Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kiev cấm đàn ông Nga 16-60 tuổi vào Ukraine (BBC, 30/11/2018)

Ukraine tuyên bố sẽ không cho nam giới người Nga từ 16 dến 60 tuổi vào nước này trong thời gian áp lệnh thiết quân luật.

azov1

Lệnh thiết quân luật được áp dụng tại các vùng giáp biên với Nga, trong đó có Donetsk gần với khu vực có phe ly khai được Nga hậu thuẫn

Sẽ có ngoại lệ đối với "các trường hợp nhân đạo", chẳng hạn như để tới dự tang lễ. Nga nói không có kế hoạch áp dụng các biện pháp trả đũa.

Lệnh thiết quân luật đã được áp dụng tại 10 vùng của Ukraine, và sẽ có hiệu lực cho tới ngày 26/12.

Quyết định được đưa ra giữa lúc có lo sợ về việc Nga xâm lăng, sau khi các lực lượng Nga bắt ba tàu của Ukraine cùng 24 thủy thủ ở Biển Đen hôm Chủ Nhật.

Ukraine nói rằng vụ việc là sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế, còn Nga nói các tàu của Ukraine đã vi phạm vùng lãnh hải của Nga.

Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trên biển ngoài khơi Crimea kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo này vào Nga hồi 3/2014.

Ukraine nói gì ?

Việc áp lệnh hạn chế được công bố sau khi Tổng thống Petro Poroshenko gặp các quan chức an ninh cao cấp hàng đầu, trong đó có những người đứng đầu lực lượng biên phòng, tại Kiev.

azov2

Bản đồ Ukraine, Crimea và vùng biển Azov - Ảnh minh họa

Ông tổng thống đã viết trên Twitter (bằng tiếng Ukraine) rằng lệnh cấm được đưa ra nhằm ngăn chặn việc hình thành "những quân đội tư" bên trong Ukraine.

Ông nhắc tới các thành phần ly khai được Nga hậu thuẫn, vốn đã hình thành các đơn vị hồi tháng 4/2014 để giao tranh với các lực lượng chính phủ Ukraine tại miền đông nước này.

Ông Poroshenko cũng nói rằng các tiêu chuẩn đăng ký cũng sẽ được siết chặt đối với các công dân Nga sống tại khu vực trong thời gian có thiết quân luật.

Hôm thứ Ba, ông cảnh báo rằng có mối đe dọa về "cuộc chiến toàn diện" với Nga.

"Số xe tăng [Nga] tại các căn cứ đặt dọc biên giới chúng ta đã tăng lên gấp ba lần", ông nói.

Có năm trong số 10 khu vực biên giới là giáp biên với Nga, hai nơi nằm kế với vùng Trans-Dniester ly khai của Moldova, nơi lính Nga đồn trú. Ba vùng còn lại có biên giới với Biển Đen hoặc Biển Azov, gần với Crimea.

Phóng viên BBC tại Kiev, Johan Fisher, nói rằng lệnh cấm có thể sẽ có tác động tai hại tới việc qua lại hai bên biên giới khi kỳ nghỉ lễ đang tới gần. Nhiều người Nga có họ hàng sinh sống tại Ukraine.

Phản ứng về lệnh cấm của Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Moscow không có kế hoạch áp dụng các biện pháp tương đương, bởi điều đó "có thể gây ra sự điên loạn hoàn toàn".

Trước đó Nga nói rằng lệnh thiết quân luật 30 ngày tại Ukraine được đưa ra để nhằm tạm ngưng kỳ bầu cử tổng thống, theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3/2019.

Moscow nói Tổng thống Poroshenko - người đang bị tụt điểm tín nhiệm nghiêm trọng - hẳn sẽ là người được hưởng lợi trong việc này.

Ông Poroshenko bác bỏ và nói việc bầu cử sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.

***************

Biển Đông : 'Cảnh giác Trung Quốc sau sự cố Nga-Ukraine' (BBC, 29/11/2018)

Một nhà báo người Mỹ nói vụ Nga bắt tàu Ukraine ngoài khơi Crimea có thể là tiền lệ xấu ở Biển Đông.

azov3

Tiền lệ xấu từ vụ Nga bắt tàu Ukraine ở gần Crimea

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại London hôm 27/11/2018, nhà báo Greg Rushford cũng nói về tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là có từ lâu.

Tuần này Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau cuộc khủng hoảng Nga bắt giữ ba tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov, ngoài khơi Crimea.

"Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự tại Biển Đông.

"Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này".

Được biết các nhà lãnh đạo quốc tế gồm các ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, bà Angela Merkel...sẽ có mặt tại Hội nghị G20 cuối tuần này ở Argentina.

Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ có sẵn sàng tham chiến với tranh chấp ở Biển Đông hay không, nhà báo Rushford nói :

"Chẳng ai muốn có chiến tranh cả nhưng cũng chẳng ai muốn Trung Quốc muốn làm gì thì làm trong khu vực.

"Nếu câu hỏi là Hải quân Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh vì vấn đề này hay không thì rõ ràng là không. Nhưng chiến dịch tự do đi lại trên biển hay các biện pháp khác là cần thiết để tạo áp lực.

"Tôi là một trong số ít các phóng viên vào hồi giữa thập niên 90 chứng kiến việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn như thế nào. Trung Quốc chiếm phần lãnh thổ này và ngay lập tức họ triển khai súng ống tại đây và rõ ràng ngay từ lúc đầu Bắc Kinh đã có tham vọng quân sự hóa Đá Vành Khăn.

"Bill Clinton lúc đó là tổng thống Mỹ vào lúc đó đã trì hoãn việc xử ly hành động này và tỏ quan điểm rằng không cần thiết phải quá lo ngại về Trung Quốc vì họ quá nhỏ bé.

"Chính các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc Bắc Kinh quân sự hóa Đá Vành Khăn giữa thập niên 90 là các quan chức tham gia vào vụ việc Trung Quốc đưa tàu tới bãi cạn Scarborough là thuộc chủ quyền Philippines và Hải quân Philippines đã phải rời đây.

"Do đó hành động xâm lấn là rõ ràng và Trung Quốc có lâp trường bất cần và Bắc Kinh hành xử như các lãnh chúa thời thế kỷ 18 và nay vấn đề trở nên rất khó xử.

"Và nếu chúng ta trở lại vấn đề Nga đang làm tại Ukraine thì chúng ta thấy giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phải hiểu rằng nếu ta gửi đi một tín hiệu yếu thế tại một nơi nào đó trên thế giới với Nga thì Trung Quốc sẽ cảm nhận và tận dụng nó", nhà báo Greg Rushford, chủ bút trang The Rushford Report ở Hoa Kỳ nói.

******************

Lãnh đạo Ukraine kêu gọi Nato gửi tàu trợ giúp (BBC, 29/11/2018)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thúc giục Nato gửi tàu tới Biển Azov sau vụ đụng độ trên biển ngoài khơi Crimea.

azov4

Các lực lượng Ukraine đã được huy động tại cảng Mariupol ở Biển Azov

Ông nói với tờ báo Đức Bild rằng ông hy vọng các tàu sẽ được đưa đến để "hỗ trợ Ukraine và đưa đến an ninh".

Hôm Chủ Nhật, Nga nã đạn vào ba tàu của Ukraine và bắt thủy thủ đoàn ở khu vực Eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov.

Nato tỏ ý "hỗ trợ đầy đủ" Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của khối.

Trong lúc quan hệ hai bên đang xấu đi, hôm thứ Tư Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc ông Poroshenko tạo ra "sự khiêu khích" trên biển để tăng mức tín nhiệm cá nhân trước khi Ukraine có kỳ bầu cử vào năm 2019.

Tổng thống Poroshenko đã áp lệnh thiết quân luật dọc các vùng biên giới của Ukraine trong thời gian 30 ngày để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Ông Poroshenko nói gì ?

Trong cuộc phỏng vấn với Bild, ông Poroshenko nói Vladimir Putin muốn "chiếm biển [Azov]".

"Đức là một trong các đồng minh gần gũi nhất của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia trong khối Nato nay sẽ sẵn sàng tái phối trí các tàu hải quân tới Biển Azov để trợ giúp Ukraine và đưa đến an ninh", ông nói.

azov5

Tổng thống Poroshenko gặp gỡ lính tăng trong chuyến đi tới Chernihiv, bắc Ukraine

"Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách hung hăng này của Nga. Trước tiên là Crimea, rồi đông Ukraine, nay thì ông ta muốn Biển Azov. Cả nước Đức cũng cần tự hỏi minh : Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu như chúng ta không chặn ông ta lại ?".

azov6

Bản đồ ghi lại địa điểm tàu chiến của Ukraine bị Nga bắt giữ

Hôm thứ Hai, người đứng đầu khối Nato Stoltenberg kêu gọi Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine, và nói Moscow cần phải nhận thấy "những hậu quả của các hành động của mình".

Ông nói khối sẽ tiếp tục cung cấp "hỗ trợ chính trị và thực tế" cho Ukraine, một quốc gia đối tác của Nato.

Nato không có phản ứng tức thời trước tuyên bố mới nhất của ông Poroshenko.

Published in Quốc tế