Con tin : Món hàng mặc cả của Iran trong đàm phán quốc tế ?
Hệ quả của virus corona đối với chính trị và kinh tế Trung Quốc ; Khủng hoảng chính trị tại Đức ; Bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở New Hampshire… là những chủ đề quốc tế được các nhật báo Pháp ngày 11/02/2020 khai thác rộng rãi.
Hai nhà khoa học Pháp, nhà nhân chủng học Fariba Adelkhah và nhà chính trị học Roland Marchal, bị Iran giam giữ từ 9 tháng qua. Sciences Po
Tuy nhiên, điều làm cho nước Pháp lo lắng nhất là "Vũ khí con tin của Iran", như hàng tít lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix. Bởi vì, ngày hôm nay, tại Paris diễn ra một cuộc tập hợp thầm lặng để đòi chính quyền Tehran trả tự do cho bà Fariba Adelkhah và Roland Marchal, bị bắt tại Iran khi về thăm người thân.
Cả hai đều là nhà nghiên cứu khoa học của Pháp : Fariba Adelkhah, nhà nhân chủng học gốc Iran, còn Roland Marchal lại là một nhà chính trị học và chuyên gia về Vùng Sừng Châu Phi. Họ bị bắt vì lý do gì ? Thật sự không ai biết ngoài những cáo buộc do chính quyền do Tehran đưa ra : "tuyên truyền chống chế độ" hay có "âm mưu gây hại an ninh quốc gia". Những cáo buộc mà các đồng nghiệp của hai nhà khoa học đánh giá là "nực cười và thậm chí quá đáng".
Làm thế nào để hai nhà nghiên cứu được trả tự do ? Đây quả thật là một bài toán hóc búa cho chính phủ Pháp. Bởi vì, kẻ bắt giữ họ là một Nhà nước chứ không phải là một "nhóm khủng bố". Do vậy, như nhận định của ông Jean-François Bayart, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Sciences Po, nơi bà Fariba Adelkhah công tác "chắc chắn tài chính không là vấn đề mặc cả".
Trao đổi tù nhân ?
Vậy thì vì mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp được La Croix trích dẫn đưa ra hai giả thuyết : Thứ nhất là lực lượng Vệ binh Cộng hòa muốn cản trở ý đồ nối lại đàm phán giữa nguyên thủ Pháp với tổng thống Hassan Rohani, kể từ khi Hoa Kỳ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015.
Giả thuyết thứ hai là có thể sử dụng hai nhà nghiên cứu này như là một món hàng để trao đổi. Jean-François Bayart giải thích : "Các nhà ngoại giao chưa có gì là chắc chắn cả, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy yếu tố khởi động là vụ bắt giữ một kỹ sư người Iran, đầu tháng Hai ở Nice. Có nhiều thông điệp thể hiện rõ ý đồ này".
Ông Jalal Rohollahnejad, 41 tuổi, bị bắt khi vừa đặt chân đến Pháp ngày 02/02/2019. Người này là đối tượng truy nã của Mỹ, bị cáo buộc có âm mưu xuất khẩu các thiết bị tin học cho một doanh nghiệp Iran trực thuộc Vệ bnh Cách mạng. Hiện tư pháp Pháp đang hoàn tất các thủ tục để cho dẫn độ sang Mỹ.
Nếu như giả thuyết này đúng, đây cũng không phải là lần đầu tiên nước Pháp có kiểu thỏa thuận này. Năm 2010, tuy nước Pháp không thừa nhận công khai, nhưng kẻ ám sát cựu thủ tướng Chapour Bakhtiar dưới thời vua Iran Mohammad Reza Pahlavi (16/09/1941-11/02/1979) đã bị trục xuất khỏi nước Pháp hai ngày sau khi nữ sinh viên Clotilde Reiss được trả tự do sau gần một năm bị Tehran giam giữ.
Trở lại với trong trường hợp của hai nhà nghiên cứu Pháp, cái khó của chính quyền Paris hiện nay là làm thế nào vượt qua được cấp độ tổng thống Rohani và ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif để đối thoại với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Nếu như tổng thống và ngoại trưởng Iran quen thuộc với các tiếp xúc bên ngoài chừng nào, thì Vệ binh Cách mạng lại thiếu kinh nghiệm trường quốc tế đến ngần ấy.
Hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, theo quan điểm của Olivier Roy, Vệ binh Cách mạng không có được vị thế tốt nhất để đàm phán. Có thể nói, cuộc đàm phán lần này giữa Paris và Tehran dự báo đầy cam go trong khi hai nhà khoa học Pháp bắt đầu bước sang tháng giam cầm thứ 9.
Virus Corona : "Thiên mệnh" của Tập Cận Bình bị lung lay ?
Diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra tiếp tục được các báo Pháp cập nhật thông tin. Les Echos nói đến "hy vọng hoạt động trở lại thật ngắn ngủi".
Các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai 10/02, nhưng vẫn còn rất cầm chừng. Lo ngại sự trở về ồ ạt của hàng triệu người lao động (riêng tại Bắc Kinh là 8 triệu người), nhiều thành phố lớn khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc ở nhà để tránh cảnh tụ tập và di chuyển đông đúc. Nói một cách khác, "Vì virus corona : Trung Quốc vẫn ngừng trệ bất chấp thông báo làm việc chính thức trở lại", tựa trên Le Figaro.
Đây cũng là một "tuần lễ của mọi sự nguy hiểm", Le Monde nhận định. Bởi vì, việc Tổ chức Y tế Thế gGiới (WHO) gởi một phái đoàn chuyên gia đến Bắc Kinh cho thấy là với WHO, tình hình ở Trung Quốc vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó người dân bắt đầu lo lắng : Dịch bệnh là một phần, nhưng còn công ăn việc làm, vấn đề tài chính…
Đối với chính quyền, thách thức không chỉ là vấn đề vệ sinh dịch tễ hay kinh tế nữa, mà còn mang tầm cỡ chính trị. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám người báo động đầu tiên, bị công an trừng phạt đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích bất chấp các biện pháp kiểm duyệt.
Phải chăng dịch virus corona còn là cơ hội để người dân Trung Quốc đứng lên đòi hỏi tự do ngôn luận và thông tin ? Không rầm rộ xuống đường như tại Hồng Kông nhưng cũng không kém phần sôi sục trên các trang mạng xã hội. Hai bức thư ngỏ đòi tự do ngôn luận được các nhà trí thức tại một đại học có uy tín ở Bắc Kinh và các giáo sư ở Vũ Hán đăng trên mạng xã hội đã được hàng triệu người xem trước khi bị bộ máy kiểm duyệt xóa bỏ.
Le Figaro tự hỏi : "Phải chăng Tập Cận Bình đang đánh mất thiên mệnh ?" Reanaud Girard, tác giả bài báo nhìn nhận "Việc trở lại với chế độ chuyên chế Mao-ít sẽ không gây ra vấn đề gì chừng nào Bắc Kinh vẫn sẽ còn gặt hái được những thành công về kinh tế và địa chính trị từ chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới. Nhưng hậu quả xã hội của dịch bệnh hiện nay có nguy cơ làm thay đổi tất cả".
Nhìn lại những sự kiện trong thời gian qua, việc thâu tóm quyền lực đã giúp ông Tập làm được những gì ? Chẳng được gì cả và còn bị phản tác dụng nữa. Hồng Kông nổi dậy chống sự áp đặt của Bắc Kinh. Đài Loan bầu chọn một tổng thống chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống ý đồ sáp nhập với đất mẹ Hoa Lục. Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng chưa đi tới đâu. Giờ đây thêm một Lý Văn Lượng, biểu tượng cho tự do ngôn luận.
Liệu Bắc Kinh hay đúng hơn Đảng cộng sản Trung Quốc có sẵn sàng nới lỏng bàn tay sắt ? Liệu rằng Tập Cận Bình có chấp nhận quay trở về với hình thức lãnh đạo tập thể như trước hay không ? Liệu ông có khuyến khích phân quyền cho phép thành lập một nhà nước pháp quyền hay không ? Tập Cận Bình có sẽ áp dụng các quyền về con người và công dân như quy định trong Hiến Pháp hay không ? Hay ngược lại người ta sẽ phải chứng kiến chế độ siết chặt bàn tay kiểm soát một khi dịch bệnh đã đi qua ?
Ngần ấy câu hỏi Le Figaro đặt ra để rồi cho rằng Tập Cận Bình đang đối mặt với một chọn lựa mấu chốt. Trước khi kết thúc bài viết, Renaud Girard tự hỏi : Một chế độ mà đã bị mất đi sự ủng hộ nhiệt thành của người dân thì có thể tồn tại được trong bao lâu ? Chưa ai có được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng tại Nga, chủ nghĩa Lenin chỉ sống sót được có 60 năm mà thôi.
Đức : Quyền lực Angela Merkel bị "lâm nguy"
Tại Đức, chính trường bị rúng động sau khi AKK – tên gọi tắt của bà Annegret Kramp-Karrenbauer – tuyên bố sẽ rời chức chủ tịch đảng CDU trong những tháng sắp tới, một khi người kế nhiệm đã được chọn.
Với thông báo này, xem như "AKK" cũng quyết định không đại diện cho đảng CDU ra ứng cử chức thủ tướng. Theo Les Echos, đây chính là hệ quả của cuộc bầu cử vùng Thuringe, một thủ hiến thuộc đảng CDU về đầu cuộc đua nhờ vào lá phiếu của đảng cực hữu AfD.
Quyết định này của "AKK" không chỉ nhấn chìm đảng CDU vào một cuộc khủng hoảng chính trị (LaCroix) mà còn đẩy quyền lực của bà Angela Merkel vào một vòng xoáy (Le Figaro).
Vì đâu nên nỗi ? Theo phân tích của Claire Demesmay, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Đức, "sự tiến triển địa bàn cử tri của đảng cực hữu AfD là một cơn ác mộng cho chính phủ Đức hiện nay và ảnh hưởng của đảng này có thể nhận thấy trong mọi vấn đề quan hệ quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề di dân".
Theo Le Figaro, người kế nhiệm AKK sẽ có một trọng trách khá nặng là phải "làm rõ" đường hướng của đảng CDU như yêu cầu của đảng Xã Hội SPD nhưng không được trái ý với bà Merkel : Không đối thoại với AfD. Tuy nhiên, theo nhận xét bi quan của Der Spiegel, bất kể người kế nhiệm lãnh đạo đảng có là ai đi chăng nữa, đó cũng sẽ làm một nhiệm vụ bất khả thi. Theo tờ báo Đức này, Angela Merkel không còn chọn lựa nào khác ngoài việc từ nhiệm và khởi động bầu cử lập pháp trước thời hạn, sáu tháng trước khi Đức làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.
Minh Anh