Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Trung Quốc, sử dụng phần mềm vượt tường lửa kiểm duyệt trở thành phức tạp hơn : người dân Hoa lục và các công ty quốc tế nhận thêm một vòng kim cô kể từ ngày 31/03/2018. Mạng ảo VPN bị nghiêm cấm. Muốn sử dụng phải thuê đường dây của….Nhà nước. Từ ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền, không gian tự do tương đối của thời mở cửa khép lại dần dần.

gong1

Ảnh minh họa© gettyimages

Từ năm 2009, khi chính quyền Trung Quốc khóa chận các mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter, Youtube…vẫn có hàng chục triệu cư dân mạng sử dụng mạng lưới ảo VPN (virtual private network) để vượt bức tường kiểm duyệt, nối kết, tiếp cận thông tin đa chiều.

Nhưng từ ngày 31/03/2018, những "con đường hầm thông tin" này sẽ bị đặt trong sự quản lý của "Tường thành lửa" Trung Quốc. Lệnh mới bắt buộc tư nhân và doanh nghiệp phải chọn một trong số dịch vụ VPN ít ỏi được chế độ Cộng Sản cho phép. Hồi tháng Giêng, giới phóng viên ở Bắc Kinh được một quan chức của bộ Công Nghiệp và Công Nghệ Thông Tin cho biết "mọi công ty nước ngoài muốn trang bị một hệ thống tiếp cận thông tin riêng phải gắn một đường dây "đối tiếp" hoặc thuê của cơ quan viễn thông Nhà nước".

Cho đến nay, để tránh kiểm duyệt, nhiều công ty ngoại quốc thuê công cụ VPN riêng đặt ở ngoài Hoa lục. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp này có thể liên lạc qua các mạng xã hội bị cấm hoạt động tại Trung Quốc và để quản trị công ty qua internet. Từ nay, họ phải qua dịch vụ trung gian của ba công ty Trung Quốc.

Chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, Kenneth Jarret, dự báo : các doanh nghiệp nước ngoài và nhân viên của họ có nguy cơ bị thiệt hại do các biện pháp trói buộc mới này. Hầu hết các công ty nước ngoài, nhất là các doanh nhân và công ty nhỏ dùng công cụ kỹ thuật số của Google Analytics, Google Scholar. Họ càng thêm bất bình khi bị hạn chế sử dụng VPN giá rẻ.

Dụng ý của chính quyền Trung Quốc

Một chuyên gia "tường lửa" của GreatFire.org, nhóm tranh đấu chống kiểm duyệt cho rằng Bắc Kinh dùng chiến thuật "một công hai việc" : thứ nhất là loại trừ đối thủ cạnh tranh VPN giá thấp, một mình chiếm lĩnh lợi nhuận và thứ hai là để siết chặt hơn nữa quyền tự do thông tin. Nói cách khác, giới doanh nghiệp nước ngoài nằm trong quyền sinh sát của các công ty dịch vụ Trung Quốc.

Giới doanh nhân ngoại quốc phản ứng ra sao ? Một nữ giám đốc xin dấu tên nhìn nhận "là phải chịu thôi, nếu không muốn hoạt động bị xáo trộn, bị trừng phạt".

Tháng 12/2207, một công dân Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng VPN "bất hợp pháp" và bị tuyên án 5 năm tù cộng thêm 500.000 tệ ( 70.000 đôla).

Nói và… làm ngược

Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, gọng kềm kiểm duyệt thông tin từngười bước siết chặt từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012. Vào năm 2013, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc của Tập Cận Bình cam kết "tăng cường" các biện pháp bảo đảm tự do ngôn luận và tự do báo chí được manh nha xuất hiện dưới thời Hồ Cẩm Đào, phá rào đề cập đến ý kiến phản biện, thông tin đa chiều. Thế nhưng, thay vì "tăng cường tự do" thì Tập Cận Bình "củng cố kềm kẹp". Ngay từ 2013, qua chiến dịch "chống tin đồn", chủ tịch Trung Quốc bắt đầu siết lại kiểm duyệt. Báo chí Nhà nước và tư nhân bị đặt dưới sự quản chế trực tiếp của Ban Tuyên truyền của Đảng cộng sản, đầy thế lực. Mỗi ngày, cơ quan này triệu tập tổng biên tập từng nhật báo để trao một danh sách sự kiện nào cần đưa ưu tiên, thông tin nào bị cấm.

Đến tháng 7/2016, trong bối cảnh Panama Papers tiết lộ tên tuổi những người dấu tiền ở các thiên đường thuế, Bắc Kinh cấm trích dẫn thông tin trên mạng để viết bài.

Tháng 6/2017,Cơ quan không gian mạng Trung Quốc ACC buộc các cơ quan truyền thông mỗi khi muốn phổ biến thông tin trên các diễn đàn xã hội liên quan đến chính phủ, quân đội, kinh tế, xã hội…. đều phải xin phép. Một đạo luật mới được ban hành tăng cường sự thống trị của Đảng cộng sản trên các cơ quan truyền thông trên mạng : Khóa chặt "con đường hầm vượt tường lửa" cuối cùng là điều tất yếu đối với chủ tịch Tập Cận Bình, sau khi chiếm được thế độc tôn với nhiệm kỳ không giới hạn. Lần này, giới đầu tư nước ngoài được thấm thía.

Tú Anh

Published in Quốc tế