Lính Bắc Triều Tiên có thay đổi được chiến trường Ukraine ?
La Croix ngày 30/10/2024 đặt câu hỏi : Việc Bắc Triều Tiên gởi quân sang tiếp ứng Nga sẽ có tác động như thế nào ?
Thanh niên Bắc Triều Tiên kể cả sinh viên và đoàn viên thanh niên cộng sản ký đơn tình nguyện nhập ngũ, tại một địa điểm không rõ. Ảnh do hãng KCNA phổ biến ngày 16/10/2024 via Reuters - KCNA
Bình Nhưỡng có thể gởi thêm nhiều lính sang cho Putin
Theo nhà sử học, cựu đại tá thủy quân lục chiến Michel Goya, không nên nghĩ Bắc Triều Tiên là đất nước bị cắt rời khỏi thế giới. Trong quá khứ, nhiều ngàn lính của họ đã chiến đấu ở Angola, phi công Bắc Triều Tiên can dự vào Cận Đông. Điểm mới ở đây là lần đầu sang Châu Âu, và với số lượng đông đảo. Người ta cho rằng có thể lên đến 12.000 quân.
Đã có gần nửa triệu lính Nga ở Ukraine, nhưng con số này không thể làm thay đổi cuộc chiến. Có thể đây chỉ mới là khởi đầu, sau này có thể tăng lên 50.000 hay 100.000 lính Bắc Triều Tiên tại Ukraine, thậm chí vô hạn định. Bắc Triều Tiên là một Nhà nước trại lính : 26 triệu dân nhưng có đến 1,2 triệu lính, chưa kể nhiều triệu quân dự bị. Dù không có kinh nghiệm chiến đấu, họ được huấn luyện đầy đủ và rất phục tùng. Cần nhớ rằng nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài đến 10 năm.
Hiện thời đội quân này vẫn chưa ra mặt trận. Có thể họ chỉ đóng tại một vùng tương đối yên dọc theo biên giới, nhưng nhờ đó Nga huy động được thêm số lính trấn giữ tại đây ra tiền tuyến. Vẫn chưa biết họ phục vụ dưới lá cờ Bắc Triều Tiên hay với danh nghĩa "quân tình nguyện" trong quân đội Nga, là lực lượng riêng, hay chia nhỏ từng tiểu đoàn trong các đơn vị Nga. Moskva còn phải giải quyết vấn đề phối hợp, hậu cần, thông tin ; nhưng điều thuận lợi là vũ khí của Bắc Triều Tiên và Nga đều theo tiêu chuẩn Liên Xô.
Dấu hiệu leo thang nhằm trắc nghiệm phương Tây
Đối với ông Michel Duclos của Viện Montaigne, liên minh quân sự này là dấu hiệu leo thang. Những người cho rằng không đáng kể vì đã quên mất khía cạnh lợi ích chính trị của Putin là không cần phải ra lệnh động viên thêm quân. Chuyên gia này cũng đánh giá số lượng 10.000 tới 12.000 lính Bắc Triều Tiên chỉ là khởi đầu, vì Bình Nhưỡng hết sức cần tiền.
Việc gởi quân hẳn đã có sự đồng ý của Trung Quốc, tuy Bắc Kinh có phần nghi ngại. Đang dòm ngó Đài Loan, Trung Quốc không thể quay lưng lại với dầu khí Nga, lẫn các đối tác BRICS, vì một ngày nào đó có thể cần đến khi bị Mỹ trừng phạt. Liệu Iran có đi theo con đường của Bắc Triều Tiên ? Câu hỏi vẫn để ngỏ.
Liên minh giữa Bình Nhưỡng và Moskva là một trắc nghiệm cho phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón chủ mới của Nhà Trắng. Chuyên gia Duclos cho rằng Mỹ sẽ không phản ứng mạnh trước việc Bắc Triều Tiên gởi quân sang, nhưng ngược lại đây là dịp để đồng ý cho Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa, và xúc tiến đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron đưa cố vấn sang Ukraine. Ý kiến của ông được đưa ra vào thời điểm không phù hợp, nhưng về lâu về dài rất đáng quan tâm.
Georgia : Đối lập tìm chiến lược đối phó
Trong khi đó tại Moldova và Georgia (Gruzia), Nga đi những nước cờ để dần dà cố gắng thu phục lại những quốc gia thuộc Liên Xô cũ vào vòng ảnh hưởng của mình. Phóng sự của Le Monde ở Tbilissi, thủ đô Georgia ghi nhận, liên minh đối lập thân Châu Âu tố cáo bầu cử gian lận, đòi tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới và từ chối tham gia Quốc hội. Tối thứ Hai, người dân Tbilissi xuống đường đông đảo, đi cả gia đình hay với bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng, có khi dẫn theo cả chó.
Đến mấy chục ngàn người đã đáp lời kêu gọi của tổng thống Salomé Zurabichvili, mang theo cờ Georgia và Liên Hiệp Châu Âu, biểu tình phản đối kết quả bầu cử hôm 26/10 mà theo họ bị bàn tay của Moskva nhào nặn. Bà Zurabichvili tuyên bố trước đám đông, họ không thất bại mà cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. "Những ngày gần đây, tôi trả lời 17 cuộc phỏng vấn và nói chuyện với 6 tổng thống, không ai nhìn nhận kết quả bầu cử".
Đối lập nhấn mạnh việc người của đảng Giấc mơ Georgia tỏa ra mua gom ồ ạt thẻ căn cước. Cử tri giao thẻ trong thời gian bầu cử với giá 100 lari (34 euro), sau đó người khác đi bỏ phiếu "giùm". Transparency International Georgia nêu ra cả một chiến lược gian lận quy mô nhưng khó có cách chứng minh. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đến Tbilissi ủng hộ đảng cầm quyền, nhưng không gặp may : khách sạn ông ở chỉ cách địa điểm biểu tình có 200 mét. Đoàn xe sáu chiếc của ông phải vất vả mới đi qua được, trong những tiếng hô "Nga ! Nga !", "Putin, đồ ngu xuẩn !"…
Iran thận trọng, không lớn tiếng sau khi bị Israel oanh kích
Tại Trung Đông, Le Figaro ghi nhận sự thận trọng của Iran sau khi bị Israel tấn công. Tuy khẳng định có quyền trả đũa, Tehran tránh dùng những từ ngữ quá hiếu chiến. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Iran-Irak (1980-1988), hỏa tiễn đánh vào sát bên thủ đô Tehran. Đây là thông điệp của Israel thông qua vụ tấn công bằng cả trăm chiến đấu cơ F-15 và F-35, vào khoảng hai chục địa điểm quân sự trên cả nước Iran, làm thiệt mạng bốn quân nhân và một thường dân, nhưng không nhắm vào các cơ sở nguyên tử và dầu lửa.
Giáo chủ Ali Khamenei 24 giờ sau mới nói rằng "Những người có trách nhiệm sẽ quyết định cách tốt nhất để chứng tỏ sức mạnh của Iran trước Israel". Dù Hossein Salami, người đứng đầu Vệ binh Cách mạng cảnh báo "hậu quả đắng cay" cho Nhà nước Do Thái, nhưng một ngoại trưởng nhớ lại vào tháng 9, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, đại diện Iran tuyên bố nếu Israel tiến vào đất Lebanon thì sẽ gởi quân sang Beirut. Ba ngày sau, Israel ám sát Nasrallah nhưng Tehran vẫn không hề động binh. Chuyên gia Hamidreza Azizi ở Berlin cho rằng khó có việc Iran đáp trả trực tiếp trước bầu cử tổng thống Mỹ.
Trước mắt Force Al-Qods, nhánh vũ trang của Vệ binh Cách mạng ở nước ngoài, phải lo cơ cấu lại Hezbollah, đồng minh đã bị Israel đánh cho tơi tả. Hệ thống phòng không Iran đã bị thiệt hại "70% đến 90%" - theo Benjamin Netanyahou - việc sửa chữa còn tùy thuộc tốc độ cung cấp thiết bị của Nga và Trung Quốc. Bà Nicole Grajewski của Fondation Carnegie ở Washington nhận định Tehran chọn giải pháp ngoại giao để cho Hezbollah có thời gian hồi phục. Một cố vấn của giáo chủ Khamenei nói với Financial Times, Iran sẵn sàng hợp tác với phương Tây.
Quốc tế phản ứng việc Israel cấm UNRWA
Liên quan đến Israel, Le Figaro cho biết việc Quốc Hội nước này cấm UNRWA hoạt động "khiến quốc tế phẫn nộ", Le Monde coi đây là đòn"tấn công vào Liên Hiệp Quốc", đối với La Croix là "vi phạm luật pháp quốc tế". Quốc Hội Israel với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống đã thông qua luật cấm UNRWA trên lãnh thổ Israel, và 87 thuận, 9 chống đối với dự luật nhằm hạn chế hoạt động của tổ chức này tại Gaza và West Bank (Cisjordanie). Không chỉ các dân biểu thuộc đảng cầm quyền, mà hầu như toàn bộ đối lập cánh trung đều đồng tình.
Le Monde nhận thấy, Knesset (Quốc hội Israel) chỉ mất có hai tiếng đồng hồ đã gần như nhất trí thông qua hai dự luật trên. Nhưng đây là động thái có ảnh hưởng lớn, vừa ngăn trở hoạt động của một cơ quan Liên Hiệp Quốc, vừa tai hại cho viện trợ nhân đạo tại Gaza và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và rộng hơn là tương lai của cư dân của các vùng đất này, kể cả West Bank và Đông Jerusalem.
Dân biểu Boaz Bismuth của đảng Likud tố cáo "UNRWA không phải là cơ quan trợ giúp người tị nạn mà là cơ quan trợ giúp cho Hamas", nêu ra sự kiện 20 nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc này tham gia vụ thảm sát ngày 07/10. Được biết sau đó UNRWA nói rằng chỉ có 9 nhân viên "có thể đã liên can", đồng thời sa thải những người này. Hai đạo luật trên sẽ được áp dụng trong 90 ngày tới. Thủ tướng Benjamin Netanyahou viết trên X, sẵn sàng làm việc với các đối tác quốc tế để "bảo đảm rằng Israel tiếp tục tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo đến với thường dân Gaza theo cách thức không đe dọa đến an ninh" của Nhà nước Do Thái.
La Croix tóm tắt, được thành lập năm 1949, hiện UNRWA có 30.000 nhân viên, quản lý 58 trại tị nạn với gần 5 triệu người Palestine ở Gaza, West Bank, Jordan, Syria, Lebanon. Cơ quan này có 684 trường học miễn phí. Theo Lara Friedman, chủ tịch Quỹ vì hòa bình Trung Đông, vấn đề là quyền trở về của người tị nạn. Và theo tiến sĩ Insaf Rezagui của Ifpo, nếu người tị nạn quay về thì người Do Thái không còn chiếm đa số ở Israel, đây là việc vi phạm dần dà luật pháp quốc tế. Đã có 7 đồng mình của Israel trong đó có Anh, Pháp, Đức kêu gọi ngưng áp dụng hai luật trên, vì "hậu quả tệ hại" cho West Bank và Gaza.
Muốn vực dậy kinh tế, nhưng Tập Cận Bình không quan tâm đến người tiêu thụ
Tại Châu Á, Le Monde ghi nhận "Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nền kinh tế". Từ nhiều tuần qua, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu cho thấy đang chuẩn bị một kế hoạch vực dậy nền kinh tế, thứ trưởng tài chánh Liao Min sang Washington dự họp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Quy mô vẫn chưa rõ, và những lãnh vực nào sẽ được chú ý nhất vẫn chưa được tiết lộ, nhưng điều rõ ràng nhất là Trung Quốc khó thể đạt nổi chỉ tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi mọi ngành có những biện pháp cần thiết. Ngân hàng trung ương giảm lãi suất chỉ đạo, hỗ trợ thị trường chứng khoán sau khi đưa ra chương trình thúc đẩy địa ốc hồi tháng Năm, phát hành trái phiếu để giúp các thành phố đang nợ nần. Trong danh sách một loạt biện pháp vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng : người tiêu thụ.
Tập Cận Bình thường xuyên nói rằng khoa học và công nghệ là "xương sống" cho sự tiến bộ của Trung Quốc, nhất là đối với Hoa Kỳ. Ông Tập cũng nhấn mạnh đến các lãnh vực tương lai – năng lượng mới, bình điện, chất bán dẫn - và sự quan trọng của khu vực nhà nước, nhưng không một lời cho tiêu thụ. Hoàng đế đỏ coi người dân Hoa lục là những cỗ máy lao động nhưng không có quyền phàn nàn.
Tại Hoa Kỳ, tiêu thụ chiếm 68% GDP, tại Đức gần 53%, nhưng ở Trung Quốc chỉ có 39%. Tăng cường phúc lợi xã hội sẽ thuyết phục được người dân Hoa lục chi ra nhiều hơn là tiết kiệm. Nhưng quan điểm này không phù hợp với một chế độ độc tài, khu vực nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Tập Cận Bình không quan tâm đến người tiêu thụ trong cái nhìn rất "đỏ" của ông ta. Thực tế là kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống, khiến cư dân càng lo sợ cho ngày mai. Liệu nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ nửa thế kỷ qua có nhận ra điều này để thích ứng ?
Thụy My
Tình báo Ukraine : Các đơn vị Triều Tiên đã có mặt ở khu vực Kursk
Reuters, VOA, 25/10/2024
Cơ quan tình báo quân đội Ukraine hôm 24/10 cho biết các đơn vị đầu tiên của Triều Tiên được huấn luyện ở Nga đã được triển khai ở khu vực Kursk, khu vực biên giới Nga nơi lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công lớn vào tháng 8 năm nay.
Báo chí Hàn Quốc tại Seoul ngày 21/10/2024, loan tin về quyết định của Triều Tiên gởi quân sang Nga để chiến đấu ở Ukraine.
Điện Kremlin trước đó đã nói rằng các tin tức về việc triển khai quân đội của Triều Tiên là "tin giả". Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/10 tuyên bố việc thực hiện hiệp ước hợp tác với Bình Nhưỡng là chuyện của Moscow.
Ông Putin không phủ nhận việc quân đội Triều Tiên hiện đang ở Nga.
"Các đơn vị quân đội đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được huấn luyện tại cơ sở huấn luyện phía đông nước Nga đã đến khu vực chiến sự của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Đặc biệt, vào ngày 23/10/2024, sự hiện diện của họ đã được ghi nhận trong khu vực Kursk", cơ quan tình báo Ukraine nói.
Họ cho biết tổng cộng khoảng 12.000 binh sĩ Triều Tiên, bao gồm 500 sĩ quan và 3 tướng lĩnh, đã có mặt ở Nga và việc huấn luyện đang diễn ra tại 5 căn cứ quân sự.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov được bổ nhiệm chịu trách nhiệm giám sát việc huấn luyện quân đội Triều Tiên, cơ quan này cho biết.
Ukraine trước đó đã kêu gọi các đồng minh của mình phản ứng mạnh mẽ trước việc Triều Tiên can dự vào chiến tranh bằng cách áp đặt các chế tài mới và cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa.
Hôm 23/10, Mỹ nói họ đã thấy bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã gửi 3.000 quân tới Nga để triển khai ở Ukraine.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã gửi 3.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng đặc biệt, tới vùng Viễn Đông của Nga để huấn luyện và làm quen tại các căn cứ quân sự ở đó, có thể sẽ được triển khai chiến đấu trong chiến tranh.
Mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng ngày càng sâu sắc hơn sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2/2022 và họ đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 6 năm nay.
Ông Putin nói hiệp ước đó bao gồm một điều khoản hỗ trợ lẫn nhau cho mỗi bên để giúp bên kia đẩy lùi sự xâm lược từ bên ngoài.
Triều Tiên đã cung cấp phi đạn đạn đạo và đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine, Kyiv và các đồng minh phương Tây cho biết. Bình Nhưỡng phủ nhận việc này.
Nguồn : VOA, 25/10/2024
*********************************
Mỹ : Bắc Triều Tiên đã gửi 3.000 lính sang Nga chuẩn bị tham chiến tại Ukraine
Thanh Hà, RFI, 24/10/2024
Vào lúc Bình Nhưỡng phủ nhận việc đưa quân sang Nga, chiều qua, 23/10/2024, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận "có bằng chứng Bắc Triều Tiên đã triển khai quân" sang nước láng giềng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự họp nội các tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2024. Reuters - Tom Brenner
Sau nhiều tuần lễ Kiev báo động và thông tin đã được tình báo Hàn Quốc xác nhận, hôm qua lần đầu tiên Washington chính thức công nhận sự hiện diện của 3.000 lính Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Nga để chuẩn bị tham chiến tại Ukraine. Hãng tin Mỹ AP trích lời bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xem đây là "bước kế tiếp" sau khi Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Moskva. Theo lãnh đạo Lầu Năm Góc, Bắc Triều Tiên "có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả trực tiếp" từ hành động này.
Phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết thêm lính Bắc Triều Tiên đã đến Nga bằng đường biển, qua cảng Vladivostok hồi giữa tháng 10/2024. Số này đang được huấn luyện tại nhiều căn cứ quân sự ở miền đông nước Nga. Washington chưa thể xác định rõ đội quân này có sẽ tham chiến bên cạnh lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine hay không, nhưng nếu có thì Bắc Triều Tiên sẽ là một bên tham chiến và như vậy binh lính này cũng sẽ là "những mục tiêu chính đáng" để tấn công.
Theo tình báo Hàn Quốc, hơn một chục ngàn lính Bắc Triều Tiên sẽ được triển khai sang Nga trước cuối 2024. Seoul xem việc Bình Nhưỡng đưa quân sang Nga là một hành vi "khiêu khích" và báo trước là sẽ "không khoanh tay đứng nhìn" trước hợp tác quân sự của trục Vladimir Putin-Kim Jong-un.
Tại trụ sở NATO ở Bruxelles, một phát ngôn viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nói đến một "bước ngoặt quan trọng" trong cuộc "leo thang quân sự". Hạ Viện Nga sáng nay vừa thông qua hiệp định về "đối tác chiến lược toàn diện" với Bắc Triều Tiên, trong đó bao gồm việc "giúp đỡ lẫn nhau" trong trường hợp một trong hai bên bị thách thức về quân sự. Hiệp định này đã được tổng thống Vladimir Putin và lãnh tụ Kim Jong-un ký kết hồi tháng 06/2024 tại Bình Nhưỡng.
Về phía Kiev, lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Budanov hôm qua khẳng định "những người lính Bắc Triều Tiên đầu tiên trên nguyên tắc sẽ được điều đến Kursk vào Thứ Tư tuần tới". Kursk thuộc lãnh thổ Nga, nhưng một phần đang bị quân đội Ukraine chiếm đóng sau đợt phản công bất ngờ vào tháng 08/2024.
Ngày 23/10/2024, Berlin đã triệu đại diện ngoại giao Bắc Triều Tiên lên để phản đối vì coi đây là một "sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Đức, đến hòa bình của Liên Hiệp Châu Âu".
Về phía Moskva, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov hôm qua bác bỏ thông tin Nga đang đón nhận hàng ngàn lính Bắc Triều Tiên, coi đây là "tin nhảm". Nhưng Bộ Ngoại giao Nga tỏ ra mơ hồ về tin trên và khuyên truyền thông quốc tế nên kiểm chứng thông tin với chính quyền Bình Nhưỡng.
Thanh Hà
*****************************
Khoảng 12.000 lính Bắc Triều Tiên dường như đang được huấn luyện tại Nga
Minh Anh, RFI, 23/10/2024
Phát biểu trên truyền hình ngày 22/10/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định có thông tin cho biết rằng hai lữ đoàn Bắc Triều Tiên, mỗi lữ đoàn gồm 6.000 binh sĩ, hiện đang được huấn luyện tại Nga. Nguyên thủ Ukraine cũng tuyên bố Kiev "biết cách đối phó với thách thức này".
Hình ảnh lính Bắc Triều Tiên được chiếu trên TV tại nhà ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Hãng tin Yonhap, dẫn lời lãnh đạo tình báo Ukraine Kyrylo Budanov, cho biết thêm, số binh sĩ Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ đến vùng Kursk của Nga trong ngày 23/10 để hỗ trợ quân đội Nga đối phó với cuộc xâm chiếm của Ukraine trong vùng.
Trang mạng tạp chí Newsweek của Mỹ hôm qua trích dẫn kênh truyền hình Hàn Quốc Chosun cho biết trong tháng 9, Bắc Triều Tiên dường như đã điều động phi công chiến đấu đến Vladivostok, Viễn Đông Nga, theo một nguồn tin chính phủ và điều này có thể liên quan đến việc huấn luyện máy bay chiến đấu mà Nga cấp cho Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không loại trừ khả năng Nga, do đang thiếu phi công chiến đấu trong cuộc chiến tại Ukraine, đã yêu cầu Bắc Triều Tiên hỗ trợ.
Liên quan đến đoạn video công bố hôm 18/10, cho thấy những hình ảnh đầu tiên về binh sĩ Bắc Triều Tiên ở Nga, Ihor Solovei, một lãnh đạo tổ chức chính phủ Ukraine, trả lời phỏng vấn đài NHK Nhật Bản khẳng định đoạn vidéo này đã được một thành viên quân đội Nga ghi lại tại một trung tâm huấn luyện của Nga và nhóm cộng sự của ông đã nhận được đoạn video này 72 giờ sau khi ghi hình.
Lính Bắc Triều Tiên đào ngũ ngay khi tới Nga
Xin nhắc lại, cả Kiev và Seoul hồi cuối tuần qua, đều khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã gởi khoảng 12 ngàn binh sĩ chi viện cho quân đội Nga. Số binh sĩ này có thể đã được triển khai ở vùng Kursk. Nhưng theo Bộ Quốc phòng Ukraine, nhiều binh sĩ Bắc Triều Tiên có lẽ tìm cách đào ngũ.
Từ Seoul, thông tín viên Celio Fioretti tường thuật :
"Mười tám lính Bắc Triều Tiên đã bị chính quyền Nga bắt lại sau khi đã đào ngũ. Trú đóng ở gần Kursk, họ phải theo các hoạt động huấn luyện tại một khu rừng, theo như tình báo Ukraine.
Nhưng bị chuyên gia huấn luyện bỏ đói, những người lính Bắc Triều Tiên này dường như đã bỏ trốn khỏi vị trí. Họ bị bắt lại hai ngày sau cách đó không xa khoảng 60 km. Khó mà biết được số phận dành cho họ sau khi bị bắt.
Theo Kiev, số binh sĩ Bắc Triều Tiên còn lại sẽ phải được triển khai vào đầu tháng 11 sắp tới tại vùng Kursk để hỗ trợ cho quân Nga.
Đối mặt với sự can dự của Bắc Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc thông báo đang xem xét nhiều giải pháp khác nhau, như gởi vũ khí cho Kiev. Nếu như lệnh chuyển giao chưa được chính thức đưa ra, Seoul cũng dự trù gởi đội ngũ nhân viên quân sự đến Ukraine để giúp đỡ quân đội Ukraine lập chiến lược đối phó Bắc Triều Tiên, cũng như tiến hành các cuộc thẩm vấn trong trường hợp bắt giữ tù binh".
Minh Anh
*****************************
Lính Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga tại Ukraine : Những điều được hé lộ
Reuters, VOA, 23/10/2024
Các quan chức ở Ukraine và Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên điều động quân đội, ước tính có thể lên tới hàng nghìn người, để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Ảnh vệ tinh do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) công bố ngày 18/10/2024 cho thấy cơ sở quân sự Ussuriysk của Nga mà NIS nói lính Triều Tiên tập trung để huấn luyện.
Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận các cáo buộc và các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang điều tra các tin tức này.
Các báo cáo
Hôm 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Triều Tiên triển khai các sĩ quan cùng với Nga và chuẩn bị gửi 10.000 binh sĩ để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow.
Hôm 18/10, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết Triều Tiên đã điều động 1.500 lính đặc nhiệm đến Viễn Đông của Nga để huấn luyện và thích nghi tại các căn cứ quân sự ở đó, có thể sẽ được triển khai để chiến đấu trong chiến tranh.
Hàn Quốc cũng cho biết họ đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI để xác định một phái đoàn gồm hàng chục sĩ quan Triều Tiên đến thăm các khu vực tiền tuyến ở Ukraine, để hướng dẫn về phi đạn đạn đạo KN-23 do Triều Tiên sản xuất bắn vào các mục tiêu ở đó.
Phái đoàn bao gồm một nhân vật chủ chốt trong quá trình phát triển phi đạn của Triều Tiên, được các nhà phân tích tại NK PRO có trụ sở tại Seoul xác định là Ri Song-jin, người đã được thấy trong các bức ảnh vào năm ngoái khi đi cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến các nhà máy sản xuất phi đạn.
Các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã bị phát hiện đang di chuyển quân đội đặc nhiệm Triều Tiên đến Vladivostok từ ngày 8 đến ngày 13/10 và dự kiến sẽ sớm tiếp tục nỗ lực đó, NIS cho biết.
Quân đội Triều Tiên đã được cung cấp quân phục, vũ khí và giấy tờ tùy thân giả của Nga trước khi được triển khai để chiến đấu, cơ quan này nói.
Tại sao Triều Tiên lại giúp Nga ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một hiệp ước mà ông đã ký với Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6 bao gồm một điều khoản hỗ trợ lẫn nhau để bên này giúp bên kia đẩy lùi sự xâm lược từ bên ngoài.
Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là Nga có thể bị lôi kéo vào việc ủng hộ Bình Nhưỡng trong một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên hay Triều Tiên có thể đứng về phía Nga trong một cuộc xung đột với phương Tây hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hiệp ước này "ngụ ý sự hợp tác sâu sắc thực sự mang tính chiến lược trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả an ninh".
Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên có thể hưởng lợi từ việc cung cấp vũ khí và quân đội bằng cách tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết từ hoạt động trên chiến trường.
Bình Nhưỡng, bị chế tài nặng nề vì chương trình vũ khí hạt nhân của mình, dường như cũng đang nhập khẩu dầu và các sản phẩm khác từ Nga, theo các cơ quan tình báo nước ngoài và hình ảnh vệ tinh thương mại được các nhà phân tích xem xét.
Một báo cáo của một nhóm nghiên cứu liên kết với NIS của Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên đang thiếu tiền mặt đã kiếm được khoảng 540 triệu đô la vào năm ngoái từ việc bán vũ khí cho Nga.
Phản ứng đã như thế nào ?
Hôm 21/10, Hàn Quốc cho biết họ đã phản đối tới đại sứ Nga.
Ông Peskov của Nga đã bác bỏ các tin tức về quân đội Triều Tiên ở Ukraine là "tin giả".
Vào ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Loyd Austin nói ông không thể xác nhận các tin tức cho rằng Triều Tiên đã gửi quân đến Nga trước những gì có thể là một cuộc triển khai cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nói thêm rằng một động thái như vậy sẽ đáng lo ngại, nếu đúng.
Tuần trước, người đứng đầu NATO Mark Rutte cũng cho biết không có bằng chứng nào về sự hiện diện của Bình Nhưỡng ở giai đoạn này.
Nếu các tin tức là đúng, thì điều này "cho thấy mức độ tuyệt vọng" ở Nga, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói hôm 18/10.
Tác động của lực lượng Triều Tiên sẽ là gì ?
Nga đã bắn hàng chục phi đạn đạn đạo do Triều Tiên sản xuất và đã nhận được một số lượng lớn đạn pháo và phi đạn chống tăng, theo Hàn Quốc, Ukraine, Hoa Kỳ và các nhà nghiên cứu độc lập.
Các nhà phân tích quân sự cho biết có những câu hỏi về cách Nga sẽ đưa quân đội Triều Tiên vào thực địa và rằng, giống như vũ khí, việc đưa quân đội vào sẽ không thể thay đổi cuộc chơi nhưng có thể giúp kéo dài cuộc xung đột.
