Ý chính thức tham gia dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc (RFI, 23/03/2019)
Hôm 23/03/2019, tại Roma, chính phủ Ý đã ký kết với Trung Quốc một nghị định thư về thỏa thuận xây dựng các cơ sở hạ tầng trong dự án toàn cầu do Bắc Kinh chủ trì, thường gọi là "Con đường tơ lụa mới".
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung San (Zhong San) và bộ trưởng Lao Động và Công Nghiệp Ý Luigi Di Maio ký thỏa thuận thương mại tại Roma, ngày 23/03/2019. Reuters/Yara Nardi
Theo các nguồn tin chính phủ Ý, nhiều hợp đồng song phương đã được ký kết với tổng trị giá 20 tỉ euro, con số cao hơn nhiều so với 5 tỉ đô la, được báo chí nêu ra. Ý là quốc gia đầu tiên của nhóm G7, bao gồm 7 quốc gia công nghiệp phát triển tham gia vào dự án khổng lồ nói trên của Bắc Kinh, bất chấp sự bất đồng của các đối tác phương Tây khác.
Thông tín viên Anne Treca tường trình từ Roma :
Trước hết hai bên ký kết bản ghi nhớ quan trọng. Roma và Bắc Kinh cam kết tạo điều kiện cho các công trình xây dựng và cơ sở hậu cần cần thiết cho dự án Con Đường Tơ Lụa tại Ý và những nơi khác, trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển.
Roma hứa hẹn mở các cánh cửa Châu Âu cho Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường Trung Quốc cho Ý. Khoảng 30 hợp đồng trong một số lĩnh vực cụ thể đã được ký kết giữa hai nước. 60 lãnh đạo doanh nghiệp đi cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có nhiều tập đoàn lớn ngành xây dựng, đường sắt, điện lực.
Sau Hy Lạp, đến lượt các cảng biển của nước Ý, Trieste và Genoa, trở thành đối tượng chinh phục của Trung Quốc. Thông báo về vấn đề này sắp được đưa ra. Bắc Kinh hứa tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Ý hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt về khả năng huy động vốn tại thị trường trái phiếu Trung Quốc. Người ta cũng nói đến việc xuất khẩu cam của nước Ý, đào tạo cầu thủ cũng như báo chí tiếng Ý.
Tuy nhiên, liệu lợi ích của hai bên có cân bằng ? Đây chính là nỗi lo mà tổng thống Ý Matterala bày tỏ ngày hôm qua trong buổi dạ tiệc với đoàn Trung Quốc, với nhận xét : "Hãy làm sao để cho Con Đường Tơ Lụa không phải là con đường một chiều !".
Trọng Thành
***************
Tập Cận Bình gây chia rẽ chính phủ Ý với dự án Con đường tơ lụa mới (RFI, 22/03/2019)
Đến Roma tối 21/03/2019, chủ tịch Trung Quốc được long trọng đón tại phủ tổng thống Ý sáng 22/03. Ý là chặng đầu tiên trong chuyến công du một số nước Châu Âu của ông Tập Cận Bình để bảo vệ dự án khổng lồ "Con đường tơ lụa mới" do chính ông khởi xướng năm 2013.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổng thống Ý Sergio Mattarella đón tiếp tại Roma, ngày 22/03/2019. Reuters/Remo Casilli
Sau lễ đón long trọng, ông Tập Cận Bình hội đàm với tổng thống Ý Sergio Mattarella tại điện Quirinale. Sau đó, ông Tập sẽ thăm Nghị Viện Ý, một số di tích ở Roma và có thể đến thành phố cảng Palermo trên đảo Sicilia.
Ngoài khoảng 15 thỏa thuận hợp tác có thể được hai bên ký kết, ngày 23/03, chủ tịch Trung Quốc chính thức ký với thủ tướng Ý Giuseppe Conte biên bản ghi nhớ việc Ý tham gia sáng kiến "Vành đai - Con đường". Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đầu tư vào các cảng biển ở Ý, trong đó có cảng Trieste trên biển Adriatic, nhằm tăng cường xuất khẩu của Trung Quốc vào Châu Âu.
