Tại sao Kremlin không làm to chuyện người Nga bị Mỹ oanh kích ở Syria ? (RFI, 20/02/2018)
Nhiều chiến binh mang quốc tịch Nga bị chết hoặc bị thương ngày 07/02/2018 tại Deir Ezzor, Syria, trong trận oanh kích của quân đội Mỹ được triển khai trong vùng. Sau một tuần nhùng nhằng, ngày 15/02, Moskva chính thức xác nhận có 5 công dân Nga bị thiệt mạng (Vladimir Loginov, Kirill Ananyev, Igor Kosoturov, Stanislav Matveev, Alexei Ladygin), trong khi Reuters nêu con số vài trăm người chết và bị thương. Điều ngạc nhiên là cả Nga và Mỹ đều tránh làm ầm vụ việc. Tại sao ?Câu trả lời được đài France 24 phân tích ngày 16/02/2018.
Trung tâm Quân y Thứ ba Vishnevskiy ở Krasnogorsk, gần Moskva, nơi được cho là đang điều trị một số công dân Nga bị thương ở Deir Ezzor (Syria), trong vụ oanh kích của liên quân quốc tế ngày 07/02/2018. Ảnh chụp ngày 16/02/2018. Reuters/Sergei Karpukhin
Theo Bộ quốc phòng Mỹ, ít nhất 100 chiến binh ủng hộ chế độ Syria đã bị thiệt mạng trong trận oanh kích ngày 07/02 nhằm đáp trả một vụ tấn công vào trụ sở của Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF), được liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu yểm trợ. Ngày 13/02, tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Trung Đông, xác nhận là liên quân quốc tế đã "tự vệ chính đáng" trong cuộc oanh kích kéo dài hơn 3 giờ, huy động nhiều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ chiến lược, máy bay trực thăng chiến đấu và máy bay tự hành.
Tướng Harrigian không nêu rõ các mục tiêu bị tấn công là của nước nào, mà chỉ khẳng định : "Chúng tôi chỉ nhắm đến một kẻ thù duy nhất : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Chúng tôi không tìm cách chiến đấu với bất kỳ lực lượng nào khác, như bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis đã phát biểu vào tuần trước". Như nhiều tướng lĩnh Mỹ khác, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến các nạn nhân, được cho là người Nga.
300 công dân Nga chết và bị thương ở Deir Ezzor ?
Điện Kremlin cũng khẳng định không được thông tin về bất kỳ sự mất mát nào bên phía Nga, đồng thời cảnh báo sự lan truyền "thông tin thất thiệt" về chủ đề này. Cho đến khi nhiều tổ chức bán quân sự và dân tộc chủ nghĩa Nga thống kê số nạn nhân trong hàng ngũ của họ sau loạt tấn công ngày 07/02. Phát ngôn viên đảng Nước Nga Khác theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực tả, Alexander Averin, thông báo Kirill Ananyev, một chiến binh thuộc đảng này đã bị thiệt mạng và khẳng định "người này không chết một mình". Vẫn theo nguồn tin nói trên, nhiều người Nga khác thiệt mạng là "chuyện thật".
Sau nhiều lần phủ nhận, cuối cùng ngày 15/02, bộ Ngoại Giao Nga, thông qua phát ngôn viên Maria Zakharova, khẳng định với báo giới : "Theo những thông tin sơ bộ, có thể nói là 5 người chết, được cho là công dân Nga, vì đụng độ có vũ trang và nguyên nhân vẫn đang được tìm hiểu". Bà cũng khẳng định "đó không phải là quân nhân của Nga", đúng với phát biểu của Bộ quốc phòng Nga là không có "bất kỳ quân nhân Nga nào ở Deir Ezzor".
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác được hãng tin Reuters phỏng vấn, lại nhắc đến số nạn nhân Nga ở một quy mô lớn hơn : khoảng 300 người làm việc cho công ty quân sự tư nhân Wagner đã bị chết hoặc bị thương trong loạt oanh kích trên không và trên bộ của liên quân quốc tế. Trước hết, theo một bác sĩ quân y Nga được Reuters đặt câu hỏi, có ít nhất ba máy bay chở người bị thương từ Syria về Moskva từ ngày 09 đến 12/02.
Ngoài ra, ông Yevgeny Shabayev, một lãnh đạo của tổ chức bán quân sự Cozack, có quan hệ với lính đánh thuê, cho Reuters biết là vào ngày 14/02, ông đã đến thăm một số người bị thương được đưa từ Syria về và được điều trị ở viện quân y trung ương của Bộ quốc phòng ở Khimki, ngoại ô Moskva. Những người bị thương này kể lại là khoảng 550 tay súng của công ty Wagner đã tham gia vào trận đánh hôm 07/02. Vẫn theo ông Yevgeny Shabayev, khoảng 300 người trong số họ đã bị chết hoặc bị thương. Nhiều tay súng đánh thuê khác được điều trị ở ba nơi khác nhau : Trung tâm Quân y Thứ ba Vishnevskiy ở Krasnogorsk, gần Moskva, Bệnh viện Burdenko ở thủ đô và ở Viện Hàn lâm Quân y ở Saint-Peterburg. Nhưng khi được Reuters liên lạc, các cơ sở này đều bác bỏ thông tin hoặc từ chối bình luận.
Wagner, công ty ngầm và "không tồn tại" với Moskva
Thực ra, Moskva khó có thể công nhận rằng nhiều công dân Nga chết khi chiến đấu ở Syria. Để tránh bị mang tiếng là có quân nhân tham chiến ở Syria, trên thực tế, Nga luôn khẳng định chỉ can thiệp bằng cách tiến hành oanh kích trên không và từ ngoài khơi. Theo lập trường chính thống này, nếu công dân Nga tham chiến trên thực địa, thì chỉ có thể là những tay súng độc lập, đến chiến đấu tại Syria vì lợi ích riêng của họ.
Ngoài ra, Moskva còn phủ nhận sự tồn tại của công ty Wagner vì việc đánh thuê bị cấm ở Nga, vì vậy, công ty này không tồn tại một cách hợp pháp. Nhưng thực ra, công ty Wagner đã từng được nhắc đến vào năm 2014 khi điều lính đánh thuê đến miền đông Ukraina. Sau đó, kể từ năm 2015, Wagner có lẽ đã gửi lính đến Syria, thường là trong số chiến binh đã hoạt động ở Ukraina.
Thông tín viên đài France 24 tại Moskva, Elena Volochine, đã gặp một người trong số họ. Người này cho biết : "Tôi đến chiến đấu ở Ukraina vì nước Nga, tôi sẽ đến chiến đấu ở Syria vì tiền". Quả thực, lính đánh thuê của công ty Wagner được trả thù lao hậu hĩnh, có thể gấp 10 lần so với mức lương trung bình ở Nga. Nhưng không phải tất cả những người đó sống sót trở về, và những người đã hồi hương thì nhắc đến "một lò sát sinh" với thiệt hại rất lớn về nhân mạng. Trước khi đến chiến đấu ở Syria, những lính đánh thuê này được huấn luyện tại một căn cứ bí mật ở miền nam nước Nga.
"Không bên nào muốn khiêu chiến"
Theo nhiều nhà quan sát, các cuộc đụng độ xảy ra giữa một bên là vài trăm tay súng Nga, chiến đấu cùng lực lượng thân chính phủ Syria, và bên kia là quân nhân Hoa Kỳ vào ngày 07/02 tại Syria, có quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến Tranh lạnh. Nhưng phải giải thích thế nào về việc cả Moskva và Washington đều không đưa ra phản ứng ?
Phóng viên của France 24 đã liên lạc với ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga hiện là nhà phân tích chính trị độc lập ở Moskva. Theo ông, lời giải thích rất đơn giản : "Nga, cũng như Mỹ, tìm cách giảm thiểu những gì đã xảy ra, vì không bên nào muốn gây chiến". Và chắc chắn tổng thống Vladimir Putin cũng không muốn làm to chuyện này, vì ông đang vận động tranh cử để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Vì vậy, ông Vladimir Frolov đánh giá đây không phải là sự xung đột giữa Nga và Mỹ, mà là "sự nhầm lẫn của chiến tranh".
Tổng thống Vladimir Putin và đồng nhiệm Donald Trump đã điện đàm vào thứ Hai 12/02, nhưng không đề cập đến hồ sơ Syria, theo thông báo của phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov. Do Washington chấp nhận quan điểm của Moskva, theo đó Nga không liên can với vụ tấn công hôm 07/02, nên vấn đề đối đầu quân sự giữa hai cường quốc chính thức được gác sang một bên. Tuy nhiên, sau trận oanh kích của Mỹ, Nga đã chỉ trích Washington về "sự hiện diện bất hợp pháp" tại Syria và ý đồ "kiểm soát các nguồn lợi kinh tế của Syria".
Ngoài ra, theo truyền thông Nga, lính đánh thuê của công ty Wagner có thể là do tổng thống Bachar Al Assad hoặc do các lực lượng đồng minh của chính quyền Syria tuyển mộ để bảo vệ nguồn năng lượng của nước này, như các giếng dầu, các khu khai thác khí đốt, có rất nhiều trong vùng Deir Ezzor.
Công luận liệu có bao giờ biết được những bí mật và bối cảnh của vụ đối đầu ngày 07/02 tại Deir Ezzor hay không ?Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định, giai đoạn này cho thấy mọi "phức tạp của cuộc xung đột tại Syria" : từ chuyện về "cuộc đàn áp của chính phủ đã biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm".
RFI tiếng Việt
********************
Nga cảnh cáo Mỹ : "đừng đùa với lửa ở Syria" (CaliToday, 19/02/2018)
Theo báo The Hill, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ hai 19/2 đã ra một cảnh cáo nghiêm khắc với Hoa Kỳ về chuyện Washington đang ủng hộ người Kurd ở Syria và bảo ‘Hoa Kỳ chớ nên đùa với lửa’ như thế.
Các lực lượng vũ trang tại Syria tranh nhau từng tất đất trong các khu phố - Ảnh : The Hill
Trong một cuộc hội thảo có tên Middle East Conference được tổ chức ở Moscow, ông Lavrov nói : "Hoa Kỳ nên chấm dứt chơi những trò nguy hiểm vì chúng có thể dẫn đến chuyện làm phân rã quốc gia Syria, chúng ta chứng kiến có toan tính muốn khai thác những âm mưu của người Kurd ở Syria"
Được biết Hoa Kỳ đang tiến hành sự ủng hộ cho việc thành lập một lực lượng do người Kurd lãnh đạo, vốn có 30,000 cư dân sinh sống ở vùng đông bắc của Syria. Lực lượng này chống lại thể chế al-Assad
Những lực lực lượng ủng hộ thể chế của TT Syria al-Assad, bao gồm cả Nga và Iran, lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ ủng hộ nhóm người Kurd trong vùng là nhằm ‘thành lập một khu vực ở Syria nơi mà Hoa Kỳ có thể duy trì ảnh hưởng của mình’
Một vụ oanh kích do Không Quân Mỹ thự chiện vào đầu tháng 2 nhắm vào một lực lượng ủng hộ thể chế al-Assad đã giết chết một số công dân Nga. Chính phủ Nga cho hay có 5 thường dân Nga bị tử thương trong vụ này.
Một viên chức Hoa Kỳ lại cho hay cón số người chết do vụ oanh kích dữ dội này có thể lên đến 100 người và con sô người bị thương là từ 200 đến 300 người. Nếu đúng như thế, thì đây là là vụ ‘đụng độ’ đẫm máu nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.
Ngoài ra Hoa Kỳ cũng ‘đụng chạm’ với Thổ Nhĩ Kỳ khi quân đội xứ này tấn công người Kurd ở khu Afrin thuộc vùng tây bắc Syria.
Đào Nguyên
**************
Syria : quân chính phủ oanh kích làm hàng trăm thường dân chết và bị thương (RFI, 20/02/2018)
Chiến sự giữa quân chính phủ Damas và quân nổi dậy lại bùng lên dữ dội từ ngày 19/02/2018. Ít nhất 100 thường dân, trong đó có 20 trẻ em đã bị thiệt mạng vì các vụ oanh kích dày đặc của quân đội Syria nhằm vào vùng đất của quân nổi dậy Ghouta, gần thủ đô Damas. Tính đến ngày 20/02, các cuộc oanh kích của chính phủ đã làm gần 200 người chết và hơn 300 người bị thương, theo tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân quyền Syria tại hiện trường.
Làng Mesraba, trong vùng do phe nổi dậy kiểm soát ở phía tây Ghouta, đang bị quân đội Syria bao vây, ngày 19/02/2018. AFP/Hamza Al-Ajweh
Thông tín viên RFI tại Beyrouth, Paul Khalifeh, cho biết thêm thông tin :
Tiếng đại bác rền vang khắp Damas trong ngày hôm qua (19/02) gây không khí hoảng loạn trong dân chúng ở thủ đô. Truyền hình Syria cho thấy những cột lửa do quân đội chính phủ nã pháo vào các vị trí của quân "khủng bố", từ ngữ vẫn được truyền thông chính phủ chỉ quân nổi dậy thánh chiến.
Các đợt oanh kích trở lại sau hai ngày yên tĩnh cùng với các cuộc đàm phán giữa chế độ Damas với lực lượng nổi dậy hiện đang giữ một vùng đất rộng lớn bị bao vây mà ở bên trong vẫn còn 400 nghìn thường dân sinh sống. Tuy nhiên, ông Mohammad Allouchen, chỉ huy Jaych al Islam, một lực lượng nổi dậy lớn nhất Ghouta, đã cải chính tin nhóm đã thương lượng với chính quyền Damas.
Giám đốc tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), ông Ami Abdel Rahman cho biết, 300 quả rốc két đã bắn xuống Ghouta cùng với hàng chục vụ không kích. Nhiều đạn pháo của quân nổi dậy đã rơi xuống thủ đô Damas, làm một số người bị thương.
Xung đột leo thang nổ ra sau khi có tăng viện lớn của quân đội Syria đến Ghouta. Các đơn vị tinh nhuệ do viên tướng nổi tiếng Souhail al-Hassan chỉ huy, được trang bị hàng chục chiến xa và đại bác đã được triển khai ở phía đông Damas để đề phòng các cuộc tấn công lớn của quân nổi dậy. Các khâu chuẩn bị đã xong, binh sĩ chỉ còn chờ lệnh tấn công.
Anh Vũ