Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuối tuần qua, hôm 23/04/2021, Trạm Không gian Quốc tế ISS đã đón thêm 4 phi hành gia từ mặt đất đến bằng phi thuyền Crew Dragon của công ty tư nhân Mỹ SpaceX. Nếu như chuyến bay thành công này đánh dấu bước tiếp nối sứ mệnh của trạm ISS thì với Nga đây là dấu chấm hết cho sự hợp tác với phương Tây chính phục không gian.

khonggian1

Phi thuyền Crew Dragon kết nối với trạm không gian quốc tế ISS hôm 24/04/2021 : dấu chấm hết trong sự hợp tác với Nga.  AP

Trước khi phi thuyền Crew Dragon đưa thành công 4 phi hành gia Mỹ, Pháp và Nhật lên trạm ISS trong sự hân hoan vui mừng của Cơ quan Không gian Mỹ NASA cũng như Cơ quan Không gian Châu Âu hay Nhật Bản, thì hôm 21/04, Nga thông báo sẽ rút khỏi chương trình hợp tác khoa học trên trạm ISS vào năm 2025. Đồng thời, phát ngôn viên của Roscosmos, Cơ quan Không gian Nga, cũng thông báo dự án xây dựng trạm không gian riêng và đưa lên quỹ đạo vào năm 2030. Theo Tomas Hrozensky, nhà nghiên cứu Viện chính sách Không gian Châu Âu, "đó là một tuyên bố chính trị quan trọng có tác động mạnh đến cộng đồng quốc tế". Giới quan sát đã cảm nhận thấy những căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang mở sang lĩnh vực chính phục không gian.

Được đặt trên quỹ đạo cách trái đất hơn 400 km, Trạm Không gian Quốc tế ISS được lắp ráp theo từng modul từ năm 1998 với sự tham gia của các nước Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản và 11 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Từ khi ra đời, ISS là biểu tượng cho lĩnh vực hợp tác khả thi nhất giữa các cường quốc Đông -Tây đồng thời cũng mở ra một giai đoạn hòa hoãn, hợp tác hòa bình giữa Nga và phương Tây. Trong 20 năm đi vào hoạt động, trạm đã đón 241 phi hành gia quốc tế lên nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm đặc biệt. ISS đang được khai thác như là cơ sở tiền trạm lý tưởng chuẩn bị cho các sứ mệnh chinh phục mặt trăng và sao hỏa của nhiều cường quốc, đang trở nên sôi động thời gian gần đây.

Có nhiều lý do để giải thích cho ý định tách ra khỏi chương trình chung của Nga. Một trong số đó, theo nhiều chuyên gia, đó là việc xuất hiện nhân tố mới trong lĩnh vực tư nhân có khả năng đưa người vào không gian như công ty SpaceX của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk. Đây là điều Nga không mong đợi.

Trong vòng nhiều năm qua, phi thuyền Soyouz của Nga vẫn độc quyền thực hiện các chuyến bay đưa người lên trạm ISS, tất nhiên đó là những chuyến bay thu phí, đồng thời các nước tham gia chương trình không gian trên trạm ISS ít nhiều phải lệ thuộc vào Nga. Chuyến bay thành công của phi thuyền Crew Dragon sẽ là dấu chấm hết cho thế độc quyền của Moskva.

Nhưng rút ra khỏi ISS, không có nghĩa là bỏ cuộc chơi. Chính vì thế cùng lúc thông báo sẽ rời bỏ chương trình không gian quốc tế, Moskva cho biết luôn dự án xây dựng trạm không gian riêng. Trên khía cạnh lịch sử, người Nga vẫn là những người đi tiên phong và nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng kỹ thuật về các chuyến bay có người vào không gian. Đó là những thành tựu có được từ thời các cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Liên Xô cũ và thế giới phương Tây.

Có một thực thực tế dễ nhận thấy, như đánh giá của ông Florian Vidal, nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trên kênh truyền hình Pháp France 24, "ngày càng có ít các chương trình quốc tế trong không gian có sự tham gia của Nga trên tư cách là một đối tác chính và người ta chủ yếu nói nhiều đến các dự án của Mỹ hay của Trung Quốc". Đây là điều mà Moskva không thế chấp nhận.

Lĩnh vực không gian thực sự đóng một vai trò chính trị lớn đối với tổng thống Vladimir Putin. Đó là niềm tự hào, là sức mạnh của thời Liên Xô cũ để lại cho nước Nga mà ngày nay ông Putin luôn tỏ quyết tâm duy trì và phát huy những hào quang của quá khứ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa Nga và phương Tây lại bùng phát. Đó không chỉ là niềm tự hào hay uy tín của nước Nga. "Trước quyền lực mềm của Mỹ và việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để mở rộng trường ảnh hưởng, nước Nga nhằm vào lĩnh vực không gian như một thứ vũ khí ngoại giao", chuyên gia Florian Vidal nhận định.

Như thế một trạm không gian "made in Russia" có thể là một lá bài hấp dẫn trên bàn cờ gây ảnh hưởng của Moskva. 

Vấn đề đặt ra là với điều kiện hiện nay, Nga có khả năng thực hiện dự án tốn kém này hay không ? Đơn cử trường hợp trạm ISS, để có được như ngày nay các nước đã phải đầu tư vào tòa nhà khổng lồ trong không gian này 140 tỷ đô la, chưa kể chi phí vận hành hàng năm từ 3 đến 4 tỷ đô la. Phần lớn các chuyên gia trong lĩnh vực không gian đều cho rằng, về mặt kỹ thuật, từ nay đến năm 2030, người Nga hoàn toàn có khả năng xây dựng và đưa vào hoạt động trạm không gian riêng của họ. Còn lại là liệu Nga có tìm được nguồn tài chính cần thiết hay không khi mà từ năm 2014, đất nước này đang bị hàng loạt các trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tuy nhiên, Nga có thể chọn cách liên kết với Trung Quốc, nước có đủ tiềm lực kinh tế và cũng đang có tham vọng lớn trong cuộc chạy đua chinh phục không gian. Hồi tháng 3/2021, Moskva và Bắc Kinh đã thông báo dự định hợp tác xây dựng một trạm không gian trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo mặt trăng. Dù chưa có chi tiết thời điểm thực thi dự án nhưng đó đã là một dấu hiệu sự xích lại gần nhau trong lĩnh vực chinh phục không gian giữa hai nước, hiện đang là đối thủ mang tính hệ thống của Mỹ và nhiều nước phương Tây.

Như vậy trên bản đồ địa chính trị trong không gian sắp tới sẽ lại mang rõ hơi hướng thực tế đang diễn ra dưới bề mặt trái đất. 

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 26/04/2021

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế