Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hòa hay chiến ở Ukraine ? Putin làm cả Châu Âu điêu đứng

Khác với chế độ tập thể quyết định thời xô-viết, khi Brezhnev có thể bị phản biện trong Bộ Chính trị, ở điện Kremlin năm 2022, Vladimir Putin hành động đơn thương độc mã. Cũng như mọi nhà độc tài, ông chủ điện Kremlin tự cô lập, chỉ nghe những người nói theo ý mình.

nga1

Xe tăng Nga quay về căn cứ sau khi tập trận, ngày 15/02/2022. Ảnh cắt từ video của bộ quốc phòng Nga. AP

Bên cạnh những vấn đề như sự lạm dụng tiếng Anh, sức mua, đại dịch Covid, thất bại của chiến dịch Barkhane, phiên tòa xử vụ khủng bố sát hại linh mục Hamel… chủ đề Ukraine vẫn bao trùm lên các báo Pháp. Le Monde tóm tắt : Nguy cơ chiến tranh ở Châu Âu tùy thuộc vào một con người duy nhất là Vladimir Putin. Phương Tây phải vận dụng mọi phương cách từ răn đe, dọa trừng phạt cho đến đối thoại khi nào còn có thể. Cơ chế ra quyết định xoay quanh một nhúm người ở Kremlin vẫn là bí ẩn, trong khi đó khoảng 30 nước kêu gọi công dân di tản khiến người Ukraine có cảm giác bị bỏ rơi.

Tấn công Ukraine hay không, chỉ Putin có quyền quyết định

Les Echos so sánh, khác với chế độ tập thể quyết định thời xô-viết, khi Brezhnev có thể bị phản biện trong Bộ Chính trị. Ở điện Kremlin năm 2022, Vladimir Putin hành động đơn thương độc mã.

Chỉ có năm, sáu người thân cận nhất bao quanh tổng thống Nga. Đặc biệt là hai Sergey : ngoại trưởng Sergey Lavrov là người tín cẩn, còn bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoygu là bạn bè, thường đi nghỉ hè chung. Le Monde nhận thấy Sergey Lavrov, ngoại trưởng giàu kinh nghiệm, vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, những ngày gần đây liên tục có những cuộc tiếp xúc và điện đàm. Tại chỗ, Sergey Shoygu duy trì áp lực. Không chỉ triển khai 125.000 quân (1/9 quân đội Nga) dọc biên giới Ukraine, mà cả tập trận trên đất liền tại Belarus và tập trận hải quân ở Hắc Hải, đồng thời báo trước hải quân sẽ còn tập trận khắp nơi - Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải.

Còn lại là những "siloviki" - nhân vật diều hâu xuất thân từ cơ quan an ninh, như Nicolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh và là cựu giám đốc tình báo, Sergey Naryshkin, giám đốc phản gián. Một nhân vật khác là Dimitri Kozak, phó văn phòng tổng thống, thân thiết với Putin từ thời ở Saint Petersburg thập niên 90, hoạt động rất hiệu quả, có thể là người sẽ kế nhiệm Putin. Là cố vấn về Ukraine, Kozak tham gia đàm phán "Normandie", và được cho là đã làm đổ vỡ thương lượng khi đòi chính quyền Ukraine phải nói chuyện trực tiếp với quân ly khai thân Nga ở Donbas, lằn ranh đỏ của Kiev. Vladimir Putin là người duy nhất ấn định chủ trương để hai Sergey và Kozak áp dụng sau đó.

Châu Âu kiên trì ngoại giao

Xã luận của Le Monde cổ vũ nên kiên trì với hoạt động ngoại giao. Liên tục gia tăng áp lực lên Ukraine từ ba tháng rưỡi qua, Vladimir Putin vẫn giữ lại kênh đối thoại với phương Tây, như vậy Châu Âu có lý với nỗ lực trong những ngày gần đây để tránh chiến tranh. Tờ báo kể ra : chuyến đi Moskva của tổng thống Emmanuel Macron hôm 07/02, sự cứng rắn của đại diện Nga trong cuộc họp 9 tiếng đồng hồ với nhóm Normandie (Pháp, Đức, Nga, Ukraine) về Donbas hôm 10/02 ở Berlin, một giờ điện đàm không kết quả giữa Joe Biden và Putin hôm 12/02. Tất cả cho thấy quyết tâm của Kremlin trong việc giơ cao cây gậy đe dọa. Song song đó, Moskva siết chặt vòng vây xung quanh Ukraine.

Dù người dân Ukraine vẫn bình tĩnh, kinh tế nước này đã bị ảnh hưởng từ chiến lược bóp nghẹt. Nhiều đại sứ quán theo chân Hoa Kỳ và Anh đã di tản nhân viên và yêu cầu công dân nước mình ra đi. Cần lưu ý rằng nhân viên sứ quán Pháp vẫn ở lại và Air France vẫn bảo đảm đường bay Paris-Kiev. Hôm qua 14/02 đến lượt thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Ukraine rồi sang Nga, một chuyến đi cần thiết trong khi liên minh cầm quyền vẫn chưa có quan điểm rõ ràng trong quan hệ với Moskva.

Không nên chờ đợi phép lạ, cũng như chuyến thăm của Macron trước đó. Tuy nhiên điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Châu Âu tỏ ra đoàn kết, vận động ngoại giao cho đến cùng, đồng thời cứng rắn về nguyên tắc chủ quyền Ukraine trước yêu sách không thể chấp nhận của Putin về NATO. Ngay cả chính phủ Anh dù đã ra khỏi EU vẫn tỏ tình liên đới. Bởi vì toàn thể Châu Âu đều ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, và ở tuyến đầu nếu tiến hành trừng phạt. Le Monde cho rằng đây là lúc để không chỉ hoàn tất việc thảo luận về biện pháp trừng phạt, mà còn phải chuẩn bị dư luận về cái giá không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế.

Phương án cuối : Trừng phạt

Mỹ và Châu Âu không ai sẵn sàng chết để bảo vệ Ukraine, thế nên chỉ có cách mạnh tay trừng phạt. Nga có thể bị loại khỏi mạng lưới chuyển tiền SWIFT, như Iran đã bị năm 2008 ; cấm xuất thiết bị công nghệ cao ; trừng phạt các nhà tài phiệt đứng đầu các lãnh vực chiến lược, những người thân cận với Putin ; chận Nord Stream 2. Không có gì là không thể, và Washington và Bruxelles đều không công bố chi tiết để có thể gây bất ngờ. Đây sẽ là cuộc phản công chưa từng có so với smart sanction trước đây sau khi Nga chiếm Crimea.

Trừng phạt càng cứng rắn, xử lý càng phải tinh tế để Nga chịu thiệt hại nhiều hơn phương Tây, đồng thời phải là một khối đoàn kết. Hoa Kỳ ít thiệt hơn vì không hề lệ thuộc khí đốt và ít buôn bán với Nga, ngược lại Châu Âu xuất sang Nga đến 80 tỉ euro năm 2020, ba phần tư đầu tư nước ngoài vào Nga là từ Anh, Đức, Ý, Pháp.

Một ẩn số khác là Đức. Cựu thủ tướng Gehard Schröder, bạn lâu năm của Putin càng làm khó thêm cho Berlin : ông Schröder nay là chủ tịch công ty Nord Stream 2 và có chân trong hội đồng quản trị Gazprom. Nhưng tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier lần đầu tiên đã rắn giọng cảnh cáo ông Putin nếu chiến tranh xảy ra ở Đông Âu, Nga phải chịu trách nhiệm, và không nên đánh giá thấp sức mạnh của nền dân chủ.

Moskva còn có thế mạnh khác : giá dầu tăng lên 90 đô la trong năm 2022 khiến Nga bỏ túi thêm 60 tỉ euro, bên cạnh đó dự trữ ngoại hối 620 tỉ đô la và quỹ đầu tư nhà nước 190 tỉ đô la cũng giúp tạm giảm bớt cú sốc trừng phạt. Phương án tệ hại nhất là cấm vận như Iran, sẽ làm tăng lạm phát của Nga hiện đã ở mức 8,7%, trong khi cải cách hưu bổng đã làm mất lòng dân.

Thị trường phương Tây chao đảo, Ukraine gần như bị phong tỏa

Đối với phương Tây, Les Echos cho biết nỗi lo chiến tranh xảy ra ở Ukraine đã làm rối loạn thị trường, làm phức tạp thêm công việc của các ngân hàng trung ương hậu Covid trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng lên.  Đó không phải là một hạt cát gây trở ngại cho cỗ máy, mà là cả một tảng đá. Cuộc khủng hoảng xảy ra làm đảo lộn kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng để hỗ trợ kinh tế, xử lý lạm phát qua việc tăng dần lãi suất. Chứng khoán lao dốc, bên cạnh đó là nguy cơ cú sốc dầu lửa : dầu thô có thể lên trên 100 đô la một thùng vì nếu khởi chiến Nga sẽ giảm sản lượng dầu khí. Nhìn chung, là nguy cơ thị trường mất kiểm soát.

Ngoài cả trăm ngàn quân ở miền đông và biên giới, cuộc tập trận lớn bắt đầu ngày 10/02 tại Belarus ở phía bắc, tập trận hải quân trên Hắc Hải ở phía nam, Nga gần như phong tỏa Ukraine - vốn đã bị chặn lối vào biển Azov. Ngoại giao đoàn nhiều nước đã ra đi, nhưng phi trường Kiev tối Chủ nhật 13/02 vẫn bình thường với những hành khách xếp hàng như thường lệ, chỉ có hai chuyến bay bị hủy. Một tài xế taxi nói với Le Monde, đã chở vài chục nhân viên ngoại giao phương Tây ra sân bay vào cuối tuần. Họ không tin sẽ xảy ra chiến tranh và nhiều người Ukraine cũng thế, nhưng tình hình như vậy rất xấu cho việc làm ăn.

Trước hết là hàng không, bầu trời Kiev đang vắng đi. KLM ngưng các chuyến bay, các hãng Lufthansa, Swiss, Australian Airlines, Ryanair giảm tần suất. Những phi cơ bay qua không phận Ukraine không còn được bảo hiểm kể từ 14/02. Thủ tướng Ukraine loan báo lập quỹ 592 triệu đô la cho các hãng bảo hiểm và thuê máy bay để bảo đảm liên lạc hàng không, một món tiền không nhỏ đối với một đất nước tài chính kiệt quệ sau 7 năm xung đột với Nga.

Trên biển, từ sau khi Crimea bị chiếm năm 2014, Nga kiểm soát lối vào biển Azov, và hai hải cảng nước sâu của Ukraine gần đó dần dà bị bóp nghẹt. Ngay cả khi không có tập trận, tàu biển cũng khó qua lại. Nga gây khó khăn cho các tàu Ukraine, thậm chí buộc neo lại nhiều ngày, gây thiệt hại lớn cho các nhà hàng hải.

Khủng hoảng Ukraine hay khủng hoảng Nga ?

Trên trang Ý kiến của Le Monde, nhà chính trị học Maris Mendras khẳng định "Chúng ta không đối mặt với một cuộc khủng hoảng Ukraine, mà là khủng hoảng Nga". Theo bà, khi chơi trò không hòa không chiến với Kiev, tổng thống Nga muốn ngăn không để xã hội Ukraine dân chủ hóa gây nguy hiểm cho quyền lực độc tài của mình.

Châu Âu từ nhiều tháng qua sống với nỗi hồi hộp chiến tranh Ukraine, và sẽ phải chuẩn bị chịu đựng trong một thời gian nữa, vì tạo bất ổn thường trực là chiến thuật của Putin. Cuộc đối mặt 5 tiếng đồng hồ giữa hai tổng thống Pháp và Nga tại Kremlin hôm 07/02 cho thấy chính sự chuyên chế và hung hăng của chế độ Putin đang gây nguy hiểm cho an toàn của người Ukraine, cho tất cả người dân Châu Âu, và cho tương lai của chính người Nga. Trước Emmanuel Macron, Vladimir Putin vẫn tiếp tục đổi trắng thay đen, khăng khăng nói Ukraine là kẻ tấn công, rằng NATO đe dọa Nga, và Putin từ chối mọi nhượng bộ.

Điểm yếu của chế độ Putin là không có sự tham gia của các định chế trong vấn đề an ninh từ nhiều năm qua. Ông chủ điện Kremlin tự cô lập, chỉ nghe những người nói theo ý mình. Cũng như mọi nhà độc tài, Putin cố chấp không tin vào bất cứ chuyên gia nào, kiểm soát báo chí, đàn áp đối lập. Nắm quyền đã 22 năm, Vladimir Putin sống trong tháp ngà, không nghe phản biện. Ông ta làm ngơ trước nỗi lo của 146 triệu thần dân vốn muốn được sống yên ổn và sống tốt hơn, không chịu lắng nghe các nhà chuyên môn.

Ba lý do khiến Nga sẽ không xua quân chiếm Ukraine

Tác giả không cho rằng các đoàn quân và chiến xa Nga sẽ phất cờ tiến chiếm toàn bộ Ukraine, và so găng với các nước NATO. Có ba lý do để không tin kế hoạch A của Moskva là xâm lược Ukraine.

Thứ nhất, cuộc chiến Ukraine đã diễn ra và vẫn tiếp tục từ 8 năm qua với việc kiểm soát vũ trang vùng Donbas, tấn công tin học thường xuyên, bắt bí về trung chuyển khí đốt, phân phối hộ chiếu Nga. Kiểu xung đột này mang lại nhiều lợi ích cho Moskva, tại sao lại gánh lấy rủi ro một cuộc chiến tranh trực diện, kèm theo nguy cơ thất trận ?

Thứ hai, Vladimir Putin không phải là người đi chinh phục mà là kẻ phá rối. Ông ta mụốn tự vệ trước quá trình dân chủ hóa của xã hội Ukraine, gây nguy hiểm không phải cho nước Nga mà cho quyền lực độc tài của mình. Putin phải duy trì bất ổn ở những nước nằm giữa Nga và Châu Âu : Ukraine, Georgia, Belarus, Moldavia, Armenia để tránh những nước này trở thành đối tác của EU và NATO.

Thứ ba, đa số người Nga lo sợ khủng hoảng kinh tế xã hội, và không muốn gởi thanh niên đi chiến đấu với một nước bạn. Giới tinh hoa và lớp trung lưu ngày càng hoang mang trước cơn cuồng loạn chống phương Tây của Kremlin và hệ quả là bị trừng phạt, bên cạnh đó là thiếu vắng Nhà nước pháp quyền, ảnh hưởng đến tương lai của họ và con cái.

Được hỏi về ý định của Vladimir Putin, người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrell trả lời : "Không ai biết được chuyện gì sẽ diễn ra, kể cả ông ấy".

Thụy My

Published in Quốc tế

Chưa bao giờ kể từ sau cuộc chiến tranh ở Bosnia (1992-1995) và trước đó, kể từ cuộc khủng hoảng Berlin (1958-1963), với đỉnh điểm là việc xây dựng bức tường vào mùa hè năm 1961, mà một cuộc xung đột quân sự ở Châu Âu lại đang cận kề đến như vậy.

nga1

Ảnh minh họa.  Reuters – Dado Ruvic

Kể từ khi điện Kremlin điều 100.000 binh lính tới vùng biên giới chung với Ukraine, chúng ta đã thấy mối nguy hiểm ngày càng gia tăng. Một câu hỏi ám ảnh vào lúc các hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập trong mấy tuần qua : liệu chúng ta có đang tiến tới một cuộc chiến tranh hay không ?

Tomas Ries, người Thụy Điển, chuyên gia về Nga, đánh giá rằng "toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ ánh hào quang của Vladimir Putin dựa trên sức mạnh. Và ông ấy không thể tỏ ra nhu nhược hoặc có ý định lùi bước". Trong bối cảnh chiến tranh càng lúc càng tới gần ở khu vực biên giới Nga-Ukraine, trang mạng tuần báo Pháp L'Express, ngày 25/01/2022, có bài phân tích các kịch bản khác nhau về việc Nga xâm lược Ukraine.

Kịch bản 1 – Đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine

Đối với các chuyên gia, kịch bản hung hăng nhất và có ít khả năng xẩy ra là một cuộc tổng tấn công nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tomas Ries, giáo sư về an ninh và chiến lược tại Đại học Quốc phòng (Försvarhögsklan) Thụy Điển cho rằng "ngay cả khi tổng thống Putin đánh bại được quân đội Ukraine và chiếm đóng toàn bộ đất nước - chưa chắc Nga làm được việc này - nhưng ông sẽ phải đối mặt với sự kháng cự ngày càng gia tăng của người dân. Quân đội của ông có thể hứng chịu nhiều tổn thất và có nguy cơ sa lầy".

Một cuộc tấn công như vậy sẽ bao gồm việc huy động toàn bộ lực lượng của Nga để chiếm đóng các khu đô thị lớn, chẳng hạn như Kiev (thủ đô Ukraine với 3 triệu dân) và các thành phố khác như Kharkiv (1,5 triệu dân) hoặc Odessa (1 triệu dân), bởi vì tấn công Ukraine là một chuyện, nhưng chiếm đóng nước này lại là chuyện khác. Một nhà ngoại giao ở Kiev thẩm định, "để kiểm soát một thành phố như Kharkiv thì phải cần đến sự hiện diện của ít nhất 100.000 binh sĩ Nga".

Một cuộc chiếm đóng quân sự cũng đòi hỏi cung ứng hậu cần rất nặng nề. "Một sư đoàn thiết giáp của quân đội Mỹ lúc hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 2,4 triệu lít nhiên liệu mỗi ngày", chuyên gia người Mỹ George Friedman, người sáng lập tổ chức nghiên cứu tư vấn Geopolitical Futures có trụ sở tại Texas cho biết. Trong khi đó Nga đang triển khai nhiều sư đoàn, và theo sau sẽ là một đoàn xe tiếp tế nhiên liệu dài vô tận, có kết nối với các kho dự trữ nhiên liệu khổng lồ. Đây là một công việc phức tạp và tốn kém.

François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) bổ sung : "Kịch bản này có vẻ khó xảy ra vì cái giá phải trả về chính trị và quân sự cho một chiến dịch như vậy sẽ cực kỳ cao đối với tổng thống Putin".

Kịch bản này cũng sẽ đòi hỏi duy trì trên thực địa một lực lượng chiếm đóng, đủ để kiểm soát 41 triệu dân Ukraine và bảo vệ các đường biên giới mới, với các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

"Nguy cơ quốc tế hóa cuộc xung đột sẽ rất cao, phương Tây sẽ ồ ạt gửi thiết bị quân sự sang hỗ trợ Ukraine. Hơn nữa, tình hình sẽ rất thảm khốc với làn sóng người tị nạn Ukraine chạy sang các nước Châu Âu". Do đó, theo chuyên gia François Heisbourg, đây không phải là giả thuyết mà điện Kremlin ưu tiên.

Kịch bản 2 - Tái lập "Novorossia" thời kỳ đế quốc

Vùng Novorossia nằm ở phía đông lãnh thổ Ukraine hiện nay, vốn là một vùng đất mà đế chế Nga chiếm từ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 18. Thời Liên Xô, vùng này thuộc về Ukraine, một trong 15 nước cộng hòa. Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập, Novorossia vẫn thuộc về Ukraine. Kể từ khủng hoảng 2014, chính quyền Nga chủ trương muốn sáp nhập vùng này trở lại giống như thời đế quốc trước đây. Kịch bản tái lập Novorossia và sáp nhập vào nước Nga đòi hỏi sự huy động lực lượng của Nga trên quy mô lớn, ngay cả khi mục tiêu hạn chế hơn. Theo mơ ước của Vladimir Putin, ông muốn tái tạo một phiên bản mở rộng của "Novorossia" của thời kỳ đế quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc kiểm soát khu vực nói tiếng Nga ở miền đông và miền nam Ukraine và sẽ cho phép tiếp giáp đất liền giữa Nga và lãnh thổ Transnistria của phe ly khai Moldavia (thân Nga, không được cộng đồng quốc tế công nhận).

Tình hình này, trên thực tế, sẽ khiến cho Ukraine không tiếp cận được với biển Đen và biển Azov. "Kharkiv (thành phố công nghiệp ở phía đông bắc), nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine, cũng có thể sẽ bị chiếm đóng. Nga cần một cái cớ : họ sẽ nói rằng họ đang bảo vệ những người nói tiếng Nga", tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố như vậy khi trả lời phỏng vấn của báo Washington Post hôm 20/01/2022.

"Lãnh thổ cần xâm chiếm sẽ ít hơn trong kịch bản một cuộc xâm lược toàn diện, nhưng Nga vẫn sẽ buộc phải huy động một phần lớn lực lượng vũ trang của mình. Họ sẽ phải tấn công trên bộ ở quy mô lớn, ngoài ra họ sẽ phải sử dụng cả hải quân và không quân ", Melinda Haring, phó giám đốc Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết. Mặt khác, Nga sẽ phải kiểm soát được Odessa, thành phố lớn thứ ba của đất nước, để phát động một cuộc tấn công như vậy.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm : "Một lần nữa, chúng ta có thể dự đoán rằng người dân sẽ phản kháng mạnh mẽ. Về mặt lý thuyết, Nga có khả năng chiếm giữ những vùng lãnh thổ này, nhưng họ khó có thể kiểm soát được chúng lâu dài". Theo một cuộc thăm dò được Viện Xã hội học quốc tế ở Kiev công bố vào tháng 12 năm 2021, 25,6% người dân sống ở miền đông Ukraine sẽ sẵn sàng cầm vũ khí trong trường hợp bị Nga xâm lược.

Kịch bản 3 - Lập đường bộ kết nối Crimea và Donbass

Trong kịch bản này, Nga sẽ gặm nhấm Ukraine thông qua việc sáp nhập hoàn toàn Donbass và tạo ra một "cây cầu trên bộ" nối khu vực này với Crimea. Mục tiêu ở đây là mở một tuyến đường mới tới bán đảo được sáp nhập vào năm 2014, hiện chỉ được kết nối với Nga bằng một cây cầu được xây dựng qua eo biển Kerch (cực đông của Crimea, ở hướng Krasnodar).

Chuyên gia Tomas Ries, ở Stockholm, cho biết : "Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề của quốc tế chống lại Nga, việc kết nối các vùng lãnh thổ khác nhau này dường như là một mục tiêu khả tín. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Moskva tiếp tế Crimea. "Ngoài việc không cho Ukraine tiếp cận với biển Azov, nước cờ này sẽ cho phép Nga kiểm soát kênh đào Bắc Crimea (nối Crimea với sông Dnepr ở Ukraine), nơi cung cấp gần 85% nước ngọt của bán đảo, trước khi bị Kiev phong tỏa vào năm 2014.

Một chiến dịch như vậy sẽ cần thiết đến một lực lượng quân sự lớn để đột phá các vị trí kiên cố dọc theo chiến tuyến Donbass, và chiếm thành phố Mariupol (450.000 dân). Nhưng chi phí của cuộc tấn công này sẽ thấp hơn rất nhiều so với hai kịch bản nói trên.

Kịch bản 4 – Lật đổ hoặc loại bỏ tổng thống Ukraine Zelensky

Trong kịch bản này, Nga sẽ lật đổ tổng thống Volodymyr Zelensky để thay thế bằng một nhà lãnh đạo thân Nga. Bộ Ngoại giao Anh đã đề cập đến giả thuyết này hôm 22/01/2022. "Chúng tôi có thông tin về việc các cơ quan tình báo Nga duy trì các mối liên hệ với nhiều cựu chính trị gia Ukraine. Theo thông tin của chúng tôi, chính phủ Nga đang tìm cách đưa một nhà lãnh đạo thân Nga lên nắm quyền ở Kiev" và Bộ Ngoại giao Anh đặc biệt nhắc đến cựu nghị sĩ Ukraine Yevgeniy Murayev, như là một "ứng cử viên tiềm tàng". Sau những cáo buộc này, Ukraine hôm 23/01/2022 tuyên bố mong muốn "xóa bỏ" tất cả những nhóm thân Nga hiện diện trên lãnh thổ của mình.

Theo chuyên gia Tomas Ries, bản thân việc loại bỏ ông Zelensky không phải là một mục đích, nhưng hành động này có thể bổ sung cho một trong những kịch bản nêu trên. Tương tự, rất có thể xảy ra các vụ tin tặc tấn công ồ ạt nhằm gây mất ổn định đất nước, để bổ sung cho bất kỳ kịch bản nào. Ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Ukraine đã khẳng định có những "bằng chứng" về việc Nga dính líu vào một cuộc tấn công tin tặc nhằm vào nhiều trang mạng của chính phủ Kiev.

Kịch bản 5 - Giải pháp ngoại giao

Kịch bản này vẫn đang được các bên liên quan xem xét. Sau cuộc hội đàm được mô tả là "thẳng thắn" hôm 21/01/2022 giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken, hai nước đã có một cuộc gặp khác một tuần sau đó. Tuy nhiên, Kremlin cho rằng nếu phương Tây tiếp tục phớt lờ "những lo ngại chính đáng" của Nga về việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sức mạnh ở Ukraine và Đông Âu, thì điều này sẽ gây ra "hậu quả hết sức nghiêm trọng".

Hiện tại, điện Kremlin đặt điều kiện để giảm căng thẳng là phải có các hiệp định bảo đảm NATO không đón nhận thêm thành viên, đặc biệt là Ukraine và NATO rút ra khỏi Đông Âu. Phương Tây cho rằng các đòi hỏi này là không thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy, Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) tin rằng vẫn còn nhiều mối quan tâm chung mà hai bên có thể thống nhất, chẳng hạn như về tên lửa tầm trung ở Châu Âu hoặc tính minh bạch của các cuộc tập trận quân sự. Vẫn có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao cho phép cả hai bên giữ được thể diện, đồng thời duy trì hòa bình tại Châu Âu.

Phan Minh

Nguồn : RFI, 02/02/2022

Published in Diễn đàn