cho tương lai. Một phần ba của kế hoạch (721 tỉ) dự trù chi cho các cơ sở hạ tầng giao thông. Trong đó hơn 170 tỉ sẽ đầu tư cho xe hơi chạy điện và 100 tỉ để cải thiện mạng lưới điện.
Khoảng một phần ba kế hoạch dành cho các "đầu tư xã hội" : 400 tỉ cho người cao tuổi, người tàn tật, 213 tỉ cho cải tạo nhà ở, 111 tỉ để thay thế hệ thống đường ống nước chì, gây nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ em, đặc biệt là trẻ thuộc các nhóm thiểu số. 200 tỉ đô la dành để cải thiện cơ sở hạ tầng Internet, hỗ trợ người nghèo cơ hội dùng Internet. 300 tỉ để cải thiện chuỗi cung ứng công nghiệp, thúc đẩy mua các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. 180 tỉ để cách tân cơ sở nghiên cứu nghiên cứu khoa học… Nhận định chung của giới quan sát là kế hoạch chấn hưng của ông Biden mang tính xã hội rõ ràng, với "khoảng 40% chi phí sẽ được sử dụng cho các cộng đồng yếu thế".
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích đáng chú ý khác mang tựa đề : "Hoa Kỳ : sự trở lại chắc chắn của một ‘chính quyền Liên bang mạnh’ ". Les Echos nhấn mạnh là ngay từ đầu, tân tổng thống Biden đã gắn nhiệm kỳ của ông với vị lãnh đạo nổi tiếng của nước Mỹ, tổng thống Franklin Roosevelt, với kế hoạch "New Deal" giữa hai Thế chiến, đã giúp cho Hoa Kỳ khẳng định vị thế siêu cường. Giờ đây, đối mặt với thách thức ghê gớm hiện nay, với bốn cuộc khủng hoảng cùng lúc (y tế, chính trị, kinh tế và khí hậu), chính quyền Liên bang không có cách nào khác là phải trở lại đóng vai trò "trung tâm" như một thế kỉ trước.
Theo Les Echos, tổng thống Biden nhấn mạnh trước hết đến cơ sở hạ tầng giao thông cũng như công nghệ tin học, nhằm lấp lại các khoảng tụt hậu của nước Mỹ trong nhiều thập niên đầu tư rất ít cho lĩnh vực này, đặc biệt từ thời tổng thống Reagan, những năm 1980, với hậu quả là đường xá xuống cấp, hệ thống đường sắt vẫn duy trì nhiều phương tiện quản lý cổ lỗ, thô sơ. Ông Biden nhấn mạnh, nếu không nỗ lực phản công, nước Mỹ sẽ bị Trung Quốc vượt mặt chính trên sân nhà.
Để có tiền chi kế hoạch này, tổng thống Mỹ dự trù lấy thêm thuế từ các doanh nghiệp. Bảo đảm công bằng cho tầng lớp trung lưu là thông điệp rõ ràng của tổng thống đảng Dân chủ. Trong phát biểu hôm thứ Tư, ông Biden nêu ví dụ : không thể để một gia đình hai con, với chồng là lính cứu hỏa, vợ là giáo viên, phải trả thuế nhiều hơn một doanh nghiệp. Không chống lại doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm công bằng.
Les Echos cũng dự kiến, hành pháp Mỹ sẽ can thiệp mạnh vào các lĩnh vực tài chính, thị trường, để tăng cường chống độc quyền, chống tăng giá, gây bất lợi cho người tiêu thụ. Theo Les Echos, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chính sách liên minh công-tư trong kế hoạch chấn hưng nói trên, chính sách liên minh đã chứng tỏ sự thành công trong việc hoàn thiện vac-xin chống Covid, và đưa vac-xin ra sử dụng rất nhanh chóng.
Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài phân tích "Hoa Kỳ : Joe Biden đặt cược vào vai trò của một Nhà nước Liên bang mạnh", nhấn mạnh đến việc tổng thống Biden quyết định đoạt tuyệt với bốn thập niên khi "cách mạng bảo thủ" ở thế thượng phong. "Cách mạng bảo thủ" do tổng thống Ronald Reagan khởi xướng năm 1981, hạ thấp vai trò của Nhà nước Liên bang. Ông Reagan có lời giễu cợt nổi tiếng về vai trò can thiệp của Nhà nước: "trong tiếng Anh có 9 từ kinh khủng nhất, đó là tôi là người của chính phủ tới, tôi ở đây để giúp đỡ" (The nine most terrifying words in the English language are : I'm from the Government, and I'm here to help). Năm 1996, ông Bill Clinton tổng thống thời đó cũng tuyên bố : "vai trò của một Nhà nước mạnh đã thuộc về quá khứ".
Trong phát biểu ngày 12/03/2021, tổng thống Joe Biden nhấn mạnh "chính quyền Liên bang không phải là một thế lực nước ngoài, nằm ở một thủ đô xa xôi, Nhà nước Liên bang thuộc về tất cả chúng ta". Giờ đây chủ trương một Nhà nước Liên bang mạnh đang trở lại, nhưng điều này không dễ dàng.
Để thành công dự án này, tổng thống Biden phải giành được sự hậu thuẫn của một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa (bởi dự luật đòi hỏi đa số 60/100 phiếu, trong lúc đảng Dân chủ chỉ có 50 phiếu cộng với phiếu bầu của phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng Viện). Nhìn chung, phe Cộng hòa chống tăng thuế. Ông Bill Galston, viện tư vấn Brookings Institution, chuyên gia về các vấn đề đối nội của nước Mỹ, khẳng định đây là một kế hoạch rất mạo hiểm. Vị chuyên gia này từng làm việc trong chính phủ Bill Clinton, cũng là một cây bút của Wall Street Journal.
Thế nhưng chủ trương của tổng thống Biden cũng có thể có được nhiều lợi thế. Nhu cầu cải cách cơ sở hạ tầng của nước Mỹ là một trong các chủ đề hiếm hoi mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng thuận. Bên cạnh đó, chủ trương đưa Nhà nước Liên bang trở lại trung tâm của cuộc chơi là điều mà ngày càng đông đảo cử tri ủng hộ. Kết quả một thăm dò dư luận của Pew Research Center năm 2020 cho thấy 59% người Mỹ muốn Nhà nước Liên bang làm nhiều hơn, trong lúc tỉ lệ này chỉ là 39% vào năm 2015 (chênh lệch đến 20%).
La Croix coi dự án chấn hưng kinh tế nói trên là "cuộc đấu lớn đầu tiên" trong nhiệm kỳ của Joe Biden. Theo văn phòng Strategas, dự án này đặt kế hoạch thu thêm của các doanh nghiệp 300 tỉ đô la, mức tăng thuế được đánh giá là cao nhất tại Mỹ, kể từ năm 1968. Về dự án cải cách lớn của chính quyền Joe Biden, bên cạnh việc tăng thuế doanh nghiệp, nhật báo La Croix, đặc biệt chú ý đến dự án chống lậu thuế trên bình diện quốc tế.
Ông Joe Biden muốn chấm dứt tình trạng "91 doanh nghiệp Mỹ nằm trong số các doanh nghiệp lớn nhất thế giới tiếp tục dùng các mưu mẹo pháp lý để không phải trả một xu thuế nào cho chính quyền Liên bang", từ các khoản lời lãi khổng lồ. Chính quyền Joe Biden sẽ thảo luận với các đối tác quốc tế, chủ yếu với các thành viên OCDE, để thống nhất các biện pháp chung về đánh thuế doanh nghiệp.
Trở lại với nước Pháp, đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba gây nhiều phản ứng tương đối trái ngược trong xã hội. Hai cuộc thăm dò dư luận được báo chí nói đến nhiều. Nhật báo phổ thông Le Parisien dẫn lại cuộc thăm dò do Viện Harris Interactive, cho thấy 71% người Pháp hưởng ứng kế hoạch phong tỏa đợt ba của tổng thống Macron. Le Parisien hoan nghênh việc tổng thống Pháp vừa thành công trong việc làm mọi người bình tâm trở lại, và tước được vũ khí của những người chỉ trích ông.
Về phần mình, Le Figaro thiên hữu giới thiệu chi tiết kết quả thăm dò dư luận của Odoxa cho riêng nhật báo này, theo đó 54% người Pháp không thấy các tuyên bố của tổng thống Macron là thuyết phục. Tuy nhiên, cũng có đến 71% người Pháp ủng hộ việc giới hạn đi lại giữa các tỉnh. Điều mà Le Figaro lo ngại là có đến gần một nửa người Pháp (46%) tỏ ra không muốn tôn trọng đầy đủ các biện pháp hạn chế hạn được tổng thống đề ra trong đợt phong tỏa thứ ba, thậm chí nhiều người tuyên bố chống lại các biện pháp mới.
Nhật báo công giáo La Croix dành một bài riêng để chất vấn các biện pháp của tổng thống, với tựa đề "Chiến lược chống Covid, đã được xác định, có hiệu quả hay không ?". La Croix nhấn mạnh đến ba điểm chính trong chiến lược phong tỏa chống Covid-19 đợt ba. Thứ nhất là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, thứ hai là tăng số giường điều trị tích cực, và thứ ba là biện pháp đóng cửa trường học trong ba tuần. Theo La Croix, nếu như đa số các nhà khoa học đồng ý với việc cần thiết phải có các biện pháp này, thì tính hiệu quả của việc thực thi cụ thể đặt ra nhiều dấu hỏi.
Trong phát biểu hôm 31/03, tổng thống Macron tuyên bố đến cuối mùa hè, mọi công dân Pháp trên 18 tuổi muốn tiêm chủng sẽ đều có thể được tiêm. La Croix nhấn mạnh là nước Pháp hiện vẫn còn rất xa so với mục tiêu 60% dân cư được tiêm chủng, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện mới có khoảng gần 3 triệu người nhận được đủ hai liều (tương đương khoảng 4% dân số). Về phương diện cơ sở hậu cầu, nước Pháp có khoảng 1.700 cơ sở tiêm chủng, với 250.000 nhân viên. Khó khăn nhất hiện nay là phải có đủ liều vac-xin như dự kiến, và đây là điều không chắc chắn.
Trọng Thành