Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp - Covid-19 : Dỡ bỏ phong tỏa, chuyện không đơn giản

Ngày 28/04/2020, trước Quốc hội thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch chi tiết dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở nước Pháp. Nội dung của kế hoạch được dư luận Pháp mong đợi không kém gì thời điểm ngày 11/05. Vì thế các báo trong ngày đều tập trung vào sự kiện này cũng như về cuộc khủng hoảng y tế của Pháp.

phongtoa1

Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe phải trình bày cụ thể về kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống Covid-19. Reuters- POOL

Nếu như người dân Pháp đang mong chờ từng ngày được ra khỏi phong tỏa, lệnh do tổng thống Emmanuel Macron ban bố từ ngày 17/03 thì chính phủ Pháp đang đau đầu và bị sức ép rất lớn làm sao giải tỏa được cuộc sống cho người dân khi nguy cơ bệnh dịch vẫn còn đó. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Dỡ bỏ phong tỏa, một kế hoạch dưới sức ép lớn", tương tự Le Figaro nhận định : "Philippe, dưới sức ép tối đa để dỡ bỏ phong tỏa".

Chính phủ cho biết kế hoạch sẽ được chia thành 6 mảng chính : y tế (gồm các vấn đề khẩu trang, xét nghiệm, cách ly…), trường học, việc làm, thương mại, giao thông và các cuộc tụ tập. Với mỗi chủ đề như vậy, thủ tướng Pháp phải trình bày cụ thể đâu là cơ sở để hành pháp cho phép trở lại các hoạt động mà vẫn tránh được dịch bệnh tái phát.

Mục đích nội dung như vậy, nhưng chính phủ đã phải làm việc rất nhiều để có được kế hoạch thực hiện. Theo Le Figaro, chính phủ đã phải thảo luận với nhau rất căng thẳng. Cho đến tận sáng ngày hôm qua (27/04), tại phủ thủ tướng, các cuộc họp vẫn liên tục diễn ra để bàn về vô số các vấn đề đặt ra khi dỡ bỏ phong tỏa trước làn sóng Covid-19 thứ 2 vẫn luôn rình rập đâu đó và trong khi tiếng kêu cứu của các ngành nghề kinh tế, xã hội ngày thêm nhiều. Bên cạnh đó, đến lúc này các đường hướng quyết định chính trị dường như chưa thuyết phục được giới khoa học cũng như của phe đối lập, mà trong đó không ít người luôn muốn đóng vai trò của thủ tướng nhiều hơn là phản biện .

Khẩu trang, không còn là chuyện nhỏ của chính phủ

Liên quan đến dỡ bỏ phong tỏa, chủ đề chính của báo Libération dành nói về chiếc khẩu trang, một vật dụng bảo hộ y tế đơn giản nhưng đang chiếm một vị trí không nhỏ trong kế hoạch giải tỏa của chính phủ.

Với tựa lớn chiếm cả trang nhất : "Khẩu trang, dối trá và chểnh mảng", Libération có bài phóng sự điều tra lật lại vấn đề vì sao nước Pháp rơi vào trình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trầm trọng khi Covid-19 lan tràn. Dựa trên các nguồn tin chính thức cũng như ý kiến của các nhà khoa học, Libération đã cho thấy, khi cuộc khủng hoảng virus corona bùng lên, vấn đề sử dụng khẩu trang để phòng dịch đã được đặt ra. Nhưng do lơ là để kho hàng chiến lược phòng dịch này bị cạn từ 10 năm qua, chính phủ lấy lý do là khẩu trang chỉ cần thiết và có tác dụng cho nhân viên y tế và người bị bệnh, phải dành dụm không đem sử dụng đại trà. Giờ đây khi thấy khẩu trang là vật dụng thiết yếu phòng dịch lây lan thì chính phủ lại nói rằng cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi… 

Libération khẳng định, không hề có sự thay đổi nào trong cơ sở lý luận hết mà chính phủ đã cố ý nói dối dân để che lấp sự sai lầm về quản lý kho dự trữ khẩu trang hơn 1 tỷ chiếc trong suốt hai nhiệm tổng thống từ François Hollande đến Emmanuel Macron.

Theo tờ báo ngay từ tháng Hai, khi virus corona bắt đầu lây lan ở Pháp thì khi dự trữ khẩu trang của Nhà nước đã cạn kiệt. Thế nhưng các giới chức y tế của chính phủ vẫn khẳng định không sợ khan hiếm khẩu trang. Đến giữa tháng 3, khi tình trạng đã bắt đầu nguy ngập, lúc đó các cơ quan y tế mới thông báo trong kho chiến lược chỉ còn 117 triệu chiếc khẩu trang y tế loại FFP2, trong khi mà 10 năm trước đó con số này là 1 tỷ 600 triệu.

Điều tra của Libération cho thấy trong 10 năm, các chính phủ đã không để ý quan tâm đến tích trữ kho hàng chiến lược phòng dịch này, do cắt giảm ngân sách đầu tư cho y tế, mặc dù các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo cần phải bổ sung liên tục nguồn dự trữ vật tư chiến lược phòng dịch bệnh. Hậu quả là khi bị dịch Covid 19 tấn công các cơ sở, nhân viên y tế bị rơi vào tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.

Tờ báo đưa ví dụ, như tại bệnh viện Mulhouse, tâm dịch đầu tiên của Pháp, vào lúc cao điểm dịch Covid-19, bệnh viện này cần khoảng hơn 100 nghìn khẩu trang chuyên dụng các loại mỗi tuần, trong khi Nhà nước chỉ có thể cung cấp khoảng 25 nghìn chiếc mỗi tuần. Đến cuối tháng 3, cao điểm của dịch trong cả nước, Pháp cần ít nhất 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, trong khi đó 8 tuần lễ, chính phủ mới tích góp được 69 triệu khẩu trang, theo một tài liệu chính thức của Bộ Y tế. Chính phủ không đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho cả người bệnh cũng như các nhân viên chăm sóc họ. Các đơn đặt hàng gấp được ký nhưng đã quá muộn.

Libération khẳng định trong bài xã luận tình trạng khủng hoảng khẩu trang mà bài điều tra cho thấy trách nhiệm, sự yếu kém và thất bại của chính phủ trong chính sách y tế. "Những sai lầm đó làm suy yếu thủ tướng Edouard Philippe, khi mà hôm nay ông trình bày kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa từng phần cho dân chúng từ ngày 11/05. Một kế hoạch để thành công và tránh được làn sóng dịch thứ 2 thì nhất thiết phải dự trù đủ số lượng khẩu trang, xét nghiệm, đây lại là điều chưa có được. Nếu muốn thuyết phục được mọi người, thủ tướng phải cụ thể và chắc chắn và còn phải biết thừa nhận những sai lầm của chính phủ", Libération kết luận.

Châu Âu rục rịch dỡ bỏ phong tỏa

Chuyển qua với nhật báo Le Figaro, chủ đề dỡ bỏ phong tỏa vẫn bao trùm khắp mặt báo. Nhìn qua khắp Châu Âu, tờ báo ghi nhận việc dỡ bỏ phong tỏa đang bắt đầu diễn ra nhưng ở mỗi nơi mỗi kiểu theo các bước khác nhau.

Theo ghi nhận của Le Figaro, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn lâu mới bị đẩy lùi, các nước bị dịch nặng nề nhất của Châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức đều đã bắt đầu rục rịch các bước khởi động thoát ra khỏi vòng phong tỏa, một giai đoạn được đánh giá là "cốt yếu và rất khó xử".

Theo Le Figaro, đây là giai đoạn mà các chính phủ phải đối mặt với bài toán : Làm sao vừa phải giữ được các chuẩn mực vệ sinh y tế để đề phòng làn sóng dịch thứ 2, vừa phải khởi động lại cỗ máy kinh tế trước nỗi lo về đời sống của dân chúng ngày càng lớn. Tuy nhiên, mỗi nước đều dỡ bỏ các hạn chế một cách thận trọng với ưu tiên của mỗi nơi cũng khác nhau. Ý chọn chiến lược làm dần từng mảng, Đức thì mỗi vùng làm theo cách riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Nhìn chung, nhiều nước đã cho mở lại dần dần trường học, như ở Đức, bắt đầu từ ngày 4/5 hay Đan Mạch thì sớm hơn từ ngày 14/4. Nhưng cũng có nước thận trọng đề nghị đến tháng 9 mới mở trường học trở lại như Ý hay Romania, Pháp, Tây Ban Nha, hay Anh việc mở lại trường học trên nguyên tắc từ ngày cho dỡ lệnh phong tỏa, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa có chủ trương dứt khoát.

Có vẻ như khởi động lại cỗ máy kinh tế đang là ưu tiên của các nước. Trước tiên là mở lại các cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất quan trọng nhưng vẫn phải dưới sự giám sát chặt chẽ của các quy định phòng dịch. Quán ăn, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí vẫn còn chờ tiến triển tình hình dịch.

Một vấn đề khác được Le Figaro nêu lên là việc lưu thông qua biên giới. Đây là điểm mấu chốt trong việc dỡ lệnh phong tỏa. Thế nhưng hầu hết các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong khối Schengen đều rất thận trọng chưa muốn đưa ra quyết định cụ thể. Ưu tiên của các nước lúc này vẫn là lo tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trong mỗi nước đã và sẽ còn bị đảo lộn lâu dài vì trận dịch này.

Covid-19 : Vì sao Trung Quốc sợ minh bạch ?

Trên trang "Dư luận" của báo Le Figaro có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn liên quan đến Trung Quốc của nhà báo, nhà văn Renaud Girard : "Vũ Hán : Cần có một cuộc điều tra quốc tế".

Tác giả viết : Để trả lời một thảm họa quốc tế thì phải có một cuộc điều tra quốc tế. Thế nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc có vẻ không muốn chấp nhận điều đó. Trước đề nghị của Úc mở một cuộc điều tra quốc tế dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới về dịch Covid-19, đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã trả lời là "không" và còn đe dọa sẽ tẩy chay, trả đũa nếu chính phủ Úc tiếp túc theo đuổi ý tưởng này.

Tác giả nhắc lại, đến nay người ta còn chưa biết gì nhiều về hoàn cảnh ra đời tại Vũ Hán hồi tháng 11/2019 một căn bệnh sau này bùng phát khắp thế giới giết chết hàng trăm nghìn người. Còn rất nhiều câu hỏi xung quanh bệnh dịch này dưới nhiều góc độ khác nhau để thế giới tìm hiểu, ngăn chặn dịch.

Vậy có chính đáng khi các nước lớn trên thế giới muốn hiểu rõ điều gì đã xảy ra ở Trung Quốc hay không ? Hiển nhiên là chính đáng, như vậy chỉ để ngăn chặn các đại dịch không tái xảy ra từ nước lớn này mà thôi, theo tác giả.

Trong khi đó các tin đồn, thuyết âm mưu rộ lên liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc với virus corona chủng mới. Tại sao Trung Quốc lại từ chối sự minh bạch, bác bỏ một cuộc điều tra quốc tế ? Phải chăng họ có điều gì phải giấu ?

Tác giả bài báo nhắc lại khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, chính phủ Nhật ngay lập tức kêu gọi các chuyên gia của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế tới trợ giúp. Vậy tại sao Trung Quốc không làm như Nhật ?

Tác giả kết luận : "Trên bình diện công nghệ, Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều trong việc mở cửa với thế giới phương Tây. Những thập kỷ gần đây, con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh cũng không ngừng đòi phương Tây mở cửa rộng hơn. Vậy mà giờ đây Trung Quốc chủ trương đóng cửa, sau khi đã xuất khẩu một thảm họa sức khỏe chưa từng có từ một thế kỷ nay".

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế