Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Pháp đối mặt với thử thách khẩu trang và xét nghiệm

Tác động của dịch Covid-19 đối với nước Pháp là chủ đề bao trùm báo chí Pháp ra ngày 23/04/2020, với hai tờ Le Monde và Les Echos cùng khai thác chủ đề thất nghiệp gia tăng, trong lúc Libération chú ý đến cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì lệnh phong tỏa và Le Figaro quan tâm đến các thách thức đang chờ đợi chính phủ Pháp thời hậu phong tỏa. Riêng La Croix nhấn mạnh đến đối sách chống dịch của Liên Hiệp Châu Âu đang bị nạn chia rẽ nội bộ đe dọa.

phap0

Pháp tăng cường việc sản xuất khẩu trang "đại chúng" để cho người dân sử dụng nhằm hạn chế đà lây lan của virus corona. Ảnh minh họa chụp ngày 09/04/2020 tại Paris (Pháp) Reuters - Gonzalo Fuentes

Hồ sơ đáng chú ý nhất hôm nay có lẽ nằm trên tờ báo thiên hữu Le Figaro, đã xoáy mạnh vào một nỗi đau của nước Pháp : Đó là tình trạng thiếu chuẩn bị phương tiện đã làm công cuộc chống đại dịch trở nên cực kỳ vất vả, nhất là khi Pháp sắp phải lao vào giai đoạn giảm nhẹ phong tỏa đầy hiểm nguy.

Dưới tựa đề lớn trang nhất "Khẩu trang và xét nghiệm : Liệu Pháp có thể thoát khỏi tình trạng thiếu thốn hay không", Le Figaro nhắc lại lời hứa của thủ tướng Edouard Philippe theo đó lúc nước Pháp bắt đầu bước ra khỏi tình trạng phong tỏa, sẽ có sẵn sàng 17 triệu khẩu trang "đại chúng" (không phải là loại dành riêng cho giới y tế) và 500.000 xét nghiệm mỗi tuần. Tờ báo không ngần ngại đánh giá rằng đó là "những con số quá cao so với năng lực cung ứng hiện tại".

Trong một bài phân tích bên trong, Le Figaro trước hết nêu bật những câu hỏi về khả năng đáp ứng nhu cầu rất to lớn về khẩu trang, sẽ cao hơn gấp bội hiện nay, vì lẽ ngoài giới y tế, phương tiện bảo vệ này còn được dùng cho người dân, có thể sẽ bị bắt buộc phải đeo khi dùng các phương tiện giao thông công cộng, và rất được khuyến khích đối với một số ngành nghề có tiếp xúc với công chúng.

Khẩu trang y tế lệ thuộc quá nặng vào nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong lãnh vực khẩu trang, Le Figaro thừa nhận rằng việc mua và sản xuất đã tăng đáng kể trong những tuần gần đây để khắc phục tình trạng thiếu hụt.

Về khẩu trang phẫu thuật và FFP2, Pháp vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong không đầy một tháng, số lượng nhập đã tăng từ 34 triệu đến 81 triệu chiếc một tuần. Việc thiết lập cầu không vận giữa Pháp và Trung Quốc đã cho phép Pháp đặt mua hơn một tỷ chiếc khẩu trang.

Tuy nhiên hiện đang xẩy ra tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia. Ngoài ra, kể từ đầu tháng này, Trung Quốc đã thắt chặt các điều kiện xuất cảng khẩu trang. Số lượng các nhà máy làm khẩu trang được Bắc Kinh chứng nhận (khoảng 20.000 cho đến nay) sẽ giảm 30% do tình trạng hàng giả hoặc chất lượng kém của khẩu trang, làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc.

Sản xuất khẩu trang y tế tại Pháp đã đạt trần

Còn về việc sản xuất khẩu trang y tế tại Pháp, các cơ xưởng hầu như đều đã làm việc hết công suất, với mức sản xuất như đã đạt trần từ ba tuần lễ nay ở khoảng 8 triệu chiếc mỗi tuần, bất chấp việc tổng thống Pháp từng cam kết sẽ có 10 triệu đơn vị/tuần vào cuối tháng Tư này.

Giới chức hữu trách Pháp dường như đã chuyển hy vọng sang việc sản xuất khẩu trang "đại chúng", có thể giặt và tái sử dụng.

Bộ Kinh tế từng cho biết là "vào cuối tháng Tư, mức sản xuất sẽ đạt 15 triệu khẩu trang mỗi tuần". Vì những loại khẩu trang này có thể được giặt khoảng hai mươi lần, điều đó tương đương với 300 triệu chiếc khẩu trang chỉ dùng một lần.

Vấn đề xét nghiệm phân tử cũng đang bị nghi ngờ

Từ ba tuần lễ nay, số lượng xét nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm của bệnh viện đã đạt trần 90.000 xét nghiệm mỗi tuần.

Cạnh tranh trên thị trường mặt hàng xét nghiệm cũng rất gay go, với Hoa Kỳ tung tiền thâu tóm một phần lớn khối lượng sản xuất.

Theo một người chuyên trách lãnh vực này, trên sổ đặt hàng của tập đoàn Thụy Sĩ Roche, đứng đầu thế giới trong việc sản xuất xét nghiệm, "khách hàng Pháp chỉ đứng hàng thứ yếu về máy móc và thuốc thử đặt mua".

Chống dịch Covid-19 : "Đợt thử thách thứ hai" đối với nước Pháp

Trong bài xã luận, Le Figaro tỏ ra chua xót, khi so sánh cách đối phó với nạn dịch giữa Pháp và các nước khác. Tờ báo nhận thấy là trong cơn hoạn nạn, tính thực tiễn đã giúp ích rất nhiều. Trước nạn virus corona, đó là một vũ khí mà nhiều nước không có một nền y tế tốt đã biết sử dụng.

Ở Châu Âu đó là tình trạng các nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã trực diện ứng phó bằng cách yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang và đẩy mạnh việc xét nghiệm tìm virus. Với phương tiện yếu kém của mình, các quốc gia này cố gắng tự xoay sở bằng mọi cách. Ngày nay họ không phải hổ thẹn với kết quả đạt được.

Thế nhưng, theo Le Figaro, không phải ai cũng làm được như vậy. Tự tin vào thế mạnh của mình, có nước đã khoe khoang khả năng dập dịch như Mỹ hay Anh. Một số nước khác, để che đậy sự bối rối vì thiếu chuẩn bị, đã lao vào các lý thuyết.

Tại Pháp chẳng hạn, người ta đã khuyên người dân là không nên đeo khẩu trang và cũng không tiến hành xét nghiệm đại trà. Và kết quả được thấy ngay sau đó : Những con số chóng mặt được thông báo mỗi buổi tối. Và người ta cũng biết sự thật : Việc thiếu khẩu trang và không đủ phương tiện xét nghiệm đã được che đậy bằng cách nói dối. So sánh với Đức hay những nước yếu hơn nhưng thực tiễn hơn, thì quả là tình hình (Pháp) đáng thất vọng.

Pháp đã được "võ trang" đầy đủ hay chưa khi bước vào thời hậu phong tỏa

Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều quan trọng là bây giờ phải làm gì. Sau nhiều tuần lễ bị buộc ở trong nhà, người dân ngày càng mất kiên nhẫn. Ngày 11/05 tới đây, khi phong tỏa bắt đầu được giảm nhẹ, liệu nước Pháp có được "võ trang" đầy đủ hay chưa ?

Tờ báo rất lo lắng vì ngoài sự cần thiết của việc mọi người phải đeo khẩu trang, các phát biểu chính thức có tiến bộ nhưng vẫn không rõ ràng, lòng vòng, thậm chí khó hiểu. Trên vấn đề xét nghiệm cũng vậy, trong khi chỉ cần theo gương Đức là đủ.

Le Figaro kết luận : Chỉ còn có 15 ngày để ông Macron và chính phủ chuẩn bị cho việc dỡ bỏ phong tỏa. Nước Pháp phải sẵn sàng chiến đấu. Thử thách thứ nhì này rất lớn, sau những thất bại trong đợt thử thách đầu tiên. Phải đối phó hữu hiệu nếu không sẽ có nguy cơ một đợt lây nhiễm mới. Hy vọng thoát khỏi khủng hoảng vô cùng lớn, nếu bị mất đi đó sẽ là một thảm kịch đối với người Pháp và những người lãnh đạo họ.

Hệ thống bảo hiểm xã hội Pháp rơi vào hiểm cảnh

Triển vọng không mấy tươi sáng của hệ thống bảo hiểm xã hội Pháp, mang tên chính thức là An Sinh Xã Hội (Sécurité Sociale) là đề tài trang nhất trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, với hàng tựa trắng trên phông nền đen rất tang tóc và ghi nhận : "Đình đốn kinh tế đẩy hệ thống An Sinh Xã Hội vào tình thế hiểm nguy".

Theo tờ báo, do dịch Covid-19, thiếu hụt trầm kha của quỹ bảo hiểm xã hội Pháp năm 2020 sẽ vượt mức 40 tỷ euro, một điều chưa từng thấy từ trước đến nay, tồi tệ hơn, gấp đôi mức thâm thủng kỷ lục 28 tỷ của năm 2010. Thế mà đà đi xuống còn có nguy cơ chưa chấm dứt nếu căn cứ vào tuyên bố của bộ trưởng Ngân sách Pháp, ông Gérard Darmanin, theo đó ước tính kể trên vẫn còn lạc quan.

Một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến thâm thủng khủng khiếp, đó là tình trạng mất việc – do phong tỏa chống dịch - với tỷ lệ thu dụng người lao động tuột dốc "một cách lịch sử". Một ví dụ cụ thể : nếu trong tháng Giêng, số hợp đồng lao động còn tăng 4,7%, qua tháng 2, khi dịch bệnh mới manh nha, tỷ lệ này đã bắt đầu giảm 0,5%, để rồi tuột dốc thê thảm với tốc độ âm 22,6% vào tháng 3 khi lệnh phong tỏa được ban hành.

Hiện nay, đã có đến 10 triệu người làm công ăn lương bị rơi vào tình trạng thất nghiệp bán phần. Hệ quả nhãn tiền của tình hình này là món nợ của Quỹ Unedic, tức là quỹ bảo hiểm thất nghiệp do đại diện giới chủ và giới lao động cùng điều hành, đã tăng vọt.

Chi phí nặng nề của chế độ thất nghiệp bán phần

Không hẹn mà gặp, nhật báo Le Monde cũng dành tựa lớn trang nhất cho nạn thất nghiệp đang đe dọa nước Pháp, nhấn mạnh đến "Chi phí phải trả của chế độ thất nghiệp bán phần".

Le Monde ghi nhận là chính bộ trưởng Lao Động, bà Muriel Pénicaud đã loan báo hôm 22/04 rằng mốc 10 triệu người thất nghiệp bán phần đã bị vượt qua, với hệ quả là Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp Unedic bị thâm thủng nghiêm trọng : Phần thu thì tuột giảm mạnh vì mất đi phần đóng góp bắt buộc của các xí nghiệp, trong lúc phần chi thì tăng vọt.

Theo ghi nhận của tờ báo, chỉ mới trong ba tháng đầu năm, mà quỹ bảo hiểm thất nghiệp Pháp đã phải gánh đến một món nợ 42 tỷ euro, tăng 5 tỷ so với tháng 12 năm 2019, và nhiều quan chức điều hành quỹ này dự trù một núi nợ đạt mức từ 50 đến 60 tỷ euro vào cuối năm nay.

Tình trạng kinh tế tệ hại kể trên, theo Le Monde, có khả năng thúc đẩy trở lại cuộc tranh luận về việc chính Nhà nước phải giành lại quyền kiểm soát quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì phong tỏa

Cùng khai thác chủ đề Covid-19 tại Pháp, báo Libération hôm nay chú ý đến một khía cạnh xã hội của chính sách phong tỏa : Các thay đổi trong cuộc sống gia đình.

Tờ báo Pháp đã chạy một tựa đề lớn trên trang nhất rất bí hiểm "La Covid famille", vừa có thể hiểu là mô phỏng thành ngữ "la case de départ – ô khởi đầu", nói đến việc mọi người bị buộc phải quay về sống ở nơi xuất phát là gia đình của mình, vừa có thể hiểu môt cách bác học hơn khi tách rời từ "covid" ra thành "co", nghĩa là "chung, cùng", và "vid" hiểu là "sống", gợi lên tình cảnh mọi thành viên gia đình phải bị buộc phải chung sống bên nhau 24 trên 24 tiếng đồng hồ.

Tờ báo Pháp đã giải thích ngay bên dưới tựa lớn rằng "Dù đó là một sự ngạc nhiên lý thú hay tồi tệ, tình trạng bị buộc phải sống chung đụng với nhau đã trở thành thử thách đối với quan hệ giữa những người trong cùng một gia đình".

Bên trong, Libération đã dành nguyên một hồ sơ 6 trang để trích lời một số nhân chứng, nam cũng như nữ, nhận định về cuộc sống của họ trong những ngày bị phong tỏa vừa qua.

Từ những cặp vợ chồng đã ly dị nhau, nhưng giờ đây phải chung sống dưới cùng một mái nhà, cho đến những thanh niên từng đòi ra ở riêng giờ phải quay về sống cùng với cha mẹ, cuộc sống mới của những người này đã hoàn toàn đổi khác so với thường nhật, theo chiều hướng tốt hơn, nhưng đôi khi cũng tồi tệ hơn.

Virus corona "xô đẩy" Châu Âu

Cũng về dịch Covid-19, nhật báo La Croix mở rộng tầm nhìn ra Châu Âu để thấy rằng "Con virus đang xô đẩy Châu Âu", tựa lớn trang nhất trên ảnh vẽ cờ Châu Âu, với vòng tròn sao vàng trên nền xanh dương, nhưng lại có một con virus corona màu hồng chen vào giữa các ngôi sao, tỏa ra ánh hồng xóa nhòa màu xanh Châu Âu.

Tờ báo công giáo Pháp giải thích : "Vào lúc dịch bệnh làm lung lay tình liên đới trong nội bộ Liên Âu, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào hôm nay, sẽ tìm cách hài hòa các đối sách chống khủng hoảng".

Đối với La Croix, mục tiêu cuộc họp là nhằm vượt qua những mối chia rẽ vốn có giữa các nước nhằm đề ra một phương án chung nhằm khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19, một phương án mà La Croix gọi là một "cơ chế thể hiện tình liên đới".

Đối với tờ báo công giáo, tình trạng thiếu đoàn kết giữa các nước là một hiểm họa đối với Liên Hiệp Châu Âu, do đó lãnh đạo các thành viên cần phải chứng tỏ cho công luận càng lúc càng hoài nghi tại các nước rằng trong tư cách là một khối, Liên Âu có giá trị hơn hẳn các nước riêng rẽ cộng lại.

La Croix đã trích dẫn kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy thái độ ngày càng hoài nghi Châu Âu của cư dân một số nước.

Tại Ý chẳng hạn, đã có đến 71% người được hỏi cho rằng đại dịch Covid-19 đang phá hủy Liên Âu, trong lúc khoảng 55% cho biết sẵn sàng rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và từ bỏ đồng euro.

Theo một khảo sát gần đây của viện Kantar về các nước G7, suy nghĩ của người Pháp cũng không khác mấy so với người Ý : Chỉ có 46% người Pháp là tin tưởng vào khả năng Châu Âu có được quyết định đúng đắn, trong khi người Đức, ít bị virus tác hại hơn, vẫn duy trì một tỷ lệ tin tưởng cao là 55%.

Về phần dân Hà Lan, 77% vẫn ủng hộ thủ tướng Mark Rutte, bất chấp căng thẳng nẩy sinh giữa Hà Lan với các đối tác vùng Địa Trung Hải liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng tài chính sau đại dịch. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Hà Lan là người phản đối dữ dội nhất ý tưởng toàn khối Liên Âu cùng gánh vác các món nợ mới mà nhiều nước Nam Âu sẽ phải vay để khôi phục kinh tế.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế