Mỹ truy tố gián điệp Nga vì ăn cắp tài khoản Yahoo (BBC, 15/03/2017)
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa đọc lệnh truy tố hai gián điệp Nga trong số bốn người bị buộc tội đánh cắp nhiều tài khoản trên Yahoo.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố hai thành viên FSB, cơ quan an ninh của Nga, đã cùng các tội phạm tin tặc khác, thực hiện việc đánh cắp tài khoản của Yahoo
Trước đó, Yahoo nói các tin tặc "được nhà nước hỗ trợ" đứng đằng sau các đợt tấn công năm 2014 khiến 500 triệu tài khoản bị ảnh hưởng.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận rằng quyết định truy tố, được công bố thứ Tư 15/3, liên quan tới các đợt tấn công này.
Hai thành viên FSB, cơ quan an ninh của Nga, đã cùng các tội phạm tin tặc khác, thực hiện việc đánh cắp tài khoản, theo Bộ Tư pháp.
Các nghi phạm bị Mỹ nêu trong thông cáo của Bộ Tư pháp gồm :
- Dmitry Aleksandrovich Dokuchaev, 33 tuổi, công dân Nga ;
- Igor Anatolyevich Sushchin, 43, công dân Nga ;
- Alexsey Alexseyevich Belan, 29, công dân Nga ;
- Karim Baratov, 22, sống tại Canada, là công dân Canada và Kazakhstan
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mary McCord nói : "Bộ Tư pháp tiếp tục đưa thông điệp mạnh mẽ, rằng chúng tôi sẽ không cho phép các cá nhân, các băng nhóm, các quốc gia hay liên kết giữa họ đe dọa quyền riêng tư của các công dân chúng tôi, quyền lợi kinh tế của các công ty hay an ninh của đất nước chúng tôi".
Yahoo bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc thông báo về các đợt tấn công 2014 tới khách hàng.
Trong số các dữ liệu bị đánh cắp có tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày tháng năm sinh và cả password, nhưng không có thông số thẻ tín dụng, theo Yahoo.
Năm ngoái, người sử dụng Yahoo được khuyến cáo thay đổi password.
*******************
'Có 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động ở Đài Loan' (BBC, 15/03/2017)
Các vụ bắt giám điệp Trung Quốc thường được báo chí Đài Loan đặc biệt chú ý
Đài Loan cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động trên đảo quốc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.
Theo trang Taipei Times (13/03/2017), không chỉ các thông tin quân sự của Đài Loan là mục tiêu của gián điệp Trung Quốc mà các hoạt động hành chính dân sự cũng bị xâm nhập.
Nhà chức trách Đài Loan tin rằng chừng 80% hoạt động của khoảng 5000 người làm tình báo cho Trung Quốc nhắm tới các mục tiêu quân sự nhưng 20% còn lại là gián điệp chính trị, hành chính.
Từ 2002, chính quyền Đài Loan phát hiện ra 60 vụ gián điệp Trung Quốc.
Nhưng kể từ khi hai bên mở ra các kênh thương mại và lữ hành, con số này tăng lên nhiều.
Thành phần đa dạng
Ngoài chuyện tuyển người Đài Loan, kể cả công chức, sĩ quan quân đội làm gián điệp, Trung Quốc còn nhắm tới các nhóm khác.
Sinh viên, doanh nhân Trung Quốc sang Đài Loan học tập và làm việc là một trong số các nhóm người được tuyển làm tình báo cho Bắc Kinh, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Đài Loan
Tuần trước, một cựu sinh viên Trung Quốc, Chu Hoằng Húc bị bắt tại Đài Loan vì nghi vấn làm gián điệp.
Hồi 2009, một nhân viên trong Phủ Tổng thống Đài Loan, Vương Nhân Bỉnh bị bắt và kết án tội gián điệp trong vụ việc được cho là nghiêm trọng nhất từ nhiều năm.
Năm 2011, một sĩ quan cao cấp của Đài Loan, là La Hiền Triết bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tướng La Hiền Triết khi đóng tại Thái Lan trong thời gian 2002 và 2005 đã bị Trung Quốc dùng "mỹ nhân kế" để gài bẫy và chiêu dụ.
Báo chí Đài Loan nói một phụ nữ Trung Hoa mang hộ chiếu Úc đã làm quen và lôi kéo tướng La bán các tin mật cho Trung Quốc, gồm tài liệu về hệ thống giao thông liên lạc, do thám và trinh sát của quân đội Đài Loan.
Người ta cũng tin rằng ông ta trao cho Trung Quốc tài liệu về vụ mua 30 chiếc trực thăng quân sự do Mỹ sản xuất, dự tính bán cho Đài Loan vào năm 2013.
Đoàn đoàn đại biểu Đài Loan thân Trung Quốc dự hội nghị Hiệp thương chính trị tuần này ở Bắc Kinh
Sang năm 2013, Trung Quốc muốn đổi hai gián điệp Đài Loan, Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc lấy La Hiền Triết nhưng Đài Bắc từ chối.
Vẫn theo BBC Tiếng Trung, hai ông Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc làm gián điệp cho Đài Loan và bị bắt ở vùng biên giới Việt -Trung năm 2006.
Các vụ gián điệp Trung - Đài xâm nhập lẫn nhau đã có từ thập niên 1950, ngay sau khi Quốc Dân Đảng bỏ chạy khỏi lục địa ra nắm đảo Đài Loan.
Thời Chiến tranh Lạnh, các vụ gián điệp của cả hai bên Trung - Đài chủ yếu có mục tiêu chính trị - quân sự vì chính quyền Đài Loan đứng về phía Hoa Kỳ, đối nghịch lại Trung Quốc cộng sản.
Hiện nay, dù có chế độ chính trị khác biệt, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh và vẫn mời đoàn đại biểu Đài Loan thân Bắc Kinh dự hội nghị Hiệp thương chính trị.