Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Virus corona : Pháp hủy nhiều sự kiện văn hóa, đóng cửa một số trường (RFI, 02/03/2020)

Pháp là ổ dịch thứ hai tại Châu Âu, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng, cho tới nay có tổng cộng 130 ca nhiễm bệnh và 2 trường hợp tử vong. Nhiều sự kiện văn hóa bị hủy hoặc bị hoãn. Trường học tại 12 xã vùng dịch tiếp tục đóng cửa cho đến hết ngày 14/3/2020.

laodong1

háp đóng cửa nhiều trường học ở các vùng có dịch và hủy nhiều sự kiện văn hóa vì virus corona. Reuters/Gonzalo Fuentes

Trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh, các nhà tổ chức Hội chợ Sách Paris, hôm Chủ Nhật, 01/3/2020, thông báo hủy chương trình. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng rất được mong đợi. Năm nay, Hội chợ Sách dự kiến diễn ra từ ngày 20-23/3, quy tụ khoảng 340 tác giả đến từ hơn 50 quốc gia với hy vọng thu hút khoảng 160.000 khách tham quan. Khách mời danh dự năm nay là Ấn Độ, quốc gia hiện ghi nhận có ba ca nhiễm virus corona.

Trước mối lo dịch bệnh, các nhân viên bảo tàng Louvre, đã sử dụng quyền tạm ngưng việc vì lý do an toàn, cho nên viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, mỗi năm đón tiếp đến hàng triệu lượt khách, đã phải đóng cửa hôm qua. Quyết định ngưng việc này có thể sẽ được kéo dài cho đến ngày thứ Hai 02/3.

Theo nghiệp đoàn CGT, các nhân viên không hiểu lý do vì sao biện pháp cấm các điểm tụ tập có trên 5.000 người nhằm ngăn chặn dịch bệnh do chính phủ ban hành hôm thứ Bảy 29/2 lại không được áp dụng cho bảo tàng.

Tại những vùng được cho là ổ dịch, trường học tiếp tục bị đóng cửa cho đến hết ngày 14/3. Lệnh cấm được áp dụng tại 9 xã ở tỉnh Oise, phía bắc Paris và 3 xã ở tỉnh Morbihan, tây bắc nước Pháp.

Thể thao cũng không là ngoại lệ. Cuối tuần qua, các sự kiện lớn như cuộc chạy đua bán việt dã (semi – marathon) Paris và trận đấu giữa hai đội Villeurbanne và Monaco trong khuôn khổ giải Vô địch Bóng rổ đã bị hoãn. Hiện tại, chỉ có các trận bóng đá giải L1 là vẫn chưa bị tác động.

Minh Anh

******************

Các thương hiệu lớn bị tố cáo dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ (RFI, 02/03/2020)

Trung Quốc đã chuyển hàng chục ngàn người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại lao cải đến lao động tại các nhà máy phục vụ cho ít nhất 80 thương hiệu lớn nhất thế giới. Trong một báo cáo chi tiết được công bố hôm nay, 02/03/2020, một trung tâm tham vấn Úc đã tố cáo sự kiện nói trên.

laodong2

Ảnh minh họa người Duy Ngô Nhĩ bị các hãng lớn trên thế giới bóc lột. Reuters/Ben Blanchard

Theo Viện Chiến lược Chính trị Úc ASPI, từ năm 2017 đến 2019, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ ở vùng Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, đã bị đưa đến các nhà máy "thuộc chuỗi cung ứng của 83 thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới về công nghệ, dệt may và xe hơi".

Bản báo cáo 56 trang nêu rõ các thương hiệu trong ngành điện tử như Apple, Sony, Samsung, Microsoft, Nokia..., ngành dệt may như Adidas, Lacoste, Gap, Nike, Puma, Uniqlo, H&M..., hoặc các hãng xe hơi như BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar...

Danh sách cũng bao gồm các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Ngoài các hãng xe hơi, còn có các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Haier, chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng, Hoa Vi hay Oppo trong ngành điện thoại thông minh.

Theo hãng tin Pháp AFP, chính quyền Trung Quốc đang thi hành một chính sách an ninh tối đa ở Tân Cương để đối phó với tình trạng bạo lực thường được quy cho các thành phần ly khai Duy Ngô Nhĩ.

Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh đã giam giữ ít nhất một triệu người Hồi giáo ở Tân Cương trong "các trại lao cải". Trung Quốc phủ nhận con số này và khẳng định các trại này chỉ là những "trung tâm huấn nghệ" nhằm tạo công ăn việc làm và chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện ASPI, những người lao động Duy Ngô Nhĩ bị chuyển đến các nhà máy ở nơi khác tại Trung Quốc đều bị tước quyền tự do và bị buộc phải làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ.

Viện ASPI tố cáo : "Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ những người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trong chuỗi sản xuất của họ, và như vậy là đang vi phạm luật cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức".

Báo cáo kêu gọi các tập đoàn có liên can mở ngay các cuộc điều tra về sự tôn trọng quyền con người trong các nhà máy cung ứng cho họ ở Trung Quốc, bao gồm cả các cuộc thanh tra và kiểm toán độc lập và chặt chẽ.

Chính quyền Trung Quốc từng chính thức thừa nhận đã chuyển "lực lượng lao động dư thừa" từ Tân Cương sang các vùng khác nhân danh cuộc chiến chống đói nghèo.

Mai Vân

Published in Quốc tế