Việt Nam đóng tàu chiến cho hải quân Panama (VOA, 09/03/2018)
Một công ty đóng tàu của Bộ quốc phòng Việt Nam vừa bàn giao một tàu chiến cho hải quân Panama.
Công ty Sông Thu bàn giao tàu đổ bộ RoRo 5612 cho Hải quân Panama (VNA)
Báo Tuổi Trẻ loan tin Tổng công ty Sông Thu thuộc Bộ quốc phòng Việt Nam hôm 8/3 đã tổ chức lễ bàn giao tàu đổ bộ, hậu cần Damen Roro 6512 cho hải quân Panama tại âu tàu Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.
Tờ báo tường thuật rằng cho đến nay Sông Thu đã xuất khẩu được 60 tàu sang khoảng 20 nước ở Châu Âu, Nam Mỹ, Nga, Brazil... Sắp tới công ty sẽ tiếp tục đóng các loại tàu chuyên dụng khác để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Đây là con tàu có lượng giãn nước 600 tấn, dài hơn 57m, tốc độ tối đa hơn 11 hải lý/giờ, có thể đổ bộ trên biển hoặc vị trí có cầu cảng thích hợp.
Ngoài ra, tàu Damen Roro 6512 theo công nghệ Hà Lan có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ.
Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời ông O. Liver Martiz, đại diện của Cơ quan dịch vụ Hải quân - không quân (Senan) của Panama phát biểu tại lễ bàn giao : "Qua chạy thử, tôi rất ấn tượng với con tàu. Qua đây cho thấy, chất lượng đóng tàu của Tổng công ty Sông Thu rất tốt, rất đáng tin cậy".
Trước đó, hôm 7/3, ông Ryan McCrillis, chỉ huy trưởng kỹ thuật tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã dẫn đầu đoàn thủy thủ đến giao lưu, trao đổi kỹ thuật với cán bộ, kỹ sư đóng tàu của Tổng công ty Sông Thu.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Ryan McCrillis nói ông có ấn tượng tốt về những con tàu hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu do Sông Thu xuất xưởng và mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu.
*********************
Việt - Hàn hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (RFA, 09/03/2018)
Dự án "Việt Nan - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" vừa được khởi động vào ngày 9/3 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Hình minh họa. Những người lính mặc đồ bảo vệ tìm kiếm các chất nổ còn sót lại và chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng. Hình chụp hôm 17/6/2011. AFP
Đây là dự án nhằm giúp người dân Việt loại bỏ triệt để ảnh hưởng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực khoảng 8.000 hecta đất thuộc hai tỉnh Bình Định và Quảng Bình. Trong đó, tỉnh Bình Định hiện có 40% và tỉnh Quảng Bình với gần 28% diện tích đất toàn tỉnh còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Theo truyền thông trong nước, dự án được triển khai bởi Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Khắc phục Hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng với chương trình Phát triển liên Hiệp Quốc (UNDP). Trong đó, phía chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 20 triệu USD cho Việt Nam thông qua KOICA.
Dự án bao gồm các hoạt động như khảo sát kỹ thuật và làm sạch bom mìn, vật nổ trên không ; triển khai nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân trong vùng dự án, hỗ trợ các nạn nhân để cải thiện chất lượng cuộc sống…
Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Lê Hiền Vân nói rằng Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và UNDP và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả sau chiến tranh còn sót lại.