Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan hệ Paris–Berlin lạnh giá, Liên Âu khó đồng thuận về "giá trần khí đốt"

Bất đồng sâu sắc trong nội bộ Liên Âu (EU) về "giá khí đốt", trong lúc các lãnh đạo Liên Âu họp lại trong hai ngày, hôm nay và ngày mai, 20 và 21/10/2022, là chủ đề chính của hầu hết các báo ra hôm nay. Việc chính phủ Pháp quyết định mượn đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua phần một của dự thảo ngân sách năm 2023, không qua bỏ phiếu tại Quốc hội, cũng là một chủ đề thu hút nhiều chú ý.

khidot1

Giá khí đốt tăng vọt đe dọa kinh tế Châu Âu về ngắn hạn và trung hạn. Ảnh minh họa AFP – Eric Piẻmont

"Giá khí đốt : Các lãnh đạo Liên Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp" là một tựa chính trang nhất Le Monde. Theo nhật báo Pháp, "tất cả các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch quốc gia để đối phó với các hệ quả của khủng hoảng, nhưng trên cấp độ toàn Châu lục thì chưa, đặc biệt về vấn đề ấn định giá trần với khí đốt".

Những điểm Liên Âu đã thành công

Hồ sơ chính của Le Monde về chủ đề này cho biết những điểm đã làm được của Liên Âu để đáp ứng thách thức năng lượng mà cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đặt ra, cụ thể là một mùa đông không có khí đốt từ Nga. Trước hết các nước Liên Âu đã giảm được 15% lượng tiêu thụ khí đốt, giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm (5%), dự trữ được 92% khí đốt cho mùa đông, tiếp tục tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và Na Uy.

Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là giá khí đốt và điện. Hiểm họa là rất lớn. Tổ chức của giới chủ Châu Âu Business Europe ra một thông cáo hôm 17/10, cảnh báo giá cả năng lượng đắt đỏ hiện nay có thể buộc hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, buộc hàng loạt lĩnh vực công nghiệp phải di dời cơ sở ra ngoài Châu Âu. Giá cả năng lượng tăng vọt và lạm phát phi mã nói chung có thể dẫn đến các phản kháng xã hội mạnh mẽ, cho dù tất cả các chính phủ Châu Âu đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ gia đình và doanh nghiệp.

Giá trần khí đốt : Pháp thúc đẩy đồng thuận rộng rãi để cô lập Đức

Theo Le Monde, thách thức chủ yếu là Ủy Ban Châu Âu cho đến nay "chưa có được các sáng kiến cho phép giảm bớt chi phí cho năng lượng".  Hơn 15 nước, trong đó có Pháp, Ý, Bỉ và Ba Lan, chủ trương "áp giá trần khí đốt". Đòi hỏi này chưa nhận được đồng thuận. Nội bộ ban lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu bất đồng về việc này. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen quyết định chuyển vấn đề sang cho Hội Đồng Châu Âu, chờ đợi lãnh đạo 27 nước Châu Âu tìm được thỏa hiệp.

Le Monde nhấn mạnh là chiến thuật tương tự của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã từng thành công trong việc giúp Liên Âu tìm ra đối sách chung trong đại dịch Covid-19, nhưng lần này không dễ thành công, do Đức và Pháp đang bất đồng sâu sắc. Thủ tướng Đức và thủ tướng Hà Lan hoàn toàn không muốn bàn về chuyện này. Le Monde cho biết, Paris đang nỗ lực thúc đẩy đồng thuận về việc này, để đẩy Berlin vào thế cô lập, nhằm buộc Đức phải thay đổi quan điểm.

Thái độ "một mình một sân" của Đức

Bất đồng về vấn đề giá năng lượng giữa các nước Châu Âu, và thái độ một mình một sân của Đức là chủ đề trang nhất của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu tỏ ra bi quan với nhận định : "Nếu như Pháp hy vọng có sự tiến triển trong hồ sơ này, thì một thỏa thuận là không thể trong giai đoạn hiện nay". Để nêu bật không khí căng thẳng Pháp – Đức, Le Figaro dẫn ra việc cuộc họp chính phủ Pháp – Đức dự trù ngày 26/10 tại Fontainebleau, đã bị hủy. Đây là cuộc họp dự trù đầu tiên giữa hai chính phủ, kể từ khi thủ tướng Olaf Scholz lên cầm quyền.

Bài xã luận của Le Figaro nhan đề "Soloreiter" (nguyên văn tiếng Đức, có nghĩa là người hành động đơn độc) mở đầu với lời lẽ chua chát : "Trong lúc phải hứng chịu nhiều thất bại quân sự tại Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm được sự an ủi tại thượng đỉnh Châu Âu tối hôm nay tại Bruxelles : món thuốc độc mà Nga bơm vào Châu Âu với các đường ống khí đốt đang gặt hái kết quả mong muốn". Cụ thể là các nước Châu Âu bất đồng, "Đức và nhiều nước thuộc nhóm giàu nhất Châu Âu khác không chấp nhận việc áp giá trần một cách giả tạo sẽ làm nhu cầu khí đốt tăng vọt, đe dọa việc bảo đảm đủ nguồn cung".

"Phần nổi của tảng băng"

Ghi nhận nỗi lo của Đức, nhưng Le Figaro nhấn mạnh nhiều hơn đến chủ trương hành động riêng rẽ của Đức, mà vấn đề "giá trần khí đốt" chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo Le Figaro, cách hành xử riêng lẻ khỏe ăn của Đức trên thực tế mang tính hệ thống, gắn liền với hai đặc điểm nổi bật của nền công nghiệp Đức, là phụ thuộc vào khí đốt Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc chính phủ Đức đơn phương tung ra 200 tỉ euro để bảo vệ các doanh nghiệp Đức, vừa mới đây, gây lo ngại "làm méo mó nghiêm trọng cạnh tranh kinh tế tại thị trường thống nhất Châu Âu". Một ví dụ khác là việc Đức mời 14 quốc gia Bắc và Đông Âu xây dựng hệ thống lá chắn phòng không chung, loại trừ Pháp.

Đức – Pháp bất đồng : "Kịch bản mơ ước" của Nga

 "Quan hệ Paris – Berlin đột ngột lạnh giá" là nhan đề trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos, với hình ảnh tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đứng cạnh nhau, nhưng xoay lưng lại nhau. Vẻ mặt hai ông Emmanuel Macron và Olaf Scholz đều căng thẳng hiện rõ. Việc cuộc họp hai chính phủ Pháp Đức bị hoãn là "dấu hiệu xấu" cho thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu khai mạc hôm nay. Tâm điểm của mâu thuẫn là năng lượng và quốc phòng. Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý, dù sao hai bên cũng tìm được thỏa hiệp về một số quy tắc ngân sách mới.

Cũng như Le Figaro, xã luận Les Echos ghi nhận : sự chia rẽ Đức – Pháp là "kịch bản mơ ước" của tổng thống Nga. Phê phán thái độ của chính quyền Đức, nhưng Les Echos cũng chỉ ra một số lý do khiến Đức hoài nghi Pháp. Cụ thể là Paris bị nghi ngờ chỉ hành động để bảo vệ các lợi ích công nghiệp quốc phòng của Pháp, khi thúc đẩy nền quốc phòng chung của Liên Âu. Hay việc Paris ngăn cản dự án đường ống khí đốt nối liền Tây Ban Nha và Đức. Cũng như việc Đức nghi ngờ Pháp bảo vệ nền công nghiệp hạt nhân gây bất lợi cho các đối tác khác. Les Echos kết luận, trong xung đột hiện nay với Nga, không thể để những bất đồng Đức – Pháp làm chúng ta bị lạc hướng trước kẻ thù chung.

Những lý do khiến Đức chậm thỏa hiệp

Trái ngược với không khí bi quan bao trùm của Le Figaro, một số bài trên Les Echos hé ngỏ cánh cửa hy vọng. Bài "Khủng hoảng năng lượng : 27 nước Châu Âu tìm kiếm các giải pháp cụ thể" dẫn lời một giới chức cao cấp Châu Âu, chờ đợi có thể có tranh luận dữ dội về vấn đề giá trần khí đốt tại Hội Đồng Châu Âu, và chủ đề này sẽ được Ủy Ban Châu Âu chính thức xem xét sau đó. Vấn đề quan trọng là dự án giá trần khí đốt phải được chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật.

Trong một bài viết khác ("Nước Đức quay lưng lại Châu Âu như thế nào ?"), Les Echos cũng bày tỏ lạc quan là chính phủ Đức có nhiều khả năng thay đổi lập trường để có các đóng góp "mang tính xây dựng hơn", ngay từ thượng đỉnh hôm nay tại Bruxelles, cụ thể trong việc Liên Âu "mua khí đốt chung", tương tự như việc mua chung vac-xin ngừa Covid trước đây, hay có khả năng cởi mở hơn với một dự án tín dụng mới cho các quốc gia thành viên, với trái phiếu do Liên Âu phát hành.

Nhìn chung, Les Echos tỏ ra thông cảm với Đức, với nhận định : "Người Đức không thật giỏi trong tình huống khủng hoảng, họ không thích những chuyện bất thường", theo một giới chức cao cấp Châu Âu. Les Echos cũng dẫn một ghi nhận chung của nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, đó là nước Đức trong quá khứ còn "khó chơi" hơi hiện nay.

Khủng hoảng khí đốt : Thêm một biểu hiện "kỷ nguyên năng lượng rẻ" đã chấm dứt

Về hồ sơ này, Libération có nhiều bài viết. Một bài đáng chú ý là cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Thomas Pellerin-Carlin, giám đốc chương trình Châu Âu của Viện Kinh tế Khí hậu (I4CE). Chuyên gia kinh tế khí hậu bác bỏ việc nhấn mạnh quá nhiều đến mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng khí đốt và cuộc chiến tranh ở Ukraine. Theo ông, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gắn liền với "sự chuyển đổi thời đại".

Khủng hoảng khí đốt đã có trước khi chiến tranh xảy ra, ngay từ mùa hè năm 2021, giá cả lúc đó đã tăng một cách bất thường. Chuyên gia Viện Kinh tế Khí hậu nhấn mạnh là giá cả khí đốt hiện nay đã tăng gấp 5 lần so với thập niên 2010. Với việc tăng giá diễn ra trong một quá trình dài như vậy không thể nói đến một cuộc khủng hoảng năng lượng, mà phải thừa nhận đang có sự chuyển đổi thời đại. Cụ thể là thời đại của năng lượng giá rẻ đã chấm dứt.

Theo chuyên gia Thomas Pellerin-Carlin bên cạnh các biện pháp đáp ứng việc đối phó khủng hoảng trước mắt, vốn rất cần thiết (cụ thể như việc Liên Âu mua khí đốt chung để hãm giá), cần phải có tầm nhìn xa hơn, cần chuẩn bị các giải pháp về trung hạn. Chuyên gia Viện Kinh tế Khí hậu Châu Âu tán đồng quan điểm của thủ tướng Hà Lan, Alexander De Croo, theo đó Hà Lan phải sẵn sàng đối phó không phải với một, hai mùa đông, mà từ 5 đến 10 mùa đông khó khăn về năng lượng.

Liên Âu cũng cần có một tầm nhìn tương tự. Để thoát khỏi được sự phụ thuộc vào khí đốt, mà giá cả sẽ không hạ, cần phải nỗ lực tiết kiệm năng lượng, phát triển các năng lượng tái tạo. Mà để làm được việc này, Liên Âu phải có kế hoạch đầu tư mạnh, và các quy định pháp lý thuận lợi cho các mục tiêu này.

Giải Nobel kinh tế : Phương Tây cần "kinh tế thời chiến" để chiến thắng

Về chiến lược để thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn nhiều mặt hiện nay, nhật báo Les Echos giới thiệu trên trang nhất bài nhận định của kinh tế gia Joseph E. Stiglitz, nhan đề "Chúng ta không thể thắng được các cuộc chiến tranh với nền kinh tế thời bình". Một giải pháp chủ yếu mà giải Nobel kinh tế Joseph E. Stiglitz đề ra là phải đánh thuế đủ cao đối với các tập đoàn thu lợi nhuận khổng lồ trong hoàn cảnh khủng hoảng, các khoản thu mà thực ra họ không xứng đáng được hưởng. Bên cạnh đó là các chính sách chỉ đạo việc hãm tăng giá năng lượng và thực phẩm.  

Cần dứt khoát chuyển sang "kinh tế thời chiến" để vượt qua được các thách thức khổng lồ hiện nay. Tác giả so sánh việc những kẻ đầu cơ bị đưa ra pháp trường, vì lợi dụng thời chiến để tăng giá trước đây, với tình hình hiện nay. Theo kinh tế gia Joseph E. Stiglitz, các giải pháp mà Liên Âu đưa ra là "quá chậm, quá yếu, và quá hẹp". Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Biden cũng đã thất bại trong việc đánh thuế đối với các khoản siêu lời của các tập đoàn dầu mỏ.

Pháp : Áp đặt luật theo điều 49.3, điều cần đến đã đến

Chính phủ Pháp dùng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua phần một dự thảo ngân sách năm 2023, mà không qua bỏ phiếu tại Quốc hội là một chủ đề trang nhất của Le Figaro. Theo nhật báo thiên hữu, việc chính phủ Borne dùng đến điều 49.3, chấm dứt một tuần lễ thảo luận, là để tập cho Quốc hội quen với "phương pháp mạnh". Theo Le Figaro, điều này là không tránh khỏi trong bối cảnh chính phủ không có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội.

Chính phủ Borne bị đẩy vào thế bị động

Trên thực tế, theo ghi nhận của Le Figaro, biện pháp mạnh nói trên của chính phủ hoàn toàn không có gì là bất thường. Dấu hiệu đầu tiên là đề xuất của chính phủ, được đưa ra ngay sau khi ra hè, là các dân biểu đối lập đến Bộ Tài chính thảo luận về dự luật ngân sách. Bàn tay chìa ra của chính phủ đã không được đối lập nắm lấy. Chính phủ Borne cũng bị đẩy thêm vào thế bị động, khi một bộ phận dân biểu trong liên minh cầm quyền đề xuất việc đánh thuế nhắm vào các khoản lợi nhuận lớn, trái ngược với quan điểm của chính phủ. Phong trào bãi công đòi tăng lương đang nở rộ hiện nay cũng đặt chính phủ vào tình thế khó khăn hơn.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng thừa nhận chính phủ không có cách nào khác hơn là sử dụng điều 49.3 để thông qua phần một dự luận ngân sách, do không có đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Les Echos cũng cho biết là văn bản dự luật đã giữ lại nhiều đề nghị sửa đổi, chủ yếu từ liên minh cầm quyền, nhưng không bao gồm các đề nghị sửa đổi của hai đảng đối lập, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN). Liên đảng NUPES (gồm LFI) và đảng RN mỗi đảng sẽ đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Về nguyên tắc, chính phủ sẽ phải giải tán, nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua với đa số tuyệt đối, theo điều 50, Hiến pháp 1958).

Áp đặt điều 49.3 thể hiện "sự yếu đuối"

Chính phủ dùng điều 49.3 là thể hiện sự yếu đuối là nhan đề trang nhất Libération. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, kể từ ba thập niên nay, một chính phủ dùng đến điều này để tránh kéo dài thảo luận luật về ngân sách và không để Quốc hội bỏ phiếu văn bản này.

Bài xã luận của Libération, nhan đề "Trò hề", nhận định : điều gây ngạc nhiên không phải là việc sử dụng điều 49.3, mà là cách chính quyền sử dụng điều này. "Trò hề" bởi theo Libération, chính phủ đã vừa tỏ ra cứng rắn (tổng thống), vừa tỏ ra cởi mở (thủ tướng), nhưng trên thực tế đã hoàn toàn không có sự thỏa hiệp. Theo Libération, việc chính phủ khăng khăng cự tuyệt không tiếp nhận các phê phán không hứa hẹn tương lai tốt lành với các dự luật mới tại Quốc hội. Libération cũng chỉ trích việc chính phủ cự tuyệt trước cả các đề xuất trong nội bộ liên minh cầm quyền, cụ thể là việc đánh thuế vào các khoản lợi nhuận lớn. Chính phủ không chỉ không có được đa số tuyệt đối, mà cả đa số tương đối cũng đang rạn vỡ, Libération kết luận.

Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix có bài "Thảo luận về ngân sách : Làm thế nào mà Điều 49.3 rút cuộc đã được ấn định ?", thuật lại các diễn biến chính dẫn đến quyết định lịch sử này.

Trọng Thành

Published in Quốc tế