Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Hiểu nỗi giận dữ của Áo Vàng, Macron vẫn kiên quyết cải cách

Ngày đầu năm mới 2019, tất cả các nhật báo lớn của Pháp nghỉ lễ, rừ tờ Le Monde ra số đúp cho ngày mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn chúc mừng Năm Mới 2019 tại điện Elysée, Paris, ngày 31/12/2018. Michel Euler/Pool via Reuters

Trang nhất của Le Monde nổi bật với hồ sơ "đồng tiền chung Châu Âu tròn 20 năm, nhưng vẫn yếu ớt". Tiếp theo là hình ảnh đô trưởng Paris Anne Hidalgo chuẩn bị cho cuộc chiến bầu cử địa phương sắp tới.

Bài diễn văn chúc mừng Năm Mới toàn dân tối 31/12/2018 với ba lời chúc chính "phẩm cách, sự thật và hy vọng" của tổng thống Pháp được phân tích và bình luận trên website của nhiều tờ báo lớn.

Không nhắc đến những người Áo Vàng trong bài diễn văn, nhưng người đứng đầu nhà nước Pháp cho biết đã rút ra được bài học của năm 2018 thông qua "những mối bất hòa và nỗi tức giận có từ lâu : tức giận trước những bất công, trước tiến trình toàn cầu hóa đang diễn, đôi khi không thể hiểu nổi, tức giận trước một hệ thống hành chính trở nên quá phức tạp và thiếu khoan dung, tức giận chống lại những thay đổi sâu sắc buộc xã hội chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi về bản sắc, về ý nghĩa, mục đích". Ông Macron khẳng định : "Trong mắt tôi, nỗi tức giận này, bất kể những thể hiện cực đoan và thái quá, nói lên một điều là chúng ta đã không khuất phục".

Xã luận của Le Monde nhận định tổng thống Pháp đã "cảm nhận được nỗi tức giận" từ phía người dân. Theo Le Monde, thái độ mang tính "chiến đấu" của tổng thống Pháp trước hết được thể hiện qua việc ông đứng phát biểu bên cửa sổ, sau lưng là áp phích có chữ "Bác Ái" (Fraternité), thay vì ngồi bên bàn làm việc như những lần trước. La Croix thấy tổng thống Emmanuel Macron "cứng rắn và kiên quyết".

Libération có bài phân tích ghi nhận "Macron thử phản công trước phong trào Áo Vàng". Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : "Đối với năm 2019, Macron muốn xây dựng những biện pháp an ninh mới của thế kỷ 21". Trong bài diễn văn chúc Năm Mới, tổng thống Macron cũng ngầm chỉ trích những hành động bạo động của "một số người tự xưng là phát ngôn nhân danh dân tộc, thực ra chỉ là phát ngôn viên của một đám đông thù hận, tấn công vào những người đại diện của dân, lực lượng giữ gìn trật tự, nhà báo, người Do Thái, người nước ngoài, người đồng tính. Hành động như vậy là phủ nhận nước Pháp".

Thái độ "kiên quyết" tiếp tục đường lối cải cách được tổng thống Macron thể hiện qua lời trấn an rằng các biện pháp cải cách từ khi ông nhậm chức "không thể mang lại kết quả ngay lập tức và sự sốt ruột của người dân - điều mà ông hoàn toàn chia sẻ - sẽ không biện minh cho bất kỳ sự bỏ cuộc nào".

Theo La Croix, niềm "hy vọng" trong diễn văn của tổng thống được thể hiện qua phát biểu : "Chúng ta hãy ngừng hạ thấp uy tín của mình, ngừng làm người khác tin rằng Pháp là một quốc gia, nơi mà tình đoàn kết không tồn tại, nơi mà người ta luôn phải tiêu xài nhiều hơn", Emmanuel Macron kêu gọi "tìm lại sự thống nhất và nỗ lực ở mỗi người", tất cả cùng tin vào "tương lai chung".

Tỏ ra thấu hiểu sự phẫn nộ của người dân, tổng thống Pháp cho rằng "cần phải đặt con người làm trọng tâm" trong chiến lược hành động của mình, phải đấu tranh chống những thế lực cản trở xã hội và Nhà nước. Với hy vọng "chúng ta phải làm tốt hơn", tổng thống Pháp hứa viết thư gửi người dân Pháp trong những ngày tới, để nêu rõ những nét lớn của cuộc "thảo luận toàn dân", sẽ bắt đầu từ giữa tháng 01/2019.

Lực lượng Pháp trong thế kẹt ở Syria

Trên trường quốc tế, "Pháp rơi vào thế kẹt trong cuộc xung đột ở Syria" là nhận định của bài phân tích trên Le Monde. Sau khi tổng thống Trump tuyên bố triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria, dù sau đó ông cải chính sẽ giảm cường độ rút quân, "Pháp chưa bao giờ bị cô lập đến như vậy trong hồ sơ này dù lực lượng Kurdistan Syria yêu cầu tổng thống Pháp ủng hộ về mặt ngoại giao, thậm chí là bảo vệ về quân sự".

Lời kêu gọi "Một đồng minh, trước hết là phải tin cậy được" của tổng thống Macron dường như rơi vào vô vọng. Pháp phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ tại chiến trường Syria, như nhận xét của một nguồn tin nắm rõ hồ sơ, với nhật báo Le Monde : "Chúng ta (Pháp) không thể ở lại nếu họ (Mỹ) rút quân và hơn nữa, chúng ta còn không có phương tiện để rút lui mà không có họ". Một ví dụ cụ thể, lực lượng Pháp phụ thuộc vào đối tác Mỹ, trong đó có việc vận chuyển người bị thương bằng máy bay trực thăng.

Sự thay đổi đột ngột của Mỹ cho thấy rõ bế tắc trong chính sách của Pháp về Syria. Paris tin tưởng rất nhiều vào sự hợp tác với Washington, cụ thể là chính quyền Trump tỏ ra cương quyết hơn trong hồ sơ Syria so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, "ngoài ưu tiên hàng đầu là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, người ta không rõ Pháp muốn làm gì ở Syria", theo nhận định của ông Marc Pierini, cựu đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu ở Damascus và Ankara.

Khi Mỹ rút quân khỏi Syria, chính quyền Pháp sẽ hành động với ai trong hồ sơ Syria ? Sẽ không có chuyện hợp tác với chính quyền Assad hoặc với nước đỡ đầu là chính quyền Iran. Mối quan hệ với Nga vẫn bị sự thiếu tin tưởng chi phối. Ankara có lẽ là đối tác ít bất hợp lý nhất. Tuy nhiên, gần đây, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc duy trì lực lượng Pháp để ủng hộ phe dân quân Kurdistan "sẽ không có lợi cho bất kỳ ai", đồng thời nhấn mạnh rằng việc duy trì lực lượng Pháp "để đóng góp vào tương lai của Syria" có thể mang ý nghĩa tích cực. Với Paris, những lời đe dọa này là không chấp nhận được.

Liên quan đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria, Le Monde cho biết "Ankara tìm hậu thuẫn từ Moskva để "chấm dứt" với lực lượng Kurdistan Syria". Hai bên đang tìm một chiến lược sau khi quân Mỹ rút khỏi Syria.

Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019

Mỹ rút khỏi Syria không chỉ tác động đến Pháp, mà đến toàn bộ lực lượng Châu Âu đang hiện diện tại Trung Đông. Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như đang đẩy hai cường quốc thành người chủ cuộc chơi. Theo xã luận của Les Echos, được đăng tên website, "Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019".

Châu Âu đơn độc ở Trung Đông khi tổng thống Mỹ quyết định triệt thoái quân. Châu Âu cũng đơn độc trên mảng kinh tế, trước hai cực Mỹ-Trung. Theo bài xã luận, những bài học của năm 2018 kêu gọi cần phải thức tỉnh về chiến lược và chính trị.

Trước hết, Châu Âu phải độc lập về mặt an ninh. Thủ tướng Đức cho rằng "thời kỳ trông cậy vào Hoa Kỳ để bảo vệ chúng ta đã thay đổi. Châu Âu phải tự bảo vệ mình nhiều hơn". Trước hai cường quốc kinh tế không ngừng giương vuốt để bảo vệ lợi ích riêng, Châu Âu là một sức mạnh ngây thơ. Bằng chứng mới nhất là 6 nước Châu Âu (Bỉ, Anh, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Hà Lan và sắp tới là Phần Lan) chọn mua chiến đấu cơ F35 của Mỹ hơn là máy bay của Châu Âu, trong khi sản phẩm của Châu Âu không có chút cơ may nào được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Bài xã luận nêu lên một ví dụ khác, một trong những quyết định đầu tiên của Bruxelles vào năm 2019 có thể sẽ là cấm Alston và Siemens hợp nhất để trở thành một nhà vô địch về đường sắt có khả năng cạnh tranh với hai tập đoàn lớn của Trung Quốc.

Về tài chính, vụ cấm vận Iran đã chứng minh rằng Châu Âu vẫn nằm dưới ảnh hưởng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.

Tròn 20 tuổi, đồng euro vẫn yếu ớt

Le Monde đề cập đến sự kiện, cách đây đúng 20 năm, vào ngày 01/01/1999, mười một nước Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đồng tiền chung euro, bắt đầu được đưa vào lưu hành năm 2002. Hiện tại có 19 nước sử dụng đồng tiền này.

Hai mươi năm sau, đồng euro đã vượt qua được cuộc khủng hoảng 2008, được đánh giá là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ năm 1930, và 340 triệu người sử dụng vẫn gắn bó với đồng tiền chung Châu Âu. Tuy nhiên, theo Le Monde, đồng euro đã không làm tròn nhiệm vụ tập trung các nền kinh tế và sự bất cân đối giữa các nước thành viên ngày càng đào sâu. Dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu được thành lập, các nước Liên Hiệp vẫn chưa lập được cơ quan quyền lực chính trị, cũng như ngân sách duy nhất.

Tuy nhiên, một thành công của đồng tiền chung Châu Âu, theo ông Jean-Claude Trichet, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đó là đồng euro đã giúp tránh được tình trạng lạm phát.

Bangladesh : Đảng cầm quyền gần như chiếm tuyệt đối ở Quốc hội

Thời sự Châu Á được Le Monde đề cập là sự kiện "Đảng cầm quyền ở Bangladesh giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội" ngày 30/12/2018. Liên minh của thủ tướng giành được 288 trên tổng số 300 ghế ở Quốc hội.

Thủ tướng Sheikh Hasina, 71 tuổi, giữ thêm nhiệm kỳ thứ tư, trong khi phe đối lập tố cáo gian lận và bắt giam tùy tiện. Ông Iftekharuzzaman, giám đốc tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế ở Bangladesh, không tỏ ra lạc quan về tương lai chính trị vì "với một nhiệm kỳ mới, Sheikh Hasina sẽ còn trở nên độc tài hơn".

Pháp : Rạp chiếu phim bị ảnh hưởng vì biểu tình

Trên lĩnh vực văn hóa, Le Monde chú ý đến "số lượng người Pháp đến rạp chiếu phim giảm 4,25% trong năm 2018", với khoảng 200,5 triệu khán giả, ít hơn 9 triệu so với năm 2017.

Ba nguyên nhân chính được nêu lên : thiếu các phim ăn khách của Mỹ, giải Vô địch Bóng đá Thế giới và tình trạng nắng nóng. Ngoài ra, các cuộc biểu tình liên tiếp của nhân viên ngành đường sắt vào mùa thu, và phong trào Áo Vàng dẫn đến tình trạng bạo lực ở Paris vào tháng 11 và 12, cũng làm giảm bớt số lượng khán giả đến phòng phim. Với khoảng 5.909 phòng chiếu trên khắp lãnh thổ, Pháp vẫn là nước đứng đầu Châu Âu về điện ảnh.

Thu Hằng

Published in Quốc tế