Chủ đề chính được báo Pháp hôm nay quan tâm là vụ Moskva cho phóng thẳng một tên lửa vào một trong những vệ tinh không hoạt động của Nga, làm văng ra quỹ đạo với vận tốc 27.400km/giờ khoảng 1.500 mảnh vỡ có thể xác định được và vài trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ hơn. Cả Le Figaro, Libération và La Croix đều dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ chính với nhiều bài phân tích cho đề tài này.
Trạm không gian quốc tế ISS. - NASA/AFP/File
"Tên lửa Nga tái khởi động cuộc chiến không gian" là tựa trang nhất của Le Figaro. Tờ báo nhận định khi phá hủy vệ tinh bằng cách phóng thẳng tên lửa, cho dù điều này gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên Trạm Không gian quốc tế ISS, Moskva đã lao vào chạy đua chiến lược với Mỹ.
Trong bài xã luận có tiêu đề "Cuộc đua đến các vì sao", Le Figaro nhận định "Chiến tranh giữa các vì sao" không còn là một giả thuyết khoa học viễn tưởng, không trung đã trở thành một thách thức lớn về chiến lược : vừa là chiến trường vừa là biên giới mới của cuộc viễn chinh kinh tế. Nếu không có 4.000 vệ tinh đang vận hành, mọi hoạt động của con người sẽ "ngay lập tức bị nhấn chìm trong bóng tối", từ thiết bị viễn thông đến thiết bị định vị GPS cho các phương tiện giao thông vận tải, từ dự báo thời tiết đến giám sát quân sự và tình báo. Trong "trò chơi của các cường quốc", trong khi chờ đợi có được vũ khí laser, nước nào cũng muốn cho thấy có khả năng "chọc mù đối thủ bằng tên lửa chống vệ tinh".
Đối với Le Figaro, Mỹ là đối tượng chịu nhiều nguy cơ, rủi ro nhất, bởi ẩn giấu phía sau du lịch vũ trụ, thì SpaceX, Amazon và nhiều công ty khác đang chuẩn bị phóng hàng chục ngàn vệ tinh thương mại. "Cuộc đua đến các vì sao" có thể gây ra nhiều thương tổn, vì thế mà Lực Lượng Không Gian của Mỹ được thành lập, dù là Lầu Năm Góc còn xa mới có thể trở thành "cảnh sát không trung" thậm chí là còn xa mới dọn sạch được các mảnh vỡ trong không gian.
Không thể cạnh tranh với Mỹ, tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa cho thấy "năng lực gây hại". Le Figaro nhấn mạnh là với 30.000 vật thể đang trôi nổi trong không gian, nơi đây đang trở thành một "thùng rác", các nguy cơ va chạm tăng theo cấp số nhân. Nga vừa khiến tất cả mọi người, kể cả chính họ, gặp nguy hiểm.
Trong bài viết ở chuyên mục quốc tế "Tên lửa Nga tái khởi động cuộc chiến không gian", Le Figaro cho biết với vụ thử nghiệm phóng tên lửa phá hủy vệ tinh, Nga - một quốc gia có nhiều năm kinh nghiệm về khám phá vũ trụ - bị cả giới ngoại giao, quân sự và khoa học Mỹ chỉ trích là "vô trách nhiệm", "bất cẩn", "nguy hiểm", "gây bối rối", bởi các mảnh vỡ trôi nổi lâu dài trong không trung do vụ nổ gây ra đe dọa các vệ tinh đang hoạt động cũng như những thiết bị khác trong không gian, vốn dĩ có vai trò sống còn đối với sự an toàn, nền kinh tế và các lợi ích khoa học của mọi quốc gia trong những thập niên tới đây.
Một câu hỏi được các chuyên gia về không trung đặt ra : Đâu là ý đồ của Moskva, đâu là thông điệp chiến lược mà Nga muốn phát đi ? Cho dù đây không phải lần đầu tiên một cường quốc không gian thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, nhưng đây là lần đầu tiên vụ thử nghiệm của Nga tạo ra các mảnh vỡ văng tự do và trôi nổi lâu dài trong quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các hoạt động của con người, kể cả của Nga và Trung Quốc, trong không trung.
Le Figaro nhắc lại ba cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh gần đây nhất của Nga đều được tiến hành trước khi Moskva thử nghiệm một loại vũ khí khác. Hồi tháng 01/2020, vệ tinh Kosmos-2542 của Nga đã tiến đến gần một vệ tinh giám sát USA-245 của Mỹ, và Nga đã phóng một vệ tinh nhỏ mà theo Hoa Kỳ là có mọi đặc điểm của một loại "vũ khí không gian" tiềm tàng, có thể va vào vệ tinh của Mỹ, điều mà tướng John Raymond, chỉ huy lực lượng không gian Mỹ từng coi là "bất thường và gây lo ngại".
Vẫn trong chuyên mục Quốc tế, trong bài viết "Moskva chau chuốt tỉ mỉ các loại vũ khí mới trên chiến trường không trung", Le Figaro nhận định từ lâu nay Nga đã chuẩn bị cho các cuộc đụng độ trong không gian và vụ thử nghiệm mới đây cho thấy Moskva đã rất kiên trì nỗ lực. Vụ thử này không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về quân sự mà còn có ý nghĩa về ngoại giao. Theo nhà phân tích Igor Delanoë, tại Moskva, "có thể đó cũng là một yếu tố đàm phán trong khuôn khổ đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ vốn đã được khởi động trở lại kể từ hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden tại Genève, ngày 16/06, giúp ổn định cuộc đối đầu giữa Moskva và Washington".
Nhìn sang Libération, tờ báo chạy tựa trang nhất "Không gian : Cuộc đua quỹ đạo". Trong bài viết "Nga cho thấy các hiệu ứng không gian", Libération coi vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh là "sự phô trương sức mạnh của Nga" và trong bối cảnh hiện nay, "cuộc đấu chiến lược" với Mỹ được Nga đặt lên trên sự an toàn của người dân và phi hành gia của chính nước này.
Còn đối với cây bút xã luận Laurent Provost của Libération, cuộc khủng hoảng tên lửa, phiên bản thế kỷ 21, sẽ không diễn ra ở Cuba, mà là trên không gian. Dường như sau chiến tranh lạnh, nay đã đến lúc nổ ra chiến tranh giữa các vì sao.
Trong khi đó, trong bài viết "Liệu có phải không trung trở thành chiến trường mới của các siêu cường về tên lửa chống vệ tinh ?", báo công giáo La Croix nhấn mạnh sự phô trương lực lượng của Moskva không phải là vô cớ trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Tây phương về xung đột Ukraine gia tăng mạnh.
La Croix dẫn lời ông Xavier Pasco, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS, theo đó việc phá hủy một vệ tinh vốn không hoạt động không phải là điều khẩn cấp, mà đây là "một hành động khẳng định sức mạnh, một tín hiệu chính trị, một điềm báo là các căng thẳng sẽ gia tăng".
Một hồ sơ khác được cả Libération và La Croix quan tâm là làn sóng Covid-19 mới tại Đức. Trong bài phóng sự gửi về từ Berlin, đặc phái viên báo La Croix cho biết áp lực đang gia tăng đối với những người chưa tiêm ngừa. Sau bang Sachsen (Saxe), đến lượt Berlin và Bayern (Bayern) áp dụng quy định "2G" : kiểm tra chứng nhận y tế trong các nhà hàng và cơ sở văn hóa, phòng tập thể thao… theo đó kết quả xét nghiệm âm tính là không đủ, người dân phải trình bằng chứng cho thấy đã nhiễm Covid-19 và lành bệnh, hoặc đã tiêm xong 2 mũi. Theo ghi nhận của thông tín viên báo La Croix, khác với trước đây, lần này quy định "2G" cho đến nay không gây nhiều phản ứng chống đối. Ý tưởng đề ra quy định bắt buộc tiêm chủng cũng thu hút sự đồng tình của nhiều người.
Trong khi đó, Libération nhận định một lần nữa đại dịch Covid-19 cho thấy người Đức không có ý thức kỷ luật cao như mọi người thường nghĩ. Trong khi nước Pháp đã chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch mới ngay từ mùa hè, thì nước Đức dường như không dự kiến gì hết, đúng hơn là không muốn chuẩn bị gì cả. Đức là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Châu Âu, với phong trào bài vac-xin rất cực đoan.
Báo Le Monde phát hành từ chiều hôm qua đề cập đến nhiều chủ đề dàn trải : hồ sơ di dân - "Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Liên Âu trải qua từ 30 năm nay", "Ukraine ở tâm điểm cuộc đối thoại giữa những kẻ điếc Paris và Moskva", "Luân Đôn tăng mức báo động khủng bố", "Tập Cận Bình và Biden tìm cách giải quyết bất đồng", khả năng chi tiêu của dân Pháp thời tổng thống Macron…
Về hồ sơ Khí hậu, Le Monde nhìn sang Châu Á, nơi các hậu quả của biến đổi khí hậu được dự báo sẽ rất khủng khiếp, nhưng chống biến đổi khí hậu lại chưa phải mối lo ngại, thậm chí không được đề cập đến trong chương trình tranh cử ở nhiều quốc gia như Philippines, Ấn Độ hay Indonesia.
Dù năng suất điện gió và điện mặt trời trong 5 năm qua đạt mức cao nhất thế giới, nhưng Châu Á cũng là nơi tiêu thụ và sản xuất 3/4 lượng than đá trên thế giới. Than đá là nguồn nhiên liệu tạo ra một nửa sản lượng điện ở Trung Quốc, thậm chí là 70% sản lượng điện ở Ấn Độ. 9/10 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than trên thế giới là ở Châu Á. Nhìn chung, mức tiêu thụ năng lượng của Châu Á đang tăng vọt do dân số tăng và kinh tế phát triển nhanh chóng.
Để chống biến đổi khí hậu, hiện giờ Châu Á chỉ có hai lựa chọn : ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và hạn chế lượng khí gây hiệu nhà kính mà các nhà máy điện than thải ra, thông qua công nghệ thu giữ carbon nhưng hiện giờ hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa được chứng minh.
Ngày 3/11, tại Glasgow, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á đã đưa ra giải pháp thứ ba : cơ chế tài trợ kết hợp quỹ công và tư, mua lại các nhà máy điện than hiện có ở Philippines, Việt Nam và Indonesia để rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà máy này và thay thế chúng bằng nhà cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ cảnh báo về những tác động xấu của cơ chế nói trên. Thứ nhất, nhà khai thác có thể bị cám dỗ bởi việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn khi bán lại ; một số khác thậm chí có thể được khuyến khích xây thêm các nhà máy nhiệt điện than mới vì họ chắc chắn là sẽ nhanh chóng bán được chúng.
Theo cây bút thời luận Julien Bouissou của Le Monde, cũng không chắc là sáng kiến của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á làm giảm sự lệ thuộc của Châu lục này vào than đá, bởi "năng lượng hóa thạch là trung tâm của một hệ sinh thái nuôi sống hàng triệu cư dân và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của các nước". Chẳng hạn tại Ấn Độ, 300.000 việc làm phụ thuộc vào lĩnh vực khai thác mỏ và gần 4 triệu người kiếm sống gián tiếp từ nghề này. Một nửa thu nhập của ngành đường sắt là từ vận chuyển than đá. Điều này cho thấy than đá vẫn chưa phải là thứ đáng bị nguyền rủa ở quốc gia này.
Le Monde kết luận, nhìn rộng ra toàn Châu Á, than đá vừa là "tai họa", nhưng cũng là "một chất gây nghiện".
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia Pháp về ngoại thương, kinh tế gia Isabelle Méjean, người nhận định "Tái dịch chuyển sản xuất là một ý tồi".
Khủng hoảng y tế nổ ra khiến người ta nhận thấy rõ là một số sản phẩm thiết yếu thời Covid-19 như khẩu trang, dược phẩm được tập trung sản xuất ở một số ít doanh nghiệp trên toàn thế giới. Nếu các nhà sản xuất giảm năng suất do khủng hoảng thì tác động sẽ nhanh chóng lan ra toàn cầu. Chẳng hạn Malaysia sản xuất tới 55% găng tay y tế bán ra trên toàn thế giới, chỉ cần một thảm họa xảy ra với nước này là toàn cầu bị ảnh hưởng.
Việc Châu Âu dịch chuyển sản xuất về khu vực là có thể, nhưng theo kinh tế gia Isabelle Méjean, đây là một ý tưởng tồi, bởi vấn đề không phải là khoảng cách địa lý gần xa mà là mức độ tập trung sản xuất. Trái lại, cần phải đa dạng hóa các nguồn cung để giảm nguy cơ lệ thuộc đặc biệt vào một số nước hoặc doanh nghiệp.
Riêng về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Isabelle Méjean khẳng định việc Washington tăng thuế quan vào hàng Trung Quốc chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp Mỹ, nhưng người tiêu dùng và các ngành công nghiệp Mỹ sử dụng nhiều sản phẩm Trung Quốc trong dây chuyền sản xuất lại chịu thiệt. Theo bà, các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng các nước sử dụng chính sách bảo hộ thường phải trả giá đắt, nhất là đối với các hệ thống chỉ tập trung vào một số công đoạn sản xuất.
Thùy Dương