Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi các chế độ toàn trị tìm cách chặn Internet

Các báo Pháp ra ngày 08/04/2021 vẫn tập trung vào những nỗ lực dập dịch Covid-19 ở Pháp cũng như Châu Âu. Tại Pháp lại dấy lên tranh cãi xung quanh quyền được chết. Trong khi đó, hồ sơ chính của nhật báo Le Monde đề cập đến thực trạng kiểm soát internet ở một số nước theo chế độ chuyên chế.

internet1

Trung Quốc lập hệ thống Internet riêng để dễ bề kiểm soát người dân trong nước : Ảnh minh họa. Reuters/Stringer

Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Trung Quốc, Nga, Iran : khóa chặt internet". Hồ sơ của tờ báo nêu lên một thực tế là ở các chế độ chuyên quyền độc tài đang có xu thế hạn chế dân chúng truy cập internet, thậm chí họ còn muốn thiết lập một hệ thống mạng riêng với thế giới bên ngoài. Le Monde đưa ra ba thí dụ điển hình. 

Trung Quốc thực tế từ hơn 20 năm nay đã tìm cách thắt chặt kiểm soát internet và trong tương lai sẽ còn siết thêm. Ở Iran, chính quyền đã tạo ra mạng nội bộ quốc gia nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chế độ. Nga thì tìm kiếm các phương tiện, cả về pháp lý cũng như kỹ thuật, để kiểm soát mạng xã hội nước ngoài và thậm chí còn sẵn sàng cắt tạm thời các dịch vụ mạng xã hội. Những cách làm như thế đang ngày càng lan sang nhiều nước.

Trong bài viết "Iran tăng tốc khóa internet trong lãnh thổ của mình", Le Monde cho hay, "mạng thông tin quốc gia - RNI", một loại mạng internet nội bộ, được chính quyền Tehran cho triển khai xây dựng từ năm 2012, đến nay đang dường như phát huy hiệu quả, và sẽ còn được chứng minh vào kỳ bầu cử tổng thống Iran vào 18/06 tới đây. Giới phân tích nhận định, trong trường hợp có biểu tình phản đối khi công bố kết quả bầu cử, một điều vẫn thường diễn ra ở những nước độc tài như Iran, thì chính quyền sẵn sàng cắt internet với thế giới, mà cuộc sống người dân trong nước không bị ảnh hưởng.

Với mạng thông tin nội bộ RNI, các trang internet của Iran phải chuyển về máy chủ trong nước. Chính quyền hoàn toàn có quyền tiếp cận các dữ liệu của người sử dụng không gian ảo ở Iran. Theo Le Monde, chính các trừng phạt của Hoa Kỳ, đặc biệt dưới thời tổng thống Donald Trump (2017-2021), đã tạo điều kiện để chính quyền toàn trị Iran thúc đẩy triển khai thành công hệ thống mạng nội bộ của họ. Ngay từ năm 2017, người sử dụng internet ở Iran đã không còn được tiếp cận các dịch vụ mạng của các công ty Mỹ như Amazon, Google hay Microsoft. Vì thế mà người Iran quay sang sử dụng dịch vụ do chính quyền áp đặt là đương nhiên.

Amir Ashidi, chuyên gia người Iran về an ninh tin học khẳng định : "chính sách áp lực tối đa (với Tehran) do chính quyền Trump thực thi đã đẩy người Iran vào vòng tay chế độ". Chính quyền Iran trong những năm qua đã nhiều lần cắt internet cục bộ hoặc toàn phần, mỗi khi có biến động chính trị. Họ dường như thành công với mạng nội bộ, cuộc sống của người dân không bị đảo lộn gì nhiều khi bị cắt mạng thông tin thế giới.

Trung Quốc : Chủ trương "chủ quyền mạng"

Trong khi đó ở Trung Quốc, Le Monde ghi nhận : 21 năm kể từ khi bắt đầu chính sách điều tiết internet, Trung Quốc sẽ còn gia tăng mạnh việc kiểm soát người sử dụng internet và các nhà cung cấp dịch vụ. Vào thời đầu tiên triển khai chiến lược quản lý internet, Trung Quốc còn là chú lùn về công nghệ, mới chỉ có 22 triệu người sử dụng internet, giờ đây con số này là 1 tỷ người và Trung Quốc đã có được những cái tên lớn trong lĩnh vực dịch vụ mạng như Alibaba, Tencent, Baidu (Bách Độ), có thể cạnh tranh với Valley Silicon của Hoa Kỳ.

Bí quyết của Trung Quốc, theo Le Monde, là thị trường mênh mông cùng với chủ trương "chủ quyền mạng" được Bắc Kinh triển khai rộng rãi từ năm 2010 mà chủ yếu trên 2 khía cạnh : Áp đặt luật chơi riêng, kiểm soát khắt khe các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, đồng thời tăng tốc phát triển công nghệ dịch vụ số ở trong nước. Trong tương lai, với đà phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo của mình, Trung Quốc sẽ càng có thêm công cụ để kiểm soát chặt hơn nữa thông tin và hệ thống mạng internet, theo Le Monde.

Một câu hỏi được tờ báo đặt ra là "mô hình Trung Quốc" này liệu "có thể xuất khẩu" ra nước ngoài ? Theo các chuyên gia được tờ báo trích dẫn, nếu có thì chỉ một số khía cạnh. Khái niệm chủ quyền mạng khá mơ hồ, có thể là đóng cửa biên giới công nghệ số như Bắc Triều Tiên đã làm hay Việt Nam muốn làm…

Theo Rogier Creemers, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc đại học Leyde – Hà Lan, "với nhiều nước, Trung Quốc đã bắt đầu là hình mẫu và họ chú ý quan sát xem cái gì ổn, cái gì không ổn trong mô hình của Trung Quốc".

Còn với Nga, nước này đã ý thức được mức độ nguy hiểm đối với chế độ toàn trị khi để "thả rông" internet. Theo Le Monde, vẫn là mục đích kiểm soát không gian mạng nhân danh "chủ quyền", song song với việc tìm kiếm một hệ thống mạng riêng, chính quyền của Vladimir Putin thúc đẩy xây dựng hệ thống pháp luật cho phép ngăn chặn, xóa sổ các mạng xã hội, bởi vì dường như các biện pháp kỹ thuật, mà chính quyền muốn dùng để chặn các mạng xã hội, tỏ ra không hiệu quả. Đến nay, Moskva đã trang bị được một kho công cụ pháp lý lớn để có thể kiểm soát các hoạt động internet.

Covid 19 : Châu Âu vẫn loay hoay với vac-xin AstraZeneca

Chuyển qua chủ đề khủng hoảng Covid-19. Trong khi đại dịch Covid-19 đã làm 2,87 triệu người chết trên thế giới, trong đó có 97 nghìn người tại Pháp, cuộc chạy đua đạt miễn dịch cộng đồng với virus corona, chủ yếu nhờ vào các loại vac-xin, tiếp tục tăng tốc. Vấn đề hiệu ứng phụ của vac-xin AstraZeneca lại nổi lên ở Châu Âu.

Nhật báo Le Figaro hôm 07/04 cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) lần đầu tiên thừa nhận vac-xin AstraZeneca có thể gây ra những "vấn đề rất hiếm về tuần hoàn máu ở một số người" tiêm loại vac-xin này. Tuy nhiên "Cơ quan Châu Âu vẫn duy trì tin cậy vào vac-xin AstraZeneca", với lập luận cho rằng cán cân lợi-hại vẫn nghiêng nhiều về phần lợi. Vẫn là để trấn an người sử dụng. Theo các chuyên gia của EMA, nguy cơ bị đông máu đến thời điểm này được thẩm định chỉ là 1 trên 100 nghìn trường hợp. 

Theo số liệu thống kê đến ngày 04/04, đã có 169 trường hợp bị đông máu não và 53 trường hợp bị đông động mạch, trên tổng số 34 triệu người đã được tiêm vac-xin AstraZeneca. Nói cách khác, "cứ theo các con số đó thì nguy cơ chết vì Covid-19 nếu không có vac-xin cao hơn rất nhiều so với nguy cơ tử vòng do tiêm vac-xin", Le Figaro nhận xét. Sau kết luận của EMA, y tế Pháp đã khyến cáo chỉ định đối tượng tiêm vac-xin AstraZeneca từ trên 55 tuổi lên trên 60 tuổi. Trong khi ở Anh, cơ quan y tế chỉ khuyến cáo không dùng vac-xin AstraZeneca cho những người dưới 30 tuổi.

Nhật báo Les Echos nhận định qua hàng tựa trang nhất : "Vac-xin AstraZeneca : Các nước Châu Âu đau đầu". Theo tờ báo, kết luận của EMA có nguy cơ làm gia tăng mối hoài nghi ngày càng lớn trong dân chúng vào loại vac-xin này. Trong khi đó, đã có không ít các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã cho tạm ngừng sử dụng vac-xin AstraZeneca. Chủ yếu các trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm mũi đầu tiên. Số người tiêm liều thứ 2 vẫn còn rất ít. EMA đến lúc này nói chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu ứng của liều thứ 2. Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu cũng ghi nhận các trường hợp bị đông máu liên quan đến phụ nữ tuổi dưới 60 nhiều hơn, nhưng vẫn khẳng định đó chỉ là hiện tượng, chưa thể rút ra kết luận khoa học. Trong hoàn cảnh này, EMA không ra khuyến cáo đặc biệt nào về độ tuổi đối tượng được tiêm. Việc này dành cho từng nước quyết định. Vấn đề sẽ trở nên khó với nước Pháp, theo Les Echos, nâng tuổi đối tượng lên trên 60 tuổi sẽ làm rút số lượng người sử dụng loại vac-xin này. Trong khi không có thuốc chủng của AstraZeneca, Pháp không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người vào giữa tháng 5. Đến tháng 4 này, vac-xin AstraZeneca vẫn chiếm 25% tổng số liều vac-xin các loại được giao cho Pháp.

Vẫn là liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19 của Pháp, Le Figaro đề cập đến tình trạng thiếu giường hồi sức cấp cứu trầm trọng, từ làn sóng dịch đầu tiên, vẫn không được cải thiện. Trong bài phóng sự : Hồi sức tăng cường, điểm đen cố hữu của khủng hoảng, Le Figaro cho thấy từ một năm nay, sau làn sóng dịch thứ nhất, mặc dù chính phủ đã hứa hẹn nhiều, nhưng số lượng giường hồi sức tích cực không hề được cải thiện gì. Đến đợt dịch thứ 3 này, các bệnh viện ở Pháp tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng hơn.

Pháp : Cần luật về quyền được chết thanh thản

Một vấn đề xã hội khác của Pháp được các báo Pháp đăng tải nhiều liên quan đến dự luật về quyền được chết, hôm nay được đưa ra bàn tại Quốc hội. Vấn đề quyền được chủ động chết thanh thản đối với những người bệnh nan y, lâm vào tình trạng sống thực vật hay sống trong đau đớn kéo dài lại được đặt ra nhiều tranh luận trong dư luận Pháp. Người ủng hộ đông và người chống lại cũng không kém. Bên ủng hộ thì cho rằng đó là nhân đạo, giúp người bệnh nan y thoát khỏi đau đớn. Bên chống thì cho rằng đó là hình thức hỗ trợ tự tử…

Libération chạy tựa chính trang nhất : "Luật về kết thúc cuộc sống : Đã đến lúc". Tờ báo cho hay, đã 23 năm qua, đã có không ít các báo cáo liên quan, nhưng tranh luận về dự luật này vẫn không có tiến bộ nào. Các tranh luận liên quan đến vấn đề quyền được chết thanh thản vẫn là chủ đề rất nhạy cảm, thi thoảng lại nổi lên, nhưng chưa bao giờ có câu trả lời cuối cùng của các nhà lập pháp. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix đưa ra thí dụ ở Bỉ. Tại nước láng giềng của Pháp này, từ 19 năm nay việc tình nguyện được tiêm thuốc độc kết thúc cuộc sống đau đớn đã được thực hiện dưới sự bảo vệ của pháp luật. Xã luận của Le Monde thì cho rằng rất cần thiết phải có một bộ luật về vấn đề quyền được kết thúc cuộc sống, dù đây là vấn đề rất nhạy cảm và cần sự thận trọng. Nhưng nếu không, sẽ có ngày người Pháp sẽ lại phải tìm sang Bỉ hay Thụy Sĩ để giải thoát khỏi nỗi đau tuyệt vọng.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế