Vài câu hỏi xung quanh việc Mỹ hủy nguyên tắc trung lập internet (RFI, 18/12/2017)
Dưới sự thúc đẩy của Donald Trump, Ủy ban Liên bang về Truyền thông Mỹ (FCC), hôm 14/12/2017, đã bỏ phiếu bãi bỏ quy tắc "tính trung lập internet" vì cho rằng quy định cũ được thiết lập dưới thời tổng thống Obama làm cản trở đầu tư vào dịch vụ internet. Không ít ý kiến cho rằng hủy bỏ nguyên tắc trung lập internet sẽ tạo cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà mạng. Nhiều câu hỏi đang đặt ra xung quanh vấn đề tính trung lập internet.
Ảnh minh họa : Người sử dụng Internet trong một quán cà phê Starbucks tại New York, Mỹ, ngày 14/12/2017. Reuters/Brendan McDermid
Trước hết phải hiểu trung lập internet là gì ?
Nói đơn giản, "Internet trung lập" là tất cả các lưu lượng truy cập internet phải được đối xử một cách công bằng và không phân biệt. Internet trung lập buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Service Provider – ISP) và chính phủ phải truyền tải các loại dữ liệu mà không ưu tiên hay phân biệt với bất cứ một công ty hay loại dữ liệu nào. Nói cách khác, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại phải cung cấp cho mọi khách hàng đường truyền dữ liệu thông tin như nhau, không phụ thuộc vào giá thuê bao.
Lấy một ví dụ : Hiện nay, tại Mỹ, dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix rất phổ biến, dẫn đến lưu lượng dữ liệu của Netflix tải qua các đường truyền mạng chiếm một tỉ lệ cao so với các loại dữ liệu khác. Nhà mạng Comcast nhận thấy điều này và vì một lý do nào đó, họ cố ý làm giảm tốc độ truyền dữ liệu của riêng Netflix, làm giảm chất lượng phục vụ. Để tránh làm mất lòng khách hàng, Netflix phải ký kết với Comcast, trả phí phụ trội để nhà mạng này tăng cường tốc độ truyền tải cho người dùng Netflix trên mạng của Comcast.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng phản đối nguyên tắc trung lập lý luận rằng là nhà mạng phải đầu tư lớn để xây dựng các đường truyền. Họ có quyền được bán đắt hơn các dịch vụ sử dụng băng thông lớn chiếm nhiều lưu lượng truyền tải, như YouTube hay Netflix.
Hơn nữa, theo FCC, nguyên tắc internet trung lập đánh đồng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với các dịch vụ công cộng, ngăn cản đầu tư vào các dịch vụ mới cần có đường truyền tốc độ cao, như vidéo hội nghị, khám chữa bệnh từ xa…
Trái lại, những người ủng hộ thì cho rằng tính trung lập sẽ giúp họ cải tiến dịch vụ. Nếu cho tự do hóa chạy đua, những nhà mạng lớn sẽ giành được ưu tiên bằng cách trả tiền hơn. Tóm lại là khi đó những công ty cung cấp dịch vụ internet nhỏ và nghèo sẽ không thể cạnh tranh.
Dưới nguyên tắc trung lập, các nhà cung cấp dịch vụ internet không được ưu tiên tốc độ cho bất cứ loại dữ liệu nào. Cho dù người sử dụng đang truy cập, Google, YouTube hay Facebook,… thì nhà cung cấp dịch vụ vẫn xử lý kết nối với tốc độ ngang nhau.
Vì thế mà các hiệp hội và tất cả các công ty trong Silicon Valley có sản xuất nội dung và cung cấp dịch vụ trên mạng đều ủng hộ nguyên tắc trung lập internet .
Nguyên tắc trung lập net có từ bao giờ ?
Theo giáo sư luật Tim Wu, người đưa ra thuật ngữ " tính trung lập nét", thì nguyên tắc chung của khái niệm này đã có từ năm 1970. Khi đó các nhà điều phối Mỹ đã tìm cách ngăn chặn AT&T ( Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại lớn thứ 2 ở Mỹ) đang độc quyền về mạng viễn thông gây khó dễ cho các công ty điện thoại mới phát triển.
Đầu những năm 2000, các ý đồ điều tiết như trên lan sang lĩnh vực internet mới ra đời, nhưng không thành công. Đã có nhiều quyết định của tư pháp bác bỏ việc "đồng hóa" các nhà cung cấp dịch vụ internet với các công ty dịch vụ viễn thông. Phải đợi đến năm 2015, dưới thời tổng thống Barack Obama, Ủy ban Liên bang về Truyền thông Mỹ (FCC) mới đánh đồng các nhà cung cấp dịch vụ truy cập internet tốc độ cao với các công ty viễn thông.
Tại sao Mỹ lật lại nguyên tắc trung lập internet ?
Được tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm lãnh đạo FCC, ông Ajit Pai khẳng định những quy định về tính trung lập Net hiện tại quá khắt khe, không khuyến khích đầu tư vào đường truyền tốc độ cao. Đó là một trong những lý do dẫn tới việc FCC bỏ phiếu thông qua quyết định hôm 14/12 vừa rồi.
Trong quyết định hủy bỏ nguyên tắc trung lập internet, có một chút màu sắc chính trị. FCC nằm dưới sự điều hành của 5 thành viên do tổng thống Mỹ chỉ định gồm 2 đại diện thuộc đảng Dân Chủ và 3 người của phe Cộng Hòa, trong đó ông Ajit Pai là chủ tịch.
Điều dễ nhận ra là từ khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn tìm cách xóa bỏ hết di sản của ê-kíp Obama. Hơn nữa ông Donald Trump không có quan hệ tốt cho lắm đối với những ông lớn trong đại bản doanh tin học nằm trong Thung lũng Sillicon. Ông sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà mạng như AT&T, Comcast hay Verizon hơn là cho những Google hay Facebook.
Điều gì sẽ thay đổi sau quyết định của FCC
Trước tiên tại Mỹ, các nhà cung cấp mạng có thể đưa ra cho khách hàng các gói dịch vụ đắt hơn để được phục vụ tốt hơn. Trái lại, các thuê bao không thể trả tiền cao thì dịch vụ của họ sẽ bị chèn lấn , chất lượng xuống thấp. Muốn giữ được chất lượng dịch vụ tốt thì chỉ có cách là trả tiền cao hơn.
Trong lĩnh vực dịch vụ Internet, đại đa số các nước trên thế giới có liên quan đến các dịch vụ của các công ty Mỹ và ít nhiều sẽ bị tác động bởi các quy định mới của chính quyền Mỹ. Internet trung lập đã được thông qua tại nhiều khu vực trên thế giới như Canada, Ấn Độ, Nga, Hà Lan, Chilê, Singapore.
Năm 2016, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một chỉ thị áp dụng quy tắc trung lập Internet trên khắp các nước thành viên. Tuy nhiên, quyết định của cơ quan quản lý truyền thông Mỹ có thể là tiền đề gợi ý cho nhiều nhà mạng lớn của Châu Âu muốn thay đổi các quy định cũ.
Cuộc tranh luận về cái lợi cái hại của internet trung lập vẫn còn rất gay gắt giữa người ủng hộ và người phản đối. Có thể các dịch vụ sẽ không thay đổi gì nếu quy tắc Internet trung lập bị xóa bỏ, nhưng cũng có thể có nhiều thay đổi lớn khác.
Chưa biết những thay đổi có mang lại lợi ích cho người dùng không hay chỉ là đó là chiếc "chìa khóa internet bằng vàng" để một nhóm nhỏ các công ty đa quốc gia giàu có thống trị hệ thống thông tin toàn cầu.
Chưởng lý New York Eric Schneiderman đã cho biết ý định phối hợp cùng các tiểu bang khác ở Mỹ kiện FCC về quyết định hủy bỏ internet trung lập, mà ông gọi đó là "món quà Noel sớm cho các nhà khổng lồ viễn thông".
Có một điều chắc chắn là khi quyết định hủy bỏ trung lập internet có hiệu lực, hoạt động của các nhà mạng đã trở nên quen thuộc với người sử dụng toàn cầu như, Google, Netflix, Amazon hay Apple sẽ bị đảo lộn. Thị trường mạng viễn thông Mỹ sẽ chứng kiến các cuộc cạnh tranh thôn tính nhau khốc liệt.
RFI tiếng Việt
****************
Mỹ : Trump khẳng định không cách chức công tố viên Mueller (RFI, 18/12/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối qua 17/12/2017 khẳng định không có ý định cách chức ông Robert Mueller, công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra về hồ sơ Nga – một thông tin vẫn được đồn đãi lâu nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí tại khu vườn phía nam Nhà Trắng, Washington ngày 16/12/2017. Reuters/Yuri Gripas
Được hỏi về vấn đề này, ông Donald Trump chỉ đáp gọn "Không !". Nhưng ông nhấn mạnh không hề có sự thông đồng nào giữa ê-kíp của mình với phía Nga.
Công tố viên đặc biệt Mueller gần đây đã cho khởi tố nhiều người thân tín của ông Donald Trump, trong số đó có tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia. Ông Flynn nhìn nhận đã khai gian với FBI, và chấp nhận hợp tác với tư pháp.
Từ nhiều tuần qua, những người thân cận của tổng thống Mỹ và một số đại biểu Cộng Hòa đã đặt dấu hỏi về độ khả tín và tính công minh của cuộc điều tra do ông Mueller lãnh đạo. Họ đòi hỏi chấm dứt cuộc điều tra mà theo họ là chẳng đi đến đâu cả.
Luật sư Kory Langhofer trong lá thư gởi Hạ Viện đã khẳng định cơ quan liên bang GSA (General Services Administration) đã "chuyển giao một cách bất hợp pháp" hàng ngàn email cho các nhà điều tra. Nhưng phát ngôn viên của ông Robert Mueller thẳng thừng phản đối, nói rằng cuộc điều tra tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.
Nhiều đại biểu Dân Chủ bất bình trước hàng loạt cáo buộc nhằm hạ uy tín công tố viên Mueller vào lúc cuộc điều tra đang tiến triển. Ông Eric Holder, nguyên bộ trưởng Tư Pháp thời tổng thống Barack Obama hôm qua kêu gọi người dân Mỹ xuống đường hàng loạt để phản đối nếu Donald Trump vượt qua lằn ranh đỏ - cách chức ông Mueller.
Tại Hạ Viện,thứ trưởng đương nhiệm bộ Tư Pháp Rod Rosenstein khẳng định, cuộc điều tra hiện thời là công minh, không hề chịu ảnh hưởng chính trị.
Thụy My
****************
Nga cảm ơn Mỹ giúp phá vỡ một âm mưu khủng bố (RFI, 18/12/2017)
Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ ngày 17/12/2017, tổng thống Vladimir Putin cảm ơn ông Donald Trump vì nhờ các thông tin tình báo Mỹ cung cấp mà Nga "phát hiện kịp thời, bắt giữ một nhóm khủng bố âm mưu tấn công tại thành phố Saint Petersbourg". Thứ Sáu vừa qua (15/12/2017), mật vụ Nga thông báo phá vỡ một đường dây khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và nguyên thủ Mỹ Donald Trump (ảnh tư liệu của Reuters) Reuters
Thông tín viên RFI, Etienne Bouche từ Moskva :
Ông Vladimir Putin đã đề nghị tổng thống Donald Trump chuyển lời cảm ơn đến giám đốc và nhân viên cơ quan tình báo Mỹ CIA. Thông cáo của điện Kremli ngày Chủ Nhật, 17/12/201,7 cho biết như trên. Theo phủ tổng thống Nga, các thông tin của Mỹ đã cho phép Nga phát hiện và bắt giữ một nhóm khủng bố.
Tuần qua, bảy thành viên của một nhóm thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị mật vụ Nga bắt. Theo các giới chức Nga, nhóm này đang chuẩn bị một loạt các vụ tấn công nhắm vào Saint Petersbourg.
Các nghi phạm dự trù ra tay cùng lúc tại nhiều địa điểm đông người qua lại. Một trong những mục tiêu quân khủng bố nhắm tới là nhà thờ Đức Bà Kazan, biểu tượng của cố đô Saint Petersbourg.
Cũng trong cuộc điện đàm với tổng thống Hoa Kỳ hôm qua, nguyên thủ Nga đã nói thêm : Washington có thể trông cậy vào Moskva trong trường hợp tương tự. Nghĩa là nếu như phía Nga thu thập được thông tin về đe dọa khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ hay các công dân Mỹ, thì tình báo Nga cũng sẽ lập tức chuyển những thông tin đó tới phía Mỹ.
Mặc dù bang giao Nga - Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng, nhưng tổng thống Vladimir Putin đã đặc biệt nhất mạnh đến một sự hợp tác cần thiết trong mục tiêu chống khủng bố.
Thanh Hà