Đến 2023 tương quan lực lượng với Nga sẽ thay đổi do cấm vận
Các biện pháp trừng phạt loan báo vào tháng Năm chỉ được áp dụng đầy đủ kể từ tháng 12 tới. Trong khi chờ đợi, Châu Âu tiếp tục mua dầu lửa Nga giá mắc hơn, mang lại ảo tưởng là cấm vận không có tác dụng. Nhưng kể từ 2023, khi phương Tây cắt giảm đến 90% nhu cầu, sẽ là thời điểm cốt yếu trong tương quan lực lượng với Moskva.
Một trạm xăng ở Luân Đôn (Anh), ngày 09/06/2022. Từ năm 2023 phương Tây sẽ giảm đến 90 % lượng dầu lửa mua từ Nga, khi đó tương quan sẽ đổi khác vì vũ khí năng lượng của Moskva không còn tác dụng. AP - Frank Augstein
Anh quốc có "Bà đầm thép mới" Liz Truss
Sự kiện bà Liz Truss trở thành tân thủ tướng Anh được nhiều báo chạy tựa trang nhất với tên gọi "Bà đầm thép mới", trong khi Ukraine tiếp tục là chủ đề của nhiều bài phóng sự. Les Echos cho rằng đây là "Một Brexit thứ hai của Anh". Bà Liz Truss lên lãnh đạo một đất nước đang yếu đi vì ba cú sốc : Brexit, Covid và năng lượng.
Brexit là do nước Anh tự chọn lựa, Covid thì tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt, và nay đến khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hậu quả là tình hình kinh tế xã hội thêm trầm trọng với lạm phát ở mức kỷ lục (trên 10%), và người Anh từ chối trả hóa đơn tiền điện. Liz Truss cần phải hành động nhiều hơn là những khẩu hiệu kiểu Thatcher, để giải quyết được những khó khăn và chấm dứt vô số cuộc đình công đã bắt đầu từ mùa hè hoặc đang chuẩn bị.
Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, suốt sáu năm qua tăng trưởng của nước Anh luôn thấp hơn nửa điểm so với nhóm các nước phát triển tương đương. Một kết quả logic vì trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu (EU) giảm xuống. Về đối ngoại, không có gì sáng sủa, đặc biệt đối với Pháp, nước láng giềng gần nhất. Bà Truss là một trong những người đầu tiên muốn hủy bỏ thỏa thuận về quan hệ tương lai với Bắc Ailen.
Nhìn chung, đó là phiên bản cứng rắn của Brexit, thậm chí là một Brexit thứ hai đang đe dọa. Trừ phi khi đã bước vào Downing Street, bà Liz Truss với tính thực dụng của người Anh, tỏ ra hòa dịu hơn. Có nên "nuối tiếc" ông Boris Johnson hay không ? Đó là câu hỏi mà La Croix và Le Figaro cùng đặt ra. Le Figaro ví von, "cơn lốc" Boris Johnson vừa đi qua thì trận bão khác lại đến.
Ukraine, mùa khai trường dưới đạn bom
Về tình hình Ukraine, Les Echos mô tả "Một mùa khai trường bị chiến tranh làm đảo lộn". Đã có 2.300 trường học bị hư hại trên toàn quốc, trong đó 300 trường hoàn toàn bị phá hủy. Một cô giáo ở Mykolaiv cho biết giờ học đầu tiên được bắt đầu bằng việc hỏi học sinh có an toàn hay không, nơi các em ở có bị hỏa tiễn tấn công hay không. Các trường học ở thành phố nửa triệu dân này đã 77 lần bị pháo kích hay bị hỏa tiễn nhắm đến. Trong số 44. 000 học sinh ghi danh, có 17.000 em hiện đang sống tại nhiều nước Châu Âu khác nhau. Đa số nghe giảng từ Đức, Ba Lan, Bồ Đào Nha. Nhìn chung trên cả nước, khoảng 3 triệu trong tổng số 6 triệu trẻ em Ukraine đã phải di tản.
Các thầy cô giáo ở Mykolaiv phải sử dụng các phương tiện giảng dạy mới cho mùa khai trường năm nay : thông qua Google Classrooms hay Zoom, các nền tảng mà Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine đã có thỏa thuận để cung cấp miễn phí cho tất cả các trường học trên cả nước trong năm học mới. Việc dạy online không phải lúc nào cũng suông sẻ, đôi khi đường truyền bị đứt hoặc rất chậm. Đối với những học sinh đang ở Ba Lan hay Đức, việc đi học là bắt buộc cho trẻ dưới 16 tuổi, giáo viên ghi lại bài giảng trên YouTube để các em tham khảo vào buổi tối hay cuối tuần nhằm duy trì mối liên lạc với đất nước.
Ở những nơi thầy trò hiện diện trực tiếp, số học sinh mỗi lớp từ 30 được giảm xuống còn 20 để có thể nhanh chóng hướng dẫn các em xuống hầm trú ẩn khi bị oanh tạc. Chương trình học có thêm một module mới bổ sung cho môn "Bảo vệ Ukraine", giúp trẻ em nhận dạng mìn cá nhân và các loại chất nổ khác để hộ thân.
Lưỡi gươm Damoclès nguyên tử ở Zaporijia
Phóng sự của Le Monde đưa người đọc đến "Enerhodar, dưới cái bóng của Nga và nhà máy điện nguyên tử". Cư dân tìm cách chạy trốn khỏi thành phố bị chiếm đóng, nơi có nhà máy Zaporijia nay đã trở thành nổi tiếng. Những trận oanh kích trong những tuần lễ gần đây, thái độ nghênh ngang của quân Nga và "lưỡi gươm Damoclès" nguyên tử khiến thành phố 53.000 dân bên bờ sông Dniepr chỉ còn lại phân nửa.
Một người dân cho biết quân Nga khi tuần tra trong thành phố, tay luôn để lên cò súng gây sợ hãi. Còn những người Nga mặc thường phục đi rảo, dỏng tai nghe những cuộc trò chuyện, mỗi khi nghe nói tiếng Ukraine họ đều bắt bẻ. Bạn bè của người này làm việc ở nhà máy Zaporijia kể lại, người Nga không tôn trọng các quy định an toàn, không mặc quần áo bảo hộ, nhưng lại thường xuyên đến căng-tin nhà máy vốn có tiếng là nấu ăn ngon. Trong số những cư dân chạy khỏi thành phố có cả các kỹ thuật viên nhà máy trà trộn, trong số 11.000 người trước chiến tranh nay Zaporijia chỉ còn 8.000 nhân viên.
Donbass đang bị tăng tốc "Nga hóa"
Libération tìm đến Donbass sau nhiều tuần lễ thương lượng với phía Nga, và nhận thấy vùng đất chiếm đóng đang bị Nga hóa để làm mất đi gốc tích Ukraine. Ở ngõ vào "Cộng hòa Donetsk", nhiều xe tải mang dòng chữ "Công ty xây dựng quân đội Nga" chở theo cửa sổ, ống nước, và cả mặt tiền bê-tông cho các tòa nhà. Công ty này trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, phụ trách xóa đi càng sớm càng tốt hậu quả chiến tranh do quân Nga gây ra ở những thành phố miền đông và miền nam Ukraine. Quân đội quản lý cả truyền thông, họ tổ chức những chuyến đi dành riêng cho các nhà báo và blogger, chọn lựa những báo tương đối thuận lợi cho tuyên truyền dù lượng đọc có ít. Tờ báo cánh tả Pháp phải chờ đợi rất lâu mới được tham gia một chuyến đi.
Tại Donetsk, thủ phủ Donbass, quân đội Ukraine vẫn đang ngoài cửa ngõ. Các mục tiêu bị Ukraine nhắm đến là những căn cứ quân sự và các địa điểm mang tính biểu tượng, nhưng với cường độ pháo kích, số nhà cửa bị hư hại tăng lên. Xa hơn về phía nam, thành phố Volnovakha bị phá hủy đến 85%. Ở phía biển Azov, thành phố tử đạo Mariupol có trên 90% tòa nhà bị san bằng. Riêng Berdiansk là thành phố bị Nga hóa nhanh nhất. Những câu khẩu hiệu mọc lên : "Nước Nga là hạnh phúc", "Chúng ta là một dân tộc duy nhất", "Nga là tình yêu", "Nga là tương lai"… Việc cấp passport Nga được đẩy nhanh.
Không chỉ cư dân e dè không dám nói chuyện với các nhà báo, mà cả lính Nga cũng tỏ ra cảnh giác. Sáu ngày trước, phó giám đốc cảnh sát giao thông đã bị tử thương trong một vụ tấn công được cho là từ người Ukraine ; thị trưởng hợp tác với Nga nay được vệ sĩ bảo vệ. Người phụ trách giáo dục ở tòa thị chính do Nga bổ nhiệm cho biết, đã thu hồi những sách giáo khoa có nói về những anh hùng dân tộc Ukraine và năm nay tiếng Ukraine không còn được giảng dạy ở trường học, với mục tiêu từ từ làm mất dần ngôn ngữ này.
Chiến tranh Ukraine trong cuộc chiến truyền thông
Cũng liên quan đến truyền thông, Le Monde cho biết chiến tranh quay lại ở Festival quốc tế ảnh báo chí (Visa pour l’images) tổ chức tại Perpignan (Pháp) với bốn cuộc triển lãm những hình ảnh từ Ukraine. Cần phải có một trái tim cứng cỏi khi đứng trước những bức ảnh từ Mariupol do hai nhà báo của AP, Mstyslav Chernov và Evgeniy Maloletka mang về. Họ là những phóng viên quốc tế cuối cùng còn hiện diện hồi tháng Ba, trước khi chạy khỏi thành phố bị vây hãm không còn điện nước, sau đó chỉ còn là gạch vụn, và nay trong tay quân Nga.
Trong video đầy xúc động "Hai mươi ngày ở Mariupol", hai nhà báo ghi lại cảnh một nhà hộ sinh vừa bị thả bom. Giữa những tiếng kêu khóc và cảnh hoang tàn, một phụ nữ mang thai bị thương được sơ tán bằng cáng. Cả người mẹ và em bé đều không sống sót. Nhưng ngay từ lúc tấm hình được phổ biến hồi tháng Ba, đại sứ quán Nga ở Luân Đôn nói rằng đó là "fake news", khẳng định người phụ nữ trong ảnh là "diễn viên". Những nhà báo đưa tin về cuộc chiến Ukraine thường xuyên thấy công việc của mình bị phản bác, đả kích, chế giễu trên mạng bởi những nhóm gây áp lực rất có tổ chức từ phía Nga.
Daniel Berehulak, phóng viên ảnh của New York Times đã tháp tùng một ê-kíp thám sát của quân đội Ukraine đến Bucha sau khi quân Nga rút đi cuối tháng Ba. Anh chụp ảnh những xác thường dân trên đường phố, và ngày lại ngày, phát hiện thêm nhiều nạn nhân trong những khu vườn, hầm nhà, bị bắn vào đầu, tay bị trói, xác bị thiêu cháy… Đối với Bộ Quốc phòng Nga, những video và hình ảnh này cũng là "fake". Tầm vóc sự kiện và phản ứng của các bên khiến người phóng viên ảnh lưu lại Bucha lâu hơn, và khi đã có trên 100 trường hợp, New York Times gởi một nhà báo điều tra là Carlotta Gall đến. Họ kiểm tra chéo các thông tin, tập hợp tài liệu và nhân chứng để dựng lại những gì đã diễn ra. Nhưng Beruhulak không công bố tất cả, mà giữ lại một số để làm bằng chứng tội ác chiến tranh.
"Ngôi làng Potemkine" Nga dần lao dốc
Le Monde có bài phân tích "Nước Nga, ngôi làng Potemkine" - từ ngữ để chỉ sự giả tạo. (Theo truyền thuyết, hoàng thân Potemkine từng cho xây lên những ngôi làng có mặt tiền đẹp đẽ ở Crimea hồi thế kỷ 18 để che giấu tình trạng nghèo đói khi nữ hoàng đến thăm). Thời gian gần đây ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng cấm vận Nga là một thất bại, chẳng những Moskva không hề hấn gì, chỉ có phương Tây bị thiệt hại. Luồng dư luận này càng được phụ họa khi lạm phát và khủng hoảng năng lượng bắt đầu gây tác động lên Liên Hiệp Châu Âu, trong khi thiếu vắng những con số thống kê khả tín từ Moskva.
Theo tác giả Stéphane Lauer, nói rằng trừng phạt là vô tác dụng, không chỉ sai mà còn góp sức cho tuyên truyền của Nga, vốn chỉ có một mục đích là phá vỡ sự đoàn kết của phương Tây, nhằm tháo lỏng gọng kềm đang bóp nghẹt kinh tế Nga. Việc sử dụng đến vũ khí khí đốt để nhấn chìm các nước dân chủ Châu Âu trong bất định và sợ hãi cũng vậy. Moskva cần chận đứng bằng mọi giá quá trình lao dần xuống địa ngục, mà nếu các nhà lãnh đạo phương Tây không thay đổi, thì khó thể tránh khỏi.
Đã đành đà sa sút của Nga chậm hơn dự báo. Nền kinh tế thứ 11 thế giới với dự trữ ngoại hối dồi dào, nợ công thấp, không thể sụp đổ trong một sớm một chiều. Ông Sergei Guriev, giám đốc đào tạo và nghiên cứu của Science Po ước tính kinh tế Nga bị sụt mất 9 điểm, còn trụ được nhờ giá dầu lửa tăng. Trên thực tế, nước Nga đã biến thành "ngôi làng Potemkine" : phía sau mặt tiền có vẻ vững chải, là những vết nứt đang đe dọa đến nền móng. Thặng dư thương mại kỷ lục của Nga là do không còn nhập khẩu, còn huyền thoại đồng rúp mạnh, đó là nhờ ngân hàng trung ương can thiệp ồ ạt, đi kèm với việc kiểm tra ngặt nghèo việc trao đổi ngoại hối.
Cấm vận, chất độc tàn phá từ từ
Tiêu thụ đã giảm mất 10%, và sản xuất công nghiệp sụt 7%, riêng kỹ nghệ xe hơi giảm đến 90% ! Để không xuống đến con số không, chính phủ buộc phải cho phép giảm nhẹ tiêu chuẩn an toàn, xe hơi xuất xưởng nay không còn túi khí và hệ thống chống bó phanh ABS. Trên 1.200 doanh nghiệp nước ngoài đã rời nước Nga, tương đương 40% GDP, có nghĩa là ba thập niên đầu tư ngoại quốc coi như không còn gì.
Việc cấm nhập thiết bị phụ tùng cũng giống như một chất độc có tác động chậm. Một số phi cơ dân dụng bị tháo gỡ để lấy phụ tùng. Đáng lo nhất cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin là thiếu các thiết bị điện tử cần thiết cho việc sản xuất hỏa tiễn, xe tăng thế hệ mới. Dù đã tìm cách mua ngoài chợ đen, tiềm năng của kỹ nghệ quốc phòng Nga nay co rút lại như miếng da lừa, do không chủ động được công nghệ.
Còn lại vấn đề dầu khí. Tuy khí đốt Nga đang ở trung tâm tranh luận, nhưng chỉ chiếm 1/3 thu nhập từ dầu khí, vàng đen mới là chủ chốt. Biện pháp trừng phạt loan báo vào tháng Năm làm giá dầu thế giới tăng lên, nhưng chỉ áp dụng đầy đủ kể từ tháng 12 tới. Trong khi chờ đợi, Châu Âu tiếp tục mua dầu lửa Nga giá mắc hơn, mang lại ảo tưởng là cấm vận không tác dụng. Nhưng dù Trung Quốc và Ấn Độ tranh thủ mua dầu Nga giá rẻ, nhu cầu phương Tây sụp đổ từ 2023 sẽ là thời điểm bản lề cho tương quan lực lượng với Moskva.
Agathe Demarais, giám đốc phụ trách dự báo của Economist Intelligence Unit nhắc nhở, tác động của cấm vận chỉ từ từ, được tích lũy với thời gian. "Đó là một cuộc chạy marathon, cần đến sự kiên nhẫn". Tác giả nhấn mạnh, cần tin tưởng thời gian đứng về phía phe dân chủ. Từ bỏ tiện nghi về năng lượng và sức mua có cái giá phải trả, nhưng bảo vệ các giá trị và chủ quyền thì vô giá.
Thụy My