Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đến Kiev phô trương hậu thuẫn cho Ukraine

Sự kiện chiếm lĩnh trang nhất báo chí Pháp ra ngày 17/06/2022, dĩ nhiên là chuyến ghé thăm thủ đô Ukraine vào hôm qua (16/06) của lãnh đạo ba cường quốc hàng đầu trong Liên Hiệp Châu Âu Pháp, Đức và Ý, được tổng thống Romania tháp tùng theo vào giờ chót. Hồ sơ thứ hai được quan tâm là cuộc bầu cử Quốc hội tại Pháp, mà hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử cho vòng 2 mang tính chất quyết định Chủ nhật tới đây. 

ukraine1

Tổng thống Ukraine (giữa) họp báo chung cùng với tổng thống Romania, thủ tướng Ý, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức (từ trái qua phải) ngày 16/06/2022 tại Kiev, thủ đô Ukraine.  © AFP – Frederick Florin

Về chuyến ghé thăm Kiev của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với hai thủ tướng Olaf Scholz của Đức và Mario Draghi của Ý, các báo đều nhấn mạnh trên ý nghĩa biểu tượng cao của sự kiện, trong bối cảnh quốc gia này đang phải khó khăn chống trả cuộc xâm lược của Nga này rất cần đến sự giúp đỡ của Phương Tây, và nhất là vào lúc cả ba nước, và đặc biệt là Pháp, đều bị Kiev cho là thiếu sốt sắng hơn nhiều nước khác.  

Thể hiện mức hậu thuẫn cao nhất của EU

Tựa lớn trang nhất tờ báo thiên hữu Le Figaro nhấn mạnh tính chất biểu tượng cao của việc lãnh đạo ba cường quốc Liên Âu đích thân đến Kiev vào lúc nước này đang ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng : "Châu Âu tôn vinh lòng dũng cảm của người Ukraine". Tờ báo cho rằng các ông Emmanuel Macron, Olaf Scholz và Mario Draghi đã đến Kiev để đảm bảo với Ukraine là họ ủng hộ nỗ lực gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của nước này. 

Cũng trên trang nhất, nhật báo Công giáo La Croix không ngần ngại chạy tựa cho bài xã luận "Kiev, thủ đô của Châu Âu". Theo tờ báo, khi cử các lãnh đạo của mình đến Kiev, các nước Pháp, Đức, Ý và Romania thể hiện mức hậu thuẫn cao nhất cho Ukraine. 

Tựa lớn trang nhất của Le Monde cũng cùng một ý, nhưng nêu bật mong muốn của tổng thống Pháp, chủ tịch đương nhiệm của Liên Hiệp Châu Âu : "Macron đến Kiev trong chuyến thăm mang tính chất ‘đoàn kết và ủng hộ’".  

Đối với tờ báo, mục tiêu của chuyến thăm là nhằm thể hiện tình đoàn kết với đất nước đang bị Nga xâm lược và bù đắp cho một số cơ hội bị bỏ lỡ. Le Monde nhắc lại rằng các cuộc đối thoại liên tục của ông Macron với đồng nhiệm Nga Putin và những lời kêu gọi không "làm nhục" nước Nga đã làm dấy lên nhiều nỗi bất bình và tức giận ở Ukraine. 

Cũng dành tựa lớn trang nhất cho chuyến công du Kiev của 4 lãnh đạo Liên Âu, nhưng nhật báo thiên tả Libération có vẻ phê phán hơn. Trên nền một bức ảnh cho thấy vẻ mặt đăm chiêu của ba ông Macron, Draghi và Scholz, tờ báo ghi ngắn gọn : "Ukraine: Những người khách". Theo tờ báo, sau 4 tháng chần chờ, tổng thống Pháp đã có chuyến công du đầu tiên tới Kiev vào hôm qua, thứ Năm, cùng với thủ tướng Ý và Đức. Tuy nhiên, không hề có bất kỳ thông báo lớn nào. 

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos thì đã lồng chuyến ghé thăm Kiev của các lãnh đạo Pháp, Đức và Ý vào trong toàn cảnh hiện nay với hàng tựa lớn trang nhất: "Châu Âu đối mặt với sức ép của Nga". 

Theo tờ báo, ngoài chiến dịch quân sự đánh vào Ukraine, Nga còn gia tăng áp lực bằng cách hạn chế nguồn cung cấp khí đốt khiến cho giá cả tăng vọt. Les Echos cũng ghi nhận sự kiện từ thủ đô Kiev, các ông Macron, Scholz và Draghi đều tuyên bố ủng hộ việc Ukraine ứng cử vào EU. Bên cạnh đó, tờ báo cũng nêu bật việc các nước phương Tây hứa hẹn sẽ giao nhiều vũ khí hơn cho Ukraine. 

Thông điệp kép cho cả Nga lẫn Ukraine

Theo báo giới Pháp, việc lãnh đạo Pháp, Đức và Ý, bộ ba đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu hiện nay sau khi Anh bỏ đi, đích thân đến Kiev, dù có muộn hơn nhiều lãnh đạo Phương Tây khác, nhưng rất quan trọng vì chuyến đi này khích lệ tinh thần người Ukraine đang gặp khó khăn trong việc chống Nga. 

Trong bài xã luận của mình, báo La Croix nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của việc thể hiện hậu thuẫn chính trị và ngoại giao mạnh mẽ cho Ukraine vào lúc này, trong bối cảnh từ nhiều tuần lễ nay, Nga đã dồn hỏa lực để gặm nhấm các vùng lãnh thổ ở Donbass. Ukraine đang gồng mình chống trả và yêu cầu được giúp đỡ cả về quân sự lẫn tài chính.  

Phát biểu của tổng thống Pháp Macron tại Kiev, "Ukraine phải được trang bị khả năng kháng cự và giành chiến thắng", đã xóa bỏ những điểm mập mờ trong các tuyên bố trước đây của ông là không nên "làm bẽ mặt" Moskva. 

Đối với La Croix, chuyến thăm còn quan trọng đối với tương lai lục địa Châu Âu. Theo tờ báo, "khi khởi động binh đao, Nga đã gieo rắc kinh hoàng cho các nước láng giềng. Đối mặt với Nga, Liên Hiệp Châu Âu đang gặp nhiều thách thức trong việc tái cấu trúc không gian chính trị và đảm bảo đoàn kết trong khối".  

Vào hôm nay, Ủy Ban Châu Âu sẽ cho ý kiến ​​v đơn xin gia nhp Liên Âu do Ukraine đệ trình vào cui tháng Hai. Hôm qua ti Kiev, bn nhà lãnh đạo trong Liên Âu đã tuyên b ng h Ukraine, đều mong mun kết nạp quốc gia này, nhưng không hạ thấp yêu cầu về những nỗ lực mà Kiev cần thực hiện để hội nhập tốt vào khối". 

Đối với Le Figaro, việc ba "đại gia" Liên Âu xuất hiện ngay bên cạnh một đất nước Ukraine đang lâm chiến là một "biểu tượng mạnh mẽ", một cách để nói với Ukraine rằng nước này "đã là một phần của gia đình" Châu Âu.

Ukraine gia nhập EU : Cửa mở nhanh, nhưng đường vào còn dài

Tuy nhiên, đối với báo chí Pháp, việc đơn xin gia nhập được chấp thuận không có nghĩa là Ukraine sẽ nhanh chóng trở thành một nước thành viên Liên Âu. 

Trong bài phân tích "Ukraine sẽ không thể bỏ qua tất cả các giai đoạn của tiến trình gia nhập EU", Le Figaro đă nhắc lại phát biểu hồi tháng năm vừa qua của tổng thống Pháp Macron trước Nghị Viện Châu Âu, theo đó Ukraine có thể mất "vài thập kỷ" trước khi trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu. 

Theo tờ báo Pháp, việc đơn xin gia nhập của Ukraine được lãnh đạo ba thành viên nặng ký nhất của EU hậu thuẫn là một thắng lợi chính trị đối với tổng thống Zelensky, mở ra cho đất nước đang trong tình trạng chiến tranh này một triển vọng tốt đẹp, dù còn xa xôi. 

Đối với Le Figaro, phải công nhận rằng Ukraine đã đạt được kết quả này với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử của EU nhờ việc Ủy Ban Châu Âu, Kiev và các thành viên đã bỏ qua giai đoạn đầu tiên của quá trình xin gia nhập rất dài và quanh co mà bất kỳ quốc gia ứng cử viên nào cũng phải tuân thủ.  

Tờ báo nhắc lại là trước khi được mời nộp đơn, Montenegro đã phải mất 5 năm chuẩn bị hồ sơ. Còn từ lúc nộp đơn, đến khi Ủy Ban cho ý kiến, thời hạn thường khoảng hai năm. Ba Lan, quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập vào năm 1994, phải đợi đến năm 1997 mới được Bruxelles bật đèn xanh. Albania thì đã có được ý kiến ​​thun li vào năm 2011 sau khi np đơn vào năm 2009.