Theo AFP, dự án Con đường tơ lụa mới này đang chia rẽ chính phủ Ý, nằm trong tay phe cực hữu và dân túy. Ông Matteo Salvini (lãnh đạo đảng cực hữu Liên Đoàn), phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng bộ Nội Vụ, đã từ chối lời mời dự tiệc chiêu đãi chủ tịch Trung Quốc do tổng thống Mattarella tổ chức. Ông cũng tỏ ra thận trọng về khả năng tập đoàn Hoa Vi tham gia vào việc triển khai hệ thống mạng 5G dành cho điện thoại di động ở Ý.
Ngược lại, phó thủ tướng Luigi Di Maio (đứng đầu Phong Trào 5 Sao) lại ủng hộ thỏa thuận với Trung Quốc vì theo ông, đã đến lúc phải nói "nước Ý trước đã" trong quan hệ ngoại thương. Ông cũng trấn an rằng một cơ chế kiểm soát sẽ được thành lập để ngăn ngừa mọi âm mưu tình báo từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò cứu tinh cho hãng hàng không Ý Alitalia đang nằm dưới sự quản lý đặc biệt từ năm 2017. Theo Reuters, khả năng này được ông Michel Geraci, quốc vụ khanh Ý đặc trách Công Nghiệp, nêu lên khi trả lời đài truyền hình Sky Italia.
Thu Hằng
********************
Pháp thúc đẩy chiến lược dùng sức Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Trung Quốc (RFI, 22/03/2019)
Trong lúc mọi người đang cố đoán xem tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nói gì với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp lãnh đạo Bắc Kinh ghé Paris vào tuần tới, thì hôm 21/03/2019, Điện Elysée thông báo là ngày 26/03 tới đây, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Paris với ông Tập Cận Bình, ngoài tổng thống Pháp, còn có thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Bắc Kinh, nhân chuyến thăm Trung Quốc ngày 08/01/2018 Reuters/Charles Platiau
Đối với giới phân tích, sáng kiến của ông Macron là thể hiện quyết tâm của Pháp, muốn củng cố một mặt trận thống nhất của toàn Liên Hiệp Châu Âu để có sức đối phó với đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh một thành viên nặng ký của Liên Hiệp Châu Âu là Ý lại xé lẻ đi theo Bắc Kinh.
Thông cáo về cuộc họp 3+1 dĩ nhiên có lời lẽ hết sức ngoại giao để khỏi đụng chạm Trung Quốc, xác định rằng cuộc họp chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm "những điểm tương đồng" giữa Châu Âu và Trung Quốc, và "giải thích" với Bắc Kinh về chiến lược của Châu Âu.
Thế nhưng, chủ trương của Pháp dùng đa phương chống song phương, dùng sức mạnh tập thể của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu để đương cự lại Trung Quốc đã hiển hiện trong nhận định từ phủ tổng thống Pháp, theo đó "cuộc thảo luận phải diễn ra ở cấp Châu Âu, chứ không chỉ đơn phương từ phía Pháp".
Bản thân tổng thống Pháp, trong nhưng ngày gần đây, đã không ngần ngại cổ vũ các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hợp lực với nhau để có một đối sách thỏa đáng với Trung Quốc.
Vào hôm qua, 21/03, khi đến Bruxelles tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu trong đó vấn đề quan hệ với Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, ông Macron đã hoan nghênh "sự thức tỉnh" của Châu Âu liên quan đến vấn đề Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Pháp nhắc lại rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã kêu gọi mọi người nhận thức thực sự về nhu cầu bảo vệ chủ quyền của Châu Âu, và rốt cuộc Châu Âu đã có được nhận thức rõ "về những chủ đề quan trọng như Trung Quốc".
Sự "thức tỉnh" mà tổng thống Pháp nói đến là một danh mục dài các yêu cầu mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ gởi đến phía Trung Quốc nhân Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc vào tháng Tư tới đây, đề nghị Bắc Kinh có biện pháp tích cực nhằm giải tỏa những nỗi bất mãn ngày càng tăng tại nhiều nước Châu Âu về cách hành xử của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo Châu Âu cũng nghĩ đến một loạt biện pháp để bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu tốt hơn trước các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Trong số các biện pháp này có cơ chế mua sắm quốc tế mới để bảo đảm nguyên tắc có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường mua sắm ở nước ngoài, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Pháp là một trong những nước bảo vệ mạnh mẽ nhất cho việc thiết lập cơ chế đó.
Nhìn chung, sáng kiến tập hợp hai nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng với Ủy Ban Châu Âu – tức là cơ chế hành pháp của Liên Âu – để thảo luận với Trung Quốc về quan hệ Châu Âu-Trung Quốc là một cách để cho Bắc Kinh thấy là không nên xem thường quyết tâm của Châu Âu trong việc yêu cầu Trung Quốc sửa đổi cách làm ăn.
Đó cũng là một thông điệp gởi đến những nước như Ý, phớt lờ Châu Âu để quan hệ riêng với Trung Quốc, bất chấp rủi ro là sẽ rơi vào thế yếu và bị Trung Quốc lấn lướt. Chính quyền Rôma như đã thấy rõ thông điệp này. Theo hãng tin Ý AGI, chính phủ Ý không hoan nghênh chút nào hội nghị thượng đỉnh nhỏ của bộ ba Châu Âu với chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba tới đây.
Trọng Nghĩa
******************
Ý mở rộng cửa đón Trung Quốc bất chấp cản lực từ Mỹ và Liên Âu (RFI, 22/03/2019)
Tại sao Ý cứ tiến bước trên Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc bất chấp phản đối của Mỹ và thái độ dè dặt của đồng minh Châu Âu ? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh hôm nay, 22/03/2019 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức thăm Ý và hai nước ký thỏa thuận về việc Ý tham gia dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường" của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, lúc đến phi trường Fiumicino, Roma. Ảnh 21/03/2019. Reuters/Yara Nardi
Trong một bài phân tích ngày 21/03, nhật báo Anh Financial Times đã thử tìm hiểu lý do thúc đẩy nước Ý bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo của đồng minh để chạy theo Trung Quốc. Đối với tờ báo, hành động của Rôma đang làm dấy lên những mối quan ngại sâu sắc từ cả Washington lẫn Bruxelles.
Tính chất hệ trọng của sự kiện đã được Financial Times nêu bật với ghi nhận rằng Ý là thành viên đầu tiên của nhóm G7 – tức 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới - chính thức tham gia sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Bắc Kinh.
Ý định của Rôma, khi bị tiết lộ, đã khiến cho các đồng minh truyền thống của Ý phải sững sờ, đặc biệt là Hoa Kỳ, hiện đang có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trên bình diện thương mại.
Còn đối với Châu Âu, trong bối cảnh chính phủ liên minh dân túy-cực hữu tại Rôma đang đối đầu với Bruxelles về ngân sách quốc gia và nhập cư, việc nước Ý bám vào Trung Quốc đặt ra câu hỏi phải chăng đó là dấu hiệu về sự chuyển hướng lâu dài của nền ngoại giao Ý.
Theo Financial Times, chuyến công du nước Ý của ông Tập Cận Bình là dịp để Trung Quốc thâm nhập vào một loạt những lãnh vực mà Liên Hiệp Châu Âu xem là chiến lược.
Trong một bài xã luận công bố trước ngày lên đường qua Ý, chủ tịch Trung Quốc cho biết ông hy vọng hai nước sẽ có thể hợp tác trong các lãnh vực hải cảng, vận tải biển, viễn thông và dược phẩm trên tinh thần "cả hai bên đều có lợi".
Theo dự đoán của nhật báo Anh, kết quả thấy trước của việc xích lại gần nhau giữa Ý và Trung Quốc, là sự hiện diện của Bắc Kinh trong những địa hạt mà Liên Hiệp Châu Âu cho là chiến lược, mà nổi bật nhất là các hải cảng của Ý, cụ thể là việc Trung Quốc tăng phần hùn trong hai cảng Trieste và Genoa, cũng như các thỏa thuận với các đại tập đoàn công nghiệp và ngân hàng Ý.
Tất cả những điều trên lại xẩy ra đúng vào lúc mà Bruxelles đang gia tăng việc giám sát đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp Châu Âu.
Tại sao Ý không sợ làm cho Châu Âu và đồng minh bất bình ?
Financial Times đã tìm cách giải thích vì sao nước Ý ngày nay lại có thể phớt lờ phản ứng bất bình của các đồng minh thân thiết của mình khi chạy theo Trung Quốc.
Theo tờ báo, các chính quyền Ý trước đây cũng từng cố xích lại gần Trung Quốc, nhưng không dám phá vỡ sự đoàn kết trong khối G7 bằng cách xé lẻ, tham gia sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Tuy nhiên, chính quyền liên minh ở Rôma giữa phe dân túy của Phong Trào 5 Sao và Liên Đoàn Phương Bắc cực hữu đã có một cách tiếp cận khác về đối ngoại từ khi lên cầm quyền vào năm ngoái, 2018.
Lãnh đạo của hai đảng trên đã luôn cho thấy Ý muốn phớt lờ quy ước ngoại giao cũng như bất chấp nguy cơ làm cho các đồng minh bất bình. Matteo Salvini, lãnh đạo Liên Đoàn đã xây dựng hình ảnh chính trị của mình qua những đòn tấn công mãnh liệt nhắm vào Bruxellles và Paris về chính sách di dân, nhập cư. Còn lãnh đạo phong trào 5 Sao, Luigi Di Maio, đã gây ra căng thẳng ngoại giao với Paris vào đầu năm nay khi gặp các lãnh đạo trong phong trào Áo Vàng, khiến Pháp triệu hồi đại sứ ở Rôma để phản đối.
Cho dù hai lãnh đạo trên có quan điểm khác nhau về mức đầu tư của Trung Quốc vào Ý, nhưng họ giống nhau ở chỗ không mấy e ngại làm phật lòng đồng minh của mình. Việc đối đầu với Ủy Ban Châu Âu trên vấn đề ngân sách vào năm ngoái đã khiến chính quyền Ý quyết tâm hơn trong việc tìm nguồn tài chính và đầu tư mới.
Lãnh đạo trong hai đảng cầm quyền này đã đặt trọng tâm cổ vũ cho sản phẩm gọi là "made in Italy" xem như then chốt cho kinh tế Ý. Trung Quốc được công nhận là một trong những thị trường quan trọng nhất nói chung cho những ngành như thời trang, hàng xa xỉ, thực phẩm mà Ý rất nổi tiếng.
Trước chuyến viếng thăm, chủ tịch Trung Quốc đã nêu bật sự mến chuộng sản phẩm Ý của người Trung Quốc như một nét văn hóa quan trọng gắn liền hai nước khi nói rằng : "Made in Italy đã trở thành đồng nghĩa với sản phẩm chất lượng cao, thời trang và đồ nội thất Ý hoàn toàn hợp sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc, thanh niên Trung Quốc rất thích pizza và tiramisu».
Tuy nhiên, theo Financial Times Nội bộ chính phủ Ý không nhất trí với nhau trong việc xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Trong lúc thủ tướng Giuseppe Conte và ông Di Maio hoan nghênh quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc như là một thắng lợi lớn đối với chính quyền Ý, thì ông Salvini dè dặt hơn.
Từ khi Ý có kế hoạch tham gia Con đường tơ lụa mới, ông Salvini đã luôn cảnh báo là những ngành công nghiệp chiến lược, nhạy cảm của Ý phải được bảo vệ.
Vào đầu tháng này ông đã nói : "Các dữ liệu của người Ý, phải ở lại tại Ý, do các định chế Ý kiểm tra. Tôi không muốn dữ liệu điện thoại di động của tôi lại bị chuyển sang Bắc Kinh. An ninh phải đi trước mọi lý do kinh tế".
Ông Salvini bị đặt trong thế khó xử vì ông muốn xây dựng quan hệ gần gủi hơn với tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi mà ông Trump cho đến lúc này vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
Con đường tơ lụa đầy rủi ro của Ý
Quyết định của chính phủ Ý tiến bước trên con đường tơ lụa của Trung Quốc tuy nhiên đã bị đánh giá là đầy rủi ro. Theo giáo sư kinh tế thế giới Paola Subacchi thuộc trường Đại Học Queen Mary (Luân Đôn), cho dù quan hệ sâu hơn về đầu tư và thương mại với Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế đình trệ của Ý, nhưng Rôma nên quan hệ với Bắc Kinh trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu, chứ không nên tiến hành song phương với Trung Quốc.
Trong bài phân tích "Con đường tơ lụa đầy rủi ro" đăng trên trang mạng Project Syndicate ngày 20/03, giáo sư Subacchi nhắc lại đánh giá của thủ tướng Ý Giuseppe Conte, cho rằng Ý phải nhảy lên con tàu Trung Quốc vì kế hoạch hàng tỷ đô la hạ tầng cơ sở là "cơ may" đối với nước Ý.
Đối với bà Subacchi, chưa nói gì đến việc gây tổn hại đến quan hệ với các đồng minh Châu Âu và Mỹ, riêng việc mở cửa cho đầu tư Trung Quốc vào nước Ý cũng hàm chứa nhiều rủi ro đối với Rôma.
Đúng là việc dấn thân sâu hơn vào thương mại với Trung Quốc là điều hiển nhiên đối với Ý, vào lúc mà tăng trưởng kinh tế của Ý chưa bao giờ thấp như thế từ cuối thập niên 1990, và dự kiến còn xuống thấp nữa, từ 1% năm 2018, xuống 0,2% năm nay. Trong lúc đó thì Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, ngày càng đầu tư nhiều ở nước ngoài và đang điều chỉnh mô hình tăng trưởng, hướng về tiêu thụ nội địa.
Với kim ngạch thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia BRI, ước lượng hơn 2.500 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới, quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể thúc đẩy xuất khẩu của Ý. Hơn nữa, khi làm đối tác của Trung Quốc, Ý sẽ thu hút được thêm nguồn vốn mà Ý đang rất cần…
Ý đã nhận 14 tỷ euro đầu tư của Trung Quốc từ năm 2000, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư 10,5 tỷ euro vào 55 quốc gia thuộc sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, và đã ký những hợp đồng trị giá hơn 80 tỷ đô la trong khuôn khổ đề án này.
Những lý do khiến Ý nên thận trọng…
Tuy nhiên, theo giáo sư Subacchi, có nhiều lý do quan trọng mà Ý không nên đi một mình, mà nên tham gia Con đường tơ lụa mới với tư cách một thành phần của Chiến Lược Châu Âu 2016 về Trung Quốc.
Trước hết, là quyền lợi của Ý có thể không trùng hợp với quyền lợi của Trung Quốc. Con Đường Tơ Lụa là chiến lược nhằm cung cấp thị trường ở nước ngoài cho các công ty Trung Quốc, là kênh cung cấp nguồn lợi thông qua các trung tâm tài chính quốc tế và cơ sở quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ. Những mục tiêu đó chưa hẳn đã phù hợp với quyền lợi của Ý.
Lý do thứ hai là Ý sẽ chỉ là một đối tác thứ yếu, tầm vóc kinh tế quá nhỏ so với Trung Quốc, lớn hơn gấp 6 lần. Ý lại đang yếu kém, nợ công lên 130% GDP, các công ty Ý gặp khó khăn, kể cả những tập đoàn hàng đầu như hãng hàng không Alitalia, cần tái cấu trúc và vốn mới. Cho nên Ý khó có thể có quan hệ đối tác bình đẳng với Trung Quốc.
Những điều đáng lo khác nằm ở vấn đề thực hiện đề án : Trung Quốc đã khởi động Con Đường Tơ Lụa từ nhiều năm qua, nhưng khuôn khổ chung chưa định rõ, mục tiêu mập mờ, quản lý không rõ ràng và thay vì được nâng đỡ thông qua các định chế đa phương mà Trung Quốc cầm đầu như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á AIIB hay New Development Bank, thì sáng kiến này dựa trên các thỏa thuận song phương với Trung Quốc cũng như các quan hệ đối tác trực tiếp và liên doanh với công ty Trung Quốc mà phần lớn là các tập đoàn nhà nước.
Một rủi ro thứ tư là bản thân Ý là một nước có định chế kém cỏi, có nhiều định chế tư nhân và nhà nước điều hành tồi, hệ thống thuế khập khiễng, tham nhũng tràn lan, đứng hàng 53 trong bảng xếp hạng của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế, thấp xa các nền kinh tế chủ yếu của Châu Âu. Do đó, Ý ở trong vị thế không thể đòi hỏi Trung Quốc tuân theo quy củ của Châu Âu. Châu Âu đang quan ngại trước việc nhiều tập đoàn Trung Quốc trong tay nhà nước lũng đoạn thị trường, cạnh tranh bất chính.
Rủi ro cuối cùng là vấn đề gián điệp mạng cũng như những hành động mờ ám, sai lệch khác của các tác nhân Trung Quốc sẽ phá hoại uy tín các công ty Ý trong các lãnh vực như thông tin và viễn thông, hạ tầng cơ sở và quốc phòng.
Có điều là, theo giáo sư Subacchi, tâm lý nghi kỵ đối với Châu Âu đã che mắt nhiều người trong giới lãnh đạo Ý, không thấy những rủi ro cũng như thực tế là nước Ý cần đến tất cả bạn bè ở Bruxelles.
Mai Vân