Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thông qua luật cải cách hưu bổng theo hiến định : Pháp đối mặt với khủng hoảng chính trị và xã hội

Nếu có một nhóm từ không thể thiếu vắng trên trang nhất các báo Pháp ra ngày 17/03/2023, thì đó là nhóm từ "49.3", chỉ một điều khoản trong Hiến pháp nước Pháp, cho phép chính quyền thông qua một đạo luật mà không cần Quốc hội biểu quyết. Chính phủ Pháp ngày hôm qua đã phải dùng đến điều khoản này để thông qua dự luật cải tổ chế độ hưu bổng đầy tranh cãi.

phap1

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne phát biểu tại Quốc hội, Paris, ngày 16/03/2023. Reuters – Pascal Rossignol

Đối với hầu như toàn bộ báo giới Pháp, đó là một hành động thừa nhận "thất bại", đẩy chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron vào "thế yếu", và nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội.

Trên trang nhất của mình, nhật báo kinh tế Les Echos than thở trong một hàng tựa lớn : "Hưu bổng : Mớ hỗn độn to lớn". Tờ báo giải thích ngay bên dưới : "Vì không chắc thu được đa số phiếu thuận, chính phủ đã viện dẫn điều 49.3 để thông qua luật cải tổ hưu bổng. Nhiều kiến nghi bất tín nhiệm sẽ được đệ trình. Thủ tướng Elisabeth Borne bị suy yếu, tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains-LR) bị tố cáo. Các công đoàn đang hy vọng phong trào chống cải tổ bật dậy trở lại".

Trong một bài viết chính, tờ báo đã điểm lại các diễn biến vào hôm qua, được tờ báo gọi là "một ngày điên rồ", và lược lại "hành trình đầy hỗn loạn của một bộ luật bị tranh cãi".

Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận trên trang nhất sự kiện "Điều 49.3 làm Quốc hội bốc lửa", kèm theo lời giải thích : "Thủ tướng Elisabeth Borne đã sử dụng điều 49.3 để thông qua dự luật cải cách lương hưu, khiến các phe đối lập nổi giận"

Một thời kỳ "bất ổn" mở ra

Riêng nhật báo thiên tả Libération thì không ngần ngại vạch mặt chỉ tên : Bên cạnh một chân dung của tổng thống Macron chiếm trọn trang nhất, tờ báo chạy tựa : "Khủng hoảng hưu bổng : Lỗi của ông ấy". Đối với tờ báo, việc dùng đến điều 49.3 là một sự "tự hủy về mặt chính trị", sau một ngày "đầy rẫy thất bại", với một thủ tướng bị "lâm vào đường cùng", và một phong trào biểu tình và đình công được "tiếp thêm hơi sức".

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn "Bất ổn", Libération cho rằng "việc sử dụng điều 49.3 để tránh một cuộc bỏ phiếu mà ông có nguy cơ bị thua, một lần nữa cho thấy tính hách dịch của tổng thống đối với nền dân chủ. Chính luật cải cách đạt được một cách tồi tệ của ông đang đẩy đất nước và những người lao động Pháp vào tình trạng bất ổn.

Đối với Libération, hành động của chính phủ có nguy cơ kéo theo nhiều hậu quả không hay : "các cuộc biểu tình sẽ cực đoan hơn, các thể chế của nền Cộng hòa sẽ bị bác bỏ nhiều hơn, mở rộng cửa cho xu hướng dân túy mà phe cực hữu có thể lao vào".

Libération nhắc lại : Vào tháng 11/2016, ứng cử viên tổng thống Macron từng tuyên bố : "Hãy nhìn những gì vừa xảy ra khi chúng ta cải cách bằng việc sử dụng điều 49.3. Đó cũng là một điều khoản của Hiến pháp, nhưng rất khó được mọi người chấp nhận".

Tờ báo tự hỏi : nhân vật Macron đó hiện giờ đã đi đâu ? Phải chăng ông Macron của năm 2023 thực sự tin rằng thị trường chỉ chờ đợi cải cách của ông mà quên rằng điều mà thị trường ghét nhất là sự bất ổn. Và chính cuộc cải cách lương hưu không được chấp nhận của ông đang đẩy đất nước, nền dân chủ và người lao động Pháp vào tình trạng bất ổn đó.

Tổng thống có thể cứu vãn tình hình bằng cách thông báo rằng luật sẽ bị bãi bỏ sau khi được thông qua một cách phi dân chủ, thế nhưng, theo Libération, lắng nghe người Pháp không phải là phong cách của ông Macron.

Tương lai nước Pháp đáng "băn khoăn"

Về phần mình, tờ báo thiên hữu Le Figaro đã chạy trên trang nhất hàng tựa lớn mang tính phân tích : "Sau khi phải sử dụng điều 49.3, hành pháp bị suy yếu và cô lập". Đối với Le Figaro : "Khi chọn biện pháp mạnh để thông qua những cải cách về chế độ hưu bổng vì không hội đủ đa số phiếu, thủ tướng Elisabeth Borne đã làm phong trào phản đối của các công đoàn sống lại, và gồng mình gánh chịu một kiến nghị bất tín nhiệm".

Đối lập với quan điểm của Libération, tờ Le Figaro, thiên hữu lại tỏ ý lấy làm tiếc về việc tình thế lộn xộn bắt nguồn từ một chủ trương cải cách cần thiết. Trong bài xã luận mang tựa đề : "Vị (đắng) của thất bại", nhật báo thiên hữu đã lo lắng cho tình hình chính trị nước Pháp được thấy qua vở kịch cải cách hưu bổng nhiều hồi vừa qua.

Đối với Le Figaro, trong thời gian qua, hình ảnh của Quốc hội Pháp không được tôn cao chút nào với các hành động lố bịch, thậm chí thô tục của đảng Nước Pháp Bât Khuất (La France insoumise-LFI) và một phần của liên minh cánh tả Nupes. Bên cạnh đó, sự xuất hiện bất ngờ của điều gọi là một "chi nhánh của công đoàn CGT" trong nội bộ của mình cho thấy là cánh tả dường như hoàn toàn mất phương hướng, đang trong quá trình phân rã. Còn phe đa số của tổng thống Macron đã cho thấy rõ giới hạn của mình : Vì không có đa số tuyệt đối trong Quốc hội, xu hướng "đồng thời, vừa tả, vừa hữu" đã không chống chọi được bất kỳ một sự công kích nào, với nền tảng bị lung lay.

Còn lại là đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu. Ẩn mình trong bóng tối và giữ im lặng, đảng này biết rõ rằng họ sẽ là bên duy nhất được hưởng lợi từ việc giải tán Quốc hội nếu điều đó sớm diễn ra.

Trong bối cảnh chính trường bị chia cắt và manh múm đó, tương lai của đất nước là điều đáng băn khoăn. Liệu còn có thể cải tổ hay không, hay là phải cam chịu tình trạng bất động trong một thế giới luôn chuyển động ? Việc cải cách hưu bổng, điều cần phải thực hiện vì những thay đổi nhân khẩu học, đâu phải là một cái gì khó nuốt ! So với tất cả những gì mà các láng giềng của Pháp đã thực hiện, những cải tổ đó thậm chí còn rất vừa phải.

Thế mà chúng lại gây xáo trộn trong xã hội, dưới sự thúc đẩy của các công đoàn, trong đó một số chỉ mơ đến việc "đánh quỵ nền kinh tế".

Ngày hôm qua, hành pháp đã sử dụng biện pháp cứng rắn để thông qua cải cách, nhưng việc đó vẫn có mùi vị của sự thất bại.

Nga-Mỹ : Sự cố ở Biển Đen và những hậu quả tiềm tàng

Ngoài hồ sơ cải cách lương hưu tại Pháp, các báo vẫn tiếp tục quan tâm đến cuộc chiến tranh Ukraine, đặc biệt là căng thẳng vừa gia tăng trở lại giữa Washington và Moskva sau vụ một chiếc drone do thám của Mỹ bị chiến đấu cơ Nga làm rơi trên Biển Đen

Trong bài "Nga-Mỹ : Sự cố ở Biển Đen và những hậu quả tiềm tàng", Le Figaro nhắc lại sự kiên chiếc drone MQ-9 Reaper của bị hai máy bay chiến đấu Su-27 phá hỏng sáng thứ Ba 14/03 và rơi xuống Biển Đen, khu vực phía tây bán đảo Crimea.

Theo tờ báo, đây không phải là chiếc máy bay đầu tiên và sẽ không phải là chiếc máy bay cuối cùng không có phi công điều khiển phải hứng chịu đòn tấn công từ phía Nga trong cuộc đọ sức với phương Tây. Sự cố ngày 14/03 trên Biển Đen rất nghiêm trọng vì xảy ra ở sát cạnh Ukraine, một nơi đang diễn ra một cuộc chiến tranh thực thụ, trong lúc chiếc drone bị phá hủy là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho các cơ quan tình báo Mỹ cũng như cho Ukraine.

Một số nguồn tin ẩn danh trong Không quân Hoa Kỳ cho rằng phi công Nga có liên quan không cố ý gây nên sự cố, tuy nhiên, giới chuyên gia không tin vào giả thuyết đó. Theo ông Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Arlington ở bang Virginia, Hoa Kỳ, Moskva đang cay cú trước các chuyến bay do thám mà drone Mỹ thực hiện, và việc làm cho chiếc drone Mỹ bị rơi trên Biển Đen có dấu hiệu như là một hành vi trả thù.

Dẫu sao thì theo Le Figaro, sự cố vừa xẩy ra sẽ buộc Hoa Kỳ thay đổi phương thức hành động, hoặc là thay đổi đường bay của các chiếc drone để tránh khiêu khích Nga qua đáng, hoặc là vẫn duy trì các hoạt động trên Biển Đen, nhưng cho chiến đấu cơ đi hộ tống các chiếc drones.

Đối với tờ báo Pháp, đây là điều đã từng được làm trong trường hợp Iran vào năm 2019, nhưng đây là một công việc rất phức tạp và tốn kém vì một chiếc drone Reaper chẳng hạn có thể bay liên tục 12 tiếng đồng hồ, và khi hộ tống phải sử dụng nhiều đợt chiến đấu cơ thay phiên nhau, đòi hỏi huy động đến các đội máy bay tiếp liệu.

Nhật báo công giáo La Croix cũng chú ý đến sự cố drone Mỹ trên Biển Đen trong phần tin quốc tế. Trong bài "Vụ drone Mỹ bị phá hoại trên Biển Đen hoàn toàn không phải là một sự cố cá biệt", tờ báo nhấn mạnh là trong thời gian gần đây, các phi công Nga đã tăng cường việc đe dọa các máy bay phương Tây làm công việc thu thập thông tin tình báo từ không phận quốc tế ngoài khơi bán đảo Crimea.

Mỹ và các đồng minh Châu Á

Về Châu Á, nhiều tờ báo cũng chú ý đến tiến trình hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, được cho là dưới tác động của Hoa Kỳ, đang muốn các đồng minh đoàn kết lại với nhau để dễ đối phó với Trung Quốc.

Trong bài phân tích mang tựa đề rất văn vẻ : "Nhật Bản và Hàn Quốc ca ngợi mùa xuân của mối quan hệ giữa hai bên sau một 'mùa đông quá dài'", Les Echos ghi nhận sự kiện hai đồng minh Châu Á của Washington đang dỡ bỏ các biện pháp trả đũa kinh tế khác nhau mà họ đã áp đặt lên nhau. Lo lắng trước các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, Seoul và Tokyo bắt đầu thúc đẩy trở lại các đề án hợp tác trên các vấn đề an ninh.

Nhật báo Le Monde cũng chú ý đến các đồng minh Châu Á của Washington và nhấn mạnh : "Từ Nhật Bản đến Philippines, các đồng minh của Mỹ siết chặt hàng ngũ chống lại Trung Quốc".

Theo Philippe Pons, thông tín viên kỳ cựu của Le Monde tại Tokyo, Washington luôn coi các đảo ở Thái Bình Dương là tuyến phòng thủ tự nhiên để ngăn chặn Trung Quốc. Trong lúc Philippines chuẩn bị tiếp đón một lực lượng quân sự lớn hơn của Hoa Kỳ luân phiên hiện diện tại đấy, Nhật Bản đã dứt khoát chọn hướng tăng cường các biện pháp phòng thủ.

Đối với Le Monde, ngoài việc tăng cường tiềm lực quân sự của chính mình, ở cấp độ địa lý chiến lược, Tokyo đang tích cực tham gia vào việc tái bố trí các lực lượng của Mỹ và đồng minh dọc theo chuỗi quần đảo lớn kéo dài theo hình vòng cung đối diện với Trung Quốc, từ Hokkaido cho đến Philippines đi ngang qua Đài Loan.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế