Các chính phủ Nixon và Ford rút quân rồi ngưng viện trợ từ năm 1973 đến 1975, bỏ mặc Quân Lực Việt Nam Cộng hòa chiến đấu cho đến khi kiệt lực. Người Việt miền Nam cay đắng mãi, tự hỏi tại sao bạn đồng minh bỏ rơi mình tàn nhẫn như vậy ?
Người Syria và người Kurd di tản, chạy trốn khỏi cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía Đông Bắc Syria hôm 11 Tháng Mười, 2019, tại thị trấn Tal Abyad, Syria. (Hình : Delil Souleiman/AFP via Getty Images)
Bây giờ, có thể đoán được lý do tại sao, chút đỉnh !
Trước hết, người Mỹ vẫn nói một quốc gia không có bè bạn, chỉ có quyền lợi. Khi hai nước cùng chung một kẻ thù thì có thể hợp tác với nhau, vì quyền lợi chung. Người Việt mình thì quen gọi như thế là "đồng minh".
Từ năm 1954, nhiều người Việt ở miền Nam nghĩ chế độ Cộng hòa của mình là "đồng minh" của nước Mỹ. Bởi vì nước Mỹ lúc đó đang tìm cách chống Trung Cộng, không cho bành trướng khắp vùng Đông Nam Á ; trong khi dân miền Nam thì chống Việt Cộng, một đảng cộng sản đàn em giúp Trung Cộng theo đuổi cùng mục đích đó. Thế thì hai nước là đồng minh chớ còn là chi nữa ?
Nhưng bây giờ mới hiểu, có lẽ mình nghĩ như vậy là nhầm to !, Không chắc người Mỹ đã coi mình là đồng minh ! Đặc biệt là chính phủ Mỹ. Khi nói đến các lực lượng quân sự đã chiến đấu cùng với quân Mỹ, người Mỹ có thể gọi đó là "bạn chiến đấu" hay "bạn cùng phe", nhưng nhiều người không gọi là "allies – đồng minh !"
Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ như vậy. Ông hiểu chữ "allies" theo ý nghĩa khác người Việt mình. Khi ông nói về các đạo quân người Kurd ở miền Bắc Syria. Người Kurd đã chiến đấu cùng quân Mỹ tiêu diệt tàn quân ISIS. Người Việt gọi họ là đồng minh của Mỹ. Nhưng bây giờ họ đang bị chính phủ Mỹ bỏ rơi, mặc cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "làm thịt". Họ đang lâm vào cảnh giống như Quân Lực Việt Nam Cộng hòa bị Mỹ ngưng viện trợ, mặc cho quân cộng sản miền Bắc nuốt dần dần.
Hôm thứ Tư, khi nghe các đại biểu quốc hội thuộc cả hai đảng chỉ trích việc nước Mỹ bỏ rơi các đồng minh người Kurd, Tổng thống Trump "tuýt" rằng : "Người Kurd chiến đấu để bảo vệ đất đai của họ !" (They’re fighting for their land). Ý ông muốn nói người Kurd chiến đấu vì nhu cầu của chính họ, không phải vì muốn giúp Mỹ tiêu diệt ISIS.
Một câu khẳng định đó đủ cho thấy ông Trump đánh giá 10.000 quân Kurd đã bỏ mình trong mấy năm qua thế nào ! Họ đánh cho tổ tiên, con cháu, giòng giống của chính họ !
Các vị tổng thống đời trước như Nixon và Ford không biết nói một câu tương tự : "Quân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu cho đất nước và chế độ tự do của họ !"
Ông Lê Duẩn có thể làm chứng biện minh cho các ông Nixon. Lê Duẩn khẳng định "Chúng ta (Việt Cộng miền Bắc) chiến đấu cho cả Liên Xô, cả Trung Quốc !" Không một vị tổng thống nào của Việt Nam Cộng hòa nói một câu như vậy ! Ergo, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ chiến đấu cho nước mình, cho con cháu mình được sống tự do ; chớ đâu có đánh vì muốn giúp nước Mỹ chống Trung Cộng ! Nói vậy là đủ cho ông Nixon biện minh cho việc phủi tay, rút ra khỏi miền Nam Việt Nam !
Đúng như ông Trump nhận xét về người Kurd ngày nay, họ đánh bọn khủng bố ISIS cho họ, chớ không phải cho nước Mỹ. Các ông Nixon và ông Ford không biết nói khéo như thế. Hai ông còn kém ông Trump thêm một điểm nữa, là không biết cách phủ nhận chữ "đồng minh" trong quan hệ với Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng thống Trump giải thích, "Như có người hôm nay mới viết một bài rất vững mạnh, nói rằng người Kurd đâu có giúp gì nước Mỹ trong Đại Chiến Thứ Hai. Thí dụ, họ không giúp người Mỹ trong trận Normandy ! Đó là trận quân đồng minh Anh, Mỹ đổ bộ vào bờ biển Normandie ở Pháp, tấn công và tiêu diệt Đức Quốc Xã !
Tới đây thì chúng ta biểu rõ hơn. Trong tự điển của của Tổng thống Trump, từ "đồng minh" (allies) chỉ đáng đem dùng khi nói đến các nước Âu Châu, những nước từng đứng cùng phe với Mỹ trong hai trận chiến tranh thế giới lớn, thế kỷ trước.
Ông Trump chịu ảnh hưởng của Kurt Schlichter, một nhà bình luận mà ông nhắc đến nhưng không nêu tên. Trong một bài mới xuất hiện trên mạng, ông Schlichter viết, "Người Kurd giúp chúng ta tiêu diệt quân ISIS, đúng sự thật như thế. Nhưng một sự thật khác là người Kurd đằng nào cũng phải đánh quân khủng bố ISIS, vì bọn đó nằm ngay bên cạnh họ. Người Kurd hợp tác với chúng ta ở đất nước họ vì chung một mối quan tâm cần xóa bỏ bọn khủng bố !"
Ông Schlichter viết thêm : "Người Kurd không hề xuất hiện ở Normandy để giúp chúng ta, cũng như không đến Khe Sanh (Việt Nam) hoặc Kandahar (Afghanistan)".
Đó là ý tưởng mà Tổng thống Trump đã trích dẫn, ông chỉ nhắc đến Normandy là cái tên quen thuộc với ông hơn. Hai tên Khe Sanh và Kandahar nghe như tiếng Hy Lạp, lạ hoắc, khó nhớ.
Nhưng nhà bình luận Kurt Schlichter phạm mấy điều nhầm lẫn. Vì đã quên lịch sử, hoặc không chịu học lịch sử.
Trước hết, người Kurd là một dân tộc nhưng không có một quốc gia. Sau Thế Chiến Thứ Nhất các nước thắng trận đã có ý định cho người Kurd trong vùng lập quốc, thành một nước gọi là Kurdistan. Nhưng kế hoạch này bị các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran phản đối, thế là bị bỏ quên luôn. Từ thượng cổ tới nay dân Kurd vẫn không có một đất nước riêng, không có một chính quyền và quân đội để quyết định gửi quân đi đánh nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới, Normandie, Khe Sanh hoặc Kandahar !
Nếu người Kurd mà tính mang quân đi giúp nước Mỹ ở các mặt trận đó thì họ sẽ bị chính quyền các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Syria và Armenia (trước thuộc nước Nga) đánh cho tan nát ngay ! Thử tưởng tượng bây giờ người Việt gốc Champa hay gốc Khmer dự tính đem quân đi giúp nước Mỹ ở Iraq chẳng hạn. Có chính quyền Việt Nam nào cho phép hay không ?
Đặt câu hỏi tại sao người Kurd không đến đánh giúp quân Mỹ ở Normandie chứng tỏ ông Schlichter mù tịt về lịch sử thế giới và lịch sử vùng Trung Đông !
Vả lại, ông Schlichter cũng không để ý rằng nước Israel cũng không phải đồng minh của Mỹ, vì họ không hề gửi quân tới giúp quân Anh, Mỹ đổ bộ ở Normandie ! Vì nước Israel sanh trễ mất hai năm, sau trận đánh !
Hơn nữa, từ thời Chiến Tranh Lạnh cho tới ngày nay, các chính phủ Mỹ, ít nhất là trước thời Tổng thống Trump, vẫn coi nước Đức, Nhật Bản, nước Ý là các nước "đồng minh" xưa kia chống cộng sản và nay chống khủng bố. Mà các nước Đức, Ý chắc chắn không nước nào gửi quân đến giúp Mỹ đổ bộ ở Sicily và Normandie ! Nhật Bản cũng không thể nào gửi quân đi giúp Mỹ trong các trận đánh ở Okinawa !
Chuyện khôi hài đến thế mà cũng xưng xưng nói được thì kỳ lạ thật !
Dù những lời biện minh cho hành động bỏ rơi quân Kurd vô nghĩa lý, nhưng hậu quả trước mắt là quân đội cùng đàn bà, trẻ em người Kurd đang bị quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom và tấn công tơi tả. Chính phủ Mỹ đã quyết định phủi tay, không muốn dính dáng chi tới vùng Trung Đông nữa. Hai nước vui mừng nhất là Nga và Iran, cùng chính quyền Assad ở Syria.
Và từ nay khi nào nước Mỹ cần có đồng minh, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, các quốc gia khác và các nhóm thiểu số có quân lực riêng ở nước khác, sẽ rất lo ngại. Họ có được coi là những đồng minh của Mỹ hay không ?
Người ta sẽ đánh giá lại quan niệm "đồng minh với Mỹ".
Tướng James G. Stavridis, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ ở Âu Châu, nhận xét rằng xưa nay khi nào nước Mỹ giữ lời bảo vệ các đồng minh thì luôn luôn được lợi. Thí dụ, trong Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ đã bảo vệ nước Anh hoặc Australia trước đe dọa của Đức và Nhật. Năm 1950 Mỹ bảo vệ Nam Hàn. Khi nào nước Mỹ bỏ rơi các nước đồng minh, Tướng Stavridis nhận xét, như ở Việt Nam và bây giờ có thể ở Afghanistan và Syria, thì thế nào cũng bị thiệt hại.
Chúng ta đang thấy quả báo nhãn tiền : Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa cho nên bây giờ phải đối phó với mối lo lớn hơn : Trung Cộng bành trướng trong vùng biển Đông Nam Á !
Tướng Paul D. Eaton, đã từng tham chiến ở Iraq, nhận xét : "Muốn làm cho nước khác tin mình cần rất nhiều thời gian. Khi nào người ta mất tin tưởng, như bây giờ, muốn lập lại niềm tin rất khó".
Mai mốt, nếu Mỹ bỏ cả Syria và Afghanistan, không biết các chính phủ sau sẽ phải lo ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và Nga trong vùng Trung Đông và Nam Á như thế nào !
Cả quốc hội Mỹ, hai đảng, đang cố can ngăn ông tổng thống. Muốn hiệu quả, có lẽ, họ phải mở một lớp học về lịch sử, ít nhất, giúp ông Trump hiểu hai chữ đồng minh nghĩa là gì. Nên kể lại chuyện chính phủ Nixon đối xử với Việt Nam Cộng hòa !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 11/10/2019
Dân quân Kurdistan phản công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ đất ở Syria (RFI, 11/10/2019)
Khói bốc lên từ thành phố Tall Abyad, miền đông bắc Syria, ngày 10/10/2019. Reuters/Murad Sezer
Ngày 11/10/2019, chiến dịch "Nguồn Hòa bình" do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành nhắm vào lực lượngKurdistan bước sang ngày thứ ba. Bị cộng đồng quốc tế phản đối, nhưng tại Thổ Nhĩ Kỹ, cuộc tấn công do tổng thống Erdogan phát động lại được đa số người dân ủng hộ.
Trên thực địa, các cuộc giao tranh đã làm gần 70 người thiệt mạng, trong đó có 16 thường dân, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một quân nhân nước này bị thiệt mạng ngày 10/10 và 3 quân nhân khác bị thương. Lực lượng Kurdistan SDF đã phản công và đẩy lùi lực lượng bổ sung người Syria của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi một số khu vực bị chiếm trước đó.
Thông tín viên trong khu vực, Paul Khalifeh, tường trình :
"Lực lượng quân bổ sung người Syria của Thổ Nhĩ Kỳ (được gọi là "Quân đội dân tộc Kurdistan") do Ankara vũ trang và yểm trợ đã tràn qua hai khu vực ở biên giới : Ras al Ain ở tỉnh Raqqa (phía bắc Syria) và Tall Abyad, ở tỉnh Hassaké (đông bắc).
Lực lượng này đã chiếm được khoảng 12 làng ở hai vùng trên, phần lớn là người Ả Rập. Họ được các nhóm quân địa phương ủng hộ.
Khu vực Ras al Ain bị chính lực lượng chiến binh ngay tại Syria tấn công. Điều này khẳng định các thông tin được một số nguồn tin thân cận với chế độ Syria công bố trước đó, cho rằng rất nhiều chiến binh người Ả Rập thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) gồm chủ yếu là người Kurdistan, đã đào tẩu.
Nhưng trong đêm thứ Năm (10/10), rạng sáng thứ Sáu (11/10), lực lượng Kurdistan đã phản công và chiếm lại được một phần đất bị mất ở Ras al Ain cũng như ở Tall Abyad, theo tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria và một số nguồn tin của chế độ Damas.
Các vụ tấn công đã khiến 60.000 người phải chạy lánh nạn, sơ tán đến thành phố Hassaké, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Họ phải chen chúc nhau trong những chiếc xe tải nhỏ, giữa đống chăn đệm, bình ga và các túi bao bố, theo phóng sự của các phóng viên có mặt tại chỗ".
Thu Hằng
*********************
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria (VOA, 11/10/2019)
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự tấn công các lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ, ở đông bắc Syria hôm thứ Năm 10/10, bắn pháo vào các thị trấn và oanh kích các các mục tiêu, khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa sơ tán.
Quận đội Thổ Nhĩ Kỳ ở gần biên giới Thổ-Syria
Đài quan sát Nhân quyền Syria cho hay ít nhất 23 chiến binh của các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và tám thường dân, trong đó có hai quản trị viên của SDF, đã thiệt mạng.
Hơn 60.000 người đã sơ tán kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu hôm 9/10, Đài quan sát cho biết thêm. Các thị trấn Ras al-Ain và Darbasiya, cách khoảng 60 km về phía đông của biên giới, hầu như không còn bóng người.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với Đảng AK của ông ở Ankara rằng 109 chiến binh người Kurd đã bị hạ sát trong hai ngày qua, trong khi người Kurd nói rằng họ đang chống lại các cuộc tấn công.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, nói họ dự định tạo ra một khu vực an toàn để hàng triệu người tị nạn Syria trở về lại quê hương của họ.
Nhưng các cường quốc thế giới lo ngại chiến dịch này có thể làm tăng cuộc xung đột đã kéo dài 8 năm ở Syria, và có nguy cơ các tù nhân Nhà nước Hồi giáo trốn thoát khỏi các trại tù trong bối cảnh hỗn loạn này.