Nguồn : VOA, 23/10/2024
******************************
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
Reuters, VOA, 23/10/2024
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 23/10 cho biết có bằng chứng cho thấy quân đội Triều Tiên đang có mặt ở Nga nhưng chưa rõ họ sẽ làm gì ở đó.
Quân đội Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng.
"Có bằng chứng cho thấy có quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở Nga", ông Austin nói với các phóng viên tại Rome.
"Chính xác thì họ đang làm gì ? Còn phải xem. Đây là những điều chúng ta cần phải làm rõ", ông Austin nói thêm.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết hôm 23/10 rằng Triều Tiên đã gửi 3.000 quân đến Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine, sau khi được cơ quan tình báo quốc gia thông báo, một ước tính gấp đôi con số trước đó.
Các nhà lập pháp cho các nhà báo biết rằng Bình Nhưỡng đã hứa sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 10.000 quân và việc triển khai dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12.
Những con số mới nhất được đưa ra sau khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Seoul trước đó cho biết hôm 18/10 rằng Triều Tiên đã gửi khoảng 1.500 lực lượng đặc nhiệm đến Nga bằng tàu.
"Dấu hiệu của việc quân đội được huấn luyện bên trong Triều Tiên đã được phát hiện vào tháng 9 và tháng 10", Park Sun-won, thành viên của một ủy ban tình báo quốc hội, cho biết sau cuộc họp báo.
"Có vẻ như quân đội hiện đã được phân tán đến nhiều cơ sở huấn luyện ở Nga và đang thích nghi với môi trường địa phương".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đã cáo buộc Bình Nhưỡng chuẩn bị gửi 10.000 quân đến Nga, kêu gọi các đồng minh hôm 22/10 phản hồi bằng chứng về sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc chiến của Nga.
Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc chuyển giao vũ khí nhưng đã cam kết tăng cường quan hệ quân sự, ký một hiệp ước phòng thủ chung tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6. Điện Kremlin đã bác bỏ tuyên bố của Hàn Quốc về việc điều động quân đội của Triều Tiên là "tin giả".
Hôm 22/10, một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ cho biết Washington đang tham vấn với các đồng minh về những tác động của sự tham gia của Triều Tiên, đồng thời nói thêm rằng một diễn biến như vậy sẽ là "diễn biến nguy hiểm và đáng lo ngại" nếu đúng sự thật.
Bình Nhưỡng chưa công khai phản hồi các tuyên bố của Seoul và Kyiv, nhưng các nhà chức trách ở Triều Tiên đã nỗ lực ngăn chặn tin tức về việc điều động này lan truyền, theo ông Lee Seong-kweun, một nhà lập pháp khác trong ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc cho biết.
"Thậm chí còn có thông tin rằng gia đình của những người lính được chọn đã khóc rất nhiều đến nỗi mặt họ bị thương nặng", ông Lee nói khi trích dẫn thông tin từ cơ quan tình báo.
"Cũng có dấu hiệu cho thấy chính quyền Triều Tiên đang di dời và cô lập những gia đình đó ở một địa điểm nhất định để kiểm soát hiệu quả và trấn áp triệt để những tin đồn".
Ông Lee cũng cho biết cơ quan này xác nhận rằng Nga đã tuyển dụng "một số lượng lớn" phiên dịch viên cho những người lính Triều Tiên, đồng thời đào tạo họ cách sử dụng các thiết bị quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái.
"Các giảng viên người Nga đang đánh giá rằng quân đội Triều Tiên có các thuộc tính thể chất và tinh thần tuyệt vời nhưng lại thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái", nhà lập pháp này nói thêm.
"Do đó, có thể có nhiều thương vong nếu họ được triển khai ra tiền tuyến".
Ông Park cho biết Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự can thiệp nhanh chóng của Nga trong trường hợp có tình huống bất trắc trên bán đảo Triều Tiên cũng như nhận được hỗ trợ kinh tế.
Hôm 23/10, văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã thúc giục rút quân ngay lập tức khỏi Nga, cảnh báo rằng họ có thể cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu quan hệ quân sự giữa hai nước đi quá xa.
Reuters