Trên trường quốc tế, Châu Á hiện là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chứ không phải Trung Đông. Trong thực tế, chẳng có nước nào muốn Iran là cường quốc nguyên tử, kể cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Đặc biệt là Israel, một thế kỷ sau cuộc diệt chủng người Do Thái, không hề muốn lại đối mặt với mối đe dọa mới cho sự hiện hữu của mình.
Tựa trang nhất của Le Figaro hôm naynói về"Luật khí hậu : Macron trước chiếc bẫy sinh thái cực đoan", Libération quan tâm đến cuộc tranh luận về khả năng đương kim tổng thống Macron chống lại phe cực hữu trong cuộc bầu cử lần tới. La Croix cho rằng cần phải"Hỗ trợ giới trẻ trong cuộc khủng hoảng",trong khi nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh "Tăng lãi suất : Thế trận mới gây lo ngại cho thị trường".Riêng Le Monde dành tựa chính cho"Vụ Khashoggi : Washington cáo buộc thái tử Saudi Arabia".
Tại Trung Đông, các báo đều chú ý đến mối quan hệ Washington-Riyad, mà theo Le Monde và Le Figaro, đó là một sự điều chỉnh, chứ không phải để đi đến chỗ cắt đứt với nhau.
Bài xã luận của Le Monde nhắc lại câu nói cửa miệng của quốc vương Saudi Arabia Fahd, trị vì từ 1982 đến 1995 : "Sau Allah, chúng ta có thể trông cậy vào Hoa Kỳ". Câu này chưa bao giờ chính xác như thế trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Suốt bốn năm ở Nhà Trắng, ông Trump rất ưu ái hoàng gia Saudi Arabia, đặc biệt là nhân vật thực quyền số một, thái tử Mohammed Bin Salman, thường được gọi tắt là "MBS". Tổng thống Mỹ làm ngơ trước việc can thiệp quân sự vào Yemen, giam giữ tùy tiện thủ tướng Lebanon Saad Hariri, bao vây Qatar và ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi năm 2018.
Khi quyết định công bố các tài liệu về vụ này hôm 26/02, ông Joe Biden cảnh báo với MBS là từ nay ông sẽ phải trả giá cho những hành động độc đoán. Tuy nhiên tân tổng thống Mỹ không có tham vọng đẩy MBS ra khỏi ngôi kế vị, vì trong hệ thống tập quyền của hoàng gia, đây là điều bất khả thi. Việc công bố báo cáo Khashoggi cũng không có nghĩa là đứt gãy quan hệ giữa hai đồng minh : chính quyền Biden vẫn cam kết cung cấp vũ khí để đối phó với các hỏa tiễn và drone do phe Houthi ở Yemen và những phần tử thân Iran bắn vào lãnh thổ Saudi Arabia.
Biden chờ đợi ở Saudi Arabia một sự lãnh đạo ít thô bạo hơn, muốn đối tác chính trong thế giới Ả Rập có bộ mặt văn minh hơn trong trò chơi đa phương. Trong lúc chuẩn bị thương lượng với Iran về hiệp ước nguyên tử, ctổng thống Dân chủ cố gắng tránh những bất ngờ. Đòn vừa rồi dành cho MBS là nhằm răn đe, phòng khi vị thái tử có ý định cản trở những nỗ lực của Mỹ.
Còn đối với Iran, Le Monde nhận thấy Biden đã vạch ra một lằn ranh đỏ. Ba mươi bảy ngày sau khi nhậm chức, ông đã ra lệnh cho không kích vào các dân quân Irak ở Syria vốn là công cụ của Iran, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Biden muốn đưa thêm vấn đề bành trướng trong khu vực vào cuộc đàm phán với Tehran.
Trong bài "Cuộc so găng mới giữa Iran và Hoa Kỳ", tác giả Dominique Moisi trên Les Echos ghi nhận ngay trong đảng Dân chủ Mỹ, nhiều người vẫn không tin tưởng các giáo sĩ cực đoan Iran một chút nào. Tehran muốn Mỹ giảm nhẹ trừng phạt đang làm chế độ bị nghẹt thở và câu giờ, chứ không hề từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Phương Tây luôn cảnh báo nguy cơ Iran bị hủy diệt : Israel nhất quyết không để Tehran sở hữu quả bom nguyên tử. Jerusalem có những tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân ở vùng vịnh Persian, và một thế kỷ sau cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã, Israel không hề muốn lại đối mặt với mối đe dọa mới cho sự hiện hữu của mình.
Cho đến nay, Nhà nước Do Thái vẫn tỏ ra kềm chế. Phải chăng Israel cảm thấy đang ở thế mạnh qua thỏa thuận với các nước Ả Rập ? Bên cạnh đó là sự tương phản trước dịch bệnh : vào lúc cuộc sống tại Israel gần như trở lại bình thường nhờ vac-xin thì Iran, nước bị thiệt hại nhiều nhất vì Covid trong khu vực, tiếp tục phải đếm các xác chết, cơ sở hạ tầng Iran quá yếu kém để chống chọi với dịch bệnh.
Trên trường quốc tế, Châu Á hiện là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chứ không phải Trung Đông. Hòa giải ngay trong nội bộ nước Mỹ rõ ràng là quan trọng hơn là nối lại đối thoại với một chế độ tuy nguy hiểm nhưng đang xuống dốc. Trên thực tế, chẳng có nước nào muốn Iran là cường quốc nguyên tử, kể cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Liên quan đến Châu Á, Libération mô tả "Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Miến Điện, khi đàn áp tăng lên một bậc". Cảnh sát đã giết chết ít nhất 30 người biểu tình chỉ trong một ngày.
Đã trở nên gần như bình thường, giờ đây cảnh sát thản nhiên bắn đạn thật vào người biểu tình không vũ khí. Ngày hôm qua là ngày đẫm máu nhất kể từ vụ đảo chính ngày 01/02 : theo con số không chính thức của báo chí Miến Điện, có khoảng 30 người thiệt mạng. Súng bắt đầu nổ vào khoảng 8 giờ rưỡi sáng ở Rangun, Mandalay, Dawei. Trong những tấm ảnh chụp ở Dawei, có cảnh sát chuyển khẩu súng cho đồng đội như để tập bắn và khi một người biểu tình bị trúng đạn thì họ ồ lên vui mừng.
Tại thành phố nhỏ bé Myeik cách đó vài cây số, những người vũ trang đuổi theo người biểu tình đến tận nhà để nổ súng vào họ ; một nhóm cảnh sát khác đưa một cái xác lên xe và rải cát lên dấu máu trên đường để che giấu tội ác. Ở Mandalay, một phụ nữ khoảng 40 tuổi bị bắn chết trên đường phố dù không tham gia biểu tình ; một phụ nữ khác ở Rangun tử vong vì trụy tim do tác động của lựu đạn gây tê liệt. Những hình ảnh chụp từ trên cao một tòa nhà ở Rangun cho thấy hàng trăm quả lựu đạn cay được ném vào đám đông và người biểu tình đáp trả bằng gạch đá, pháo.
Chừng như sau vài tuần lễ kềm chế, tập đoàn quân sự đã trở lại với thói quen cũ, muốn đè bẹp mọi ý định phản kháng càng nhanh càng tốt. Các tướng lãnh cũng muốn kết thúc thời kỳ tạm giam bà Aung San Suu Kyi, với một tội danh được bổ sung vào phút chót để có thể tống giam đến sáu năm. Trong nỗ lực của khu vực, ngoại trưởng Indonesia đề nghị dành cho các tướng lãnh một năm để tổ chức bầu cử, nhưng giải pháp thỏa hiệp này không được giới đấu tranh Miến Điện chấp nhận.
Cũng về Miến Điện, Le Monde cho biết quân đội Miến Điện tìm cách nối kết với các lực lượng du kích sắc tộc, để chứng tỏ rằng bà Aung San Suu Kyi không có khả năng mang lại hòa bình cho đất nước.
Ngay sau đảo chính, tướng Min Aung Hlaing đã hứa "Đạt đến hòa bình vĩnh cửu bằng mọi cách", trong bối cảnh đảng của bà Suu Kyi trước đây chưa hề chiếm được lòng tin của các sắc tộc thiểu số. Tại Miến Điện, có đến 30% trong số 54 triệu dân thuộc 135 sắc tộc ! Hiện thời lời kêu gọi này chưa tạo được tác động nơi các thủ lãnh chiến tranh, ngược lại, một số phong trào vũ trang còn lên án cuộc đảo chính.
Cũng liên quan đến Châu Á, Les Echos nhận xét "Thương mại : Washington sẵn sàng nhượng bộ về Airbus, nhưng không lùi bước trước Trung Quốc".
Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, người được đề cử làm đại diện thương mại Mỹ, bà Đái Kỳ (Katherine Tai) cho biết muốn chấm dứt cuộc xung đột giữa Boeing và Airbus. Tuy nhiên, không thể dỡ bỏ những biện pháp của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc, thuế hải quan đánh vào thép và nhôm phải được duy trì. Bà nhấn mạnh, vấn đề hiện nay chủ yếu là do Trung Quốc sản xuất thừa nhôm thép.
Đại diện thương mại tương lai, có cha mẹ người Hoa và lớn lên tại Đài Loan, nói thông thạo tiếng quan thoại, tỏ ra cứng rắn trước Trung Quốc. Bà Đái Kỳ cho rằng hiệp định thương mại mà cựu tổng thống Donald Trump đã thương lượng và ký kết tháng 1/2020 phải được áp dụng, và Bắc Kinh phải tôn trọng các cam kết. Trước người khổng lồ Châu Á, Hoa Kỳ cần có một "kế hoạch chiến lược phù hợp" để cạnh tranh với mô hình kinh tế mà Nhà nước quyết định mọi thứ của Trung Quốc, và cần xem xét lại chuỗi cung ứng.
Về mặt chính trị, nhà nghiên cứu Maria Repnikova thuộc Wilson Center, khi trả lời phỏng vấn của Le Monde nhận định"Nhân quyền sẽ là ưu tiên trong chính sách của Joe Biden với Trung Quốc và Nga".
Trước một Trung Quốc vốn tự cho là một trong những thách thức lớn nhất của Mỹ, bà nhận thấy chính quyền Biden tiếp tục có cùng giọng điệu với chính quyền tiền nhiệm. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, từ ngữ được cựu ngoại trưởng Mike Pompeo sử dụng. Một số nhà phân tích dự báo căng thẳng Mỹ-Trung trong hồ sơ Đài Loan sẽ gay gắt hơn trong năm nay. Còn với Nga thì Hoa Kỳ thời Biden ủng hộ NATO và hỗ trợ Ukraina nhiều hơn, gây áp lực với Putin trong vụ đầu độc Navalny.
Tại Pháp trên lãnh vực xã hội, Le Monde dành một bài điều tra dài mang tựa đề "Hưu trí trên cánh đồng" để nói về hoạt động của hiệp hội GroinGroin với cánh đồng 12 hecta, nơi những con thú sống sót trước nguy cơ bị đưa vào lò sát sinh hay bị ngược đãi, có thể sống an nhàn cho đến khi từ giã cõi đời.
Tại đây mỗi con vật đều có lý lịch và tên riêng. Đó là Lulu, cô heo mọi Việt Nam, cư dân thâm niên nhất cư ngụ ở đây từ 13 năm, sau khi bị chủ bỏ rơi. Pompon, cô heo nái được vỗ béo ở ngoại ô Paris để toan giết thịt, được một người thân cứu vớt vào giờ chót. Heston nặng đến 400 kg, là chú heo cuối cùng trong đàn của một cặp vợ chồng chăn nuôi đã hối cải, thề sẽ không bao giờ giết chú để làm xúc xích. Flagada Jones và Gontran, cựu gà công nghiệp, đôi chân run rẩy yếu ớt vì điều kiện sống trước kia ; hay Marguerite, cô bò sữa giống Holstein suýt bị đưa vào lò sát sinh vì bị thương… Tổng cộng 98 con vật được nuôi thả và chăm sóc bởi năm nhân viên thường trực.
Chính với những chú heo mọi Việt Nam mà cuộc đời của Caroline Dubois đã bước sang một trang khác vào năm 2005. Là nhà quản lý trong ngành hàng không, sống ở Paris, trong lần đi thăm một lâu đài cô gặp một con heo mọi, và cảm thấy xúc động khi con vật linh hoạt, thông minh không kém gì chó, lại phải "lên đĩa". Với sự giúp đỡ của một bác sĩ thú y, cô mua lại một trang trại, và đến nay GroinGroin đã cứu được trên 2.000 con vật. Hiệp hội không có tài trợ của Nhà nước, hoạt động bằng nguồn tiền đóng góp. Họ muốn để các động vật khác được quyền sống đến già như chó mèo. Hiện nay gà nuôi thịt bị giết vào 6 tuần tuổi, gà đẻ trứng vào 18 tháng tuổi, và ngay cả bò sữa cũng không được sống quá 5 năm trong khi nếu thả trong tự nhiên, có thể thọ đến 20 tuổi.
Thụy My