Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Di dân ở Địa Trung Hải : Mối lo của giáo hoàng Francis

Chuyến tông du Marseille của giáo hoàng Francis, sự kiện nhà vua Anh Charles III thăm Pháp và tình hình ở Thượng Karabakh là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm 22/09/2023.

didan1

Ảnh tư liệu : Giáo hoàng Francis cùng với một nhóm người tị nạn tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 22/06/2016. AP - Fabio Frustaci

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến chuyến đi tới Marseille lần này của giáo hoàng Francis nhằm mục đích bày tỏ lòng thương xót đối với những di dân ở Địa Trung Hải. Ngay từ khi mới nhậm chức giáo hoàng, ngài đã chú ý tới Địa Trung Hải, vốn là một khu vực rất nhạy cảm, nơi diễn ra những cuộc di dân lớn chưa từng có, và có những căng thẳng về tôn giáo. Dường như Địa Trung Hải giờ đây đã trở thành một "nghĩa địa". Trong chuyến đi ngắn ngủi đến đảo Lampedusa, Ý vào năm 2013, giáo hoàng đã lên án một "sự thờ ơ ngày càng phát triển".

Giáo hoàng Francis tới Marseille vào chiều nay trong bối cảnh một làn sóng di dân mới đang tràn vào Lampedusa, theo sau là những "tiếng kêu tuyệt vọng" từ chính quyền Ý đang quẫn trí. Vậy giáo hoàng sẽ nói gì ?

Theo nhật báo thiên hữu, nhiệm vụ của một giáo hoàng hiển nhiên là tích cực kêu gọi bác ái với việc thuyết phục mọi người không bao giờ thờ ơ với những thảm kịch đắm tàu và con người chết đuối ngoài khơi Châu Âu. Do vậy, chính quyền những quốc gia có liên quan cũng phải xác định giải quyết mọi chuyện một cách thận trọng, nhưng quyết đoán, khi đối mặt với những tình huống nằm ngoài dự đoán.

Tất cả mọi người, từ các nguyên thủ quốc gia đến giáo hoàng, phải xét đến tình hình chính trị, kinh tế và thậm chí cả khí hậu của những quốc gia mà các di dân mong muốn vào Châu Âu đã quyết định rời khỏi. Ngoài ra, Le Figaro cũng chú ý đến việc các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay Tunisia có thể biến di dân thành một lá bài trong những đàm phán với Châu Âu liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau, chưa kể đến khả năng tiếp nhận và cho những di dân tới Châu Âu này hòa nhập đúng cách. Giáo hoàng Francis hiểu rõ điều này sau chuyến thăm Thụy Điển vào năm 2016, khi chính quyền vào thời điểm đó đã thừa nhận với ngài rằng mô hình tiếp nhận di dân của Stockholm có rất nhiều hạn chế.

Mặc dù vậy, Le Figaro kết luận rằng lòng nhân đạo và thái độ có trách nhiệm là điều mà người dân có quyền mong chờ từ các nhà lãnh đạo của mình.

Giáo hoàng Francis bất lực ?

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération cũng quan tâm đến cùng chủ đề. Nhật báo thiên tả nhận định rằng chuyến đi tới Marseille của giáo hoàng là một phúc lành. Libération cho rằng chuyến đi này của giáo hoàng mang rất nhiều ý nghĩa, khi cuối cùng cũng có người công khai bày tỏ lập trường trong một hồ sơ mà cả Pháp lẫn Ý đều đang có những "toan tính nhỏ nhen" mang tính chính trị, một hồ sơ sẽ đi vào lịch sử như một trong những những bi kịch lớn của thế kỷ này. Giáo hoàng đã nhắc đi nhắc lại rằng ngài không đến Pháp, mà ngài đến Marseille, với mục đích tiến gần Địa Trung Hải, nơi hàng chục ngàn trẻ em, phụ nữ và nam giới tràn vào sau khi chạy trốn chiến tranh hoặc nghèo đói từ 20 năm qua.

Chuyến đi này của giáo hoàng mang nặng tính chính trị khi các nước Châu Âu không muốn tìm ra giải pháp nào để tiếp nhận những di dân nói trên. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp, Gérald Darmanin, đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Paris sẽ không hoan nghênh bất kỳ người nào đến Lampedusa một cách bất hợp pháp. Libération nhận định rằng ông Darmanin dường như đang nung nấu ý định chạy đua vào điện Elysée trong tương lai và đang tìm cách tạo cảm tình với các cử tri thân đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN).

Đang tiếp đón vua Charles III của Anh trong cung điện Versailles, tổng thống Emmanuel Macron cũng khó lòng có thể bày tỏ một lập trường tương đồng với giáo hoàng. Libération kết luận rằng giáo hoàng vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu ngài muốn thuyết phục mọi người thực sự đồng cảm với hoàn cảnh của những di dân này. Những ít ra, ngài không ngừng cố gắng !

Anh Quốc tìm cách xích lại gần Châu Âu

Nhật báo Le Monde thì dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến chuyến thăm Pháp của vua Anh Charles III. Le Monde nhận định rằng đó chỉ là những hình ảnh được dàn dựng, đi kèm những lời nói thường là sáo rỗng.

Được lên kế hoạch bởi Downing Street, chuyến thăm Pháp này của nhà vua Charles III sau chuyến đi tới Đức hồi tháng 3 vừa qua, thể hiện mong muốn của phủ thủ tướng kết nối lại với Pháp nói riêng và Liên Âu nói chung. Thủ tướng Rishi Sunak đã ký một thỏa thuận với Bruxelles để giải quyết những tranh chấp liên quan đến Bắc Ireland và cho phép các nhà nghiên cứu Anh tham gia trở lại vào các chương trình nghiên cứu Châu Âu. Tại Elysée, ông cũng đã ký một tấm séc mới nhằm tài trợ cho hoạt động của cảnh sát Pháp chống lại những di dân tìm cách băng qua eo biển Manche.

Giờ đây, việc bình thường hóa quan hệ giữa Luân Đôn, Paris và Bruxelles là điều cần thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine vẫn tiếp diễn khiến cho tình đoàn kết của phương Tây gặp nhiều thử thách. Dù xét về mặt ngoại giao, quốc phòng, khí hậu, năng lượng hay nhập cư, việc Luân Đôn và Bruxelles tăng cường hợp tác song phương mang lại những lợi ích không phải bàn cãi. Những tác động tiêu cực của Brexit có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Anh Quốc xích lại gần với Châu Âu.

Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn một bữa tối sang trọng trong Phòng Gương của cung điện Versailles hay một bài diễn văn tại Thượng Viện để làm phai mờ nhiều năm chống đối Châu Âu của Vương quốc Anh. Việc ra khỏi thị trường chung và ảo tưởng về một vận mệnh ngoài Châu Âu đã làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về mặt kinh tế và tài chính giữa hai bên.

Trớ trêu thay, trong khi vua Charles III là một người nổi tiếng quan tâm đến những vấn đề về khí hậu, thì thủ tướng Rishi Sunak lại tuyên bố ý định đình chỉ các cam kết về môi trường của Vương quốc Anh. Thắt chặt mối quan hệ đang suy yếu giữa Anh Quốc và Pháp là một điều thiết yếu, và đó cũng là cuộc đấu tranh về mặt chính trị mà Luân Đôn cần phải có được sự đoàn kết ngay trong nội bộ.

Ukraine không bị ảnh hưởng nhiều sau quyết định ngưng cấp vũ khí của Ba Lan

Về tình hình Ukraine, tờ Les Echos có bài viết chú ý đến việc Ba Lan thông báo ngưng chuyển giao vũ khí cho Kiev hầu như không có tác động đến khả năng quân sự của Ukraine.

Cho đến nay, cùng với các nước vùng Baltic, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự lớn nhất tính theo GDP (0,7%) dưới danh nghĩa bảo vệ nền văn minh Châu Âu trước chủ nghĩa đế quốc mới của điện Kremlin. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế nhận định rằng quyết định ngưng cấp vũ khí của Ba Lan sẽ không có tác động đáng kể đến năng lực quân sự của Ukraine.

Đầu tiên, Warszawa vào hôm qua đã khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp những vũ khí đã hứa từ trước cho Ukraine. Một quan chức Ba Lan ẩn danh cũng nói thêm với hãng tin Bloomberg rằng tuyên bố của thủ tướng Morawiecki đã bị "hiểu sai". Một quan chức khác thì cho biết rằng Ba Lan đã giao hầu hết mọi vũ khí mà họ có thể cung cấp cho Ukraine. Ngoài 14 xe tăng Leopard II do Đức thiết kế, Warszawa đã gần như "vét sạch" các vũ khí khác tồn kho từ thời Liên Xô. Điều này được một chuyên gia quân sự Pháp khẳng định : "Trong mọi trường hợp, Ba Lan không còn gì để cho Ukraine. Họ đã gửi hầu hết hàng tồn kho từ thời Liên Xô và không thể cung cấp thêm thứ gì vì họ không thể rút ruột chính quân đội mình".

Những vũ khí và đạn dược này, bao gồm 290 xe tăng T72 và 14 máy bay ném bom Mig 29, đã tỏ ra rất hữu ích khi cuộc chiến mới nổ ra, vì quân đội Ukraine biết sử dụng chúng rất thuần thục. Nhưng kết quả của cuộc phản công mà Kiev tiến hành vào mùa thu này sẽ phụ thuộc phần lớn vào vũ khí của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), như thiết bị rà phá bom mìn, tên lửa tầm xa, xe tăng thế hệ mới, đạn pháo 155 mm, đạn chùm và tên lửa GLSDB, những vũ khí mà Ba Lan sở hữu rất ít.

Alice Ruffo, thuộc Tổng cục Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Bộ Quân lực Pháp, nhấn mạnh rằng việc Ba Lan ngưng cấp vũ khí cho Ukraine không gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết của Châu Âu dành cho Ukraine, bởi tất cả viện trợ của Ba Lan từ trước đều phải thông qua Cơ chế Hòa bình Châu Âu với các nhà tài trợ chính là Đức và Pháp, và cơ chế này thì vẫn tiếp tục hoạt động.

Nỗi đau mất Thượng Karabakh của Armenia

Bài xã luận của tờ La Croix thì quan tâm đến tình hình ở Thượng Karabakh. Người Armenia trên khắp thế giới cảm thấy như đang trải qua một thảm kịch. Họ đau khổ quan sát tình hình của một trong những khu vực nhỏ bé của mình, bị mắc kẹt ở vùng núi Kavkaz. Sau cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Azerbaijan hôm 19/09, các cuộc đàm phán về số phận của cư dân trong vùng đất Nagorno-Karabakh bị bao vây đã bắt đầu. Chế độ Baku có ý định thực thi toàn bộ chủ quyền, chiểu theo luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo của thực thể ly khai này, tự xưng là một nước cộng hòa tự trị, sẽ phải chịu sự lãnh đạo của chính quyền Azerbaijan. Đó là sự chấm dứt của một giấc mơ kéo dài 30 năm.

Giờ đây, số phận của người dân cũng như các di sản phi vật thể của khu vực Armenia lịch sử này là một mối lo lớn. Bởi cuộc xung đột này là một phần của tình trạng căng thẳng kéo dài với thế giới Thổ Nhĩ Kỳ ở xung quanh. Cộng đồng người Armenia đã từng phát triển mạnh mẽ trong khu vực này trong một thời gian dài dưới thời đế chế Ottoman và đế quốc Nga, nhưng họ đã phải hứng chịu thảm kịch diệt chủng năm 1915-1916, khiến sự hiện diện của họ bị xóa bỏ ở Anatolia. Ký ức đau thương này được khơi dậy bởi những khẩu hiệu căm ghét được nghe thấy ở Azerbaijan.

Nhật báo công giáo kết luận rằng vấn đề này cần phải được đưa ra quốc tế để tìm hướng giải quyết. Các con chiên được yêu cầu thể hiện tình đoàn kết và các nước Châu Âu phải dồn hết sức lực vào Azerbaijan để nước này từ bỏ ý định "trả thù" và cam kết theo logic chung sống hòa bình với nước láng giềng.

Phan Minh

Published in Quốc tế