Riêng Ukraine chỉ mất chưa đầy bốn tháng sau khi chính thức nộp đơn xin gia nhập ngày 28/02 vừa qua. Thế nhưng theo Le Figaro, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Kiev có thể sớm được kết nạp vào Liên Âu. Trong phát biểu gần đây nhất của ông về việc Ukraine gia nhập EU, tổng thống Pháp từng ước tính rằng Ukraine sẽ mất "vài thập kỷ" khi ông đề xuất ý kiến thành lập một cộng đồng chính trị Châu Âu. 

Vào hôm qua, thủ tướng Đức cũng nhắc lại: "Việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu phải tuân theo các quy tắc rõ ràng mà tất cả mọi người phải tôn trọng". 

Chuyến thăm Kiev giữa 2 vòng bầu cử ở Pháp chỉ ngẫu nhiên ?

Như nói ở trên, nhật báo thiên tả Libération đã có một đánh giá tương đối phê phán về chuyến thăm Ukraine của tổng thống Pháp Macron, 4 ngày trước lúc mở ra vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. 

Trong bài xã luận mang tựa đề "Cấp thiết", tờ báo cho rằng việc tổng thống Pháp đích thân đến thăm Ukraine là một điều nhất thiết phải làm, nhất là vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là Pháp thôi nắm quyền chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. 

Tại Kiev, cùng với hai lãnh đạo Đức và Ý, ông Macron đã lên tiếng ủng hộ việc trao tư cách ứng cử viên vào Liên Âu "ngay lập tức" cho Ukraine, qua đó trấn an được tổng thống Zelensky vào lúc EU chuẩn bị làm việc về chủ đề này. Và tổng thống Pháp đã được những từ đúng đắn nhằm khen ngợi Ukraine… 

Có điều, theo Libération, những lời hứa giao vũ khí rõ ràng không đáp ứng được kỳ vọng của nhà lãnh đạo Ukraine, đặc biệt là khi so sánh với khoản viện trợ quân sự khổng lồ mà Mỹ và Anh cung cấp, vào lúc mà các lực lượng Ukraine đang bị Nga nghiền nát ở phía đông nam của đất nước. 

Vấn đề nổi cộm nhất, theo Libération, tuy nhiên lại là chuyến thăm được ở giữa hai vòng của một cuộc bỏ phiếu mà kết quả rất tế nhị đối với tổng thống Pháp. Đối với Libération, khó có thể tin rằng thời điểm đã được chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. 

Cử tri sẽ không cho Tổng thống Pháp đa số tuyệt đối tại Quốc hội ?

Chủ đề thời sự quan trọng thứ hai được báo chí Pháp hôm nay chú ý là vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Ghi nhận chung của các tờ báo là các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là dân Pháp dường như không muốn cho tổng thống Macron đa số tuyệt đối mà ông yêu cầu. 

Đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp là 289 dân biểu, nhưng theo một cuộc thăm dò của hãng Odoxa thực hiện cho báo Le Figaro, "kịch bản có khả năng xảy ra nhất là liên minh ủng hộ tổng thống sẽ bị thiếu từ 10 đến 20 ghế để chiếm đa số tuyệt đối".

Cuộc khảo sát này "xác nhận sự tiến bộ rõ rệt" của NUPES (liên minh cánh tả), có thể giành được từ 179 đến 225 ghế trong Quốc hội, so với từ 252 đến 292 ghế cho phe  tổng thống. 

Theo Le Figaro, cuộc khảo sát Odoxa cho thấy là có đến "70% người Pháp không muốn tổng thống có đa số tuyệt đối". Cuộc thăm dò cũng xác nhận rằng hơn một nửa số cử tri sẽ không đi bỏ phiếu vào Chủ nhật với tỷ lệ vắng mặt dự đoán là 53%, rất gần với tỷ lệ của vòng 1. 

Một cuộc thăm dò khác, của Viện OpinionWay cho tờ báo Les Échos, có kết quả thuận lợi hơn một chút cho liên minh ủng hộ tổng thống, được cho là sẽ dành được từ 275 và 305 ghế, so với 165 đến 210 ghế cho liên minh cánh tả Nupes. Cho dù vậy, khả năng liên minh thân Macron giành đa số tuyệt đối không chắc chắn.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế