Các xung đột, bất đồng hiện diện trong mọi mối quan hệ, từ trong gia đình, bạn bè, học đường cho đến hãng sở, xã hội. Nó mạnh mẽ hơn khi liên quan đến chính kiến hay vấn đề thời cuộc quốc gia. Trong khi đây là điều tự nhiên vì nhân quan và tâm tính mỗi người đều riêng biệt và khác biệt thì vấn đề đặt ra là, bạn sẽ đối diện và giải quyết chúng như thế nào để tránh làm thương tổn các mối quan hệ của mình. Hay lý tưởng hơn nữa là, làm sao để tạo ra sự gắn kết sau những bất đồng như vậy ?
Giải quyết bất đồng bằng sự hợp tác và tôn trọng - Hình minh họa.
Xung đột nảy sinh từ những khác biệt lớn hay nhỏ. Nó xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào mà hai hay nhiều người không đồng ý về giá trị, nhận thức, ý tưởng hoặc nhu cầu của nhau. Những nhu cầu này có thể bao gồm nhu cầu được cảm thấy an toàn, an tâm hoặc cần được tôn trọng và thừa nhận giá trị của mình cho đến nhu cầu muốn gần gũi và thân mật hơn. Có đôi khi những khác biệt này có vẻ chỉ là những điều nho nhỏ, bình thường, nhưng khi xung đột kích hoạt cảm xúc mạnh mẽ hay nhu cầu bày tỏ cá nhân sâu đậm thì thường đó chính là lý do cốt lõi để làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ví dụ nói về quan hệ thường nhật giữa cha mẹ và con nhỏ. Các em hiếu động, có nhu cầu muốn khám phá, thử nghiệm điều nguy hiểm như leo trèo trong khi cha mẹ có nhu cầu bảo vệ sự an toàn của con nên muốn ngăn cản. Sự khác biệt trong nhu cầu này ở mỗi bên đã dẫn đến xung đột. Hay khác hơn nữa, các em thiếu niên có nhu cầu được giao du kết bạn, còn cha mẹ e ngại việc kết bạn này sẽ dẫn đến các ảnh hưởng xấu hay việc học, tạo ra xung đột tương tự khi nhìn nhận và có nhu cầu trong vấn đề khác nhau. Giải quyết các điều không tránh khỏi này như thế nào tưởng như điều dễ dàng nhưng cũng là một thách đố cho những bậc cha mẹ muốn cân bằng mối quan hệ lành mạnh hơn là áp đặt mệnh lệnh. Và chắc chắn nó sẽ càng thách đố hơn trong các mối quan hệ xã hội bình đẳng, đôi lúc không có sự tương nhượng hay gắn bó mật thiết như trong gia đình.
Chính vì vậy, khi đối diện và giải quyết các bất đồng dù lớn hay nhỏ, dù trong gia đình hay ngoài xã hội, một khi sái cách thì có thể làm tổn hại hay tiêu hủy mối quan hệ đó. Bằng ngược lại, một phương cách và thái độ đúng đắn và tích cực cũng có thể giúp cho hai bên thông hiểu và tôn trọng, gắn bó nhau hơn.
Tùy theo tâm tính mà mỗi người sẽ sử dụng các phương cách khác nhau để giải quyết xung đột và bất đồng một cách tự nhiên hay có ý thức và được ưu tiên sử dụng thường xuyên. Tìm hiểu một số phương pháp này có thể phần nào giúp chúng ta đối phó nó hữu hiệu hơn.
Một trong những phương pháp khá phổ biến là mô hình Thomas-Kilmann TKI. Đây là một trong những lý thuyết áp dụng cho cá nhân và nhiều tập đoàn, hãng xưởng lớn nhỏ trên thế giới sử dụng trong việc huấn luyện nhân viên cùng các cấp quản trị của mình. Nó giúp các hãng gia tăng tính đồng đội, trang bị kỹ năng lãnh đạo, gia tăng hiệu suất lao động, giảm thiểu stress trong nhân viên khi giới hạn hay loại trừ các bất đồng nơi hãng xưởng, tạo sự đoàn kết và tinh thần đồng đội nhiều hơn.
Mô hình TKI đã xác định năm cách tiếp cận khác nhau để giải quyết xung đột, bao gồm như sau :
Mô hình này xác định hai dạng người đứng trước các xung đột, bất đồng là dạng quyết đoán và dạng hợp tác. Dạng quyết đoán nhằm thỏa mãn nhu cầu chính mình, còn dạng hợp tác nhằm thỏa mãn nhu cầu đối phương. Không có cách nào trong mô hình TKI được xem là chuẩn mực và thích hợp duy nhất cũng như rất khó để thay đổi con người quyết đoán hay hợp tác của mình nên vấn đề còn lại là chúng ta có thể sử dụng một cách uyển chuyển cả năm cách giải quyết bất đồng nêu trên tùy lúc, tùy người.
Nếu vấn đề chỉ là dăm ý kiến nhỏ, không ảnh hưởng đến bạn hay người khác, bạn có thể chọn cách hòa giải hay thỏa hiệp. Nếu cần chứng minh một quan điểm hệ trọng hay sai trái, ảnh hưởng và liên can đến nhiều người, bạn có thể cần quyết đoán, binh vực cho sự thật. Hoặc giả bạn né tránh nó nếu cho rằng câu chuyện sẽ chẳng đến đâu. Dù việc né tránh như không ít người thường áp dụng cũng không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột vì vấn đề vẫn còn ở đó và chưa giải quyết vì sự né tránh.
Sự bất đồng đôi khi không diễn ra bằng lời nói mà có thể bằng chính sự im lặng, sự biểu cảm trên khuôn mặt hay hành vi của cơ thể. Sự bất đồng vô ngôn này thường xảy ra trong gia đình hay nơi công sở, dù không quyết liệt nhưng cũng không kém phần nguy hại nếu không chú tâm giải quyết trước khi làm rạn vỡ mối quan hệ.
Sự bất đồng liên quan đến cảm xúc nên việc kiềm chế và kiểm soát cảm xúc là điều quan trọng. Do đó, dù chọn phương pháp nào thì thái độ hợp tác và sự tôn trọng là điều hết sức cần thiết, đặc biệt tránh việc chuyển sang việc tấn công cá nhân đầy cảm tính, không liên can đến vấn đề bất đồng như rất nhiều người thường vướng phải.
Có ai đó đã từng bảo rằng chỉ 10 % việc bất đồng là đến từ quan điểm, còn lại 90 % là giọng nói, thái độ và cách diễn đạt của bạn như thế nào. Vậy để chiến thắng hay giải quyết trong các cuộc tranh luận hay sự bất đồng, trước hết hãy tự chiến thắng mình bằng một thái độ hòa nhã, tích cực và tôn trọng người khác.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 22/10/2020
Rex Tillerson đi thăm Nga : Hồ sơ Syria hứa hẹn gây sóng gió (RFI, 12/04/2017)
Hôm 12/04/2017 Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson gặp gỡ đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov tại Moskva. Cuộc đối thoại chắc chắn sẽ đầy sóng gió, sau những trao đổi gay gắt mới đây giữa hai cường quốc, về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tiếp đồng nhiệm Hoa Kỳ, Rex Tillerson ngày 12/04/2017. REUTERS/Maxim Shemetov
Đến thủ đô nước Nga chiều qua, ông Rex Tillerson gặp ông Serguei Lavrov sáng nay, nhưng không được dự trù gặp tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến công du đầu tiên của vị quan chức cao cấp trong tân chính quyền Mỹ nhằm đặt cơ sở cho việc "bình thường hóa" quan hệ hai nước, được ông Donald Trump hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng vụ dùng khí độc tấn công vào Khan Cheikhoun và sự thay đổi thái độ của tổng thống Mỹ, khi ra lệnh bắn hỏa tiễn vào căn cứ không quân Syria, đã vẽ lại bàn cờ cuộc xung đột và gây căng thẳng Mỹ-Nga, với không khí của thời chiến tranh lạnh.
Tại Washington, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis hôm qua khẳng định, "không nghi ngờ gì cả", chính chế độ Bachar Al Assad đã cho tấn công hóa học vào ngôi làng do phe nổi dậy kiểm soát ở tỉnh Idlib hôm 4/4 làm 87 người chết. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho rằng Assad còn tệ hại hơn cả Hitler vì giết dân mình. Trước đó, một quan chức cao cấp Mỹ tố cáo Moskva gây nhiễu thông tin khi đổ tội cho phe nổi dậy, thậm chí có quan chức còn đặt câu hỏi liệu người Nga có phải là đồng lõa.
Nga luôn bênh vực Damas, nói rằng chế độ Syria không còn vũ khí hóa học. Ông Vladimir Putin còn mỉa mai Hoa Kỳ muốn diễn lại kịch bản vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Irak, cho rằng phe nổi dậy tấn công hóa học để cáo buộc Assad.
Ngoài vụ Khan Cheikhoun, ngoại trưởng Tillerson còn mang đến thông điệp cứng rắn của khối G7, đòi hỏi Bachar Al Assad phải ra đi. Ông đặt câu hỏi, liệu Nga có muốn cùng với phương Tây tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria hay chỉ thủ lợi cho mình. Các cuộc xung đột ở Ukraina, Afghanistan, Yemen, Libya, cuộc chiến chống khủng bố cũng nằm trong chương trình thảo luận.
Trong lúc cuộc khẩu chiến Mỹ-Nga đang tăng lên ở mức độ thời Barack Obama, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga lại cho rằng tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ không phải là tối hậu thư, mà chỉ nhằm lên gân trước khi thương lượng. Moskva bày tỏ hy vọng về một cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" chứ không "đối đầu".
Chuyến công du của ông Tillerson diễn ra trước cuộc gặp ba bên giữa ngoại trưởng Nga Lavrov và các đồng nhiệm Walid Mouallem của Syria, Mohammad Javad Zarif của Iran, dự kiến vào cuối tuần này tại Moskva.
Thụy My
**********************
Ngoại trưởng Mỹ-Nga "đối thoại thẳng thắn" về Syria (RFI, 12/04/2017)
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (T) và đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị vào phòng hội đàm, Moskva, 12/04/2017 REUTERS
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov hôm nay 12/04/2017 tại Moskva đã có cuộc thảo luận quan trọng về tương lai quan hệ giữa hai cường quốc, sau đợt khẩu chiến về Syria.
Cuộc đối thoại được dự báo sẽ rất gay go ấy diễn ra như thế nào ? Từ Moskva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường thuật :
"Chủ và khách đều khẳng định muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn. Ngoại trưởng Nga đã tiếp đón người đồng nhiệm Mỹ một cách nồng nhiệt - như cần phải thế, nhưng cũng nhanh chóng bày tỏ mong muốn biết được ý định thực sự của Nhà Trắng về chính sách đối ngoại.
Moskva muốn tránh việc Mỹ lại tấn công Syria, và bàn bạc thành lập một mặt trận chung chống lại quân khủng bố. Về phía ông Rex Tillerson cho biết sẵn sàng thảo luận thẳng thắn để làm rõ những lợi ích chung cũng như những điểm bất đồng giữa hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Nga với thế mạnh, nhờ có được sự ủng hộ của các nước G7 trong hồ sơ Syria. Nga chỉ được mỗi mình Iran đồng tình trong sự kiện mới này, còn Thổ Nhĩ Kỳ - mà Moskva đã lôi kéo vào tiến trình thương lượng ngừng bắn - đã vỗ tay hoan nghênh việc Mỹ bắn hỏa tiễn vào Syria.
Bằng chứng quan trọng của chuyến công du này đối với người Nga : từ 48 tiếng đồng hồ qua, trên trang web của bộ Ngoại Giao Nga xuất hiện một video bằng tiếng Anh, lặp lại vài khẩu hiệu chính như "chúng tôi muốn đối thoại để giảm nhẹ thay vì làm trầm trọng thêm căng thẳng quốc tế". Đây là lần đầu tiên cơ quan ngoại giao Nga cho đăng như vậy.
Và sáng nay, phát ngôn viên điện Kremlin cũng không loại trừ khả năng gặp gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Nga Vladimir Putin".
Tin mới nhất từ đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moskva cho biết tổng thống Nga Putin đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Tillerson ở điện Kremlin. Phía Nga xác nhận cuộc gặp ngoài dự kiến này.
Pháp muốn tranh thủ cơ hội để tái lập thương thảo
Tổng thống Pháp François Hollande cho rằng Pháp và Châu Âu phải tận dụng cơ hội để tái lập thương lượng hòa bình Syria. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde số đề ngày mai, ông nhấn mạnh : "Tôi không nghĩ vụ tấn công bằng khí độc chỉ là một vụ khiêu khích. Chế độ Damas cho rằng họ bất khả xâm phạm, những gì họ đã làm và lặp đi lặp lại gây cảm giác gớm ghiếc, nhưng ngoài ra không có gì hơn".
"Theo các thông tin của chúng tôi, vũ khí hóa học không phải được sử dụng một cách tình cờ, do vụng về, hay chỉ nhằm khủng bố. Cuộc tấn công ấy có lý do chiến thuật, nhắm vào việc tạo lập thế mạnh trong tương quan lực lượng trên chiến trường, gây nhiều thiệt hại nhân mạng trong đó có trẻ em, bởi vì không thể phân biệt được giữa các chiến binh và thường dân".
Trong bối cảnh thiếu vắng những tiến triển trong tiến trình dân chủ, giải pháp quân sự có vẻ thuyết phục hơn so với năm 2013 - khi Washington và Paris chuẩn bị tấn công chế độ Damas sau vụ tấn công hóa học làm trên 1.300 người chết, nhưng vào giờ chót ông Obama đã thoái lui.
Vào lúc liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo chuẩn bị tái chinh phục Raqqa, thủ phủ tự xưng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) ở Syria, tổng thống François Hollande muốn duy trì các thỏa thuận với Nga để không làm chậm lại cuộc tiến công. Ông cho rằng "nhất thiết phải tiếp tục tấn công Daech trong lúc này, sẽ rất nguy hiểm nếu để người ta nghĩ rằng chúng ta đã thay đổi địch thủ".
Thụy My
************************
Tillerson gây áp lực với Nga vì giúp Assad (BBC, 12/04/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson thúc giục Nga ngừng trợ giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau vụ tấn công vũ khí hóa học tuần trước.
Ông Rex Tillerson nói sự trị vì của gia đình Assad đang đi đến hồi kết
Chuyến thăm Moscow của ông Tillerson diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Nga lên án việc Mỹ oanh kích một căn cứ không quân Syria nhằm đáp trả vụ tấn công.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ "không tiến vào Syria".
Các đề xuất trừng phạt Nga đã bị các quốc gia G7 bác bỏ.
Ông Tillerson sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau khi nhấn mạnh rằng Assad có thể không còn đóng vai trò nào trong tương lai của Syria.
'Làm lệch hướng'
Tuy nhiên, Steve Rosenberg, phóng viên BBC tại Moscow nói rằng Tổng thống Assad là đồng minh quân sự then chốt của Nga ở Trung Đông và ông Tillerson có thể cần nghĩ lại về niềm tin rằng ông có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Moscow dành cho Assad.
Nhà Trắng cũng tuyên bố rằng Nga đang toan tính làm lệch hướng việc quy trách nhiệm vụ tấn công vũ khí hóa học khiến 89 người thiệt mạng.
Báo cáo tình báo Mỹ cho hay chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc không kích nhắm vào thị trấn Khan Sheikhoun do phiến quân nắm giữ.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/4 xác nhận rằng chất độc thần kinh Sarin được sử dụng trong vụ này.
Syria bác cáo buộc và Moscow quy trách nhiệm cho quân nổi dậy, mà theo họ nói là lưu trữ vũ khí hóa học và những kho này bị trúng đạn.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến biểu quyết hôm 12/4 về dự thảo nghị quyết của Hoa Kỳ, Anh và Pháp yêu cầu chính phủ Syria hợp tác điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ này.
Hôm 11/4, ông nói rằng "các cuộc tấn công hóa học giả mạo" được dàn dựng ở các khu vực khác nhằm đổ tội cho chính phủ Syria.
Tổng thống Nga nói thêm rằng phản ứng của phương Tây trong vụ này nhắc ông nhớ lại vụ năm 2003, "khi các phái viên Hoa Kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chứng minh những gì họ nói là vũ khí hóa học được tìm thấy ở Irac".
**************************
Hội Đồng Bảo An tìm đồng thuận về một nghị quyết lên án Syria (RFI, 12/04/2017)
Phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bàn về Syria, ngày 05/04/2017. REUTERS/Shannon Stapleton
Trong lúc ngoại trưởng Mỹ Tillerson gặp đồng nhiệm Lavrov tại Moskva để thuyết phục Nga về lập trường của Mỹ, thì tại New York, Hội Đồng Bảo An họp hôm nay, 12/04/2017, để bỏ phiếu về một nghị quyết lên án cuộc tấn công hóa học ở Khan Cheikhoun tuần qua, làm 87 người thiệt mạng trong đó có 31 trẻ em. Văn kiện yêu cầu một cuộc điều tra để xác định trách nhiệm.
Chính việc không tìm được thỏa thuận tuần qua đã khiến Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, bắn hỏa tiễn vào căn cứ không quân Syria. Câu hỏi nêu lên hôm nay là Nga có lại sử dụng quyền phủ quyết nữa hay không ?
Thông tín viên RFI, Marie Bourreau tường thuật từ New York :
Phải chăng Nga sẽ lại sử dụng quyền phủ quyết của mình, lần này là lần thứ 8. Đây là điều mà các nhà ngoại giao lo ngại. Họ đã thương lượng về một văn kiện yêu cầu điều tra thật nghiêm túc về vụ tấn công ở Khan Cheikhoun và cũng đòi hỏi chính quyền Syria hợp tác, cung cấp biên bản các chuyến bay, tên các lãnh đạo quân sự hoạt động trong ngày 04/04, tức ngày xẩy ra ra vụ tấn công.
Nga tuần qua đã chỉ trích một văn bản dựa trên suy đoán "Syria là nghi phạm", và theo một nhà ngoại giao phương Tây, lần này Nga có lẽ cũng sẽ phủ quyết, còn Trung Quốc thì có thể không bỏ phiếu. Còn theo một nhà ngoại giao Châu Âu, các cuộc thương lượng trên một văn kiện đã được kéo dài thêm, nhằm gia tăng sức ép lên Nga từ lúc Mỹ tấn công. Mục tiêu là thúc điện Kremlin rốt cuộc phải chấp nhận trừng phạt Bachar al-Assad.
Một số người tại Hội Đồng Bảo An đã xem nghị quyết lần này là một bàn tay cuối cùng chìa ra với Moskva.
Mai Vân
***********************
Mỹ không khoan nhượng với Syria và muốn thuyết phục Nga (RFI, 11/04/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo oanh kích Syria ngày 06/04/2017 - REUTERS/Carlos Barria
Washington ngày 10/04/2017 khẳng định 20% máy bay Syria đã không thể hoạt động sau khi bị Mỹ oanh kích tuần qua. Chính quyền Mỹ cảnh cáo chế độ Damas là mọi hành động tương tự như vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 04/04/2017 sẽ bị thẳng tay trừng trị. Theo giới quan sát, tổng thống Donald Trump thay đổi thái độ 180° và ông muốn cho thấy rõ điều này trước khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Moskva.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, cho biết thêm chi tiết :
"Vụ oanh kích của Mỹ ở Syria là một hành động trừng phạt : 59 hỏa tiễn Tomahawk đã nhắm vào căn cứ không quân mà theo Lầu Năm Góc, là nơi xuất phát đợt tấn công hóa học vào thường dân, do chính quyền ông Assad tiến hành.
Bộ Quốc Phòng Mỹ vào hôm qua, đúng hơn là bộ trưởng Mattis, khẳng định rằng đã "phá hủy hay gây hư hại cho một khối lượng lớn đạn dược và nhiên liệu, và 20% năng lực của không quân Syria".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cũng tung ra những lời đe dọa trừng phạt và cảnh cáo của Mỹ đối với chế độ Bachar al-Assad như sau :
"Nếu phun hơi ngạt vào một đứa trẻ hay ném một thùng thuốc nổ vào những người vô tội, thì tổng thống Trump sẽ phản ứng lại ngay. Đó là hành vi không thể chấp nhận được…và hậu quả được thấy trước đấy !"
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng chung ngôn từ : Bất kỳ sai phạm nào của Syria sẽ bị trừng phạt bằng quân sự trong tương lai. Và ông Sean Spicer còn đi xa hơn nữa : Phát ngôn viên Nhà Trắng không tưởng tượng nổi một nước Syria hòa bình và một giải pháp chính trị nếu Bachar al-Assad vẫn ngồi đấy.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ cố thuyết phục đồng nhiệm Nga Lavrov mà ông gặp hôm nay tại Moskva về lập trường đó của Hoa Kỳ".
Mai Vân
*****************************
Mỹ : Chính Damas đã tấn công bằng chất độc hóa học (RFI, 12/04/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis (T) và tướng Joseph Votel, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ trong buổi họp báo tại Lầu Năm Góc. REUTERS/Yuri Gripas
Trong lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến thăm chính thức tại Moskva, Hoa Kỳ công khai phản bác các tuyên bố của Nga bào chữa cho đồng minh Syria. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khẳng định có bằng chứng về tội ác của Damas trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 04/4/2017. Washington còn đi xa hơn khi cho biết là các cơ quan tình báo của Mỹ và Lầu Năm Góc đang điều tra về khả năng đồng lõa của Moskva.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio cho biết thêm thông tin :
"Hoa Kỳ rất rõ ràng : Chế độ Bachar al-Assad phải chịu trách nhiệm vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân. Tướng James Mattis tuyên bố mọi ý định biện minh của Nga đều bị gạt.
Ông nói : Chế độ Syria đã tấn công dân mình. Chính mắt tôi đã xem xét các thông tin tình báo. Không còn nghi ngờ gì nữa, chế độ Damas phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định và thực hiện vụ tấn công này. Chính quyền Syria sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi lại vi phạm luật quốc tế".
Bộ trưởng Quốc Phòng, và các cố vấn của Nhà Trắng đã lần lượt lên tiếng nhằm nêu bật các quan điểm của họ. Chính phủ Mỹ khẳng định nắm giữ các bằng chứng vật chất, nhất là các xét nghiệm y khoa từ những nạn nhân của vụ tấn công bằng chất hóa học. Rõ ràng đó là khí độc sarin mà các công ước quốc tế cấm sử dụng.
Hiện vẫn còn một điểm chưa rõ ràng là sự can dự của Moskva. Một nhân vật thân cận với Donald Trump giải thích : "Chúng tôi đang điều tra, nhưng chúng tôi có thể khẳng định là phía Nga đã có mặt ngay tại khu căn cứ quân sự nơi xuất phát vụ tấn công bằng chất hóa học. Chưa chứng minh được sự chủ ý đồng lõa, nhưng ít nhất là quân đội Nga đã bao che cho vụ tấn công này".
Những tuyên bố nói trên khiến cho nhiệm vụ ngoại giao của ông Tillerson thêm phức tạp, vào lúc ông gặp gỡ đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov".
Cũng liên quan đến Syria, hôm qua phát ngôn viên Nhà Trắng ông Sean Spicer phải có lời cải chính vì đã so sánh Bachar al-Assad độc ác hơn cả Adolf Hitler vì đã sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria.