Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Không ai đứng trên luật pháp, kể cả cựu tổng thống

Việc cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên y án một năm tù là chủ đề nóng được nhiều tờ báo Pháp số ra hôm nay, 20/12/2024, quan tâm, với hàng loạt nhận định, như "một cơn địa chấn trong chính trường Pháp" hay "sự kiện chưa có tiền lệ trong nền Đệ ngũ Cộng hoà".

sarko01

Cựu Tổng thống Cộng hòa Pháp Nicolas Sarkozy (ảnh chụp vào tháng 12/2023) sẽ phải đeo vòng tay điện tử trong một năm. AFP/Ludovic Marin

Luật pháp không cúi đầu trước quyền lực

Mục xã luận của nhật báo Le Monde nhấn mạnh rằng các chính trị gia không thể đứng trên pháp luật. Nicolas Sarkozy, với tư cách là một luật sư, đã "pha trộn" cuộc đấu tranh chính trị với cuộc chiến chống lại tư pháp. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông đã luôn đóng vai nạn nhân, phải chịu sự thù địch từ phía các thẩm phán. Những phát ngôn không mấy thiện cảm về các thẩm phán mà ông phát biểu ngay sau khi đắc cử tổng thống đã càng cho thấy ông không ưa họ và ngược lại.

Ông đã thành công trong việc kích động những người ủng hộ, khiến hệ thống tư pháp không còn được tin tưởng, và pháp quyền ngày càng bị xem nhẹ. Nhân vụ Sarkozy, tờ Le Monde cũng nhắc tới lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Đang phải đối mặt với các phiên tòa xét xử vụ biển thủ hàng triệu euro tiền quỹ của Liên Hiệp Châu Âu EU, bà Le Pen đã "không ngần ngại làm xáo trộn chính trường", để làm mờ đi mức độ nghiêm trọng của những hành vi mà bà bị cáo buộc.

Về phần mình, nhật báo cánh tả Libération tỏ thái độ cứng rắn hơn với vị cựu tổng thống thiên hữu. Tờ báo phê phán việc ông Sarkozy đang phải cầu cạnh đến Toà án Nhân quyền Châu Âu để "cứu vớt danh dự" của mình. Trước đây, Nicolas Sarkozy và các thành viên trong đảng Những người Cộng Hòa (LR) của ông vẫn thường xuyên lên án cơ quan này "chống lại nền dân chủ và ý chí của người dân".

Do vậy, mỗi khi tòa án này yêu cầu Pháp thực hiện các nghĩa vụ quốc tế để giải quyết tình trạng quá tải của các nhà tù, bạo lực từ phía cảnh sát trong việc duy trì trật tự, v.v, thì phe của Nicolas Sarkozy lại phản đối kịch liệt.Thế mà giờ đây, chính ông Sarkozy lại phải nhờ cơ quan này bảo vệ danh dự cho mình và yêu cầu các cơ quan điều tra của Pháp tôn trọng nguyên tắc cơ bản về quyền bảo mật các cuộc trò chuyện giữa bị cáo và luật sư. Xin nhắc lại là nhờ nghe lén cuộc điện đàm giữa ông Sarkozy và luật sư mà các nhà điều tra đã nắm trong tay bằng chứng về việc cựu tổng thống Pháp lạm dụng chức vụ để trục lợi.

Cựu tổng thống vào tù ra tội ?

Theo Le Monde, ngoài vụ "Paul Bismuth" vừa được Tòa Phá Án tuyên y án hôm thứ Tư, 18/12, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn đang bị điều tra trong nhiều hồ sơ khác. Đầu tiên có thể kể tới vụ chế độ Kadhafi ở Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy năm 2007. Phiên toà xử vụ này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 06/01 đến 10/04/2024.

Vụ án thứ hai liên quan tới Reso-Garantia, một tập đoàn bảo hiểm Nga. Vào năm 2019, Sarkozy đã ký một hợp đồng tư vấn trị giá 3 triệu euro với tập đoàn này khi ông đang làm luật sư. Cuộc điều tra được mở ra sau khi cơ quan Tracfin, chuyên theo dõi các giao dịch tài chính đáng ngờ, cho biết đã phát hiện một số tiền lớn được chuyển từ Nga vào tài khoản của ông Sarkozy vào đầu năm 2020. Viện Kiểm sát Tài chính Quốc gia Pháp (PNF) đang tiếp tục điều tra.

Vụ án tiếp theo liên quan đến những cáo buộc về các mối quan hệ giữa ông Sarkozy, tỷ phú Arnaud Lagardère và các quan chức của Qatar. Cựu tổng thống Pháp bị nghi ngờ đã âm thầm vận động hành lang, lợi dụng mối quan hệ gần gũi với các nhân vật quan trọng trong Quỹ Đầu tư Qatar (OIA), để hỗ trợ người bạn thân giàu có Lagardère thông qua các quyết định trong kỳ đại hội cổ đông.

Ngoài ra, còn phải kể tới vụ "Qatargate". Vào ngày 23/11/2010, ông Nicolas Sarkozy, trong cương vị tổng thống, đã mời chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) Michel Platini tới dùng bữa trưa tại Điện Elysée. Ông Platini sau đó đã bỏ phiếu ủng hộ Qatar trong cuộc bầu chọn trao quyền đăng cai World Cup năm 2022. Dường như để đổi lại, Qatar Sports Investments đã mua lại câu lạc bộ Paris Saint-Germain (PSG) với giá 70 triệu euro, cứu đội bóng này khỏi phá sản. Điều đáng nói là Paris Saint-Germain thuộc sở hữu của quỹ Colony Capital, với đại diện tại Châu Âu là Sébastien Bazin, một người bạn khác của ông Sarkozy.

Gia tăng cường trục xuất dân nhập cư trái phép, quét sạch các khu ổ chuột để tái thiết Mayotte

Chuyến thị sát của tổng thống Emmanuel Macron tới quần đảo hải ngoại Mayotte, bị tàn phá bởi thảm họa thiên nhiên dữ dội nhất trong 90 năm qua, cũng là một hồ sơ được các báo quan tâm. Tờ Le Figaro chạy tựa "Tại Mayotte, tổng thống đối mặt với nỗi thống khổ và sự phẫn nộ của người dân". Dù ông Macron đã đưa ra nhiều hứa hẹn giúp tái thiết lại vùng lãnh thổ nghèo nhất của nước Pháp, người dân nơi đây vẫn cảm thấy bị bỏ rơi trước tình trạng thiếu nước sạch và lương thực.

Theo Le Figaro, nhiều tấn hàng cứu trợ đã được chuyển tới Mayotte nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại các siêu thị, người dân chờ mua thực phẩm, nhưng chỉ tới 10 giờ sáng, nhiều sản phẩm như sữa và tã cho trẻ em, đồ ăn đóng hộp, bánh mì khô đã hết sạch.

Hơn nữa, không phải ai cũng tiếp cận được hàng cứu trợ. Tại các khu ổ chuột trên núi, cư dân nơi đây, phần lớn là những người cư trú bất hợp pháp, đã không đến các trung tâm do các chính quyền địa phương thiết lập vì sợ bị phát hiện. Thay vào đó, họ chọn ở lại trong những chỗ tạm trú xập xệ đã hoàn toàn bị phá hủy sau cơn bão và chờ xe cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ. Một tình nguyện viên cho biết đây là lần đầu tiên anh chứng kiến cảnh đời khổ cực của những người nhập cư sống chui lủi trên núi này.

Trong khi đó, tờ Les Echos đề cập đến đạo luật đặc biệt mà tổng thống đã hứa sẽ thực hiện. Khi gặp gỡ chính quyền địa phương, ông Macron nhấn mạnh đạo luật đặc biệt này sẽ cho phép áp dụng linh hoạt hơn các quy định hiện hành và nước Pháp đã "làm được để tổ chức Thế Vận Hội [...] để khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris, và vì vậy, chúng ta sẽ làm điều đó để tái thiết Mayotte". Bộ trưởng Nội Vụ từ nhiệm Bruno Retailleau cho biết nhà nước sẽ chi một khoản tiền từ "4 đến 5 tỷ euro" và đặt ra thời hạn "hai năm" cho tái thiết. Đồng thời Paris sẽ tăng cường các biện pháp trục xuất những người nhập cư không giấy tờ trên đảo, lên tới 35.000 đến 40.000 người mỗi năm, và "chấm dứt" tình trạng khu ổ chuột, nơi mà nhiều người nhập cư trái phép đang sinh sống.

Chế độ Bachar al-Assad : Cỗ máy ăn thịt người, kẻ gieo rắc cái chết trắng

Về hồ sơ Syria, nhật báo Le Monde hôm nay có bài phóng sự về hố chôn tập thể những người bị chế độ Bachar al-Assad thủ tiêu. Trong khu đất trống gần rộng gần 200 mẫu, từng được quân đội canh chừng cẩn mật trước khi chế độ độc tài sụp đổ, người ta đã tìm thấy hàng đống túi nilon, mỗi túi chứa một cái sọ người, các mảnh xương và một sợi dây thừng. Nơi đây là mồ chôn tập thể của những người bị cảnh sát mật vụ bắt giữ, bị chính quyền thông báo là "mất tích" trong các trung tâm thẩm vấn và nhà tù, chết vì bị tra tấn, bị bỏ đói hoặc trong các cuộc hành quyết hàng loạt.

Kể từ khi chế độ độc tài al-Assad sụp đổ vào ngày 08/12, người dân Syria đã đi khắp đất nước để tìm kiếm những hố chôn tập thể, với hy vọng tìm thấy hài cốt của người thân. Ủy ban Quốc tế về người mất tích ở La Haye đã nhận được thông tin cho thấy có 66 hố chôn tập thể chưa được khai quật. Hơn 150.000 người được coi là mất tích, theo Liên Hiệp Quốc và Mạng lưới Nhân quyền Syria.

Cũng nói về tội ác của chế độ này, tờ Le Figaro khai thác chủ đề về các thương vụ Captagon, một loại ma tuý tổng hợp rẻ tiền. Loại ma túy này đặc biệt phổ biến ở Trung Đông kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra. Trong căn biệt thự của Maher al-Assad, em trai của nhà độc tài Bachar al-Assad, người ta đã phát hiện một phòng thí nghiệm lớn, chuyên để sản xuất Captagon.

Vẫn theo Le Figaro, em trai của al-Assad đứng đầu một mạng lưới buôn bán Captagon rộng lớn, tài trợ cho chế độ với số tiền lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm. Một nghiên cứu của Viện New Line vào tháng 04/2022 ước tính thị trường của Captagon đã tăng từ gần 1,8 tỷ đô la vào năm 2017 lên từ 2,9 đến 3,46 tỷ đô la vào năm 2020, nhiều hơn cả giá trị xuất khẩu hợp pháp của Syria trong năm đó. Và khoản tiền khổng lồ này đã biến Syria thành một quốc gia buôn bán ma túy.

Hồi kết cho vụ án hiếp dâm tập thể gây rúng động nước Pháp

Ngoài các vấn đề chính trị, báo Pháp hôm nay cũng đồng loạt đưa tin về vụ án hiếp dâm tập thể bà Mazan, gây chấn động khắp nước Pháp. Sau 4 tháng xét xử, sáng hôm qua, 19/12, tòa đã tuyên án 20 năm tù đối với người chồng Dominique Pelicot và các bản án từ 3 đến 15 năm tù đối với 51 đồng phạm khác. Trong gần một thập kỷ, ông Pelicot đã dùng thuốc an thần để gây mê bà Gisèle và cho những người đàn ông khác cưỡng hiếp vợ mình. Ông thậm chí còn quay lại cảnh bà Gisèle bị cưỡng hiếp, đồng thời quay lén hình ảnh nhạy cảm của con gái và con dâu mình. Sau khi tòa tuyên án, rất nhiều nhà hoạt động và cả con cái của bị hại đều cho rằng mức án quá nhẹ so với hành vi vô nhân tính của những kẻ thủ ác.

Tuy nhiên, theo La Croix, thực ra bản án dành cho Dominique Pelicot là mức án cao nhất có thể được đưa ra theo luật hình sự của Pháp. Ngoài ra, bản án nặng thứ hai, 15 năm tù, được tuyên đối với Romain V., người đã đến cưỡng hiếp bà Gisèle Pelicot 6 lần dù biết mình nhiễm HIV. Bên công tố đã yêu cầu mức án 18 năm đối với người đàn ông này, nhưng luật sư bào chữa đã nhấn mạnh rằng vào thời điểm đó ông ta đang được điều trị HIV và tải lượng virus thấp làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh. Hơn nữa, bà Gisèle Pelicot đã may mắn không bị nhiễm bệnh, điều này chắc chắn đã ảnh hưởng đến phán quyết của các thẩm phán.

Còn theo Libération, các thẩm phán tại Vaucluse đã cố gắng "cá nhân hóa" các bản án sao cho phù hợp với tội trạng của mỗi bị cáo. Tờ báo nhấn mạnh : "Chúng ta không thể bỏ tất cả (bị cáo) vào trong cùng một giỏ". Ngoài ra, kết luận của các thẩm phán khác so với bên công tố cũng là một điều rất thường gặp tại các phòng xử. Nếu như bên công tố là đại diện phát ngôn cho xã hội, thì thẩm phán lại là người chịu trách nhiệm cân bằng giữa tiếng nói của xã hội với tiếng nói của các bị cáo, dựa vào các tình tiết tăng và giảm án để đưa ra kết luận cuối cùng.

Minh Phương

Additional Info

  • Author Minh Phương
Published in Quốc tế

Thông tấn xã Việt Nam mới đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bổ sung thêm một luật sư vào nhóm các luật sư bảo vệ cho Tổng thống trước các cáo buộc luận tội, nâng tổng số luật sư lên 15 người.

Bas du formulaire

bienco1

Lãnh đạo Formosa xin lỗi người dân Việt Nam

Nguyên thủ của một quốc gia với quyền hành to lớn như thế nào mà còn phải cần đến luật sư bảo vệ, điều này cho thấy môi trường pháp lý thượng tôn pháp luật lý tưởng của Hàn Quốc.

Ở các nước thượng tôn pháp luật, vai trò của người nắm vững và hiểu rõ các quy định pháp luật là rất quan trọng vì tính hợp pháp là yếu tố then chốt đem lại quyền lực chính trị pháp lý cho bất cứ tổ chức cá nhân nào.

bienco2

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Tổng thống Park Geun-hye

Trong khi đó ở Việt Nam pháp luật không được thượng tôn mà lại chỉ được xem như là công cụ của giai cấp thống trị, bởi vậy sự đúng luật chưa phải là lối hành xử chuẩn mực của nhiều cơ quan ban ngành.

Xung quanh vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye, đây là một biến cố chính trị pháp lý lớn với những sự kiện nóng bỏng như Tòa án sẽ tiến hành luận tội Tổng thống, Đảng của tổng thống Park Geun-hye dự định đổi tên để giữ uy tín, Bộ trưởng Bộ văn hóa và Chánh văn phòng Tổng thống đều đã bị mất chức và bị bắt giữ, phe đối lập yêu cầu tiến hành khám xét phủ Tổng thống, phó chủ tịch tập đoàn Samsung bị bắt và nhiều sự kiện khác.

Các thông tin diễn biến đã được Thông tấn xã Việt Nam cập nhật đưa tin đầy đủ. Dường như cách đưa tin khách quan rõ ràng đầy đủ cho thấy các ban ngành đang dành sự quan tâm nghiên cứu đánh giá về hệ thống chính trị của Hàn Quốc. Họ quan tâm xem hệ thống chính trị nước này xử lý ra sao trước một biến cố chính trị lớn, để xem cái hệ thống đó tối ưu đến đâu, cái có thể trong một ngày không xa áp dụng ở Việt Nam.

bienco3

Viện công tố Hàn Quốc bắt giữ phó chủ tịch Samsung để điều tra liên quan vụ bê bối chính trị của Tổng thống

Một điều thấy rõ nhất là mặc dù là một biến cố chính trị lớn nhưng mọi việc diễn ra theo tuần tự, các phe phái đang tranh đấu với nhau trên phương diện pháp lý mà vũ khí chỉ là các tờ giấy với các điều luật mà không hề có họng súng nào.

Người giữ vai trò chủ đạo chi phối toàn bộ chương trình là các thiết chế tư pháp như Viện công tố hay Tòa án, cho thấy một vai trò lớn quyền có thể coi như khổng lồ nếu so với quyền hạn bé nhỏ của các thiết chế tư pháp Việt Nam.

Các biến cố hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của pháp luật với các cuộc triệu tập thẩm vấn và một vài cuộc bắt giữ. Biến cố cũng chỉ xảy ra ở tầng chóp của bộ máy gồm Tổng thống và bộ máy chính phủ, phần còn lại của bộ máy hành pháp vẫn hoạt động và đất nước rất ít bị ảnh hưởng.

Đó thực sự là một điều tuyệt vời nếu xét về sự ổn định an toàn của hệ thống chính trị của một đất nước. Hàn Quốc đã thiết lập được một hệ thống chính quyền có khả năng xử lý tốt các biến cố chính trị pháp lý dù là lớn nhất. Đây thực sự là một điều đáng mong ước đối với một đất nước như Việt Nam mà tương lai có thể nhiều xáo trộn.

Vụ kiện Formosa

bienco4

Biểu tình phản đối Formosa làm ô nhiễm môi trường ở Việt nam

Ở Việt Nam cũng đang có một biến cố pháp lý lớn đó là vụ kiện Formosa, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thép đã xả nước thải ra biển làm ô nhiễm nước gây cá chết và ảnh hưởng đến môi sinh của người dân các tỉnh miền Trung.

Ngày 14/2 đoàn người khiếu kiện lại một lần nữa lên đường vượt qua khoảng cách 170km từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để đòi công lý.

Việc chính quyền xử lý vụ kiện này ra sao sẽ là một thử thách kiểm tra cho thấy khả năng xử lý các biến cố chính trị pháp lý của hệ thống hiện nay.

Một điều thấy rõ là không như Hàn Quốc các cơ quan tư pháp chủ động đứng ra giải quyết biến cố pháp lý, thì ở Việt Nam các cơ quan dường như muốn lảng tránh và dập tắt một vụ kiện theo pháp luật.

Thay vì sử dụng pháp luật cùng với hệ thống tư pháp để giải quyết các mâu thuẫn chính trị pháp lý như ở Hàn Quốc thì các ban ngành ở Việt Nam lại dùng quyền lực chính trị để thay thế và phủ định luật pháp và tư pháp.

Quyền tư pháp ở Hàn Quốc lớn bao nhiêu thì ở Việt Nam lại bé nhỏ bấy nhiêu. Tư pháp Việt Nam đã không làm được vai trò ở cái thời điểm cần đến nó nhất.

Đối với tư pháp Việt Nam thì vụ việc người dân khởi kiện Formosa trong hoàn cảnh hiện nay là một việc khó, nhưng chính vì khó mới là thử thách năng lực để trưởng thành cũng như là nền tư pháp Việt Nam đã đến lúc rồi cần đến sự lớn mạnh vươn lên.

bienco5

Người dân đi khiếu kiện Formosa

Ở Hàn Quốc hệ thống chính trị thiết lập theo mô hình tam quyền phân lập, trong đó quyền tư pháp do Tòa án nắm quyền ngang ngửa với quyền lập pháp bên Quốc hội và quyền hành pháp bên Chính phủ cho nên việc Tòa án lớn quyền là điều dễ hiểu và hiện tại Tòa án đang xử lý cả Tổng thống.

Còn ở Việt Nam hệ thống chính trị thực hiện theo mô hình phân công phối hợp, các thiết chế Quốc hội, Chính phủ, Tòa án thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Trong khi nền kinh tế mà Việt Nam muốn hướng tới là nền kinh tế của Hàn Quốc trong khi hệ thống chính trị mà Việt Nam muốn giữ lại là hệ thống chính trị của Triều Tiên.

Việt Nam có thể xem như đang ở giai đoạn phát triển ở khoảng giữa, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Vậy hãy thử hình dung xem liệu có thể kết hợp một nền kinh tế Hàn Quốc và một hệ thống chính trị của Triều Tiên không ?

Những vấn đề lý thuyết đôi khi cần những dẫn chứng thực tế làm cho sinh động.

Và các biến cố chính trị pháp lý mới đây như ở Hàn Quốc liên quan đến tổng thống Park Geun-hye và biến cố pháp lý ở Việt Nam như vụ kiện Formosa, vụ ám sát anh trai ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triêu Tiên, sẽ cung cấp thêm những dẫn chứng tham chiếu tốt. Để xem đứng trước các biến cố chính trị pháp lý lớn thì hệ thống chính trị nào tối ưu xử lý tốt vấn đề.

Nhưng nói thì nói thế thôi, còn thì ở Việt Nam người ta đều đã hiểu ra được vấn đề là như thế nào rồi.

Duy một điều nhiều người chưa nhìn ra là TƯ PHÁP sẽ là giải pháp lối thoát cho tương lai.

Một hệ thống tư pháp công minh tiến bộ sẽ là trụ đỡ cho công lý và là cột chống gây dựng lại cho một xã hội xiêu vẹo sụp đổ.

Một nền tư pháp có khả năng thực thi công lý sẽ bảo vệ cho chính những người trước đó đã mắc lỗi.

Vì còn gì tốt hơn cho những người mắc lỗi là họ sẽ được bảo vệ bởi nền tư pháp và chỉ phải chịu trách nhiệm đúng với mức lỗi mà mình đã gây ra thay vì nặng hơn ? Và còn gì tốt hơn cho những người không làm điều xấu là nền tư pháp đủ khả năng nhìn ra điều đó ?

Để đạt được điều đó thì phải xây dựng cho nền tư pháp. Bước đầu là hãy để nền tư pháp đứng ra xử lý vụ kiện Formosa.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 20/02/2017

Tác giả là luật sư đang sinh sống và hành nghề tại Hà Nội, Việt Nam.

Additional Info

  • Author Ngô Ngọc Trai
Published in Diễn đàn