Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương

Chính sách đối ngoại của Mỹ có thay đổi triệt để hay không, nếu Joe Biden đắc cử tổng thống. Đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch 5 năm mới, siết chặt kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ kích động hận thù tôn giáo và gây chia rẽ trong xã hội Pháp bị lên án. Trên đây là các chủ đề lớn của báo chí Pháp số ra đầu tuần, thứ Hai 26/10/2020.

my1

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh chụp ngày 24/10/2020. AFP/File

Tranh cử Mỹ 8 ngày lúc bỏ phiếu chính thức tiếp tục là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp.

Trang nhất Le Monde giới thiệu hồ sơ "Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi". Điểm được Le Monde nêu bật là ứng cử viên Joe Biden sẽ cam kết "đưa nước Mỹ trở lại với các công việc chung của thế giới, đặc biệt là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu", đoạn tuyệt với 4 năm ngoại giao co cụm, chống cơ chế đa phương của Donald Trump, phục hồi quan hệ giữa các nền dân chủ phương Tây.

Tuy nhiên, bài phân tích của nhà báo Gilles Paris, trên Le Monde, cũng nhấn mạnh là con đường khẳng định vị trí trụ cột của nước Mỹ trong cơ chế đa phương sẽ không dễ dàng.

Nhà báo Gilles Paris nhắc lại hành trình của chính trị gia Biden, từ khi đắc cử thượng nghị sĩ bang Delaware, vào lúc 30 tuổi, cho đến khi được chọn làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama, một phần quan trọng nhờ ở vốn hiểu biết về ngoại giao và quan hệ quốc tế dày dặn. Nhà báo Gilles Paris đối chiếu phát biểu của ứng cử viên Joe Biden trên tạp chí Foreign Affairs hồi đầu năm với quan điểm của ứng cử viên Biden trong các cuộc tranh luận sơ bộ trong nội bộ đảng Dân chủ, cùng một số thay đổi mới đây, để rút ra một số nét chung xuyên suốt trong chính sách đối ngoại tương lai của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

Nối lại với truyền thống đối ngoại của lưỡng đảng

Về mặt chính thức, nếu đắc cử, ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể gần 4 năm dưới thời Donald Trump.Đó là tiếp tục "đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể, như trước khi Donald Trump lên nắm quyền".

Việc tái lập quan hệ với đồng minh truyền thống là "tâm điểm" trong chính sách đối ngoại của người có thể trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Trở lại với hiệp định khí hậu hay cổ vũ cho nhân quyền, đặc biệt với việc mở cửa trở lại cho người tị nạn vào Mỹ (vốn bị giảm 10 lần trong nhiệm kỳ Donald Trump). Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức "một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ", quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế "độc tài, phản tự do".

Cảnh giác trước hoài niệm về một thời vàng son

Tuy nhiên, nhà báo Le Monde dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia, nêu bật các trở ngại. Phát biểu trên Wall Street Journal, nhà địa chính trị học Walter Russel Mead phê phán "tâm thế hoài niệm" về thời vàng son của nước Mỹ xưa kia, vốn dựa trên những nền tảng hiện không còn nữa, như một "nền kinh tế thị trường có quy củ, một giai tầng trung lưu lớn mạnh khiến cả thế giới phải thèm muốn hay một chính quyền đáp ứng quan tâm của cử tri Dân chủ…". Hoài niệm dễ dẫn đến ảo tưởng.

Nếu đắc cử, thách thức hàng đầu với Joe Biden là phải thuyết phục được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ. Điều này đặc biệt khó, trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng nghiêm trọng, "từ Covid, đến kinh tế, phân cực chính trị, mất niềm tin vào các định chế", như ghi nhận của nhà ngoại giao kỳ cựu Aaron David Miller. Chưa kể đến bộ máy ngoại giao, vốn là công cụ cho phép thực thi mục tiêu khẳng định quyền lực mềm của nước Mỹ, đã suy yếu nghiêm trọng dưới thời Donald Trump. Việc nhiều nhân sự xuất sắc rời khỏi bộ này để lại các hậu quả lâu dài cho nước Mỹ. Nhà ngoại giao Aaron David Miller kêu gọi ông Biden, nếu đắc cử, hãy chọn thái độ "chừng mực" và "thực tế". Bên cạnh các mục tiêu dễ đạt, như thỏa thuận khí hậu, niềm tin với các đồng minh truyền thống, thượng đỉnh thế giới vì dân chủ, rất nhiều điều khác là khó hơn nhiều, do thiếu phương tiện.

Với Trung Quốc, Le Monde chú ý đến một số khác biệt đáng kể giữa Joe Biden và Donald Trump. Kể từ đầu năm đến nay, ông Biden coi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh đáng gờm", chứ không phải "địch thủ". Joe Biden cũng sẽ không chọn chính sách "lên án hệ thống" Đảng cộng sản Trung Quốc như ngoại trưởng Mỹ đang làm.

Ngược lại, với các vấn đề cụ thể như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, siết chặt kiểm soát Hồng Kông, lập trường lên án của Joe Biden được đánh giá "ổn định hơn" tổng thống mãn nhiệm. Khác với Donald Trump, ông Biden vừa cổ vũ cho một mặt trận chung của đồng minh và đối tác chống lại các hành động lấn lướt, xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng cũng sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân hay an ninh y tế toàn cầu.

Joe Biden : Trước hết là thắng lợi về "phong cách"

Cũng về chủ đề này, Les Echos có bài bình luận : "Nước Mỹ của Biden sẽ ra sao ?". Tương tự như Le Monde, Les Echos chú ý đến các thách thức với ứng viên đảng Dân chủ, nếu đắc cử. Tác giả bài viết, nhà bình luận Dominique Moisi, cho rằng thay đổi chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nếu Biden chiến thắng, trước hết sẽ là về "phong cách".

Thắng lợi của ứng viên Dân chủ sẽ là chiến thắng của một nước Mỹ nối lại với cơ chế đa phương, với truyền thống ủng hộ các giá trị dân chủ, với văn hóa tôn trọng, ngược hẳn lại với tính cách "đầy bất định" của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, lối hành xử "phi đạo lý", "thái độ thô tục". Khả năng Donald Trump tái đắc cử, dù nhỏ, nhưng nếu trở thành hiện thực sẽ là "sự cổ vũ cho các thế lực thách thức hệ thống dân chủ, từ các phong trào dân túy cho đến các chế độ độc đoán".

Tập Cận Bình "bỏ phiếu" cho Donald Trump

Les Échos hôm nay dành nhiều bài về chủ đề Trung Quốc. Bài bình luận ngắn, mang tựa đề "Tập Cận Bình", nhấn mạnh đến quyền lực gia tăng của lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, đã diễn ra trước nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đặc biệt trở nên rõ rệt trong thời gian ông Trump nắm quyền.

Từ Biển Đông cho đến biên giới Ấn – Trung, Bắc Kinh hành xử ngày càng táo tợn. Les Echos mỉa mai : "có lập luận nào tốt hơn để chống lại nền dân chủ tự do là chính sự bất tài của tổng thống Mỹ".

Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng nắm chặt kinh tế tư nhân

Đảng cộng sản Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm nay, để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới. Bài "Tại Trung Quốc, đảng cộng sản ngày càng điều khiển chặt chẽ nền kinh tế" trên Les Echos đặc biệt chú ý đến việc chính quyền Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân, chiếm đến hơn 60% GDP và 80% việc làm.

Hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị trực tiếp : "Hãy trung thành với Đảng, và đừng quên là nhờ ai mà quý vị trở nên giầu có !". Một thông báo được đưa ra giữa tháng 9, yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân tham gia "Mặt Trận Thống Nhất", một tổ chức quần chúng của đảng cộng sản. Các chủ doanh nghiệp phải học tập "tư tưởng Tập Cận Bình". Các cán bộ trẻ của khu vực tư nhân sẽ được đào tạo để học tập "các giá trị truyền thống" và thái độ phục tùng Đảng. Tính cho đến cuối năm 2018, hơn 90% doanh nghiệp tư nhân có một chi bộ Đảng. Việc phát triển cơ sở đảng trong kinh tế tư nhân tiếp diễn từ đó đến nay.

Trung Quốc, kẻ "đại thắng" trong đại dịch Covid

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro có bài "Khi Bắc Kinh dẫn đầu cuộc đua". Bài viết nhấn mạnh đến lợi thế của Trung Quốc hiện nay, được coi là "bên đại thắng" trong dịch Covid-19, đại dịch xuất phát từ chính Trung Quốc rồi tràn ra khắp nơi từ đầu năm, khiến một bộ phận lớn nhân loại hiện nay đang tiếp tục điêu đứng. Tăng trưởng của Trung Quốc được coi là vững chắc, với 1,9% GDP năm nay, trong lúc Mỹ và khu vực đồng euro rơi vào suy thoái lịch sử. Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, chiếm khoảng 25% trong tổng số hàng hóa của 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhờ ở nhu cầu trang thiết bị y tế tăng vọt với đại dịch, nhu cầu về máy tính, điện thoại gia tăng trong thời gian phong tỏa, hay các nhu cầu từ các chính sách chấn hưng hậu Covid.

Theo Le Figaro, trong vòng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hóa sâu sắc về mô hình, với điều mà Le Figaro gọi là "chủ nghĩa tư bản toàn trị". Bắc Kinh đang cố gắng chứng tỏ là "chủ nghĩa tư bản toàn trị" này có hiệu quả hơn "nền dân chủ" trong việc kiểm soát các khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, và kể cả chiến lược chuyển sang nền kinh tế Xanh.

Bắc Kinh gặt hái nhiều thành công với đại dịch Covid, nhưng đại dịch này cũng cho thấy tính tương phản sâu sắc giữa một quốc gia đang vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao công nghệ và cách vận hành xã hội cổ lỗ trên nhiều phương diện. Theo Le Figaro, hiện tại Trung Quốc đang chiếm ưu thế khá rõ, nhưng chưa phải đã giành thắng lợi.

Thổ Nhĩ Kỳ huy động Hồi giáo cực đoan chống nước Pháp 

Le Figaro hôm nay tập trung vào chủ đề quan hệ Paris – Ankara, với tựa trang nhất : "Erdogan huy động Hồi giáo cực đoan chống lại nước Pháp". Nước Pháp đang đối mặt với nguy cơ khủng bố nội địa gia tăng, do các thế lực Hồi giáo cực đoan. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại sau vụ kẻ khủng bố gốc Tchetchenia cắt cổ một thầy giáo. Thái độ mập mờ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về vụ khủng bố này, rồi những lời lẽ thô bạo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khuyên đồng nhiệm Pháp "đi khám sức khỏe tâm thần", buộc Paris phải triệu hồi đại sứ. Theo Le Figaro, đằng sau hành xử của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là mưu toan của chính quyền Erdogan nhằm kích động các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp nơi chống lại nước Pháp, nhằm làm sống lại quá khứ đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài xã luận "Chính sách hạ nhục" của Le Figaro giải thích : tại sao lại là nước Pháp ? Bởi nước Pháp chính là quốc gia đã lên án các hành động ngang ngược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, Libya, đông Địa Trung Hải và giờ đây là tại vùng Thượng Karabakh. Theo Le Figaro, giống như các lãnh đạo độc tài đang mất uy tín, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tình gây ra các khủng hoảng mới để đánh lạc hướng công luận về các thất bại trong kinh tế hay chính trị.

Vẫn chủ đề này, La Croix, với tựa đề "Cuộc chiến tranh giành công luận", nhắc đến việc Bộ Ngoại giao Pháp phải lên tiếng về việc nhiều phương tiện truyền thông tại các quốc gia theo Hồi giáo, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đã bóp méo các thông điệp của tổng thống Pháp. Khi dẫn lại các diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron, đã cố tình loại bỏ sự khác biệt giữa Hồi giáo cực đoan và Hồi giáo, khiến công chúng lầm tưởng là tổng thống Pháp chống lại đạo Hồi. Việc bóp méo thông tin như vậy không những làm tổn hại đến hình ảnh của nước Pháp ở nước ngoài, mà các tuyên truyền xuyên tạc như vậy được phổ biến tại Pháp có thể tạo thành các mầm mống "gây chia rẽ người Pháp với người Pháp".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế