Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ đầu độc Skripal liệu mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới ? (RFI, 16/03/2018)

Vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Anh Quốc bắt đầu mang tầm vóc một cuộc đối đầu Đông-Tây như thời còn Liên Xô cũ. Các nước đồng minh Tây phương đồng thanh lên án Moskva trong khi Washington ban hành thêm biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.

lanh1

Thủ tướng Theresa May đến thăm hiện trường vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và cô con gái Yulia của ông tại Salisbury, ngày 15/03/2018. Reuters/Toby Melville

Ngày 15/03/2018, khi đi thăm Salisbury, thành phố nhỏ ở phía nam Anh Quốc, nơi mà 11 ngày trước, xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và cô con gái Youlia, thủ tướng Anh Theresa May ca ngợi điều mà bà gọi là "tinh thần đoàn kết" của các đồng minh chống lại nước Nga của Putin : vụ đầu độc xảy ra tại Anh Quốc nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và do vậy, chúng ta đoàn kết với nhau để chống lại.

Trước đó, thủ tướng Anh thông báo trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga và cho biết hoàng gia Anh cũng như thành viên chính phủ tẩy chay Cúp bóng đá do Nga tổ chức vào tháng 6/2018.

Luân Đôn, Berlin, Paris và Washington ra thông cáo chung khẳng định Nga có trách nhiệm trong vụ mưu sát này vì không có cách giải thích hợp lý nào khác. Các nước phương Tây đòi Nga phải cung cấp thông tin về chương trình "Novitchok" mà theo Vil Mirzaianov, một nhà hóa học Nga hiện nay đang tị nạn tại Mỹ, đã chế tạo nhiều chất độc lợi hại trong thập niên 1980, cuối thời Liên Xô cũ.

Phía Nga cho đây là những cáo buộc vô căn cứ. Hãng Interfax, trích lời thứ trưởng Ngoại Hiao Serguei Riabkov : không hề có chương trình "Novitchok" dù là dưới thời Liên Xô hay hiện nay.

Theo AFP, bầu không khí xung khắc Đông-Tây còn tăng thêm một nấc khi Washington, ngày 15/03, thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt nước Nga để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 và nhiều vụ tin tặc. Tổng cộng 19 cá nhân và 5 tổ chức, trong đó có cơ quan phản gián FSB, hậu thân của KGB và GRU, quân báo thời Liên Xô.

Chiến tranh lạnh tái diễn ?

Moskva cho biết không khoanh tay ngồi yên. Tổng thống Putin triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ngoại trưởng Serguei Lavrov nói đến biện pháp "trục xuất" các nhà ngoại giao Anh. Sau đó, Moskva thông báo đang chuẩn bị trả đũa Hoa Kỳ.

Sự kiện Anh Quốc ngưng mọi tiếp xúc song phương với Nga, trục xuất 23 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, thông báo đầu tư 48 triệu bảng Anh để phòng ngừa chiến tranh vi trùng, cộng với hậu thuẫn của các nước đồng minh phải chăng là màn đầu của chiến tranh lạnh ?

Vẫn theo AFP, nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu so sánh với tính nghiêm trọng của vụ đầu độc, phản ứng của Luân Đôn xem ra khá nhẹ nhàng, tuy chưa biết trong tương lai sẽ cứng rắn đến đâu nếu Nga tiếp tục giả mù sa mưa.

Về phần Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tuy sát cánh với thành viên Anh Quốc, cánh tay vũ trang của phương Tây cũng khá ôn hòa. Tổng thư ký Jens Stoltenberg kêu gọi Nga "hợp tác" làm sáng tỏ vụ mưu sát cựu điệp viên nhưng cùng lúc tuyên bố "NATO không muốn chiến tranh lạnh" xảy ra.

Nếu Putin vô can thì sao ?

Cho đến hôm nay, tổng thống Nga Putin giữa thái độ im lặng khó hiểu. Người thì cho là chủ nhân điện Kremlin "im lặng chiến thuật" chờ qua bầu cử sẽ lên tiếng. Người thì suy đoán chính quyền trung ương "có vấn đề". Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cựu tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, tị nạn tại Anh sau hơn 10 năm tù trong chế độ Putin lý giải : Vài năm trước, Putin có thể là kẻ chủ mưu.

Nhưng bây giờ, trái với bề ngoài vững chắc, chính quyền trung ương Nga đang "rệu rã không kiểm soát được bên dưới". Cụ thể là tại Syria, trong khi bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ - Nga đã phối hợp hành quân thì trên bộ, lực lượng lính đánh thuê "Wagner" người Nga lại tấn công vào vị trí của lực lượng Kurdistan-Syria, đồng minh của Mỹ, nên bị oanh kích thiệt hại nặng nề.

Nói cách khác, rất có thể Moskva thực tâm không muốn quan hệ Đông-Tây xấu đi, không muốn chiến tranh lạnh. Vấn đề là nếu điện Kremlin không kiểm soát được các cơ quan mật vụ của mình, thì liệu trường hợp này có đáng lạc quan hay không ?

Tú Anh

**********************

Washington trừng phạt Nga vì các vụ can thiệp bầu cử Mỹ (RFI, 16/03/2018)

Ngày 15/03/2018, chính quyền Donald Trump thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công dân và cơ quan Nga để đáp trả việc Moskva can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Tuy vậy, đảng Dân Chủ vẫn đánh giá phản ứng trên là chậm và chưa đủ.

lanh2

Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn gởi đến toàn dân ngày 15/02/2018. Reuters/Leah Millis

Thông tín viên Eric de Salve tại San Francisco tường thuật :

"Sau nhiều tháng lưỡng lự, đảng Dân Chủ đối lập cuối cùng đã công khai nghi ngờ ý đồ thực sự của ông Donald Trump trong việc trừng phạt Nga. Cần phải nói là tổng thống Mỹ đã nhiều lần đánh giá các cáo giác Nga can thiệp có lợi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông là "tin giả" và là "trò hài hước".

Phải đợi đến khi thẩm phán đặc biệt Robert Mueller hồi tháng Hai vừa rồi truy tố 13 kiều dân Nga, trong đó có một người thân cận với tổng thống Putin thì ông Donald Trump mới thừa nhận sự can thiệp nhằm làm suy yếu đối thủ tranh cử của ông là có thực.

Sự can thiệp đó đã được cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller làm rõ : Trên mạng xã hội, người Nga đã loan truyền tin giả để làm dấy lên căng thẳng về các chủ đề nhạy cảm như nhập cư, sử dụng vũ khí, Hồi giáo. Trên Facebook, Twitter, Instagram, họ đã mua quảng cáo và tạo ra hàng trăm nghìn tài khoản ở Mỹ.

Quả thực đó là một cuộc "tấn công mạng tai hại", theo thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ. Cơ quan này đã trừng phạt 19 người Nga. Mỹ tố cáo họ có những hoạt động gây mất ổn định và tham gia một cuộc tấn công mạng tốn kém nhất lịch sử.

Đó là các quan chức chính phủ và các nhà tài phiệt thân chính quyền. Tài sản của những đối tượng trên bị phong tỏa. Trừng phạt cũng nhắm vào 5 thực thể, trong đó có cơ quan phản gián Nga FSB.

Nhiều dân biểu đảng Dân Chủ đánh giá các trừng phạt này là "giai đoạn quan trọng" nhưng vẫn còn khá rụt rè. Họ đề nghị chính quyền Trump phải đi xa hơn thế. "

Anh Vũ

********************

Vụ Skripal : Pháp, Đức, Mỹ ủng hộ thủ tướng Anh (RFI, 16/03/2018)

Trong một thông cáo chung ngày 15/03/2018, bốn nước Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đã lên án mưu toan đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái ông ngày 04/03 ở Salsbury, Anh Quốc. Thủ tướng Anh Theresa May đang rất cần đến sự ủng hộ này đúng vào ngày bà đến thành phố Salisbury.

lanh3

Thủ tướng Anh Theresa May đến thăm thành phố nơi hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Salisbury ngày 15/03/2018. Reuters/Toby Melville

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :

"Bị mất ổn định do vụ Serguei Skripal, thủ tướng Anh Theresa May kể từ nay cố gắng kiểm soát tình hình và muốn chứng tỏ là bà có mặt ở mọi chiến tuyến. Sau khi thông báo loạt biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga, thủ tướng Anh đã đến tận hiện trường ở Salisbury lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái.

Theo sát là các ống kính truyền hình, bà Theresa May đã đến tất cả những nơi có liên quan đến vụ đầu độc, gặp gỡ và trấn an các thương gia và người dân của thành phố này, và sau cùng đã nói chuyện riêng với viên cảnh sát cũng đang nằm viện do bị nhiễm chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công.

Chuyến viếng thăm chớp nhoáng này đã kết thúc với lời cảnh cáo gởi đến Moskva : mọi chuyện sẽ không chấm dứt ở đây và Luân Đôn sẵn sàng tăng cường các biện pháp trả đũa Nga.

Sau một thời gian các đồng minh có vẻ do dự, cuối cùng Anh Quốc mới nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước này. Trong một tuyên bố chung, Pháp, Đức, Mỹ đã cùng với Anh lên án Nga về một hành động "đe dọa đến an ninh của tất cả các nước".

Nhằm chứng tỏ tính minh bạch thông tin và cũng để cho không còn có ai nghi ngờ, chính phủ Anh đã chấp nhận trao một mẫu chất độc thần kinh cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học, một tổ chức độc lập, để họ phân tích".

Đáp lại quyết định của Luân Đôn trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Moskva "đương nhiên" sẽ trả đũa với việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Astana, Kazakhstan hôm nay.

Thanh Phương

**********************

Chất độc đã được bỏ vào vali của con gái ông Sergei Skripal (CaliToday, 16/03/2018)

Tờ báo The Telegraph của Anh đã trích thuật từ các nguồn tin chưa được kiểm nhận cho hay là chất độc tấn công vào hệ thần kinh con người do quân đội Nga sản xuất đã bị ai đó bỏ vào vali của cô Yulia Skripal, con gái của điệp viên nhị trùng Sergei Skripal, khi cô này lên máy bay rời Moscow.

lanh4

Hiện trường nơi cựu điệp viên Skripal và con gái bị ngất xỉu tại Salisbury - Photo Credit : AP

Ông Skripal, 66 tuổi và cô Yulia, 33 tuổi, đã được khám phá nằm bất tỉnh trên một ghế đá công viên tại thành phố Salisbury của Anh bên ngoài một trung tâm mua sắm hôm 4 tháng 3 và từ đó đến nay họ vẫn còn trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện.

Theo tin tức từ giới cảnh sát phản gián Anh thì cô Yulia Skripal đã bay qua Moscow hôm 3 tháng 3. Các nhà điều tra của Anh làm việc theo hướng nghi ngờ chất độc đã thấm vào vật dụng nào đó, quần áo hay mỹ phẩm hoặc quà tặng cho cô Yulia, khi họ vào nhà của gia đình ông Skripal để điều tra.

Chính phủ Anh cho biết chất độc này là Novichok, một độc chất có khả năng giết người dễ dàng khi tấn công hệ thần kinh của não bộ con người, lần đầu tiên là do quân đội Xô Viết trước đây sản xuất, nó mạnh đến nỗi khi người cảnh sát Anh đầu tiên khám phá hai cha con ông Skrippal nằm bất tỉnh, ông cũng ngã bệnh sau đó.

Để trả đũa một hành động tấn công đầu tiên trên đất Anh kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, chính phủ Anh đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và họ có 1 tuần chuẩn bị để rời nước Anh.

Hôm qua các lãnh đạo của Hoa Kỳ, Anh, Đức và Pháp đồng lòng cùng nhau lên án chuyện này trong một tuyên bố chung và yêu cầu Moscow phải giaỉ trình vì sao chất độc Novichok do Nga sản xuất lại được sử dụng ở Anh.

Chính phủ Nga đã bác bỏ mọi tố cáo và còn trách London đang đẩy mạnh ‘làn sóng chống Nga’ lên cao thêm nữa.

Đào Nguyên

Published in Quốc tế